Bệnh viêm họng: Đâu là nguyên nhân và cách điều trị “một đi không trở lại”
Viêm họng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, những cũng có thể do nguyên nhân khác.
Bệnh viêm họng là gì? Có lây không?
Viêm họng là tình trạng viêm và kích ứng của họng, phần cổ sau miệng và lưỡi. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như đau họng, khó nuốt, và có thể kèm theo ho hoặc sưng các hạch lympho ở cổ.
Bệnh lý này thường được gây ra bởi nhiễm trùng, nhưng cũng có thể do các nguyên nhân khác như dị ứng, khô họng, kích ứng hóa học, hoặc trào ngược axit.
Viêm họng có thể lây nhiễm hoặc không lây nhiễm tùy thuộc vào nguyên nhân. Đối với viêm họng do vi khuẩn và virus, bệnh có thể lây lan khi hít phải giọt bắn của người bệnh, hôn hoặc ăn uống chung.
Bệnh gồm những loại nào?
Dựa vào tình trạng bệnh, viêm họng được chia làm 2 cấp độ gồm cấp tính và mãn tính. Ở mỗi thể bệnh, người bệnh sẽ có những đặc điểm lâm sàng khác nhau.
Viêm họng cấp tính
Đây là tình trạng bệnh ở giai đoạn đầu, mức độ cấp tính thường do nguyên nhân virus, vi khuẩn xâm nhập gây nên nhiễm trùng. Bệnh viêm họng cấp tính được chia làm các thể bệnh nhỏ hơn như sau:
- Viêm họng đỏ: Phổ biến nhất, thường gặp vào thời điểm giao mùa. Bệnh khiến cho toàn bộ phần niêm mạc họng bị sưng đỏ và nóng rát.
- Viêm họng liên cầu: Bệnh xảy ra do liên cầu khuẩn, khiến toàn bộ lớp niêm mạc họng bị viêm, xuất hiện giả mạc màu trắng. Đây là thể bệnh nặng, có thể gây biến chứng nguy hiểm.
Viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính là kết quả của viêm cấp tính đã chuyển biến xấu đi. Bệnh thường khởi phát do nguyên nhân không nhiễm trùng, được chia làm 3 thể chính:
- Viêm họng teo: Bệnh xảy ra khi niêm mạc họng bị teo, mỏng lại và suy giảm chức năng tiết chất dịch nhầy. Viêm họng teo thường gặp ở người cao tuổi và những người bệnh bị trĩ mũi.
- Viêm họng hạt: Bệnh viêm họng hạt hay còn gọi là viêm họng quá phát thường xảy ra do bệnh tái phát nhiều lần, dẫn đến các bạch huyết ở thành họng biến thành các hạt to, nổi cộm, màu trắng, không gây đau, ngứa.
- Viêm họng cấp mãn tính xuất tiết: Ở mức độ bệnh này, cổ họng người bệnh sẽ xuất hiện nhiều chất dịch nhầy màu trong suốt.
Nguyên nhân gây nên bệnh viêm họng
Bệnh viêm họng thường do những nguyên nhân sau:
- Virus: Bệnh viêm họng thường do virus (chiếm 80% trường hợp). Bệnh xảy ra khi virus từ bệnh sởi, cúm, virus APC,… xâm nhập cơ thể.
- Vi khuẩn: Vi khuẩn liên cầu (chủ yếu là vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây viêm họng liên cầu khuẩn nhóm A), vi khuẩn phế cầu hoặc sự phát triển quá độ của các loại vi khuẩn đang “cư trú” sẵn trong khoang miệng.
- Dị ứng: Một số tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, thời tiết hay thức ăn,… cũng có thể là nguyên nhân gián tiếp gây bệnh. Viêm họng do dị ứng thường đi kèm với một số bệnh lý về đường hô hấp khác như viêm mũi dị ứng, viêm mũi họng cấp, viêm xoang…
- Tổn thương ở họng: Những người thường xuyên phải nói nhiều hoặc nói to thường dễ mắc bệnh viêm họng hơn so với người bình thường.
