Căng Cơ
Căng cơ còn được gọi là cứng cơ - một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến đau cơ. Tình trạng này được đặc trưng bởi cơ bắp không thể thư giãn bình thường, gây đau nhói và khó cử động.
Tổng quan
Căng cơ (cứng cơ) là một chấn thương thường gặp, ảnh hưởng đến cơ hoặc gân (mô liên kết gắn cơ với xương). Tình trạng này xảy ra khi một hoặc một nhóm cơ bị kéo căng quá mức hoặc rách.
Những người bị căng cơ sẽ có cơ bắp không thể thư giãn bình thường kèm theo đau nhói và khó cử động. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ nào trên cơ thể. Trong đó sự căng cứng thường xảy ra ở cơ lưng, cơ đùi và cơ bắp chân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Cơ bắp có trên khắp cơ thể, chúng tạo ra lực và chuyển động. Khi cần di chuyển một bộ phận (chẳng hạn tay hoặc chân), não sẽ gửi tín hiệu thần kinh đến các cơ. Điều này khiến các cơ bắt đầu siết chặt hoặc co lại, giúp bộ phận cơ thể di chuyển nhịp nhàng.
Tùy thuộc vào loại tín hiệu mà não gửi đi, cơ bắp co thắt ít hoặc nhiều. Sau khi co lại, cơ bắt đầu thư giãn cho đến lần sử dụng tiếp theo. Tuy nhiên một hoặc nhiều cơ có thể co lại trong thời gian dài. Điều này khiến não tiếp tục gửi tín hiệu thần kinh, cơ bắp được yêu cầu co lại ngay cả khi không cần thiết cho chuyển động. Từ đó dẫn đến căng cơ.
Căng cơ thể kéo dài từ vài giờ đến vài ngày kèm theo đau đớn nghiêm trọng. Cơn đau càng tồi tệ hơn khi cơ co lại càng lâu.
Cứng cơ thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Căng thẳng: Căng cơ thường được kích hoạt bởi căng thẳng. Nghiên cứu cho thấy, căng thẳng kéo dài làm ảnh hưởng xấu đến hệ thần kinh của cơ và cách chúng hoạt động. Để phản ứng với căng thẳng, hệ thống thần kinh tạo thêm áp lực lên các mạch máu. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến cơ bắp, dẫn đến căng cơ và đau nhức.
- Thuốc: Một số loại thuốc có thể gây cứng cơ, chẳng hạn như statin và thuốc gây mê được dùng trong phẫu thuật.
- Bệnh lý: Căng cơ thường là triệu chứng của những tình trạng y tế dưới đây:
- Hội chứng khoang gắng sức mãn tính
- Xơ cứng teo cơ một bên
- Hội chứng mệt mỏi mãn tính
- Khập khiễng - một tình trạng chuột rút do thiếu máu đến cơ
- Mất nước
- Loạn trương lực cơ
- Đau cơ khởi phát muộn
- Đau cơ xơ hóa
- Bệnh Lupus
- Bệnh Lyme
- Đau đa cơ do thấp khớp
- Bệnh Parkinson
- Viêm khớp dạng thấp
- Chèn ép dây thần kinh: Dây thần kinh kiểm soát cơ bắp bị chèn ép khiến cơ không thể thư giãn như bình thường.
- Chấn thương căng cơ lặp đi lặp lại: Việc sử dụng cơ quá mức dẫn đến chấn thương cơ hoặc dây thần kinh. Điều này khiến cơ bắp không được thư giãn đúng cách, dẫn đến căng, cứng và đau nhức.
- Tập thể dục cường độ cao: Lao động chân tay nặng nhọc hoặc tập thể dục cường độ cao khiến cơ bắp bị căng quá mức và chấn thương. Cứng cơ cũng xảy ra ở những người có một hoạt động hoặc bài tập mới, đột ngột tăng cường độ hoặc thời gian luyện tập. Tình trạng này khiến cơ bắp hoạt động nhiều hơn, tạo ra những vết rách cực nhỏ trên các sợi cơ, gây cứng và đau nhức.
- Vết cắn hoặc chích: Vết cắn côn trùng đôi khi có thể kích hoạt cứng cơ. Những trường hợp này sẽ có dấu hiệu co thắt cơ, vùng da ảnh hưởng ngứa ngáy, đau và sưng đỏ.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus: Cứng cơ thường được kích hoạt bởi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn và virus. Chẳng hạn như HIV, uốn ván, viêm màng não, nhiễm trùng phổi, bạch cầu đơn nhân và bại liệt.
