Có nên cắt amidan không? Khi nào được chỉ định phải cắt?

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Viêm amidan Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh viêm amidan không chỉ gây ra những triệu chứng khó chịu mà còn có khuynh hướng tái đi tái lại thường xuyên. Nhiều bệnh nhân muốn làm phẫu thuật để nhanh chóng chấm dứt nỗi ám ảnh này nhưng không biết liệu có nên cắt amidan không? Trên thực tế, quyết định mổ chỉ được đưa ra sau khi bác sĩ đã cân nhắc kỹ tình trạng bệnh và sức khỏe tổng thể của từng bệnh nhân.

Có nên cắt amidan không?

Cắt amidan là một trong những phương pháp điều trị ngoại khoa được áp dụng cho một số trường hợp mắc viêm amidan. Bệnh lý này xảy ra khi vi khuẩn, virus tấn công vào cơ thể khiến cho các khối amidan nằm hai bên thành họng bị sưng to, gây đau đớn, cản trở đường ăn uống và có thể khiến bệnh nhân bị sốt, khó thở.

Có nên cắt amidan không
Quyết định có nên cắt amidan hay không sẽ được bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố

Sử dụng thuốc là phương pháp chữa viêm amidan được lựa chọn cho hầu hết các trường hợp trong thời gian đầu điều trị. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng đáp ứng được với thuốc bác sĩ kê đơn. Trong nhiều trường hợp, bệnh còn tái đi tái lại nhiều lần hoặc gây biến chứng làm ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý, sức khỏe cũng như chất lượng sống của bệnh nhân. Lúc này, việc phẫu thuật cắt amidan là điều cần thiết.

Phẫu thuật cắt amidan liên quan đến việc sử dụng công nghệ plasma, dao điện, tia laser hoặc bóc tách kết hợp với thòng lọng để loại bỏ khối amidan. Mặc dù phẫu thuật có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân nhưng cũng tiềm ẩn một số biến chứng và tác hại cho cơ thể. Chính vì vậy mà quyết định có nên cắt amidan hay không sẽ được bác sĩ cân nhắc cẩn thận sau khi đã thăm khám kỹ lưỡng và xem xét nhiều yếu tố như tình trạng bệnh, tuổi tác, mức độ ảnh hưởng của bệnh cũng như sức khỏe tổng thể của từng cá nhân.

>> Tìm hiểu thêm: Các phương pháp phẫu thuật cắt amidan được áp dụng hiện nay

Có nên cắt amidan ở trẻ em?

Do hệ miễn dịch còn non yếu, trẻ em rất dễ bị viêm amidan khi bị virus, vi khuẩn tấn công, đặc biệt là trong giai đoạn từ 5 – 10 tuổi. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở trẻ như chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, thói quen mút tay, ngậm đồ chơi, sinh sống trong môi trường ô nhiễm hoặc có khí hậu lạnh… Ngoài ra, một số bệnh lý như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm VA hay bệnh sởi nếu không được kiểm soát tốt đều có thể gây bệnh viêm amidan ở trẻ.

Amidan là một trong những bộ phận quan trọng của hệ miễn dịch. Việc cắt amidan khi tuổi của trẻ còn quá nhỏ thường không được khuyến nghị vì có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phòng vệ tự nhiên của cơ thể.

Có nên cắt amidan ở trẻ em
Trẻ dưới 4 tuổi không nên cắt amidan trừ một số trường hợp đặc biệt

Chính vì lý do trên, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định cắt amidan cho trẻ khi bé được 4 tuổi, bệnh tái phát nhiều hơn 5 lần mỗi năm, có các triệu chứng nặng và biến chứng gây tác động xấu đến sức khỏe cũng như sự phát triển thể chất của bé.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ dưới 4 tuổi vẫn được đề nghị phẫu thuật cắt amidan. Tình huống này thường xảy ra khi khối amidan sưng to quá mức khiến bé thường xuyên bị ngừng thở khi ngủ hoặc đã gặp phải các biến chứng nghiêm trọng khác.

Có nên cắt amidan cho người lớn không?

So với trẻ em, tỷ lệ bệnh nhân mắc viêm amidan ở tuổi trưởng thành ít hơn. Người lớn vẫn có thể được chỉ định cắt amidan nếu nằm trong nhóm đối tượng cần phẫu thuật và đáp ứng đủ điều kiện về sức khỏe cho ca mổ.

Tuy nhiên, quyết định có nên cắt amidan cho người lớn trên 45 tuổi đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng bởi nhóm đối tượng này có nguy cơ gặp biến chứng chảy máu sau phẫu thuật cao hơn hẳn so với những lứa tuổi khác. Thêm vào đó, các trường hợp có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường hoặc có vấn đề về tim mạch cũng cần được điều trị ổn định trước khi cắt amidan.

Khi nào bệnh nhân được chỉ định cắt amidan?

Không phải trường hợp nào bị viêm amidan cũng cần phẫu thuật. Bệnh nhân chỉ nên cắt amidan đáp úng đủ sức khỏe để trải qua ca mổ và xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng sau:

  • Các đợt viêm amidan tái đi tái lại nhiều đợt, từ 5 – 7 lần/ năm trong vòng 2 năm liên tiếp.
  • Viêm amidan mãn tính kéo dài và không đáp ứng với phác đồ điều trị bảo tồn.
  • Khối amidan 2 bên sưng to phì đại, khiến bệnh nhân bị ngừng thở khi ngủ và ảnh hưởng đến việc ăn uống.
  • Bệnh nhân bị áp xe quanh amidan, viêm amidan có nhiều hốc mủ không thể điều trị hiệu quả bằng thuốc kháng sinh.
  • Nghi ngờ ung thư amidan do viêm kéo dài.