- Không khí khô: Người thường xuyên làm việc trong điều kiện không khí khô, thiếu ẩm cũng sẽ khiến cho cổ họng bị đau rát, ngứa, khó chịu, lâu dần sinh ra tổn thương.
- Tác nhân bên ngoài: Bệnh có thể xảy ra do một số tác nhân khác như khói bụi, khói thuốc lá, nấm mốc trong không khí,…
- Bệnh lý: Viêm họng có thể là hệ quả của một số bệnh lý khác như trào ngược dạ dày, dị hình vách ngăn, tiểu đường, polyp mũi,…
XEM THÊM: Viêm Họng Trào Ngược Có Nguy Hiểm Không? Cách Chữa
Biểu hiện viêm họng cấp, mãn tính cần biết
Viêm họng cấp
- Người bệnh có thể bị sốt cao từ 39-40 độ, chán ăn, ngủ kém và đau nhức toàn cơ thể
- Đau rát cổ họng, người bệnh cảm thấy khô họng, nóng ran khi nói, nuốt hoặc ho
- Ho hắng thường xuyên
- Giọng bị khàn
- Nước mũi chảy nhiều
- Ngạt mũi, khó chịu
- Phần niêm mạc cổ họng bị đỏ, sưng tấy và phù nề
- Một số trường hợp bị sưng 2 bên vị trí amidan hoặc trên bề mặt amidan có chất dịch nhầy bám vào
- Đau đầu, người mệt mỏi
- Cổ sưng hạch kèm tình trạng đau nhức.
Viêm họng mãn tính
- Cổ họng bị đau rát và ngứa ngáy thường xuyên
- Cảm giác vướng víu ở cổ họng khiến người bệnh phải khạc nhổ thường xuyên, đặc biệt là khi mới ngủ dậy
- Ho hắng nhiều vào ban đêm hoặc sáng ngủ dậy
- Thể bệnh viêm họng quá phát có dấu hiệu: Thành họng đỏ, có các hạt nhỏ màu hồng, nổi cộm ở niêm mạc họng xung quanh, dễ buồn nôn và nhạy cảm hơn ở cổ họng
- Dấu hiệu viêm họng teo: Niêm mạc họng bị trắng, nhìn thấy rõ nhiều mạch máu nhỏ, dịch nhầy khô, có thể biến thành vảy rồi dính vào thành mạch niêm mạc.
- Dấu hiệu viêm họng xuất tiết: Cổ họng có thể bị sưng đỏ, xuất tiết trong suốt, có chất nhầy.
Biến chứng bệnh viêm họng không thể chủ quan
Viêm họng không phải là bệnh lý nguy hiểm. Tuy nhiên bệnh có thể gây ra những vấn đề sau nếu không được điều trị:
- Nhiễm trùng lan rộng dẫn đến viêm mũi, viêm phế quản, viêm thanh quản, viêm xoang, viêm tai
- Nguy cơ mắc bệnh viêm cầu thận
- Viêm hạch mủ
- Nhiễm trùng huyết
- Sưng, viêm tấy quanh khu vực amidan
Nếu người bệnh đang gặp phải thể viêm họng mãn tính, bệnh có thể chuyển biến sang những biến chứng như:
- Viêm thanh quản
- Viêm phế quản
- Viêm amidan
- Áp xe amidan
- Suy nhược thần kinh và cơ thể
Điều trị bệnh viêm họng như thế nào?
Viêm họng có dấu hiệu và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe khác nhau, bởi thế, việc điều trị bệnh cũng phải phụ thuộc vào từng mức độ bệnh.
Chữa bệnh viêm họng cấp tính
Điều trị bằng thuốc:
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Thuốc kháng sinh cho trường hợp viêm nhiễm do vi khuẩn
- Thuốc kháng viêm
- Dùng dung dịch Nacl 0.9%
- Thuốc điều trị dị ứng như thuốc kháng histamin
- Thuốc long đờm và trị ho,…
Có thể hỗ trợ bằng các mẹo dân gian tại nhà:
- Chanh và mật ong: Vắt lấy ½ quả chanh lấy nước cốt rồi thêm 3 thìa mật ong, cho thêm nước ấm, khuấy đều và sử dụng khi trà chanh mật ong còn ấm.