Một số nguyên nhân có thể khiến bạn bị căng cơ thường xuyên hơn, gồm:
- Thừa cân
- Thiếu hoạt động thể chất hàng ngày
- Có chế độ ăn uống nghèo nàn
- Không ngủ đúng cách
- Sinh sống trong môi trường lạnh hoặc ẩm ướt
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng chính của căng cơ gồm:
- Đột ngột đau
- Đau nhức cơ bắp ở vùng căng cơ
- Đau tồi tệ hơn khi sử dụng cơ bị ảnh hưởng hoặc co duỗi khớp
- Đau giảm khi nghỉ ngơi
- Sờ thấy cơ bắp căng cứng
- Thiếu linh hoạt
- Khó di chuyển hoặc vận động vùng ảnh hưởng
- Yếu gân cơ.
Để chẩn đoán tình trạng căng cơ, bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe và hỏi bệnh sử. Ngoài ra người bệnh có thể được chỉ định một số xét nghiệm giúp tìm tổn thương cơ và xác định nguyên nhân tiềm ẩn.
Những xét nghiệm thường được thực hiện gồm:
- Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu có thể giúp phát hiện các tình trạng miễn dịch và những tổn thương cơ.
- Siêu âm: Hình ảnh siêu âm giúp xác định cơ ảnh hưởng, tìm kiếm chỗ viêm và những vết rách trong sợi cơ.
- Chụp MRI hoặc CT: Bác sĩ có thể chỉ định chụp MRI hoặc CT nhằm kiểm tra những bất thường về xương và mô mềm. Điều này tiết lộ những bất thường về xương có thể khiến các dây thần kinh bị chèn ép.
- Điện tâm đồ: Điện tâm đồ giúp tiết lộ bất thường bằng cách đánh giá hoạt động điện của cơ và dây thần kinh.
Biến chứng và tiên lượng
Căng cơ thường nhẹ, khỏi nhanh khi nghỉ ngơi và chăm sóc tại nhà. Nếu bỏ qua cơn đau và tiếp tục hoạt động, cơ có thể bị rách hoặc gây đứt gân. Điều này làm tăng nguy cơ dị tật và hạn chế các chuyển động.
Điều trị
Mục tiêu của điều trị là giảm đau và khuyến khích các cơ thư giãn. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ căng cơ, người bệnh được hướng dẫn những phương pháp điều trị dưới đây:
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Nếu căng cơ do chấn thương nhẹ, căng thẳng hoặc sử dụng quá mức, các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp khắc phục nhanh tình trạng.
- Nghỉ ngơi: Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý trong vài tuần để cơ bắp được sửa chữa. Tránh những hoạt động vất vả hoặc có thể gây căng thẳng cho cơ. Những hoạt động này khiến cơ trở nên cứng nhắc trở lại và tăng nguy cơ rách cơ.
- Chườm lạnh: Ngay khi có chấn thương căng cơ, đặt gel lạnh hoặc túi đá lên vùng bị thương. Biện pháp này có thể giúp giảm đau và sưng do căng cơ hiệu quả. Chườm lạnh nên được thực hiện trong 48 giờ đầu, mỗi ngày 3 - 4 lần, mỗi lần chườm lạnh tối đa 20 phút.
- Chườm ấm: Chườm ấm có thể được thực hiện xen kẽ với chườm lạnh hoặc sau chấn thương 2 ngày. Khi thực hiện, đặt một miếng đệm ấm hoặc túi nước ấm lên cơ, giữ nguyên trong 20 phút. Điều này giúp thư giãn cơ bắp bị căng và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra chườm ấm thường xuyên còn giúp thư giãn cơ thể, tăng lưu lượng máu đến cơ.
- Kéo căng nhẹ nhàng: Khi bị căng cơ, hãy nhẹ nhàng kéo căng cơ cứng. Biện pháp này giúp cơ được thư giãn và giảm đau nhanh chóng.
- Tắm nước ấm hoặc vòi hoa sen: Thường xuyên tắm nước ấm hoặc vòi hoa giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu, thư giãn cơ bắp tối đa. Biện pháp này cũng giúp giảm đau do căng cơ và các bệnh lý về xương khớp.
- Xoa bóp: Lực tác động nhẹ nhàng có thể khuyến khích các cơ thư giãn, giảm căng cứng và giảm đau. Ngoài ra xoa bóp nhẹ nhàng cũng giúp lưu thông khí huyết, tăng tốc độ chữa lành và giảm co thắt cơ tái phát.
- Yoga hoặc thái cực quyền: Các động tác yoga hoặc thái cực quyền có thể khuyến khích cơ bắp thư giãn tối đa, kéo giãn nhẹ nhàng và giảm đau hiệu quả. Ngoài ra việc thường xuyên luyện tập còn giúp tăng cường cơ bắp, làm mạnh gân cơ. Từ đó tăng độ dẻo dai, tăng linh hoạt và giảm nguy cơ chấn thương.
2. Điều trị y tế
Điều trị y tế nếu căng cơ do chấn thương nghiêm trọng hoặc có bệnh lý tiềm ẩn. Tùy thuộc vào nguyên nhân, các chỉ định có thể bao gồm thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật.
+ Điều trị bằng thuốc
Các thuốc sẽ được chỉ định dựa trên mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây căng cơ.
- Acetaminophen: Nếu căng cơ gây đau ở mức độ nhẹ, Acetaminophen sẽ được sử dụng để khắc phục.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): NSAID được dùng để giảm viêm và đau do căng cơ. Những loại thường được chỉ định gồm Ibuprofen và Naproxen.
- Thuốc giảm đau giãn cơ: Thuốc này có tác dụng giảm cứng và co thắt cơ. Từ đó làm dịu cơn đau ở vùng ảnh hưởng.
- Corticosteroid: Thuốc Corticosteroid được chỉ định cho những trường hợp căng cơ do viêm hoặc có rối loạn miễn dịch. Thuốc có tác dụng điều trị viêm, ức chế miễn dịch và giảm đau hiệu quả.
- Thuốc kháng sinh/ kháng virus: Nếu căng cơ do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus, một loại thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus sẽ được sử dụng để điều trị.
+ Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm những bài tập tăng cường cơ bắp và kéo giãn nhẹ nhàng. Những bài tập này giúp cơ bắp thư giãn và phục hồi, cải thiện khả năng vận động linh hoạt.
Ngoài ra chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn một số tư thế phù hợp, giúp hạn chế đau và chấn thương căng cơ. Một số biện pháp khác gồm: Massage trị liệu, siêu âm trị liệu...
+ Phẫu thuật
Phẫu thuật nếu có rách cơ, đứt gân và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Phương pháp này bao gồm việc nối hai đầu cơ bị rách hoặc gắn gân vào xương. Hầu hết mọi người được phẫu thuật nội soi. Thời gian phục hồi từ 1 - 2 tháng.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ căng cơ:
- Thường xuyên tập thể dục và kéo dài cơ bắp.
- Không quên khởi động kỹ lưỡng, hạ nhiệt trước và sau khi tập thể dục.
- Mang giày phù hợp khi tập thể dục. Những đôi giày bị mòn hoặc không vừa vặn không thể hỗ trợ chân đúng cách, tăng nguy cơ chấn thương gân và cơ.
- Giữ ấm cơ thể, mặc quấn áo ấm khi thời tiết lạnh.
- Khám và điều trị tốt những bệnh lý có thể gây căng cơ.Tránh lao động vất vả, không thực hiện những chuyển động gây căng thẳng cơ bắp quá mức.
- Không đột ngột tăng thời gian và cường độ luyện tập.
- Dành nhiều thời gian để làm quen với những bài tập và bộ môn mới.
- Thường xuyên nghỉ giải lao và kéo căng nhẹ nhàng, đặc biệt là khi chơi các môn thể thao cần sử dụng cơ bắp thường xuyên, chẳng hạn như thế dục dụng cụ, nhảy xa, bật nhảy cao, chạy nước rút...
- Tắm nước ấm và thường xuyên xoa bóp vào cuối ngày. Những biện pháp này giúp thư giãn và cơ bắp có thời gian phục hồi.
- Nếu đau đớn, hãy dừng luyện tập và dành thời gian nghỉ ngơi. Không bỏ qua cơn đau và tiếp tục vận động. Bởi điều này có thể làm tăng nguy cơ rách cơ và gân.
- Thực hành đúng tư thế và kỹ thuật khi chơi thể thao.
- Sử dụng những thiết bị thể thao phù hợp, mặc đồ bảo hộ khi chơi những môn thể thao tiếp xúc.
- Không đột ngột kéo căng hoặc sử dụng cơ bắp quá mức.
- Đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc và đúng cách để giảm nguy cơ căng cơ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị căng cơ?
2. Những cách chăm sóc tại nhà có thể giúp khắc phục hay không?
3. Có bao nhiêu lựa chọn điều trị? Lựa chọn nào phù hợp nhất?
4. Vì sao tôi cần phẫu thuật?
5. Lợi ích và những rủi ro có thể gặp khi phẫu thuật là gì?
6. Mất bao lâu để trở lại với các hoạt động bình thường?
7. Tôi có thể tiếp tục công việc/ môn thể thao yêu thích hay không?
Căng cơ thường do căng thẳng, sử dụng cơ bắp quá mức và chấn thương nhẹ. Tuy nhiên tình trạng này cũng có thể liên quan đến những bệnh lý tiềm ẩn, cần được điều trị y tế. Dựa vào tình trạng, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị thích hợp. Lưu ý tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để sớm phục hồi.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!