Teo Cơ Chân
Teo cơ chân thường là một tình trạng sinh lý và tạm thời do thiếu vận động. Tuy nhiên tình trạng cũng có thể liên quan đến bệnh lý cột sống và tổn thương thần kinh, làm tăng nguy cơ bại liệt.
Tổng quan
Teo cơ chân (suy nhược cơ bắp chân) là tình trạng suy giảm khối lượng các cơ ở chân. Tình trạng này khiến chân ảnh hưởng trông nhỏ hơn bình thường và giảm sức mạnh.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, teo cơ có thể xảy ra ở một hoặc cả hai chân. Hầu hết các trường hợp bị teo cơ sinh lý, liên quan đến thiếu vận động do chấn thương. Những trường hợp này có thể được chữa khỏi trong vài tháng.
Tuy nhiên teo cơ chân có thể liên quan đến những tình trạng nguyên trọng hơn, chẳng hạn như tổn thương dây thần kinh và bệnh lý tiềm ẩn. Đối với teo thần kinh, quá trình điều trị thường khó khăn hơn.
Phân loại
Tương tự như các nhóm cơ khác trên cơ thể, teo cơ chân được phân loại dựa trên nguyên nhân. Có ba loại, bao gồm:
- Teo cơ do không sử dụng: Đây là loại phổ biến nhất, xảy ra khi người bệnh ngừng sử dụng một số cơ quá lâu. Theo thời gian, các mô cơ sẽ bị phá vỡ để bảo tồn năng lượng. Teo cơ do không sử dụng thường gặp ở những người có lối sống ít vận động, bó bột và bất động chi do chấn thương, nằm liệt giường do bệnh.
- Teo cơ thần kinh: Nếu dây thần kinh kích thích cơ bị thương và không hoạt động, các cơ sẽ không được kích hoạt sự co cơ để tạo ra những hoạt động tương ứng. Điều này khiến các mô cơ dần suy yếu và mất đi. Teo cơ thần kinh chủ yếu do bệnh lý thần kinh ngoại biên và bệnh lý cột sống.
- Teo cơ bệnh lý: Các tình trạng viêm nhiễm, thiếu dinh dưỡng khiến cơ bắp không được nuôi dưỡng. Từ đó dần suy giảm khối lượng và yếu đi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây teo cơ chân, bao gồm:
- Suy dinh dưỡng
Dinh dưỡng kém, ăn ít protein nạc, rau xanh và trái cây khiến cơ bắp không được nuôi dưỡng và phát triển. Điều này làm suy giảm chức năng và mất khối lượng cơ.
Suy dinh dưỡng do một số tình trạng gây rối loạn chuyển hóa và hấp thụ cũng có thể gây ra tình trạng này. Chẳng hạn như hội chứng suy mòn, hội chứng ruột kích thích và bệnh ung thư.
- Thiếu vận động
Teo cơ chân xảy ra khi người bệnh bị thiếu vận động kéo dài. Khi không được sử dụng, cơ bắp sẽ bị suy giảm về khối lượng và sức mạnh. Tình trạng này có thể liên quan đến chấn thương, bệnh lý khiến người bệnh bất động hoặc nằm lâu trên giường.
- Tuổi tác
Người già bị teo cơ toàn thân, bao gồm cả hai chân. Nguyên nhân là do cơ thể không thể sản xuất đủ lượng protein cần thiết khi bạn già đi.
- Bệnh lý thần kinh
Những người có bệnh lý thần kinh ngoại biên hoặc đau thần kinh tọa sẽ dễ bị teo cơ chân. Các dây thần kinh kiểm soát cơ chân hoạt động không hiệu quả khiến cơ không nhận được tín hiệu và co lại. Lâu ngày làm suy giảm khối lượng cơ.
- Bệnh lý cột sống
Bất kỳ bệnh lý nào ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa hoặc gây đau nhức nhiều khiến bệnh nhân thiếu vận động cũng đều có khả năng gây teo cơ chân. Chẳng hạn như:
-
- Thoát hóa cột sống thắt lưng
- Thoát vị đĩa đệm thắt lưng
- Chấn thương cột sống.
- Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân dưới đây có thể khiến một người bị teo cơ chân:
-
- Viêm nhiễm như viêm da cơ, viêm đa cơ, viêm khớp dạng thấp
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS)
- Bệnh bại liệt
- Dùng corticosteroid dài hạn
- Tai biến mạch máu não
- Chứng bại liệt
- Teo cơ tủy sống
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng phổ biến của teo cơ chân gồm:
- Bắp chân và đùi trông nhỏ hơn bình thường
- Yếu một hoặc cả hai chân
- Khó khăn khi đi bộ
- Khó khăn khi giữ thăng bằng
- Tê hoặc ngứa ran từ mông xuống chân.
Kiểm tra các triệu chứng và bệnh sử có thể giúp phát hiện nhanh tình trạng teo cơ chân. Tuy nhiên cần thực hiện thêm các xét nghiệm để tiềm kiếm nguyên nhân tiềm ẩn và đánh giá mức độ nghiêm trọng.
Những xét nghiệm thường được sử dụng gồm:
- Điện cơ đồ (EMG) và nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Hai kỹ thuật này được thực hiện để tra các hoạt động của cơ bắp chân và các dây thần kinh liên quan.
- Chụp MRI hoặc CT: Bệnh nhân có thể được chụp MRI hoặc CT để kiểm tra tủy sống, mạch máu, dây thần kinh, xương và mô mềm quanh xương. Cả hai kỹ thuật này đều tạo ra hình ảnh chi tiết.
- Chụp X-quang: X-quang cột sống có thể được thực hiện nhằm kiểm tra những tổn thương xương có thể dẫn đến teo cơ.
- Xét nghiệm máu: Người bệnh được xét nghiệm máu nhằm kiểm tra quá trình sinh tổng hợp protein và loại trừ một vài bệnh lý tiềm ẩn.
- Sinh thiết cơ hoặc thần kinh: Hiếm khi sử dụng nhưng một số trường hợp có thể được sinh thiết cơ hoặc thần kinh.
Biến chứng và tiên lượng
Một số tình trạng teo cơ chân có thể đảo ngược. Trong đó teo cơ do thiếu vận động có thể được điều trị khi trở lại các hoạt động thể chất và cung cấp dinh dưỡng cần thiết.
Nếu teo cơ nghiêm trọng và không được điều trị, người bệnh sẽ mất khả năng đảo ngược tình trạng và bị bại liệt vĩnh viễn.
Điều trị
Điều trị dựa trên nguyên nhân, mức độ nghiêm trọng của teo cơ chân và thời gian không sử dụng cơ bắp. Những phương pháp hữu hiệu gồm:
1. Cải thiện dinh dưỡng
Người bệnh được yêu cầu tối ưu hóa dinh dưỡng để điều trị teo cơ chân, đặc biệt là teo cơ do dinh dưỡng kém. Cụ thể người bệnh được hướng dẫn tăng cường bổ sung protein nạc, calo, các loại rau và trái cây trong chế độ ăn uống. Điều này giúp cải thiện quá trình sinh tổng hợp protein trong cơ thể. Từ đó phục hồi khối lượng và sức mạnh của cơ bắp.
Bác sĩ cũng có thể thiết lập một chế độ ăn uống chứa axit amin chuỗi nhánh (BCAA). Thành phần này có thể giúp ức chế sự phân hủy protein, đồng thời thúc đẩy tổng hợp cơ.
2. Tăng cường hoạt động thể chất
Những trường hợp teo cơ nhẹ có thể phục hồi sau vài tháng bổ sung protein và tăng cường hoạt động thể chất. Trong quá trình điều trị, người bệnh được khuyến khích tập thể dục mỗi ngày với những bài tập tác động lên cơ chân.
Các bài tập giúp kích thích lưu thông máu, xây dựng cơ bắp và hạn chế phân hủy mô cơ. Người lớn tuổi tập thể dục thường xuyên có thể giảm khả năng teo cơ và duy trì sức khỏe tổng thể.
3. Vận động trị liệu
Vận động trị liệu là phương pháp được áp dụng phổ biến, đặc biệt phù hợp với những người bị teo cơ thần kinh. Trong vật lý trị liệu, người bệnh được hướng dẫn những bài tập thụ động, có thể bao gồm sự hỗ trợ từ chuyên gia hoặc máy móc cho những người không thể vận động. Điều này giúp máu huyết lưu thông, giảm sự phân hủy mô cơ.
Khi chức năng vận động đã cải thiện, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn những động tác kéo giãn và bài tập tăng cường cơ bắp. Điều này giúp các cơ lớn và khỏe hơn.
4. Kích thích điện
Kích thích điện là một dạng vật lý trị liệu đặc biệt. Phương pháp này sử dụng những điện cực gắn trên da trên vùng có cơ bắp bị ảnh hưởng. Sau đó những xung điện nhỏ từ điện cực được gửi đi đến các cơ, tạo ra hoạt động co cơ. Điều này giúp sức mạnh và khối lượng cơ bắp được duy trì.
5. Siêu âm trị liệu
Siêu âm trị liệu cũng là một dạng vật lý trị liệu và thường được chỉ định trong điều trị teo cơ chân. Phương pháp này gồm việc sử dụng sóng âm thanh để kích thích các cơ và tăng tốc độ chữa lành cơ bắp. Siêu âm trị liệu kết hợp vận động sẽ giúp phục hồi cơ bắp hiệu quả và nhanh chóng, thường trong vòng vài tháng.
Siêu âm trị liệu có hai kỹ thuật, bao gồm:
- Sưởi ấm sâu: Sóng siêu âm được dùng để cung cấp nhiệt sâu và tác động tích cực đến mô mềm. Điều này làm tăng quá trình lưu thông máu đến mô, thúc đẩy chữa lành, tăng khối lượng cơ và giảm đau. Phương pháp sưởi ấm sâu cũng giúp người bệnh sớm phục hồi khả năng vận động linh hoạt.
- Xâm thực: Năng lượng siêu âm được sử dụng để tạo ra bọt khí xung quanh mô bị thương. Đồng thời kích thích sự co lại của cơ bắp và tăng khả năng hồi phục.
6. Phẫu thuật
Nếu mô cơ bị xơ hóa dẫn đến co rút, người bệnh sẽ được phẫu thuật để sửa chữa. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ loại bỏ hết các điểm xơ hóa của cơ để cải thiện tình trạng.
7. Thuốc
Hiếm khi các thuốc được chỉ định trong điều trị teo cơ chân. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được chỉ định steroid đồng hóa hoặc thuốc điều biến thụ thể androgen chọn lọc.
- Steroid đồng hóa: Thuốc này giúp làm chậm sự suy giảm khối lượng cơ cho trường hợp teo cơ nghiêm trọng. Tuy nhiên các loại steroid đồng hóa có thể gây tác dụng phụ.
- Thuốc điều biến thụ thể androgen chọn lọc: Thuốc này giúp đẩy nhanh quá trình táo tạo mô cơ và xương, phục hồi cơ bắp.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp giảm nguy cơ teo cơ chân gồm:
- Duy trì lối sống năng động, nên tập thể dục hoặc chơi thể thao tối thiểu 30 phút/ buổi, 5 buổi/ tuần. Đây là một trong những cách tốt nhất để duy trì cơ bắp khỏe mạnh.
- Không bất động quá lâu trên giường hoặc không sử dụng cơ bắp quá 10 ngày.
- Những trường hợp chấn thương và bó bột nên gồng cơ và co cơ nhẹ nhàng sau vài ngày để ngăn teo cơ.
- Đảm bảo ăn uống đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh. Đặc biệt nên bổ sung đủ protein nạc, ăn nhiều rau xanh và trái cây.
- Nếu có tổn thương dây thần kinh làm giảm hoặc mất chức năng vận động, cần điều trị sớm, áp dụng những phương pháp duy trì cơ bắp và cải thiện vận động. Chẳng hạn như vật lý trị liệu.
- Điều trị hoặc kiểm soát tốt những tình trạng có khả năng gây teo cơ chân.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi có khả năng phục hồi cơ bắp hay không?
2. Phương pháp điều trị an toàn và hiệu quả nhất là gì?
3. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?
4. Tôi có khả năng chơi thể thao và hoạt động bình thường hay không?
5. Tôi cần luyện tập như thế nào?
6. Có cần điều chỉnh chế độ ăn uống hay không?
7. Nên tránh những gì trong quá trình điều trị?
Teo cơ chân thường do thiếu vận động khi có chấn thương hoặc bệnh lý. Tình trạng này thường nhẹ và phục hồi nhanh. Tuy nhiên không ít trường hợp liên quan đến tổn thương dây thần kinh và tăng nguy cơ liệt. Vì vậy người bệnh cần khám và điều trị tích cực để hồi phục.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!