Thoái hóa Cột Sống Thắt Lưng
Thoái hóa cột sống thắt lưng là bệnh thoái hóa cột sống xảy ra ở đoạn thắt lưng. Bệnh gây ra những tổn thương hao mòn ở đĩa đệm và xương đốt sống. Từ đó dẫn đến đau, cứng khớp và nhiều triệu chứng khác.
Tổng quan
Thoái hóa cột sống thắt lưng là thuật ngữ chỉ tình trạng hao mòn (thoái hóa) đĩa đệm và khớp ở cột sống thắt lưng, đoạn từ đốt sống L1 - L5. Tình trạng này xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, thường bắt đầu trong độ tuổi trung niên.
Khi đĩa đệm bắt đầu thoái hóa, chúng trở nên mất nước, yếu, ít đàn hồi và gây ra những thay đổi hao mòn (xẹp hoặc lún). Tình trạng này làm tăng áp lực lên các bề mặt của xương đốt sống, tăng kích thích và viêm.
Khi đĩa đệm mòn hơn, các xương cọ xác vào xương dẫn đến sự phát triển của xương mới, được gọi là gai xương. Quá trình này diễn ra nhằm hỗ trợ các đốt sống và bù đắp không gian nơi đĩa đệm hao mòn. Tuy nhiên gai xương lớn sẽ làm hẹp không gian trong ống sống. Cuối cùng dẫn đến sự chèn ép của tủy sống và các dây thần kinh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Thoái hóa cột sống thắt lưng xảy ra do quá trình lão hóa tự nhiên. Trong đó đĩa đệm cột sống mòn đi như một phần bình thường của quá trình trình này. Phần lớn các trường hợp bị thoái hóa cột sống sau tuổi 40.
Một số thay đổi gây đau khi cột sống thoái hóa:
- Đĩa đệm khô: Hầu hết phần lõi mềm của đĩa chứa nước. Khi già đi, đĩa đệm thoái hóa và mất đi lượng nước cần thiết. Điều này khiến chúng trở nên mỏng hơn và giảm khả năng hấp thụ sốc. Đĩa đệm khô và yếu đi dẫn đến đau đớn và khiến đau nhức tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian.
- Đĩa đệm rách hoặc nứt: Thoái hóa khiến đĩa đệm khô dần và xuất hiện những vết nứt nhỏ. Điều này khiến nhân nhầy phình hoặc thoát ra khỏi vị trí, chèn ép vào rễ thần kinh và gây đau đớn.
- Gai xương: Khi đĩa đệm mỏng đi, xương mới phát triển nhằm bù đắp vào vị trí có đĩa đệm hao mòn, giúp hỗ trợ cột sống. Tuy nhiên gai xương lớn dần theo thời gian có thể làm hẹp không gian trong ống sống. Điều này dẫn đến chèn ép rễ thần kinh và tủy sống đi qua. Cuối cùng gây tê yếu và đau đớn ở các chi.
Một số người bị thoái hóa cột sống sớm hơn và nghiêm trọng hơn do một vài yếu tố, bao gồm:
- Tuổi tác: Hầu hết người lớn trên 60 tuổi đều bị thoái hóa cột sống. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng gây đau. Trong đó các đĩa đệm mất nước, co lại một cách tự nhiên và mất đi sự hỗ trợ.
- Chấn thương: Những người bị chấn thương lưng nghiêm trọng sẽ có nguy cơ thoát hóa cột sống cao hơn. Chẳng hạn như chấn thương trong khi chơi thể thao hoặc tai nạn xe cộ.
- Thừa cân béo phì: Cân nặng dư thừa khiến cột sống thắt lưng chịu nhiều áp lực. Điều này dẫn đến đau nhức thường xuyên, tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm và thoái hóa cột sống thắt lưng.
- Lối sống ít vận động: Thoái hóa cột sống thường gặp ở những người có lối sống ít vận động. Các bài tập và những chuyên động nhẹ nhàng có thể tăng cường sức mạnh cho lưng, giúp thư giãn, tăng sự dẻo dai và làm chậm lão hóa. Trong khi những người có lối sống ít vận động, thường xuyên đứng hoặc ngồi lâu sẽ gây ra nhiều áp lực cho khớp xương, các cơ quanh cột sống và đĩa đệm không được sử dụng đúng cách dẫn đến thoái hóa.
- Vận động gắng sức: Lặp đi lặp lại một vài chuyển động, gắng sức trong công việc hoặc chơi thể thao có thể gây chấn thương và căng thẳng quá mức ở lưng dưới. Từ đó đẩy nhanh tốc độ lão hóa đĩa đệm và đốt sống.