- Gừng tươi chữa viêm họng: Cắt gừng thành từng lát mỏng, cho thêm nước rồi đun sôi, hãm nước gừng và cho thêm mật ong vào để uống.
- Lá bạc hà: Rửa sạch lá bạc hà rồi nhai trực tiếp, nuốt nước và nhả bã ra ngoài.
- Vỏ quýt: Lấy vỏ quýt tươi cạo lớp vỏ bên ngoài, thái gừng thành từng lát mỏng rồi cho cả 2 vào chén cùng mật ong. Hấp cách thủy hỗn hợp kể trên trong khoảng 10-15 phút rồi để nguội, dùng cả nước lẫn cái.
- Dùng đồ uống nóng: Uống đồ uống nóng có thể làm giảm triệu chứng viêm, cảm cúm, hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả. Người bệnh có thể uống nước ấm vào buổi sáng, trà nóng, nước chanh ấm…
- Nước, muối và dấm trắng: Pha một cốc nước ấm, thêm muối, mật ong và dấm trắng rồi uống dung dịch này từng nhấp nhỏ để hỗn hợp hấp thụ vào thành mạch niêm mạc.
Chữa bệnh viêm họng thể mãn tính
Điều trị y tế gồm các phương pháp:
- Dùng thuốc
- Thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm
- Thuốc giảm đau, hạ sốt
- Các loại thuốc điều trị triệu chứng
- Can thiệp bằng phương pháp ngoại khoa cho người bệnh bị viêm họng mãn tính nặng, điều trị thông thường không hiệu quả.
- Nếu viêm họng mãn tính quá phát, bác sĩ có thể áp dụng kỹ thuật đốt điện, đốt nóng, laser, sử dụng nitro lạnh để loại bỏ các lympho xuất hiện ở thành họng.
- Đốt viêm họng hạt
Người bệnh viêm họng nên ăn gì, kiêng gì?
Nên ăn:
- Thực phẩm giàu vitamin C và kẽm để tăng cường sức đề kháng, cải thiện khả năng chống bệnh
- Đồ ăn mềm, dễ nuốt như súp, cháo (súp khoai tây, cháo yến mạch, bí đỏ,…)
- Đồ ăn trơn mát như canh rau mồng tơi, rau đay, bí, mướp,… để làm dịu cổ họng, thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm…
- Sữa chua
- Tỏi
- Mật ong
- Uống nhiều nước
Nên kiêng:
- Đồ ăn lạnh như kem, đá lạnh
- Đồ cay nóng
- Đồ ăn cứng như óc chó, hạt hướng dương, đồ nướng,…
- Đồ uống có cồn hoặc chất kích thích
- Thuốc lá
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Để hạn chế nguy cơ mắc phải bệnh viêm họng bạn nên áp dụng những bước sau:
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối ấm thường xuyên vào buổi sáng và tối trước khi đi ngủ.
- Giữ ấm cho vùng cổ họng, mũi, miệng khi thời tiết lạnh.
- Tạo thói quen đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, đề phòng bụi bẩn xâm nhập đường hô hấp và ngăn lây nhiễm bệnh.
- Tránh đồ quá lạnh hoặc quá nóng.
- Không hôn, dùng chung đồ, ăn chung với người đang bị viêm họng hoặc các bệnh lý về mũi họng do vi khuẩn, virus.
Bệnh viêm họng không nguy hiểm và được chữa khỏi nhanh. Tuy nhiên bệnh có các triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe nếu không được chữa trị tốt. Vì vậy bạn nên áp dụng các cách chăm sóc và dùng thuốc (nếu cần) theo chỉ định.
XEM NGAY:
- Viêm Họng Có Đờm: Cách Chữa Hiệu Quả Nhất
- Viêm Họng Xung Huyết Có Nguy Hiểm Không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!