Bệnh Loãng Xương
Bệnh loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ xương khiến xương yếu và giòn. Bệnh xảy ra khi quá trình mất xương cũ và tạo mô xương mới mất cân bằng. Những người có bệnh lý này thường bị gãy xương sau một cú ngã hoặc có lực tác động nhẹ.
Tổng quan
Bệnh loãng xương còn được gọi là xốp xương, giòn xương - một dạng rối loạn chuyển hóa của xương. Bệnh thể hiện cho tình trạng xương yếu và giòn do suy giảm mật độ xương. Những người có bệnh lý này sẽ có nguy cơ gãy xương đột ngột.
Xương là mô sống, chúng liên tục bị phá vỡ và thay thế. Loãng xương xảy ra khi cơ thể tái hấp thu nhiều mô xương hơn (quá trình mất xương cũ) so với quá trình sản xuất mô xương mới để thay thế.
Bệnh thường ảnh hưởng đến khớp hông, một số khớp ngoại vi (như cổ tay) và cột sống. Loãng xương thường phát triển mà không gây đau đớn hay bất kỳ triệu chứng nào. Chính vì thế bệnh thường không được phát hiện cho đến khi xương yếu và gãy xương.
Phân loại
Bệnh loãng xương được chia làm 2 loại, bao gồm: Loãng xương nguyên phát và thứ phát.
1. Loãng xương nguyên phát
Đây là loại loãng xương liên quan đến tình trạng mãn kinh ở phụ nữ và tuổi tác. Bệnh xảy ra khi có sự lão hóa của tạo cốt bào dẫn đến mất cân bằng giữa quá trình hủy xương và tạo xương. Cuối cùng gây ra một tình trạng gọi là thiểu sản xương.
Dựa trên nguyên nhân, bệnh loãng xương nguyên phát được phân thành 2 tuýp, gồm:
- Tuýp 1 (loãng xương sau mãn kinh)
Loãng xương tuýp 1 thường gặp ở những phụ nữ đã mãn kinh, có độ tuổi từ 50 - 55 tuổi. Bệnh làm mất chất khoáng ở xương dẫn đến gãy xương Pouteau-Colles và sự lún xẹp của những đốt sống.
Sau mãn kinh, quá trình sản sinh nội tiết tố oestrogen và hormon tuyến cận giáp trạng bị suy giảm. Cùng với sự suy yếu của enzym 25-OH-vitamin D1-hydroxylas và tăng thải calci niệu, quá trình hủy xương và sản sinh mô xương mới bị mất cân bằng, xương yếu và giòn.
- Tuýp 2 (loãng xương tuổi già)
Bệnh có thể gặp ở cả nam và nữ giới có độ tuổi trên 70, nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi. Bệnh liên quan đến quá trình lão hóa của cơ thể do tuổi tác và sự mất cân bằng tạo xương.
Khi già đi, chức năng tạo cốt bào và quá trình hấp thu calci bị suy giảm. Từ đó dẫn đến cường cận giáp thứ phát và loãng xương.
Trong bệnh lý này, người bệnh bị mất khoáng chất toàn thể ở xương đặc (hay còn gọi là xương vỏ) và xương xốp (xương bó). Những người bị loãng xương tuổi già thường có nguy cơ gãy cổ xương đùi.
2. Loãng xương thứ phát
Loãng xương thứ phát là bệnh loãng xương do một bệnh lý hoặc loại thuốc cụ thể làm rối loạn quá trình phá hủy và tạo xương. Từ đó khiến xương yếu, giòn và dễ gãy. Bệnh thường liên quan đến một số bệnh mãn tính, ung thư, dùng thuốc corticoid hoặc thuốc lợi tiểu kéo dài...
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Mô xương liên tục bị phá hủy và được thay thế bằng mô mới. Ở người trẻ, quá trình sản sinh mô xương mới nhanh hơn quá trình phá vỡ khiến mật độ xương tăng cao. Ở độ tuổi 30, khối lượng xương thường ở mức đỉnh điểm, xương khỏe và khó gãy.
Khi già đi, quá trình phá vỡ mô xương nhanh hơn so với quá trình sản sinh mô mới. Điều này làm mất khối lượng xương và dẫn đến loãng xương.
Mất xương là một phần bình thường của lão hóa. Tuy nhiên có nhiều yếu tố tác động khiến một số người bị mất xương nhanh hơn so với thông thường. Cụ thể:
- Sự suy giảm nồng độ hormone giới tính: Loãng xương thường gặp ở những người có nồng độ hormone giới tính thấp, chẳng hạn như phụ nữ mãn kinh. Nồng độ estrogen sụt giảm mạnh sau mãn kinh khiến nữ giới bị loãng xương. Điều này cũng phổ biến hơn ở phụ nữ bị ung thư vú đang điều trị, nam giới điều trị ung thư tuyến tiền liệt khiến nồng độ testosterone suy giảm.