- Hút thuốc: Bất kỳ hình thức hấp thụ nicotin nào, bao gồm cả hút thuốc lá đều có khả năng làm tăng tốc độ lão hóa, dẫn đến thoái hóa xương khớp.
- Ngồi sai tư thế: Ngồi lâu hoặc ngồi sai tư thế gây căng thẳng cho đĩa đệm cột sống thắt lưng. Từ đó làm tăng tốc độ lão hóa.
Triệu chứng và chẩn đoán
Thoái hóa cột sống thắt lưng có những triệu chứng sau:
- Đau lưng dưới vừa phải và liên tục, có thể lan xuống mông và chân
- Nhạy cảm khi chạm vào
- Cơn đau thỉnh thoảng bùng phát
- Tăng tần suất và mức độ đau theo thời gian
- Đau nhiều hơn khi vặn, uốn cong lưng và ngồi lâu
- Giảm đau khi đi bộ, thay đổi tư thế và tập thể dục
- Cơn đau có thể đến và đi trong vài ngày hoặc vài tháng
- Cứng khớp, khó cử động ở lưng
- Có cảm giác co thắt bên trong
- Cảm giác yếu hoặc mất ổn định đột ngột
- Có tiếng kêu lạo xạo hoặc răng rắc khi cử động hoặc uốn cong lưng dưới
Nếu có tổn thương hoặc chèn ép dây thần kinh và tủy, một số triệu chứng khác có thể xảy ra, bao gồm:
- Đau thần kinh tọa. Bệnh nhân thường xuyên có cơn đau kèm theo tê, nóng rát, buốt, châm chích hoặc ngứa ran từ mông lan xuống mặt sau của đùi và chân
- Yếu chi
- Mất kiểm soát ruột và bàng quang ở trường hợp nặng.
Người bệnh được kiểm tra bệnh sử, các chấn thương trong quá khứ và sức khỏe tổng quát. Bác sĩ có thể ấn nhẹ vùng thắt lưng, yêu cầu người bệnh đi lại hoặc nâng chân. Điều này giúp đánh giá mức độ đau, tê yếu, sức mạnh, tính linh hoạt và phản xạ của người bệnh.
Sau kiểm tra lâm sàng, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp kiểm tra những cấu trúc dày đặc, chẳng hạn như xương. Điều này giúp phát hiện gai xương và sự hao mòn của đĩa đệm giữa hai đốt sống liền kề.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT tạo ra hình ảnh chi tiết và rõ ràng hơn so với X-quang. Hình ảnh thu được có thể giúp phát hiện bất kỳ tổn thương và gai xương nào.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI cung cấp hình ảnh chi tiết về xương và các mô mềm. Điều này giúp tìm kiếm những nguyên nhân khác có thể góp phần gây đau, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm, u tủy sống. Chụp cộng hưởng từ cũng cung cấp hình ảnh và chiều cao đĩa đệm, dây thần kinh và đoạn tủy sống bị chèn ép, hydrat hóa đĩa. Từ đó đánh giá chính xác hơn về tình trạng.
- Điện cơ đồ (EMG): EMG được thục hiện nhằm kiểm tra tình trạng yếu cơ có liên quan đến tổn thương dây thần kinh hay không. Kỹ thuật này giúp ghi lại hoạt động điện của cơ xương. Từ đó đánh giá chức năng và phát hiện rối loạn thần kinh - cơ.
- Nghiên cứu dẫn truyền thần kinh: Xét nghiệm này giúp nghiên cứu phản ứng điện của dây thần kinh và cơ, thường được thực hiện cùng với điện cơ đồ.
Biến chứng và tiên lượng
Do chịu nhiều áp lực từ trọng lượng và các hoạt động thường ngày, thoái hóa cột sống thắt lưng thường tiến triển nhanh và gây ra nhiều triệu chứng. Khi không được kiểm soát, thoái hóa và đau nhức tăng dần theo thời gian, ảnh hưởng đến những chuyển động của lưng.
Mặt khác, những tổn thương hao mòn có thể chèn ép dây thần kinh và tủy sống, gây ra những biến chứng sau:
- Đau thần kinh tọa
- Hội chứng chùm đuôi ngựa
- Đau lưng mãn tính
- Yếu hoặc tê liệt chi dưới
- Teo cơ
- Giảm khả năng vận động
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang (đại tiện hoặc tiểu không tự chủ)
- Tăng nguy cơ phát triển các tình trạng cột sống khác như:
- Hẹp cột sống
- Thoát vị đĩa đệm
- Trượt đốt sống
- Vẹo cột sống
- Viêm xương khớp
Điều trị
Hầu hết bệnh nhân được điều trị bảo tồn. Các phương pháp có thể giúp ngăn thoái hóa cột sống tiến triển và giảm nhẹ các triệu chứng. Ở những trường hợp nặng, phẫu thuật có thể cân nhắc.
1. Thuốc
Điều trị ban đầu gồm các thuốc giảm đau (tiêm hoặc uống). Những loại thường dùng gồm:
- Acetaminophen: Thuốc này được dùng cho bệnh nhân bị thoái hóa cột sống thắt lưng ở mức độ nhẹ, đau ngắn hạn. Acetaminophen có tác dụng giảm đau tạm thời, thường mang đến hiệu quả nhanh.
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): NSAID thích hợp với những cơn đau vừa. Thuốc có tác dụng ngăn viêm và giảm đau nhức. Những loại thường được sử dụng gồm Ibuprofen và Celecoxib.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc này được dùng cho những cơn đau lưng co thắt. Thuốc có tác dụng giảm co thắt cơ và giảm đau nhanh chóng.
- Steroid: Corticosteroid được dùng cho bệnh nhân bị viêm khớp, đau dai dẳng, kém đáp ứng với NSAID. Đây là loại thuốc chống viêm mạnh, giúp điều trị viêm và giảm đau hiệu quả. Corticosteroid có thể được dùng bằng đường uống hoặc tiêm vào không gian cột sống ảnh hưởng.
- Thuốc giảm đau opioid: Đây là nhóm thuốc giảm đau gây nghiện, được dùng ngắn hạn cho những bệnh nhân có cơn đau nặng và kém đáp ứng với những loại khác. Thuốc có tác dụng điều trị đau, mang đến hiệu quả nhanh chóng.
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được dùng cho những bệnh nhân bị đau mãn tính. Thuốc này có tác dụng giảm đau, ngăn căng thẳng và mất ngủ do đau nhức.
2. Biện pháp tại nhà
Những biện pháp tại nhà có thể giúp kiểm soát đau và cứng khớp do thoái hóa cột sống thắt lưng.
- Nghỉ ngơi: Giữ cho cột sống của bạn được nghỉ ngơi, tránh những hoạt động có thể gây đau hoặc tác động nhiều. Điều này cho phép đĩa đệm và các cơ quanh cột sống phục hồi.
- Liệu pháp lạnh: Chườm đá bằng cách đặt túi đá lạnh lên vùng thắt lưng trong 15 phút, 3 - 4 lần/ ngày. Biện pháp này có tác dụng giảm đau hiệu quả.
- Liệu pháp nóng: Đặt miếng đệm sưởi hoặc khăn ấm lên thắt lưng, thư giãn 20 phút. Nhiệt độ cao giúp giảm đau, thư giãn các cơ và dây chằng quanh cột sống. Đồng thời giúp giảm cứng khớp và cải thiện tính linh hoạt. Liệu pháp chườm ấm cũng giúp tăng lưu thông máu, cho phép các mô được chữa lành.
- Xoa bóp: Xoa bóp giúp giảm bớt các triệu chứng của thoái hóa cột sống thắt lưng. Lực tác động từ tay có thể giảm co thắt và căng thẳng ở cơ lưng dưới,giảm áp lực lên cột sống. Ngoài ra liệu pháp xoa bóp cũng giúp giảm đau, tăng lưu thông máu và oxy. Điều này cho phép các cơ bị căng và đĩa đệm được chữa lành.
- Tập thể dục: Thực hiện những bài tập hoặc hoạt động ít tác động, chẳng hạn như bơi lội và đi lại. Điều này giúp tăng cường cơ lưng, giữ cho cột sống khỏe mạnh và linh hoạt. Tập thể dục nhẹ nhàng và đúng cách cũng giúp giảm đau hiệu quả.
- Yoga: Tập yoga nhẹ nhàng và kéo dài thường xuyên suốt cả ngày. Điều này giúp tăng cường sự dẻo dai, giảm căng thẳng và cải thiện tư thế. Các bài tập yoga cũng giúp giảm đau và làm chậm quá trình lão hóa.
3. Vật lý trị liệu
Những trường hợp nặng cần vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong quá trình này, người bệnh được luyện tập với những động tác và bài tập nhẹ nhàng (chẳng hạn như kéo dài cột sống). Luyện tập giúp cải thiện tư thế, giảm đau và giữ cho cột sống khỏe mạnh.
Sau khi đau giảm và cột sống linh hoạt hơn. người bệnh được hướng dẫn các bài tập tăng cường sức cơ. Những bài tập này giúp làm mạnh cơ lưng và bụng, tăng sự ổn định cho cột sống. Đồng thời cải thiện sự dẻo dai và sức mạnh.
4. Phẫu thuật
Hiếm khi phẫu thuật được thực hiện. Phương pháp này thường chỉ được chỉ định khi:
- Điều trị bảo tồn thất bại, đau nhức nhiều và không giảm
- Yếu chi dai dẳng
- Có chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống, gây mất kiểm soát ruột và bàng quang.
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường gồm các kỹ thuật giải nén và hợp nhất cột sống.
- Phẫu thuật cắt bỏ đĩa đệm: Bác sĩ loại bỏ một phần đĩa đệm hỏng hoặc thoát vị. Điều này giúp giảm áp lực lên các dây thần kinh lân cận. Sau cắt bỏ đĩa đệm, phẫu thuật hợp nhất thường được thực hiện để tăng sự ổn định.
- Phẫu thuật cắt bỏ: Mô và xương có thể bị loại bỏ để mở rộng lỗ thông cho rễ thần kinh. Từ đó giảm bớt sự chèn ép.
- Laminectomy: Phương pháp này thường được thực hiện cho những bệnh nhân bị thoái hóa cột sống có chèn ép rễ thần kinh. Khi thực hiện, một phần nhỏ của xương từ đốt sống (lamina) được lấy ra. Điều này giúp tăng không gian cho các dây thần kinh và tủy sống.
- Loại bỏ gai xương: Phương pháp này được thực hiện cho những người có gai xương lớn. Gai xương được loại bỏ giúp giảm bớt áp lực lên thần kinh và tủy sống.
- Hợp nhất cột sống: Sau khi giải nén thần kinh - tủy sống, bác sĩ tiến hành hợp nhất cột sống. Trong đó, hai hoặc nhiều đốt sống liền kề được cố định với nhau bằng thanh kim loại và đinh vít. Điều này giúp cải thiện sự ổn định. Khi các đốt sống phát triển cùng nhau và tạo thành một khối, người bệnh có thể hạn chế được những chuyển động có thể gây đau.
Hầu hết các trường hợp phẫu thuật đều giảm đau trong thời gian dài. Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể tiếp tục các hoạt động và tập thể dục.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên nhiều biện pháp có thể làm chậm quá trình lão hóa, giảm nguy cơ thoái hóa cột sống thắt lưng. Bao gồm:
- Đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Điều này giúp giảm áp lực cho cột sống thắt lưng và giữ xương khớp khỏe mạnh.
- Bỏ thuốc lá.
- Ăn uống lành mạnh, tăng cường bổ sung các thành phần chống oxy hóa, vitamin D và canxi. Điều này giúp giữ xương khớp khỏe mạnh và giảm nguy cơ thoái hóa cột sống.
- Nếu phải ngồi hoặc đứng lâu một chỗ, nên nghỉ giải lao và kéo giãn nhiều lần trong ngày. Điều này giúp thư giãn, giữ cho cột sống khỏe mạnh và dẻo dai.
- Thận trọng để tránh chấn thương làm tăng tốc độ thoái hóa.
- Tránh lao động gắng sức, không luyện tập quá mức hoặc thường xuyên mang vác vật nặng.
- Thực hành tư thế tốt khi ngồi, nâng vật hoặc luyện tập.
- Thường xuyên tập thể dục. Điều này giúp tăng cường sự dẻo dai và sức mạnh, giữ cho cột sống khỏe mạnh, ổn định và làm chậm quá trình lão hóa.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phương pháp điều trị nào phù hợp và hiệu quả cao?
2. Có những biện pháp nào giúp giảm đau và cải thiện tư thế?
3. Có điều gì cần tránh và nên thực hiện khi bị thoái hóa cột sống thắt lưng?
4. Tôi có thể tập thể dục và sinh hoạt bình thường hay không?
5. Bài tập nào thích hợp cho tình trạng của tôi?
6. Tôi nên làm gì khi gặp tác dụng phụ do thuốc?
7. Nếu không điều trị, tôi có thể gặp những biến chứng nào?
Bệnh thoái hóa cột sống thắt lưng có tiến triển chậm. Hầu hết các trường hợp không có triệu chứng cho đến khi bệnh nặng hơn. Những trường hợp này cần dùng thuốc, vận động đúng cách hoặc phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Liên hệ với bác sĩ để được tư vấn thêm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!