Suy Thận Cấp: Triệu Chứng, Chẩn Đoán Và Cách Điều Trị

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Thận Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Suy thận cấp là sự suy giảm đột ngột mức lọc cầu thận. Bệnh xảy ra khi thận đột nhiên mất chức năng lọc máu, chất thải tích tụ và gây biến chứng đe dọa đến tính mạng. Ở thể cấp tính, suy thận có thể do nguyên nhân tại thận hoặc ngoài thận.

Suy thận cấp
Tìm hiểu bệnh suy thận cấp, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Suy thận cấp là gì?

Suy thận cấp (ARF) còn được gọi là tổn thương thận cấp tính (AKI). Bệnh thể hiện cho sự suy giảm chức năng thận một cách đột ngột, thường phát triển trong vòng vài giờ hoặc vài ngày.

Tổn thương thận cấp tính được đặc trưng bởi sự suy giảm nhanh chóng của mức lọc cầu thận, tăng creatinine huyết thanh (trên 50% so với giá trị bình thường hoặc tăng thêm 0,5 mg/dl), thể tích nước tiểu < 0,5 ml/kg/giờ và duy trì trong vòng 6 giờ.

Lọc máu là chức năng chính của thận. Suy thận khiến chất lỏng, muối và chất thải không được lọc khỏi máu. Điều này gây phù nề, làm tích tụ chất thải và đe dọa đến tính mạng.

Phân loại và nguyên nhân gây suy thận cấp

Dưới đây là 3 phân loại của suy thận cấp và nguyên nhân gây bệnh:

1. Suy thận cấp trước thận

Những nguyên nhân trước thận của tổn thương thận cấp là các tình trạng làm giảm lưu lượng máu trước thận và giảm tốc độ lọc cầu thận (GFR). Cụ thể như:

+ Giảm thể tích tuần hoàn

  • Mất máu (thường do xuất huyết tiêu hóa, phẫu thuật hoặc chấn thương)
  • Mất dịch trong lòng mạch
  • Huyết áp thấp
  • Suy tim dẫn đến hội chứng tim thận
  • Mất nước

+ Do mạch thận

  • Nhồi máu động mạch thận
  • Co thắt mạch thận
  • Tắc tĩnh mạch thận
  • Hẹp động mạch thận
  • Phình tách động mạch chủ bụng
  • Xơ vữa mạch thận
  • Hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch thận (huyết khối tĩnh mạch thận)
Suy thận cấp trước thận thường do huyết khối tĩnh mạch thận
Suy thận cấp trước thận thường do hình thành cục máu đông trong tĩnh mạch thận

+ Rối loạn điều hòa mạch thận

  • Nhiễm trùng
  • Ức chế men chuyển
  • Do Prostaglandin

+ Hội chứng gan thận

  • Hội chứng gan thận gây suy thận cấp tính thể trước thận. Trong đó bệnh nhân bị xơ gan và có những thay đổi liên quan đến những mạch máu cung cấp cho thận

2. Suy thận cấp tại thận

Suy thận cấp tại thận xảy ra khi có những bệnh lý và vấn đề làm tổn thương trực tiếp cho thận. Trong đó ống thận, cầu thận hoặc/ và khoảng kẽ có thể bị tổn thương. Những nguyên nhân phổ biến gồm:

+ Do ống thận

  • Hoại tử ống thận cấp tính
  • Thiếu máu
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Suy thận cấp thứ phát sau nhiễm khuẩn nặng
  • Tắc ống thận
  • Vấn đề khi mang thai, chẳng hạn như chảy máu tử cung và sản giật

+ Do cầu thận

  • Viêm cầu thận
  • Bệnh kháng thể kháng cầu đáy cầu thận
  • Bệnh lý mạch máu, chẳng hạn như viêm mạch, viêm mạch Wegener, tăng huyết áp ác tính
  • Hội chứng tan máu tăng ure máu (HUS)
  • Hội chứng tan máu giảm tiểu cầu
  • Tác dụng phụ từ một số loại thuốc như Amphotericin B, Cisplatin và Cyclosporin

+ Viêm thận kẽ

  • Viêm thận kẽ cấp tính
  • Dùng kéo dài hoặc lạm dụng một số loại thuốc. Chẳng hạn như thuốc lợi tiểu, Allopurinol, thuốc ức chế men chuyển, thuốc giảm đau chống viêm không steroid, thuốc kháng sinh
  • Thâm nhiễm Lymphoma, Sarcoidosis, virus (như EBV, CMV, HIV) và một số loại vi khuẩn như Streptococcus, Pneumococcus
  • Nhiễm trùng nấm, Mycoplasma

+ Nguyên nhân khác

  • Tiêu cơ vân
  • Hội chứng ly giải khối u

3. Suy thận cấp sau thận

Suy thận cấp sau thận là những tổn thương cấp tính liên quan đến các bệnh lý ở hạ lưu thận và sự tắc nghẽn đường tiết niệu. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gồm:

