Làm sao để biết cơ thể thừa hay thiếu estrogen?
Cơ thể thừa hay thiếu estrogen đều có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với sức khỏe. Chị em cần nhận biết và phân biệt rõ giữa hai tình trạng này để có hướng điều trị đúng đắn, phù hợp.
Estrogen là gì?
Estrogen là hormone tự nhiên do cơ thể sản xuất, chủ yếu từ buồng trứng trước mãn kinh và từ mô mỡ cùng tuyến thượng thận sau mãn kinh. Loại hormone này đóng vai trò quan trọng trong phát triển giới tính và duy trì nhiều chức năng cơ thể.
Có ba loại estrogen chính bao gồm: Estron (loại hormone chính ở phụ nữ sau mãn kinh), Estradiol (được tìm thấy nhiều ở phụ nữ không mang thai) và Estriol (hormone gia tăng trong thai kỳ). Nồng độ estrogen thừa hay thiếu đều có thể gây ra các tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Ở người khỏe mạnh, hàm lượng estrogen bình thường ở nữ giới dao động từ 70 – 220 pmol/L. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó mà khả năng sản xuất estrogen trong cơ thể có thể tăng vượt ngưỡng bình thường (thừa estrogen) hoặc sụt giảm quá giới hạn (thiếu estrogen). Tình trạng này được gọi chung là rối loạn nội tiết tố nữ.
Thừa hay thiếu estrogen có ảnh hưởng gì không?
Ở phụ nữ, estrogen cho phối đến sức khỏe cũng như chức năng hoạt động của nhiều cơ quan như hệ tiết niệu, sinh sản, da, cơ bắp, xương, tim mạch, não bộ, cơ bắp, đồng thời góp phần điều chỉnh mức cholesterol trong máu. Trong giai đoạn dậy thì, hormone này kích thích các thay đổi như mọc lông mu, phát triển ngực và chu kỳ kinh nguyệt.
Do nắm giữ nhiều vai trò quan trọng nên việc thừa hay thiếu estrogen đều có ảnh hưởng trực tiếp đến cơ thể người phụ nữ, đặc biệt là sức khỏe sinh sản, tình dục và cả sức khỏe tổng thể. Mức độ ảnh hưởng của tình trạng này còn phụ thuộc vào lượng estrogen.
Một số trường hợp có biểu hiện giảm ham muốn tình dục, khô âm đạo, rụng tóc nhiều, da khô, mất ngủ trong khi số khác thì lại bị loãng xương, suy giảm trí nhớ, thường xuyên bốc hỏa hoặc xuất hiện khối u lành tính ở vú… Đây đều là những vấn đề có thể xảy ra do tình trạng rối loạn hormone nữ estrogen. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết được cơ thể đang thừa hay thiếu estrogen để có hướng khắc phục, điều trị cho phù hợp.
Làm sao để biết cơ thể thừa hay thiếu estrogen?
Tình trạng thiếu hay thừa estrogen có thể gây ra những triệu chứng khác nhau. Chị em nên theo dõi cơ thể để phát hiện những dấu hiệu bất thường và đánh giá được tình trạng sức khỏe của bản thân.
Thừa estrogen
Thừa estrogen là tình trạng có lượng hormone estrogen trong cơ thể cao hơn bình thường. Nguyên nhân có thể do sử dụng thuốc chứa estrogen, rối loạn nội tiết tố, béo phì hoặc có vấn đề ở các cơ quan như buồng trứng, tuyến thượng thận…
Dấu hiệu nhận biết cơ thể thừa estrogen:
- Ngực sưng đau, xuất hiện khối u xơ
- Suy giảm ham muốn tình dục, không còn hứng thú nhiều với chuyện giường chiếu.
- Đầy hơi
- Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ nổi nóng, lo âu quá mức, hoảng loạn hoặc trầm cảm.
- Tóc rụng nhiều
- Khả năng ghi nhớ giảm xuất
- Phát triển u xơ trong tử cung
- Khó ngủ, đêm ngủ trằn trọc không sâu giấc
- Cơ thể mệt mỏi
- Dễ tăng cân, tích mỡ nhiều ở vùng bụng, eo.
- Sờ bàn tay hoặc bàn chân thấy lạnh
- Kinh nguyệt không đều
Cách điều trị:
Một số phương pháp sau có thể giúp cải thiện tình trạng thừa estrogen:
- Giảm cân nếu đang bị thừa cân, béo phì, giúp giảm lượng estrogen được sản xuất ở tế bào mỡ.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc giảm liều hoặc thay đổi thuốc điều trị nếu loại thuốc đang sử dụng là nguyên nhân khiến estrogen tăng cao.
- Hạn chế sử dụng chất béo, đồ ngọt trong khẩu phần ăn. Thay vào đó, cần tăng cường bổ sung chất xơ để kiểm soát cân nặng, giải phóng lượng estrogen dư thừa.
- Sử dụng thuốc làm giảm estrogen.
- Điều trị các bệnh lý liên quan bằng nội khoa hoặc ngoại khoa, chẳng hạn như ung thư vú, ung thư buồng trứng, bệnh gan,…
Thiếu estrogen
Hàm lượng hormone estrogen trong cơ thể thấp hơn mức bình thường được gọi là thiếu estrogen. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là do suy buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang hoặc do lão hóa, đặc biệt là khi phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh. Ngoài ra, các vấn đề sức khỏe như suy giảm chức năng tuyến giáp hoặc mắc bệnh tự miễn cũng có thể dẫn đến thiếu hụt estrogen.
Triệu chứng nhận biết cơ thể đang bị thiếu estrogen:
- Da khô, xuất hiện nhiều nếp nhăn, nám, đồi mồi
- Hay bị bốc hỏa đột ngột
- Rối loạn giấc ngủ
- Đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm
- Khô âm đạo, đau và dễ chảy máu khi quan hệ mạnh do thành âm đạo mỏng.
- Ham muốn tình dục thấp
- Thay đổi tâm trạng
- Vòng 1 kém săn chắc, chảy xệ
- Mệt mỏi
- Kém tập trung
- Xương yếu,…
Cách điều trị:
- Bổ sung các thực phẩm có thể làm tăng estrogen vào trong thực đơn: Chẳng hạn như đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, thực phẩm giàu omega 3, tỏi, trái cây sấy khô, quả mọng,…
- Tránh căng thẳng
- Ngủ đủ giấc
- Tập thể dục đều đặn
- Áp dụng liệu pháp thay thế hormone nếu cần thiết.
Xem thêm: Những cách bổ sung estrogen cho phụ nữ an toàn, hiệu quả
Khi nào nên đi khám bác sĩ?
Dựa vào các dấu hiệu trên, chị em có thể phần nào đoán được estrogen của mình ở mức cao hay thấp. Tuy nhiên, để chắc chắn hơn, phái đẹp nên đến bệnh viện thăm khám và làm xét nghiệm nội tiết tố ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường. Các kỹ thuật chẩn đoán y khoa sẽ giúp xác định chính xác cơ thể đang bị thừa hay thiếu estrogen, mức thừa/thiếu cụ thể cùng nguyên nhân tiềm ẩn, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Định lượng estradiol trong máu là xét nghiệm chính được thực hiện để chẩn đoán được tình trạng thiếu hay thừa estrogen. Đôi khi, bác sĩ có thể chỉ định thêm các kỹ thuật khác như xét nghiệm Estrone, Estriol, Progesterone, FSH, Prolactin, AMH hay xét nghiệm LH.
Để thu được kết quả chính xác, mỗi xét nghiệm có thể được thực hiện vào những thời điểm nhất định, trước hoặc sau chu kỳ. Hãy liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn chi tiết hơn.
Như vậy, tình trạng thừa hay thiếu estrogen có thể được nhận biết thông qua các triệu chứng hay xét nghiệm cụ thể. Việc phát hiện sớm và điều chỉnh nồng độ estrogen kịp thời sẽ giúp phái đẹp duy trì sức khỏe, phòng ngừa các rối loạn liên quan và cải thiện chất lượng sống.
THAM KHẢO THÊM
- 12 cách làm tăng nội tiết tố nữ tự nhiên, giảm khô hạn
- Ăn gì tăng nội tiết tố nữ? – 20 thực phẩm nên bổ sung ngay
Nguồn tham khảo
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/321064
- https://www.healthline.com/health/high-estrogen
- https://www.medicinenet.com/what_happens_when_estrogen_levels_are_too_high/article.htm
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!