- Tuổi tác: Bệnh loãng xương xảy ra ở những người lớn tuổi.
- Giới tính: Phụ nữ có nhiều nguy cơ loãng xương hơn so với nam giới. Đặc biệt là những người cắt bỏ buồng trứng hoặc có thời kỳ mãn kinh bắt đầu sớm (trước 45 tuổi)
- Kích thước khung cơ thể: Những người có cơ thể nhỏ thường có ít khối lượng xương khi lớn tuổi. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Tiền sử gia đình: Những người có ba mẹ hoặc anh chị em bị loãng xương sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Điều này thường phổ biến hơn ở những người có cha mẹ bị gãy xương hông.
- Thuốc: Dùng thuốc steroid liều cao kéo dài trên 3 tháng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra nguy cơ cũng cao hơn ở những người sử dụng một số loại thuốc làm giảm nồng độ hormone hoặc ảnh hưởng đến mật độ xương, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, thuốc chống estrogen, heparin...
- Bệnh lý: Nguy cao loãng xương thứ phát tăng lên ở những người có một số tình trạng sức khỏe liên quan đến viêm nhiễm, hormone hoặc kém hấp thu. Chẳng hạn như:
- Bệnh tiêu hóa: Thiếu dinh dưỡng, bệnh gan mãn tính
- Bệnh nội tiết: Đái tháo đường, bệnh đầu chi to, bệnh cường giáp..
- Bệnh khớp: Bệnh lý cột sống, viêm khớp dạng thấp
- Bệnh ung thư: Chẳng hạn như Kahler...
- Bệnh di truyền: Nhiễm sắc tố sắt và một số bệnh lý tương tự
- Chứng rối loạn ăn uống: Chứng cuồng ăn hoặc chán ăn
- Ít vận động: Nguy cơ loãng xương tăng ở những người ngồi hoặc đúng lâu một chỗ, lười vận động.
- Uống nhiều rượu bia và hút thuốc lá: Rượu bia và thuốc lá làm giảm khả năng hấp thu canxi, tăng tốc độ hủy xương và giảm sự tái tạo xương mới. Từ đó khiến xương yếu và giòn.
- Lượng canxi thấp: Thiếu canxi khiến quá trình sản sinh xương mới không diễn ra đầy đủ. Từ đó làm giảm mật độ xương (khối lượng xương) và mất xương sớm.
- Phẫu thuật đường tiêu hóa: Cắt bỏ một phần ruột hoặc phẫu thuật giảm kích thước dạ dày làm hạn chế bề mặt hấp thụ chất dinh dưỡng. Điều này làm tăng nguy cơ thiếu canxi và giảm mật độ xương
- Vấn đề về tuyến giáp: Nguy cơ mất xương cao hơn ở những người có quá nhiều hormone tuyến giáp. Điều này xảy ra ở người có tuyến giáp hoạt động quá mức hoặc điều trị tuyến giáp hoạt dộng kém bằng thuốc nội tiết tố tuyến giáp. Nguy cơ loãng xương cũng tăng cao ở những người có tuyến thượng thận và tuyến cận giáp hoạt động quá mức.
Triệu chứng và chẩn đoán
Trong nhiều trường hợp bệnh loãng xương phát triển mà không có triệu chứng, đặc biệt là giai đoạn đầu. Trong giai đoạn nặng hơn của bệnh, người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng sau:
- Đau lưng. Đau thường do gãy hoặc xẹp đốt sống
- Chiều cao giảm dần theo thời gian
- Thay đổi tư thế gồm cúi người hoặc khom lưng (gù vẹo cột sống)
- Gãy xương bất ngờ, thường sau một chấn thương nhẹ
- Khó thở. Xảy khi dung tích phổi nhỏ hơn đĩa đệm bị nén
Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu xét nghiệm sau bước kiểm tra triệu chứng. Mật độ xương được đo bằng tia X ở mức thấp. Xét nghiệm này cho phép kiểm tra tỉ lệ khoáng chất trong xương, đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Tiêu chuẩn chẩn đoán loãng xương theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - 1994
Dùng phương pháp DEXA đo mật độ xương tại cổ xương đùi và cột sống thắt lưng. Loãng xương được đánh giá dựa trên mật độ khoáng chất của xương theo chỉ số T-Score (lượng khoáng chất xương của người được đo so với giá trị trung bình của nhóm người trưởng thành).
- Xương bình thường: T- score ≥ - 1
- Thiếu xương: - 1 > T- score > - 2,5
- Loãng xương: T - score ≤ - 2,5
- Loãng xương nặng: T-score ≤ -2,5SD, bệnh nhân có tiền sử hoặc đang bị gãy xương ở một hoặc nhiều vị trí
Đo mật độ xương được thực hiện trên những đối tượng sau:
- Giảm chiều cao ≥ 3cm so với tuổi từ 20 - 30 tuổi
- Cân nặng dưới 40 kg hoặc bệnh nhân bị giảm trọng lượng quá nhanh trong thời gian gần đây
- Thiếu estrogen ở nữ
- Có tiền sử hoặc đang dùng corticoid liều bất kỳ liên tục 3 tháng
- Tiền sử gãy xương sau một chấn thương nhẹ
- Hút thuốc lá ≥ 20 điếu/ ngày, uống rượu ≥ 8g cồn tinh, 30ml rượu mạnh/ ngày hoặc 375ml bia 60
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh loãng xương không được chữa khỏi hoàn toàn. Những phương pháp được áp dụng nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh, ngăn tình trạng mất xương thêm nghiêm trọng.
Gãy xương là biến chứng phổ biến và nghiêm trọng nhất của bệnh, thường gặp ở xương hông, xương đùi và xương cột sống. Biến chứng này thường do ngã hoặc một chấn thương nhẹ. Tuy nhiên xương có thể gãy mà không do ngã.
Gãy xương hông có thể gây tàn tật. Ngoài ra biến chứng này cũng làm tăng nguy cơ tử vong trong năm đầu tiên từ thời điểm chấn thương.
Một số biến chứng nguy hiểm khác:
- Biến chứng tim mạch và hô hấp. Chẳng hạn như viêm phổi, hô hấp khó khăn, giảm dung tích phổi...
- Gãy lún cột sống
- Cong xương gồm cong ống chân và cong vẹo cột sống
- Giảm chiều cao
- Trầm cảm do mất khả năng độc lập và ít hoạt động thể chất.
Điều trị
Dựa vào mức độ loãng xương và nguy cơ gãy xương trong 10 năm tới, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp giảm yếu tố nguy cơ. Trong nhiều trường hợp bệnh nhân không cần dùng thuốc nếu nguy cơ không cao.
1. Điều trị bằng thuốc
Những loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị loãng xương gồm:
- Thuốc bổ sung canxi và vitamin D
Đây là nhóm thuốc bắt buộc. Bệnh nhân cần dùng thuốc bổ sung kết hợp chế độ ăn uống, đảm bảo bổ sung đủ 1.000 - 1200mg canxi/ ngày và 800 - 1.000IU vitamin D/ ngày.
Thuốc bổ sung canxi và vitamin D giúp thúc đẩy quá trình tạo xương, cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương ở người bệnh.
- Thuốc nhóm Bisphosphonate
Thuốc nhóm Bisphosphonate là thuốc điều trị loãng xương được dùng phổ biến nhất. Thuốc đặc biệt với người cao tuổi, phụ nữ mãn kinh và người lớn sử dụng corticosteroid kéo dài.
Thuốc có tác dụng làm chậm quá trình hủy xương. Từ đó giảm tiêu xương và cải thiện mật độ xương. Những loại Bisphosphonate thường được sử dụng gồm:
-
- Alendronate (Fosamax 5600 hoặc Fosamax plus): Uống khi đói, 1 viên/ tuần. Bệnh nhân không nằm sau khi uống thuốc ít nhất 30 phút để tránh viêm loét thực quản.
- Zoledronic acid: Tiêm tĩnh mạch chậm 1 chai 5mg/ năm với 1 liều duy nhất. Không dùng cho bệnh nhân rối loạn nhịp tim và giảm chức năng thận.
Thuốc nhóm Bisphosphonate có thể gây tác dụng phụ gồm đau bụng, buồn nôn và ợ nóng. Thuốc có thể hoại tử xương hàm, gãy hoặc nứt xương đùi nhưng hiếm gặp.
- Calcitonine
Calcitonine là thuốc ức chế tiêu xương, được chỉ định cho bệnh nhân gãy xương kèm đau do loãng xương. Thuốc được sử dụng kết hợp với Bisphosphonate để tăng hiệu quả.
-
- Liều khuyến cáo: Tiêm bắp hoặc tiêm dưới da sau ăn, liều 50-100IU/ ngày, 10-15 ngày/ đợt điều trị.
- Denosumab
Denosumab là một loại kháng thể đơn dòng có tác dụng tạo ra mật độ xương tốt hơn hoặc tương tự để giảm nguy cơ gãy xương. Thuốc này thường được dùng ở dạng tiêm dưới da 1 lần/ 6 tháng.
Hiếm khi Denosumab gây tác dụng phụ. Tuy nhiên thuốc có thể hoại tử xương hàm, gãy hoặc nứt xương đùi.
- Strontium ranelate (Protelos)
Strontium ranelate (Protelos) thuộc nhóm thuốc ức chế hủy xương và tăng tạo xương, được dùng trong điều trị loãng xương.