Suy thận cấp sau thận thường gặp ở những bệnh nhân bị sỏi thận
Suy thận cấp sau thận thường gặp ở những bệnh nhân bị sỏi thận gây ra những tổn thương cấp tính
  • Tắc nghẽn tại thận
  • Tắc ống thận
  • Tắc niệu đạo
  • Tắc niệu quản
  • Sỏi bàng quang
  • Tăng sản lành tính tuyến tiền liệt
  • Ung thư bàng quang, tuyến tiền liệt hoặc niệu quản
  • Sỏi thận

Yếu tố nguy cơ

Những yếu tố nguy cơ của suy thận cấp gồm:

  • Từ 65 tuổi
  • Có tiền sử bệnh thận
  • Bị mất nước nghiêm trọng hoặc cơ thể không giữ được chất lỏng
  • Bệnh động mạch ngoại vi
  • Huyết áp cao
  • Suy tim
  • Thừa cân béo phì
  • Bệnh tiểu đường
  • Bệnh thận
  • Bệnh gan
  • Mới trải qua một cuộc phẫu thuật lớn như phẫu thuật bắc cầu, ghép tủy xương, phẫu thuật tim hoặc phẫu thuật bụng.

Triệu chứng của bệnh suy thận cấp

Dưới đây là những triệu chứng và dấu hiệu giúp nhận biết bệnh suy thận cấp:

Sưng ở bàn chân, mắt cá chân và chân
Sưng ở bàn chân, mắt cá chân và chân là biểu hiện thường gặp ở bệnh suy thận cấp
  • Đi tiểu ít thường xuyên hơn
  • Phân có máu
  • Hơi thở có mùi
  • Phù nề do giữ nước. Thường gây sưng ở bàn chân, mắt cá chân và chân
  • Cảm thấy yếu và mệt mỏi hoặc cảm thấy buồn ngủ
  • Chuyển động chậm chạm
  • Đau bụng
  • Đau hoặc có áp lực ở bụng
  • Run tay
  • Dễ bầm tím
  • Xuất hiện những cơn đau ở xương sườn và hông
  • Ít đói bụng và giảm sự thèm ăn
  • Thay đổi tâm trạng hoặc trạng thái tinh thần. Thường gặp ở người cao tuổi
  • Chảy máu kéo dài
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Miệng có vị kim loại
  • Ngứa
  • Khó thở
  • Huyết áp cao
  • Co giật
  • Sốt, phát ban
  • Chảy máu cam.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh suy thận cấp xảy ra đột ngột và có diễn tiến nhanh (trong vòng vài giờ đến vài ngày). Nhìn chung bệnh có tiên lượng xấu nếu không được điều trị kịp thời. Những trường hợp phát hiện và điều trị nhanh chóng có thể được chữa khỏi hoàn toàn và phục hồi chức năng thận.

Trong trường hợp phát hiện và điều trị muộn, người bệnh có thể gặp nhiều biến chứng dưới đây:

  • Tích tụ chất lỏng trong phổi dẫn đến khó thở
  • Suy thận mạn
  • Suy thận giai đoạn cuối
  • Tổn thương tim, chẳng hạn như viêm màng ngoài tim dẫn đến tức ngực
  • Tổn thương hệ thần kinh
  • Huyết áp cao
  • Nhiễm khuẩn huyết

Các biến chứng làm giảm tiên lượng ở bệnh nhân bị suy thận cấp và gây ra những tổn thương vĩnh viễn. Hơn nữa bệnh phát triển nhanh khiến bệnh nhân tử vong.

Theo Hội Lọc máu và Ghép thận Châu Âu (EDTA), tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân bị suy thận cấp như sau:

  • Chỉ tổn thương thận đơn độc: Tỉ lệ tử vong 8%
  • Có thêm một hoặc nhiều cơ quan khác bị tổn thương (phổi, tim) hoặc có biến chứng nhiễm khuẩn huyết: Tỉ lệ tử vong từ 65 – 76%

Chẩn đoán bệnh suy thận cấp

Bệnh suy thận cấp được chẩn đoán khi người bệnh có một hoặc nhiều tiêu chí dưới đây:

  • Tăng SCr ≥0,3 mg/dl (≥26,5 μmol/L) trong vòng 48 giờ
  • Thể tích nước tiểu < 0,5 mL/kg/h trong 6 giờ
  • Tăng SCr lên ≥1,5 lần so với ban đầu, đã xuất hiện trong vòng 7 ngày trước đó.

Bệnh suy thận cũng có thể được chẩn đoán dựa trên tiêu chí RIFLE:

  • Nguy cơ (Risk)
    • Creatinine huyết thanh tăng gấp 1,5 lần, hoặc
    • Tốc độ lọc cầu thận (GFR) giảm 25% so với bình thường, hoặc
    • Lượng nước tiểu < 0,5 mL/kg mỗi giờ trong sáu giờ.
  • Chấn thương (Injury)
    • Creatinine huyết thanh tăng gấp đôi, hoặc
    • GFR giảm 50% so với bình thường, hoặc
    • Lượng nước tiểu <0,5 mL/kg mỗi giờ trong 12 giờ.
  • Thất bại (Failure)
    • Creatinine huyết thanh tăng gấp 3 lần, hoặc
    • GFR giảm 75% so với bình thường, hoặc
    • Lượng nước tiểu <0,3 mL/kg mỗi giờ trong 24 giờ, hoặc 
    • Không có lượng nước tiểu (vô niệu) trong 12 giờ.
  • Mất (Loss)
    • Mất hoàn toàn chức năng thận trong hơn 4 tuần.
  • Bệnh thận giai đoạn cuối (End-stage kidney diseas)
    • Mất hoàn toàn chức năng thận trong hơn 3 tháng.

Để chẩn đoán và đánh giá suy thận cấp, người bệnh được kiểm tra dấu hiệu và triệu chứng. Ngoài ra các xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định chẩn đoán, bao gồm:

Xét nghiệm nước tiểu và đo lượng nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu và đo lượng nước tiểu có thể phản ánh sự suy giảm đột ngột chức năng thận
  • Đo lượng nước tiểu: Lượng nước tiểu bất thường có thể phản ánh sự suy giảm chức năng thận.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra creatinin, áp lực thẩm thấu niệu, protein, điện giải, ure. Nước tiểu nhiều hồng cầu, trụ hồng cầu do viêm tiểu cầu thận hoặc viêm mạch thận. Nước tiểu nhiều mủ hoặc trụ bạch cầu chủ yếu do viêm thận kẽ cấp nhiễm khuẩn.
  • Xét nghiệm máu: Xác định nồng độ urê và creatinine tăng nhanh.
  • Chụp xạ hình thận: Kiểm tra chức năng bài tiết thận và tưới máu thận.
  • Chụp MRI mạch máu: Tìm kiếm sự tắc nghẽn động mạch và tĩnh mạch chân.
  • Siêu âm bụng, CT-scan ổ bụng: Kiểm tra hẹp động mạch thận, ứ nước thận, bệnh lý thận và mạch thận.
  • Chụp X-quang bụng: Xác định bóng thận và tìm sỏi.
  • Sinh thiết: Một mẫu mô thận được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này được chỉ định cho bệnh nhân bị suy thận cấp tại thận hoặc chẩn đoán chưa chắc chắn.

Điều trị suy thận cấp

Bệnh nhân bị suy thận cấp được yêu cầu nằm viện để điều trị. Tùy thuộc vào nguyên nhân, các phương pháp và thời gian điều trị có thể khác nhau.

Dưới đây là nguyên tắc và phương pháp điều trị theo từng giai đoạn:

Nguyên tắc điều trị:

  • Loại bỏ nhanh nguyên nhân gây suy thận cấp
  • Điều trị rối loạn tuần hoàn và những rối loạn nội mô
  • Điều trị triệu chứng, phục hồi lại dòng nước tiểu
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải phù hợp
  • Xử lý cấp cứu khi có những dấu hiệu đe dọa đến tính mạng. Cụ thể như phù não co giật, phù phổi cấp, tăng kali máu, toan chuyển hóa nặng.
  • Chỉ định lọc máu ngoài thận khi cần thiết.

Xử lý ban đầu:

  • Những người có tiền sử bệnh thận cần được đưa đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu phù to, tiểu ít, mệt mỏi và khó thở. Không để bệnh nhân tại nhà.
  • Suy hô hấp, tăng kali máu và trụy tim mạch có thể khiến người bệnh tử vong. Cần thận trọng khi di chuyển bệnh nhân. 

Xử lý tại bệnh viện:

Tùy theo từng giai đoạn, những cách xử lý và điều trị suy thận cấp gồm:

+ Giai đoạn tấn công của những tác nhân

  • Loại bỏ nguyên nhân
  • Điều trị tắc nghẽn đường tiểu
  • Bù nước
  • Rửa dạ dày cho những trường hợp uống mật cá trắm trong 6 giờ đầu
  • Theo dõi thiểu hiệu và vô niệu
  • Thường xuyên kiểm tra để chẩn đoán suy thận cấp sớm nhất.

+ Giai đoạn thiểu niệu, vô niệu

  • Cân bằng nước và điện giải
    • Bù nước ở những bệnh nhân bị thiểu niệu hoặc vô niệu có phù. Tuy nhiên đảm bảo nước vào ít hơn nước ra.
    • Sử dụng lợi tiểu quai Furosemid. Liều khởi đầu từ 40 – 80mg, tăng liều khi cần thiết, tối đa 1000mg. Ngừng sử dụng thuốc lợi tiểu khi người bệnh tiểu được. Suy thận cấp do nguyên nhân sau thận không được điều trị bằng thuốc lợi tiểu.
    •  Bù đủ thể tích tuần hoàn sớm và tích cực ở những bệnh nhân bị suy thận cấp do nguyên nhân trước thận. Đảm bảo bù đủ khối lượng tuần hoàn trước khi dùng thuốc lợi tiểu.
  • Điều trị tăng kali máu
    • Hạn chế đưa K+ vào bằng cách tránh ăn những loại hoa quả giàu kali, không dùng thuốc uống hoặc chất dịch truyền chứa kali.
    • Chống nhiễm khuẩn
    • Loại bỏ những ổ hoại tử
    • Dùng thuốc điều trị. Chẳng hạn như Calci gluconate hoặc clorua, tiêm tĩnh mạch chậm hoặc truyền Natribicarbonat khi có toan máu, thuốc lợi tiểu, Resin trao đổi ion qua niêm mạc ruột…
    • Lọc máu cấp nếu điều trị nội khoa không hiệu quả.
  • Điều trị các rối loạn điện giải khác và điều trị chống toan máu nếu có
  • Hạn chế tăng N-phi protein máu bằng cách loại bỏ ổ nhiễm khuẩn và thực hiện chế độ ăn giảm đạm.
  • Điều trị các triệu chứng và biến chứng như biến chứng tim mạch, tăng huyết áp
  • Lọc máu cho những trường hợp sau:
    • Không đáp ứng với điều trị nội khoa
    • Xuất hiện biểu hiện toan máu chuyển hoá rõ pH< 7.2
    • Thừa dịch nghiêm trọng gây phù phổi cấp hoặc có nguy cơ
Lọc máu cấp cứu cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa
Lọc máu cấp cứu cho những bệnh nhân không đáp ứng với điều trị nội khoa, thừa dịch nghiêm trọng

+ Giai đoạn tiểu được trở lại

  • Cân bằng nước và điện giải
  • Theo dõi lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ và điện giải máu để kịp thời điều chỉnh
    • Trường hợp tiểu < 3 lít/24h và không rối loạn điện giải nặng: Uống Oresol cân bằng nước và điện giải.
    • Trường hợp tiểu > 3 lít/24h: Bù đủ nước và điện giải. Bù dịch bằng đường truyền tĩnh mạch với liều lượng phụ thuộc vào lượng nước tiểu.
    • Hạn chế lượng dịch truyền và uống sau 5 ngày.

+ Giai đoạn phục hồi chức năng

  • Thực hiện chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, tăng cường bổ sung đạm khi nồng độ ure máu về mức bình thường.
  • Tiếp tục điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
  • Tái khám và kiểm tra chức năng thận định kỳ.

ĐỌC NGAY: Chia Sẻ Chế Độ Ăn Cho Người Suy Thận Cấp Hiệu Quả

Phòng ngừa suy thận cấp

Không có biện pháp ngăn ngừa hoàn toàn cho bệnh suy thận cấp. Tuy nhiên chăm sóc tố cho thận và lối sống lành mạnh có thể giảm nguy cơ. Cụ thể:

  • Điều trị tốt những tình trạng sức khỏe có thể gây suy thận cấp như huyết áp cao, bệnh tiểu đường, bệnh lý tim mạch, bệnh mạch máu, nhiễm trùng, sỏi, các bệnh về gan và thận.
  • Chú ý khi dùng các thuốc có thể làm tổn thương thận, chẳng hạn như thuốc giảm đau không kê đơn (OTC). Tham khảo ý kiến bác sĩ về cách dùng và liều an toàn.
  • Không dụng rượu bia.
  • Hạn chế hút thuốc lá.
  • Tránh thừa cân béo phì, luôn duy trì cân nặng ở mức an toàn.
  • Kiểm tra thận và sức khỏe định kỳ mỗi năm 1 lần. Điều trị sớm và tích cực những bất thường hoặc bệnh lý nếu có.
  • Uống đủ 2 đến 2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Thực hiện một chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng.
  • Duy trì lối sống lành mạnh và năng động, tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày.
Duy trì lối sống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
Duy trì lối sống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên để duy trì sức khỏe, phòng ngừa suy thận cấp

Suy thận cấp là một tình trạng nguy hiểm, thận đột ngột suy giảm chức năng và bệnh tiến triển nhanh chóng. Bệnh thường gây biến chứng nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Vì thế bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện ngay khi xuất hiện những biểu hiện đầu tiên.

ĐỪNG BỎ LỠ

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger