TỔNG QUAN VỀ BỆNH Sỏi thận
Theo thống kê, có tới khoảng 10-14% người Việt có sỏi trong thận. Sự tích luỹ của sỏi trong một khoảng thời gian có thể dẫn tới bít tắc đường tiểu kèm theo những cơn đau dữ dội. Nhận biết sớm những dấu hiệu sỏi thận để sớm có biện pháp điều trị phù hợp sẽ giúp bạn tránh khỏi những biến chứng có thể xảy ra.
Sỏi thận là bệnh gì?
Sỏi thận là vật thể cứng được tạo thành từ sự lắng đọng các chất cặn có trong nước tiểu. Có 4 loại sỏi thận phổ biến là: sỏi canxi, sỏi phosphat, sỏi acid uric và sỏi cystein.
Nước tiểu có chứa nhiều chất thải hoà tan để đào thải chúng ra ngoài qua hệ tiết niệu. Tuy nhiên, khi lượng nước tiểu ít, nồng độ chất thải cao, các tinh thể bắt đầu kết tinh và lắng đọng. Khi đó, chúng sẽ thu hút những chất khác, liên kết lại, dần phát triển thành khối rắn chắc hơn, hình thành sỏi thận.
Sau khi hình thành, sỏi có thể ở trong thận hoặc di chuyển theo dòng nước xuống đường tiết niệu vào niệu quản. Đôi khi, có những viên sỏi nhỏ có thể di chuyển ra khỏi cơ thể theo nước tiểu mà không gây đau đớn. Còn những viên sỏi kích thước lớn, cạnh sắc nhọn có thể găm vào niêm mạc đường tiết niệu gây đau đớn, cản trở đường lưu thông của nước tiểu.
Nguyên nhân gây bệnh
Sỏi thận có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ khi bắt đầu mới kết tinh, lắng đọng trong đường niệu và hình thành sỏi thận. Một số nguyên nhân chủ yếu như:
Cơ thể bị thiếu nước nên không đủ đảm bảo cho thận bài tiết, các tinh thể đạt nồng độ bão hoà trong nước tiểu.
Khi chế độ ăn có chứa nhiều muối, cơ thể cần tăng đào thải Na+, theo đó, ion canxi cũng bị kéo theo ra ngoài ống thận, tạo điều kiện thuận lợi cho sỏi canxi hình thành.
Trong chất đạm có chứa một lượng lớn nhân purin, sau chuyển hoá tạo thành acid uric. Do đó, trong chế độ ăn nhiều đạm, lượng acid uric sẽ tăng cao trong máu, hình thành tinh thể muối urat, lắng đọng tại thận và tăng nguy cơ hình thành sỏi.
Sau khi đi vào cơ thể, vitamin C sẽ nhanh chóng được chuyển hoá thành oxalat. Nếu bổ sung vitamin C quá mức trong ngày sẽ tăng nguy cơ hình thành sỏi oxalat.
Trường hợp trong gia đình có thành viên từng mắc sỏi thận thì nguy cơ mắc bệnh cũng gia tăng đáng kể.
Sự xâm nhập của vi khuẩn gây viêm nhiễm đường niệu kéo dài có thể tạo ra mủ và lắng đọng các chất gây sỏi thận.
Đường niệu tắc nghẽn do phì đại tuyến tiền liệt, túi thừa trong bàng quang hay dị dạng đường niệu,... sẽ khiến dòng chảy của nước tiểu bị gián đoạn, những chất cặn bị giữ lại, lâu ngày lắng đọng sinh ra sỏi thận.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra, đường fructose có thể trực tiếp làm gia tăng nguy cơ sỏi thận bằng cách thay đổi pH và gia tăng nồng độ oxalate, magie trong nước tiểu. Mặt khác, một số bằng chứng cho thấy fructose làm tăng giữ nước nội bào ngay cả khi áp lực thẩm thấu của máu cao. Kết quả là lượng nước tiểu thấp làm gia tăng nguy cơ sỏi thận và gây tổn thương thận cấp tính do tinh thể urat.
Đối tượng dễ mắc
Việt Nam là đất nước nhiệt đới ẩm gió mùa có nhiệt độ cao, tốc độ thoát nước qua mồ hôi khá lớn nên được coi là vùng dịch tễ sỏi. Căn bệnh này có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng thường dễ gặp hơn ở những đối tượng sau:
- Phụ nữ ngoài 30, cùng với sự giảm của hormone sinh dục nữ, khả năng hấp thu canxi từ máu vào xương giảm dần, gia tăng nồng độ canxi máu, tăng bài tiết canxi tại thận và đường niệu. Mặt khác, đây cũng là đối tượng dễ loãng xương nên thường xuyên sử dụng những sản phẩm bổ sung canxi.
- Nhân viên văn phòng, lái xe có thói quen ngồi lâu, nhịn tiểu và uống ít nước.
- Người có vấn đề về đường tiêu hóa khiến cơ thể không hấp thu được citrat - yếu tố quan trọng trong việc tạo sỏi.
- Bệnh nhân bị viêm ruột, cắt một phần ruột non.
- Người bẩm sinh có vấn đề tại thận, đường niệu hay mắc các bệnh viêm đường tiết niệu khác.
- Bệnh nhân Gout, rối loạn chuyển hóa acid nucleic làm gia tăng sự lắng đọng uric tại thận
Triệu chứng thường gặp
Khi di chuyển tự do trong thận, niệu quản theo dòng chảy, sỏi thận thường không gây ra triệu chứng nào. Cho đến khi sỏi thận bị mắc kẹt lại, chặn dòng nước tiểu thì người bệnh có thể gặp được một trong những triệu chứng sau:
- Cơn đau đột ngột khi bạn hoạt động gắng sức hay có sự vận động mạnh
- Đau dữ dội ở hố thắt lưng 1 bên, rồi sau đó sẽ lan ra trước và xuống dưới.
- Cơn đau xuất hiện theo từng đợt, dao động về cường độ.
- Đau đớn, nóng rát khi đi tiểu.
- Buồn nôn, nôn mửa, chướng bụng,...
- Sốt kèm rét run nếu có nhiễm trùng
- Tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần
- Nước tiểu đục, có mùi hôi.
- Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu (tiểu ra máu).
Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người bệnh dù bị sỏi nhưng không hề có triệu chứng đau hoặc chỉ đau ê ẩm vùng thắt lưng không quá nổi bật.
Biến chứng của sỏi thận
Sỏi thận nếu không được khắc phục và điều trị kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như:
Với hình dạng xù xì nhiều góc cạnh, sỏi thận khi di chuyển có thể cọ xát khiến niêm mạc ống thận bị tổn thương. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm tại thận và đường tiết niệu.
Càng về sau, kích thước của sỏi ngày càng tăng lên. Một lúc nào đó nó sẽ gây bít tắc một phần hoặc toàn bộ đường niệu. Nước tiểu không thể chảy từ thận xuống bàng quang để thoát ra ngoài có thể gây ứ đọng, tiểu buốt, tiểu rắt hoặc gây ra tình trạng “dòng chảy ngược dòng” của nước tiểu từ niệu quản về thận.
Tắc nghẽn đường niệu do sỏi thận lâu ngày không khỏi có thể dẫn tới nhiễm khuẩn cấp tính tại các đài thận, niệu quản, bể thận. Trong trường hợp nặng có thể gây viêm bể thận cấp với những triệu chứng đột ngột như sốt cao, đau hông dữ dội, đái ra mủ,...
Sỏi ở đài thận có thể gây ứ nước một phần thận, còn sỏi niệu quản lại gây ứ nước toàn thận và niệu quản. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, thận sẽ bị giãn rộng. Vượt qua 6 tuần, nhu mô thận khó có khả năng phục hồi.
Vỡ thận là biến chứng khi thận ứ quá nhiều nước. Dưới áp lực của nước, vách thận mỏng sẽ bị vỡ ra. Tuy nhiên, rất hiếm khi gặp phải tình trạng này, bởi trước khi thận vỡ ra, đường niệu có thể đã bị hoại tử bởi tình trạng viêm nhiễm hay những cơn đau quặn thận xuất hiện dưới áp lực cao của nước.
Tình trạng ứ nước, nhiễm trùng lâu ngày sẽ dần phát huỷ nhu mô thận. Cơ thể của bạn vẫn có thể chịu đựng được khi 50% đơn vị thận bị mất đi. Tuy nhiên, nếu số đơn vị thận bị hỏng lên tới 75% thì bạn phải đối mặt với nguy cơ suy thận cấp hoặc mãn tính.
Cách chẩn đoán
Để chẩn đoán chính xác về sỏi thận, các bác sĩ sẽ dựa trên kết quả thăm khám lâm sàng và những xét nghiệm cận lâm sàng chi tiết:
Chẩn đoán lâm sàng
Các bác sĩ sẽ dựa trên vị trí đau, tính chất cơn đau xuất hiện để xác định vị trí mà sỏi đang nằm là thuộc đường tiết niệu trên (sỏi thận, bể thận, niệu quản) hay đường tiết niệu dưới (sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo).
Thăm hỏi về tiền sử mắc bệnh, thói quen ăn uống, những loại thuốc đang điều trị, công việc, thói quen sinh hoạt hàng ngày,... để đánh giá xem những thói quen nào có thể gây ra sỏi thận.
Chẩn đoán cận lâm sàng
Để xác định chính xác vị trí, kích thước và dạng sỏi mà các bác sĩ có thể chỉ định những xét nghiệm như:
- Siêu âm: Phát hiện vị trí của sỏi, tiên lượng được độ nước tại thận, niệu quản cũng như độ dày, mỏng của mô thận. Phương pháp này cũng giúp phát hiện ra khỏi ngay khi chúng chưa có triệu chứng rõ rệt.
- Xét nghiệm nước tiểu: Là xét nghiệm bắt buộc trong chẩn đoán sỏi thận. Chỉ số pH nước tiểu, soi lắng cặn nước tiểu giúp phát hiện được có nhiễm trùng đường niệu hay không. Đồng thời, biện pháp này cũng giúp kiểm tra lượng canxi và acid uric có trong nước tiểu.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này được thực hiện để kiểm tra nồng độ canxi, phốt pho, acid uric có trong máu của bạn. Từ đó, góp phần xác định nguyên nhân gây sỏi thận.
- Chụp X-quang bụng: cho các bác sĩ biết vị trí sỏi cản quang, số lượng, kích thước, hình dạng của sỏi.
Phương pháp điều trị
Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị sỏi thận như tây y, đông y, cùng các biện pháp ngoại khoa khác.
Tây y
Các thuốc tây y chủ yếu làm giảm cơn đau nhức do sỏi thận gây ra:
- Thuốc giảm đau: Bác sĩ sử dụng thuốc kháng viêm không steroids như Diclofenac. Trường hợp không hiệu quả, các bác sĩ sẽ cân nhắc sử dụng morphin.
- Thuốc giãn cơ: tiêm tĩnh mạch Buscopan, Drotaverin,..
- Kháng sinh: Sử dụng khi có dấu hiệu nhiễm trùng, sử dụng kháng sinh như Cephalosporin thế hệ 3, Quinolon và các Aminosid.
Tuy nhiên, những thuốc tây y chỉ giúp giảm đau tạm thời, sỏi vẫn trong đường niệu và gây đau khi hết thuốc. Do vậy, khi bị sỏi thận, cần có can thiệp ngoại khoa thích hợp để giải quyết tình trạng này.
Ngoại khoa
Vị trí, kích thước và các biến chứng mà sỏi gây ra tại thận sẽ quyết định phương pháp mổ sỏi thận phù hợp, tiết kiệm chi phí nhất.
- Sỏi ở niệu quản gần bàng quang: Dùng ống nội soi bán cứng và tia laser để bắn phá thành mảnh nhỏ rồi kéo ra ngoài.
- Sỏi ở trên cao: Sử dụng phương pháp nội soi ống mềm, đưa ông lên qua niệu đạo để tiếp cận sỏi rồi sau đó mới bắn phá.
- Sỏi ở trung thận: Sử dụng máy tán sỏi qua da, đâm một lỗ trên thận nhỏ để phá sỏi, trực tiếp lấy sỏi ra. Nếu sỏi chỉ 1cm thì có thể tán sỏi ngoài cơ thể, không xâm lấn, tiết kiệm chi phí.
Phương pháp ngoại khoa giúp lấy sỏi ra khỏi cơ thể nhưng lại không tác dụng để ngăn chặn sỏi thận hình thành. Do đó, mặc dù đã tán sỏi thành công nhưng sau một thời gian sỏi lại có thể hình thành trở lại.
Đông y
Phương pháp Đông y được phần đông người bệnh lựa chọn bởi đây là phương pháp sử dụng những sản phẩm thảo dược tự nhiên, an toàn, lành tính với sức khỏe.
Thuốc nam thường đưa lại hiệu quả chậm hơn so với thuốc tây hay phẫu thuật. Với cơ chế trị bệnh từ gốc, kết hợp với bồi bổ, cải thiện chức năng tạng thận, dưỡng huyết, ngăn chặn sỏi tích tụ sỏi trở lại thì điều trị sỏi thận bằng y học cổ truyền đem lại hiệu quả chậm nhưng chắc, bền vững, lâu dài.
Phòng tránh và lưu ý
Sỏi thận rất dễ xuất hiện bởi những thói quen sinh hoạt kém khoa học hàng ngày. Chính vì vậy, cần áp dụng ngay những biện pháp dự phòng sau đây:
- Uống nhiều nước hàng ngày, khoảng 2 – 3 lít là tốt nhất để tăng cường hoạt động đào thải tại thận.
- Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều acid citric trong rau xanh, củ quả, trái cây. Hoạt chất này giúp ngăn chặn hình thành sỏi và cũng ngăn không chúng phát triển thêm.
- Hạn chế sử dụng thực phẩm chứa nhiều oxalat trong đa dạng các loại thực phẩm thông thường.
- Bổ sung vitamin C theo đúng hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc.
- Bổ sung lượng canxi đầy đủ đối với nhu cầu của cơ thể để phòng ngừa sỏi thận, đau lưng hiệu quả.
- Giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày, tránh đồ ăn chứa nhiều natri như pizza, đồ hộp,...
- Bổ sung magie thông qua các loại thực phẩm, khoảng 400mg/ngày giúp giảm khả năng hấp thụ oxalat của ruột, từ đó phòng ngừa sỏi thận hiệu quả.
- Giảm sử dụng các loại thực phẩm giàu protein động vật như thịt, cá, sữa… vì làm tăng bài tiết canxi, giảm citrate, lượng purin lớn được hấp thụ và phân hủy thành axit uric gây tăng nguy cơ hình thành sỏi thận gây đau lưng.
- Tích cực tập luyện thể dục thể thao đều đặn để nếu sỏi mới hình thành kích thước nhỏ có thể di chuyển ra ngoài dễ dàng hơn theo đường niệu.
Sỏi thận có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và gây ra những cơn đau quặn nghiêm trọng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm tới sức khoẻ. Nếu xuất hiện những cơn đau bất thường hay nước tiểu lẫn máu, hãy đến ngay các trung tâm y tế để được thăm khám, điều trị đúng cách, kịp thời tránh những biến chứng có hại có thể xảy ra.