>> Xem thêm: Viêm amidan hốc mủ 1 bên có nguy hiểm không? Cách điều trị

Những đối tượng không nên cắt amidan

Những bệnh nhân bị viêm amidan nhẹ, có thể kiểm soát tốt bệnh bằng các phương điều trị nội khoa thường không được chỉ định phẫu thuật. Ngoài ra, người bệnh cũng được khuyến cáo không nên cắt amidan nếu nằm trong nhóm đối tượng dưới đây:

  • Người có bệnh mãn tính nhưng chưa được điều trị ổn định, nhất là bệnh tiểu đường và các vấn đề về tim mạch.
  • Bệnh nhân từng bị dị ứng, có phản ứng mạnh với thuốc gây mê hoặc thuốc gây tê tại chỗ.
  • Phụ nữ mang thai
  • Trẻ nhỏ dưới 4 tuổi và người già chỉ được phẫu thuật khi thực sự cần thiết.
  • Người đang trong đợt viêm amidan cấp cần dùng thuốc điều trị để amidan bớt sưng trước khi tiến hành cắt.
  • Nữ giới đang trong giai đoạn hành kinh.
  • Các trường hợp có vấn đề về rối loạn đông máu.
  • Bệnh nhân sinh sống trong khu vực đang có dịch bệnh truyền nhiễm, chẳng hạn như bệnh sởi, cảm cúm hay sốt xuất huyết.
  • Bệnh nhân đang bị nhiễm trùng cục bộ hoặc toàn thân.
có nên cắt amidan cho phụ nữ mang thai không
Phụ nữ mang thai thường không được khuyến cáo cắt amidan

>> Tham khảo thêm: Bệnh viêm amidan mãn tính: Triệu chứng, biến chứng và điều trị 

Lợi ích và rủi ro có thể gặp khi cắt amidan

Bên cạnh các yếu tố trên, việc cân nhắc giữa những lợi ích và rủi ro có thể gặp phải từ ca phẫu thuật cắt amidan sẽ giúp người bệnh đưa ra được quyết định chính xác, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ về mặt tâm lý.

Lợi ích khi cắt amidan:

  • Giảm tần suất viêm nhiễm ở vùng họng.
  • Nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ cho những bệnh nhân thường xuyên bị ho và đau họng vào ban đêm hoặc có triệu chứng ngừng thở, ngáy to trong lúc ngủ.
  • Giảm nguy phát sinh các biến chứng hoặc vấn đề khác về sức khỏe, chẳng hạn như áp xe quanh amidan, viêm tai giữa, hội chứng Lemierre, viêm cầu thận cấp, sốt thấp khớp,…

Rủi ro có thể gặp khi cắt amidan:

  • Chảy máu kéo dài sau phẫu thuật gây mất nhiều máu và ảnh hưởng đến quá trình phục hồi sức khỏe.
  • Đau họng và khó nuốt sau phẫu thuật.
  • Khàn giọng
  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật do không được chăm sóc đúng cách.
  • Phản ứng với thuốc gây mê được sử dụng trong quá trình phẫu thuật dẫn đến một số triệu chứng như buồn nôn, nôn ói, chóng mặt, đau cơ, khô miệng…
có nên cắt amidan cho người lớn không
Buồn nôn, nôn ói là một trong những tác dụng phụ thường gặp do phản ứng với thuốc gây mê được sử dụng trong quá trình cắt amidan

Bạn cần biếtBị chảy máu sau khi cắt amidan có nguy hiểm? Cách xử lý

Những việc cần làm trước khi phẫu thuật cắt amidan

Để ca phẫu thuật diễn ra an toàn, trước khi cắt amidan bệnh nhân cần lưu ý:

  • Lựa chọn các cơ sở uy tín, có tiếng trong lĩnh vực cắt amidan để được thăm khám kỹ trước khi phẫu thuật.
  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng thể, đảm bảo có thể trải qua ca mổ một cách an toàn.
  • Trao đổi kỹ với bác sĩ về các phương pháp cắt amidan, chi phí và ưu nhược điểm của từng phương pháp để đưa ra được sự lựa chọn phù hợp.
  • Thông báo cho bác sĩ biết rõ về các vấn đề sức khỏe đang gặp phải và loại thuốc, thực phẩm bổ sung đang sử dụng. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng không tốt đến quá trình đông máu và khả năng phục hồi sau ca mổ.
  • Tuân thủ chế độ ăn uống theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Thông thường, bệnh nhân cần nhịn ăn uống hoàn toàn trước thời điểm diễn ra ca mổ ít nhất 6 tiếng.

Việc quyết định có nên cắt amidan cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Tai mũi họng dựa trên tình trạng cụ thể của từng ca bệnh. Bệnh nhân và người chăm sóc nên thảo luận kỹ lưỡng với bác sĩ để hiểu rõ về tình trạng sức khỏe của bản thân, đồng thời nắm rõ những lợi ích và rủi ro từ ca mổ trước khi đưa ra quyết định.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger