Teo Cơ
Teo cơ còn được gọi là suy nhược cơ bắp - một là một tình trạng mất hoặc mỏng đi của khối cơ. Tình trạng này thường là kết quả của những tổn thương thần kinh hoặc không sử dụng cơ bắp.
Tổng quan
Teo cơ là thuật ngữ chỉ tình trạng mất hoặc giảm các mô cơ, dẫn đến giảm khối lượng cơ và sức mạnh. Tình trạng này thường liên quan đến tuổi tác, suy dinh dưỡng, những tổn thương thần kinh và không sử dụng cơ bắp trong một thời gian dài.
Khi cơ bắp không được sử dụng, cơ thể phá vỡ những mô cơ để bảo tồn năng lượng. Tình trạng này thường gặp ở những người nằm bất động trong khi hồi phục sau một chấn thương hoặc bệnh lý.
Tùy thuộc vào sức khỏe và thời gian không sử dụng, teo cơ có thể được đảo ngược bằng cách tập luyện thường xuyên.
Những người bị teo cơ sẽ cơ bắp trông nhỏ hơn bình thường và suy yếu, không kèm theo đau. Hầu hết mọi người sẽ được điều trị bằng cách thay đổi lối sống, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Phân loại
Teo cơ được phân thành 3 loại, bao gồm:
- Teo cơ do không sử dụng
Khi luyện tập và tập thể dục, cơ bắp sẽ phát triển, lớn và khỏe hơn. Khi ngừng sử dụng một số cơ quá lâu, cơ thể có xu hướng phá vỡ những mô cơ để bảo tồn năng lượng. Từ đó dẫn đến sự suy giảm khối lượng cơ.
Teo cơ do không sử dụng thường do những nguyên nhân sau:
-
- Lối sống ít vận động hoặc không hoạt động thể chất thường xuyên. Tình trạng này thường gây teo cơ ở mức độ nhẹ đến trung bình.
- Bất động một chi khi bị chấn thương, chẳng hạn như gãy xương và bó bột. Khi bất động một chi, teo cơ thường xảy ra rất nhanh.
- Bất động kéo dài khi nằm liệt giường vì bệnh tật. Tình trạng này thường dẫn đến teo cơ nghiêm trọng và ảnh hưởng đồng thời đến nhiều cơ.
Để ngăn teo cơ do không sử dụng, người bệnh thường được yêu cầu đi lại và tập vật lý trị liệu sớm sau chấn thương.
- Teo cơ thần kinh
Teo cơ thần kinh xảy ra khi một hoặc nhiều dây thần kinh kích thích cơ bị thương và hoạt động không bình thường. Khi bị tổn thương, các dây thần kinh này không thể kích hoạt sự co cơ tạo ra hoạt động. Lâu ngày dẫn đến suy yếu và giảm khối lượng cơ.
Hầu hết những người bị teo cơ thần kinh do bệnh lý thần kinh ngoại biên. Đôi khi liên quan đến những tình trạng ảnh hưởng đến não (chẳng hạn như đột quỵ) và bệnh lý cột sống.
- Teo cơ bệnh lý
Teo cơ bệnh lý xảy ra do viêm nhiễm, những vấn đề trao đổi chất và suy dinh dưỡng. Chẳng hạn như:
-
- Bệnh ung thư
- Viêm da cơ
- Viêm đa cơ
- AIDS
- Điều trị corticosteroid dài hạn
- Hội chứng Dumping
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Teo cơ xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Không sử dụng cơ bắp
Các cơ không được sử dụng đủ sẽ dẫn đến tình trạng teo cơ, thường gặp ở những bị chấn thương hoặc có bệnh lý cần hạn chế vận động để phục hồi. Khi tập thể dục đều đặn kết hợp cải thiện dinh dưỡng, suy nhược cơ bắp có thể được đảo ngược.
Mất khối lượng cơ thường nghiêm trọng hơn ở những người không thể di chuyển một số bộ phận hoặc nằm liệt giường. Khi cơ không được sử dụng, các mô cơ sẽ bị phá hủy.
- Dinh dưỡng kém
Thiếu dinh dưỡng dẫn đến teo cơ và nhiều tình trạng sức khỏe khác.Theo Tổ chức Loãng xương Quốc tế, một chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng, ít rau quả, trái cây và protein nạc sẽ làm giảm khối lượng cơ.
Một số tình trạng y tế có thể làm suy giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng của cơ thể và gây teo cơ. Bao gồm:
-
- Hội chứng ruột kích thích
- Bệnh ung thư
- Bệnh celiac
- Hội chứng suy mòn
- Tuổi tác
Khi bạn già đi, cơ thể sẽ sản xuất ít protein hơn và cơ bắp không được thúc đẩy phát triển. Tình trạng thiếu hụt protein làm cho những tế bào co lại dẫn đến thiểu cơ.
- Di truyền
Teo cơ tủy sống là một rối loạn di truyền dẫn đến sự teo cơ và mất tế bào thần kinh vận động. Ngoài ra teo cơ cũng có thể liên quan đến loạn dưỡng cơ. Đây là một nhóm các tình trạng có khả năng làm mất và yếu cơ.
- Các vấn đề thần kinh
Bệnh lý cột sống hoặc chấn thương có thể làm tổn thương các dây thần kinh kiểm soát cơ. Điều này khiến các cơ không nhận được tín hiệu từ dây thần kinh và ngừng co bóp. Từ đó dẫn đến tình trạng teo cơ do thần kinh.
- Bệnh lý
Teo và yếu cơ liên quan đến một số tình trạng mãn tính dưới đây:
-
- Đa xơ cứng
- Viêm khớp
- Bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS)
- Viêm cơ
- Bệnh bại liệt
Ngoài ra teo cơ bệnh lý có thể liên quan đến các bệnh ung thư, các tình trạng nhiễm trùng như AIDS, hội chứng Dumping và điều trị corticosteroid dài hạn. Trong đó hội chứng Dumping gây ra tình trạng suy dinh dưỡng, viêm da cơ và viêm đa cơ làm phá hủy cơ.
Triệu chứng và chẩn đoán
Tùy thuộc vào nguyên nhân, teo cơ có những triệu chứng và dấu hiệu sau:
- Cơ bắp ở tay hoặc chân trông nhỏ hơn bình thường
- Yếu ở một cánh tay hoặc một chân
- Tê hoặc ngứa ran
- Khó khăn khi đi bộ và giữ thăng bằng
- Mặt yếu
- Khó nuốt hoặc khó nói
- Mất trí nhớ dần dần.
Quan sát và so sánh các chi có thể giúp bác sĩ phát hiện nhanh tình trạng teo cơ. Để nắm rõ tình trạng và nguyên nhân, người bệnh được kiểm tra tiền sử y tế, chấn thương và đơn thuốc.
Bác sĩ cũng có thể chỉ định một số xét nghiệm bổ sung dưới đây:
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra yếu tố di truyền và dinh dưỡng kém có thể gây teo cơ.
- Chụp X-quang: Bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang để kiểm tra xương, chẳng hạn như cột sống. Tình trạng này có thể giúp phát hiện teo cơ thần kinh do chấn thương hoặc bệnh lý.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI cung cấp hình ảnh chi tiết của mô mềm. Từ đó giúp đánh giá và tìm kiếm những tổn thương có thể gây teo cơ. Chẳng hạn như gãy đốt sống hoặc thoát vị đĩa đệm gây tổn thương thần kinh và tủy sống.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Cung cấp hình ảnh chi tiết về xương, phát hiện những tổn thương nhỏ và khó thấy.
- Điện cơ đồ (EMG): Nếu có nghi ngờ teo cơ do bệnh lý thần kinh, người bệnh được điện cơ đồ để kiểm tra các hoạt động của cơ và dây thần kinh.
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Kỹ thuật này giúp đánh giá tổn thương dây thần kinh.
- Sinh thiết cơ hoặc thần kinh: Đôi khi bệnh nhân được sinh thiết cơ hoặc thần kinh để xác định nguyên nhân gây teo cơ.
Biến chứng và tiên lượng
Teo cơ sinh lý đôi khi được đảo ngược bằng cách cải thiện dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên. Đối với teo thần kinh, tình trạng này thường không thể đảo ngược. Từ đó làm tăng nguy cơ bại liệt.
Tùy thuộc vào loại teo cơ và mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể lấy lại cơ bắp sau một vài tháng luyện tập. Tuy nhiên mất rất nhiều thời gian để phục hồi hoàn toàn sức mạnh.
Điều trị
Bệnh nhân bị teo cơ có thể được điều trị bằng cách cải thiện lối sống, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
1. Cải thiện lối sống
Ăn uống lành mạnh và đầy đủ kết hợp luyện tập thường xuyên có thể phục hồi sức mạnh và khối lượng cơ bắp mất đi.
- Tập thể dục thường xuyên
Người bệnh được hướng dẫn sử dụng và phục hồi cơ bắp bằng những bài tập có mục tiêu. Những bài tập này có thể giúp tăng cường khối lượng cơ bắp, phục hồi sức mạnh và giúp các cơ khỏe hơn.
Nếu hoạt động ít hơn bình thường trong thời gian ngắn, việc tiếp tục các hoạt động thể chất bình thường (như yoga, đi bộ, các bài tập tạ nhẹ) có thể đủ để xây dựng lại cơ bắp.
- Chế độ ăn uống phù hợp
Người bệnh được yêu cầu ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành lạnh. Đặc biệt nên ăn nhiều protein nạc, rau xanh và trái cây để thúc đẩy quá trình xây dựng cơ bắp.
2. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị teo bệnh lý và teo cơ thần kinh. Dựa trên tình trạng, bác sĩ có thể hướng dẫn vận động trị liệu, siêu âm hoặc/ và kích thích điện.
- Vận động trị liệu
Trong quá trình trị liệu, chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn những bài tập thụ động để di chuyển cơ thể. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu, hạn chế tối đa sự phân hủy mô cơ.
Nếu có sức mạnh và có khả năng kiểm soát các cơ khác, người bệnh sẽ được yêu cầu đi lại thường xuyên, di chuyển cơ một cách thụ động. Hầu hết các trường hợp có thể cải thiện khả năng vận động và cơ bắp sau vài tháng vật lý trị liệu.
- Kích thích điện
Nhiều bệnh nhân được kích thích điện điều trị teo cơ. Đây là một loại vật lý trị liệu đặc biệt. Trong đó các điện cực sẽ được đặt trên da trên cơ bắp bị thương. Chúng gửi những xung điện nhỏ đến cơ và dây thần kinh ảnh hưởng. Các xung điện giúp co cơ một cách nhân tạo hoặc giúp người bệnh cố gắng vận động. Từ đó duy trì khối lượng cơ bắp và sức mạnh.
- Siêu âm trị liệu
Trong điều trị teo cơ, liệu pháp siêu âm sử dụng sóng âm thanh để đẩy nhanh tốc độ chữa lành cơ bắp. Từ đó giúp phục hồi khối lượng và sức mạnh của cơ.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những người bị co rút do teo cơ. Tình trạng này xảy ra khi các mô của cơ bị xơ hóa, làm cản trở cử động và khiến người bệnh khó căng cơ.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ những điểm xơ hóa của cơ. Sau cùng hướng dẫn người bệnh tập vật lý trị liệu để phục hồi.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh teo cơ. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm nếu bạn áp dụng những cách sau:
- Tập thể dục thường xuyên và tham gia những hoạt động thể chất.
- Tránh lối sống thiếu vận động.
- Đảm bảo ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và protein nạc để duy trì sức khỏe cơ bắp.
- Nếu bị chấn thương và bó bột, hãy dành vài ngày để nghỉ ngơi. Sau đó thực hiện các động tác gồng và kéo giãn cơ bắp. Điều này sẽ giúp bạn ngăn ngừa tình trạng suy nhược và mất khối lượng cơ.
- Nếu có bệnh lý thần kinh hoặc một vài tình trạng gây teo cơ, hãy điều trị sớm và vật lý trị liệu tích cực theo chỉ định của bác sĩ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân có khả năng nhất khiến tôi bị teo cơ là gì?
2. Có khả năng đảo ngược tình trạng hay không?
3. Điều trị bằng cách nào nhanh khỏi?
4. Tôi nên luyện tập như thế nào?
5. Mất bao lâu để phục hồi cơ bắp và sức mạnh?
6. Tôi có khả năng bị bại liệt hay không?
7. Tôi có khả năng trở lại các hoạt động bình thường hay không?
Teo cơ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp teo cơ sinh lý có thể đảo ngược nếu bổ sung đầy đủ dinh dưỡng và tập thể dục thường xuyên. Những trường hợp nặng hơn cần vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật theo chỉ định.