-
- Liều khuyến cáo: 2g/ ngày, dùng liều duy nhất vào buổi tối sau ăn 2 giờ.
- Thuốc tạo xương
Một loại thuốc tạo xương được dùng trong điều trị loãng xương nặng hoặc điều trị thất bại khi dùng thuốc khác. Những thuốc tạo xương thường được sử dụng gồm:
-
- Teriparatide (Bonsity, Forteo)
- Abaloparatide (Tymlos)
- Romosozumab
- Liệu pháp hormone
Raloxifen (Evista) là một chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs) thường được sử dụng. Thuốc có tác dụng điều hòa thụ thể estrogen, ngăn ngừa và điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
-
- Liều khuyến cáo: Uống viên 60mg/ ngày, không dùng quá 2 năm.
2. Điều trị biến chứng gãy xương
Những phương pháp được dùng trong điều trị biến chứng gãy xương:
- Đeo nẹp
- Bơm xi măng vào thân đốt sống
- Thay đốt sống nhân tạo
- Kết xương hoặc thay khớp
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Ngoài thuốc, người bệnh cần có lối sống lành mạnh và áp dụng những biện pháp khắc phục tại nhà. Cụ thể:
- Ngăn ngừa té ngã: Không đi trên bề mặt trơn trượt, thận trọng khi lên xuống cầu thang, tránh mang giày cao gót... để ngăn ngừa té ngã dẫn đến gãy xương. Tốt nhất nên đi giày có đế chống trượt, để sàn nhà khô ráo và gọn gàng.
- Hạn chế rượu bia: Tránh lạm dụng rượu. Không nên uống nhiều hơn 2 ly rượu/ ngày.
- Ngừng hút thuốc lá: Giảm hoặc ngừng hút thuốc lá để giảm nguy cơ gãy xương.
- Theo dõi và tái khám: Cần tuân thủ phát đồ điều trị của bác sĩ và điều trị lâu dài (thường từ 3 - 5 năm). Ngoài ra cần tái khám định kỳ, đo mật độ xương mỗi 1 - 2 năm 1 lần.
- Vận động cơ thể: Cần duy trì thói quen luyện tập khi điều trị loãng xương. Tuy nhiên cần luyện tập với cường độ thích hợp, áp dụng những bài tập nhẹ nhàng, không gắng sức. Ngoài ra nên khởi động kỹ (khoảng 10 - 15 phút) trước khi luyện tập kết hợp hít thở sâu. Tránh thay đổi tư thế đột ngột hoặc những bài tập tác động mạnh đến xương.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp: Bệnh nhân bị loãng xương nên tăng cường bổ sung canxi và vitamin D từ những loại thực phẩm lành mạnh, tươi sạch. Canxi giúp tăng mật độ xương, trong khi vitamin D tăng hấp thụ canxi. Ngoài ra người bệnh nên ăn uống đủ chất, đảm bảo đủ lượng vitamin và khoáng chất. Cần chia nhỏ khẩu phần ăn để những dưỡng chất được hấp thu tốt nhất.
Phòng ngừa
Bệnh loãng xương không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên duy trì lối sống lành mạnh có thể giảm nguy cơ mắc bệnh. Cụ thể:
- Đảm bảo cung cấp đủ canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống lành mạnh. Người lớn bị thiếu canxi có thể dùng thêm viên uống bổ sung.
- Tránh thuốc lá và rượu bia.
- Tránh lạm dụng hoặc dùng kéo dài corticoid, thuốc chống lợi tiểu hoặc bất kỳ thuốc nào có thể gây loãng xương.
- Sớm điều trị những bệnh lý có thể gây làm mất mật độ xương.
- Do mật độ xương định kỳ để sớm phát hiện và chữa loãng xương trong giai đoạn sớm.
- Tập thể dục đều đặn với những bộ môn và cường độ thích hợp. Điều này giúp làm chậm quá trình mất xương, tăng sự dẻo dai và duy trì hệ xương khớp chắc khỏe.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tình trạng của tôi có nghiêm trọng không?
2. Phương pháp điều trị nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại?
3. Có những lựa chọn nào thay thế cho phương pháp điều trị?
4. Bệnh nhân bị loãng xương nên tập thể dục như thế nào?
5. Có cần thay đổi chế độ ăn uống không?
6. Có nên dùng thực phẩm bổ sung không? Loại nào tốt nhất?
7. Nên làm gì để ngăn ngừa biến chứng của loãng xương?
Bệnh loãng xương thường không được phát hiện cho đến khi xương gãy hoặc đau đớn. Thông thường người bệnh được dùng thuốc và thay đổi lối sống để điều trị. Cần tuân thủ phác đồ của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!