Suy Thận Giai Đoạn Cuối: Dấu Hiệu, Biến Chứng Và Chữa Trị
Suy thận giai đoạn cuối là giai đoạn 5 của suy thận mạn. Trong giai đoạn này, thận không thể phục hồi và bệnh nhân tử vong trong thời gian ngắn. Thông thường người bệnh được lọc máu hoặc ghép thận để cải thiện tiên lượng và tuổi thọ.
Suy thận giai đoạn cuối là gì?
Suy thận giai đoạn cuối là suy thận mạn giai đoạn 5. Đây là giai đoạn nặng nhất với tiên lượng xấu nhất, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao. Bệnh xảy ra khi suy thận không được điều trị và tổn thương thận tiến triển theo thời gian.
Về cơ bản, suy thận mạn có 5 giai đoạn, thể hiện cho những tổn thương và mất chức năng thận tăng dần. Trong giai đoạn cuối của suy thận, chức năng thận gần như mất đi hoàn toàn, bệnh nhân có mức lọc cầu thận (GFR) < 15mL/ph/1,73 m2 với biểu hiện tăng urê máu, thận hỏng không thể phục hồi ngay cả khi được điều trị.
Những trường hợp này cần tiến hành lọc máu hoặc ghép thận (từ người hiến tặng) để kéo dài sự sống. Ngoài ra người bệnh sẽ được yêu cầu chăm sóc tốt và duy trì lối sống lành mạnh để cải thiện chất lượng cuộc sống.
XEM THÊM: Dấu Hiệu Suy Thận Ở Trẻ Em Và Giải Pháp Điều Trị Hiệu Quả
Nguyên nhân gây suy thận giai đoạn cuối
Suy thận thường được gây ra bởi huyết áp cao và bệnh tiểu đường.
- Tiểu đường: Khi bị tiểu đường, cơ thể không đủ khả năng phân hủy glucose (đường). Điều này khiến lượng đường trong máu tăng cao và làm hỏng những hỏng bộ lọc nhỏ trong thận. Suy thận do tiểu đường thường phổ biến hơn ở những người bị tiểu đường loại 1 hoặc loại 2.
- Huyết áp cao: Khi bị tăng huyết áp, áp lực gia tăng và dồn nén lên các mạch máu nhỏ trong thận. Điều này dẫn đến những tổn thương, mạch máu không thể thực hiện lọc máu đầy đủ.
Một số nguyên nhân khác:
- Viêm cầu thận (viêm những bộ phận lọc máu của nephron trong thận)
- Viêm thận kẽ (viêm ống thận và những cấu trúc xung quanh)
- Dị tật bẩm sinh chẳng hạn như bệnh thận đa nang
- Trào ngược Vesicoureteral. Tình trạng này xảy ra khi nước tiểu trào ngược vào thận
- Nhiễm trùng thận tái phát
- Tắc nghẽn đường tiếu niệu kéo dài làm cản trở dòng nước tiểu. Tình trạng này thường do sỏi thận, phì đại tuyến tiền liệt và ung thư
- Một số loại thuốc gây tác động xấu đến thận. Cụ thể như thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc chống viêm không steroid (NSAID)…
Bệnh suy thận giai đoạn cuối xảy ra khi một tình trạng hoặc bệnh lý làm suy giảm chức năng thận. Đồng thời khiến những thương tổn ở thận trở nên nghiêm trọng hơn.
Hầu hết các trường hợp phát hiện suy thận ở giai đoạn 3 và 4. Sau vài tháng hoặc vài năm, bệnh có thể tiến triển đến giai đoạn 5. Điều này xảy ra nhanh hơn ở những người không được điều trị tích cực.
Yếu tố nguy cơ của suy thận giai đoạn cuối
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển suy thận giai đoạn cuối. Cụ thể:
- Một số bệnh tự miễn, chẳng hạn như bệnh lupus ban đỏ hệ thống
- Tiền sử gia đình bị suy thận
- Thừa cân béo phì
- Bệnh tim mạch
- Người lớn tuổi
- Lạm dụng rượu bia và nghiện thuốc lá
Triệu chứng suy thận giai đoạn cuối
Khác với suy thận giai đoạn nhẹ (không có triệu chứng), suy thận giai đoạn 3 có nhiều triệu chứng với mức độ tăng dần. Ở giai đoạn 5, những triệu chứng của bệnh đặc biệt nghiêm trọng và đa dạng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người bệnh.
Những triệu chứng của suy thận giai đoạn 5 gồm:
Triệu chứng lâm sàng
+ Triệu chứng thường gặp
- Thường xuyên cảm thấy yếu ớt và mệt mỏi
- Đau đầu
- Ít hoặc không có nước tiểu
- Phù nề với những những biểu hiện sưng ở bàn chân, bàn tay, cánh tay và chân
- Đau lưng dưới
- Thường xuyên đau bụng và nôn mửa
- Khó thở
- Chán ăn và cảm thấy ít đói hơn bình thường
- Thay đổi màu da
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Da khô và ngứa
- Đau xương
- Xuất hiện những vấn đề về giấc ngủ do rối loạn thận kinh cơ
- Khó ngủ
- Ngưng thử khi ngủ
- Khó tập trung và thường xuyên nhầm lẫn
- Da vàng xanh do thiếu máu
+ Triệu chứng ít gặp
- Suy giảm ham muốn tình dục hoặc bất lực
- Hội chứng chân không yên
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt hoặc không có kinh
- Khát
- Hôi miệng
- Tê ở bàn chân và bàn tay
- Dễ bầm tím và chảy máu cam thường xuyên
Triệu chứng cận lâm sàng
+ Rối loạn bài tiết nước
- Tiểu đêm
- Tiểu ít hoặc khó tiểu
+ Rối loạn chuyển hóa natri
- Tăng hoặc giảm natri máu
+ Rối loạn chuyển hóa kali
- Tăng kali máu
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Buồn nôn và nôn
- Khó thở
- Đau ngực
- Tê
- Nhịp tim không đều
- Cảm giác ngứa
+ Toan chuyển hóa
- Lượng acid bài tiết bị khống chế trong khoảng 30-40 mmol/ngày
+ Rối loạn chuyển hóa calcium và phosphor
- Giảm bài tiết phospho và calci dẫn đến tăng phospho trong máu
+ Biểu hiện của hội chứng urê huyết
- Xuất huyết tiêu hóa
- Nôn ói
- Rối loạn tri giác
- Co giật
- Phù não, phù phổi, tràn dịch màng tim, suy tim ứ huyết
- Tăng huyết áp
- Hôn mê
+ Rối loạn về huyết học
- Thiếu máu
- Rối loạn đông máu
- Rối loạn chức năng bạch cầu
Biến chứng của suy thận giai đoạn cuối
Tử vong là biến chứng nghiêm trọng nhất của suy thận giai đoạn cuối. Trước khi điều này xảy ra, người bệnh có thể gặp thêm nhiều biến chứng khác, bao gồm:
- Nhiễm trùng
- Xương yếu và dễ gãy
- Rối loạn khớp
- Co giật
- Thiếu máu
- Suy gan
- Suy dinh dưỡng
- Chảy máu dạ dày và ruột
- Mất trí nhớ hoặc rối loạn chức năng não
- Bệnh tim mạch như đột quỵ, tràn dịch màng tim
- Hội chứng gan thận
- Phù phổi và những tổn thương khác ở phổi
Suy thận giai đoạn cuối sống được bao lâu?
Suy thận giai đoạn cuối có tiên lượng xấu, thời gian sống ngắn, khoảng vài tháng hoặc dưới 1 năm. Đặc biệt những biến chứng bổ sung hoặc tình trạng đi kèm (như bệnh lý tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp) có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của bạn và rút ngắn thời gian sống sót.
Tuy nhiên việc điều trị tích cực có thể giúp người bệnh sống nhiều năm sau đó. Chạy thận nhân tạo kết hợp lối sống lành mạnh có thể kéo dài tuổi thọ từ 5 – 10 năm. Những trường hợp ghép thận có thể kéo dài thời gian sống đến 20 năm.
Các nghiên cứu cho thấy, thực hiện ghép thận từ những người hiến tạng khỏe mạnh (như người thân trong gia đình) có thể sống từ 15 – 20 năm. Những trường hợp ghép thận từ người hiến tạng đã chết có thể sống từ 10 – 15 năm.
Chính vì vậy, quá trình điều trị trong giai đoạn này là điều quan trọng để kéo dài sự sống cho một bệnh nhân bị suy thận mạn.
Chẩn đoán bệnh suy thận giai đoạn cuối
Thông thường bệnh suy thận giai đoạn cuối sẽ được chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh thận trước đó. Ngoài ra người bệnh được theo dõi triệu chứng kết hợp các xét nghiệm hữu ích để có kết quả chẩn đoán tốt nhất.
Các xét nghiệm thường được sử dụng trong chẩn đoán bệnh thận:
- Xét nghiệm đánh giá độ lọc cầu thận GRF: Xét nghiệm máu để kiểm tra chỉ số thanh lọc của creatinin và một số chất khác trong cơ thể. Điều này giúp đánh giá độ lọc cầu thận GRF. Ở những trường hợp suy thận giai đoạn 5, chỉ số này rơi vào khoảng dưới 15 ml/phút/1.73m2.
- Xét nghiệm nitơ urê máu: Kiểm tra nồng độ nitơ urê máu góp phần đánh giá khả năng lọc máu của thận.
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra máu và protein trong nước tiểu. Xét nghiệm này cho phép xác định khả năng xử lý chất thải của thận.
- Xét nghiệm hình ảnh: Người bệnh có thể được chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc siêu âm để kiểm tra cấu trúc và kích thước của thận, sự tắc nghẽn của mạch máu hoặc ống dẫn nước tiểu. Điều này giúp xác định những bất thường và có hướng xử lý tốt nhất.
- Sinh thiết: Một mẫu mô thận có thể được lấy ra và kiểm tra dưới kính hiển vi. Phương pháp này giúp xác định loại bệnh thận cụ thể và mức độ tổn thương.
Điều trị suy thận giai đoạn cuối
Bệnh suy thận giai đoạn cuối chủ yếu được lọc máu hoặc ghép thận để kéo dài thời gian sống. Ngoài ra một số loại thuốc điều trị biến chứng/ triệu chứng và lối sống lành mạnh cũng được áp dụng để không phát sinh những vấn đề làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của bệnh nhân.
Mục tiêu điều trị:
- Chuẩn bị điều trị thay thế thận
- Điều chỉnh liều dùng thuốc
- Lọc máu di trì sự sống cho bệnh nhân
- Điều trị những biến chứng tim mạch, biến chứng của hội chứng urê huyết cao (thiếu máu, tăng huyết áp, sung dinh dưỡng…) và một số yếu tố nguy cơ để không làm ảnh hường đến tuổi thọ của người bệnh.
Phương pháp điều trị cụ thể:
1. Ghép thận
Ghép thận là phương pháp điều trị hữu hiệu nhất cho những bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối. Phương pháp sử dụng thận khỏe mạnh từ người hiến tặng (người thân, người đã mất…) đặt ở vùng bẹn bên phải hoặc bên trái.
Thận mới được cấy ghép sẽ thay thế thận hỏng thực hiện chức năng lọc máu và duy trì sự sống cho người bệnh.
Trước khi thực hiện, người hiến cần thực hiện đầy đủ xét nghiệm cần thiết nhằm xác định thận có phù hợp hay không. Sau khi ghép thận, một vài loại thuốc đặc biệt sẽ được sử dụng để ngăn cơ thể từ chối một quả thận mới. Chẳng hạn như thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc chống đào thải.
Ghép thận có thể không được chỉ định cho người có tuổi thọ ngắn hoặc tình trạng sức khỏe nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng nếu phẫu thuật.
2. Lọc máu
Tương tự như ghép thận, lọc máu cũng là một hình thức điều trị thay thế thận. Phương pháp này sẽ được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Mức lọc cầu thận từ 5-10ml/ph/1,73 m2
- Suy dinh dưỡng tiến triển, không đáp ứng tốt khi can thiệp khẩu phần
- Quá tải tuần hoàn, bệnh nhân bị phù phổi cấp không đáp ứng với điều trị lợi tiểu
- Tăng kali máu không đáp ứng với điều trị nội khoa
- Toan chuyển hóa nặng.
Có hai kỹ thuật lọc máu, bao gồm: Thẩm phân phúc mạc và chạy thận nhân tạo. Về hình thức cả hai phương pháp này đều sử dụng thiết bị cần thiết để thay thận thực hiện quá trình lọc máu. Những người lọc máu có thể kéo dài thời gian sống đến vài năm.
- Thẩm phân phúc mạc (hay lọc màng bụng)
Đây phương pháp hỗ trợ những mạch máu nhỏ trong phúc mạc lọc máu. Phương pháp này sử dụng một túi dung dịch (thành phần chủ yếu gồm muối và nước) gắn vào ống thông với niêm mạc bụng.
Dung dịch từ túi chảy vào màng bụng, hấp thu toàn bộ chất thải và chất lỏng dư thừa. Sau khi làm sạch máu, chất lỏng sẽ di chuyển trở lại túi. Thẩm phân phúc mạc có thể thực hiện bằng máy xoay vòng (lọc màng bụng tự động) hoặc thủ công (lọc màng bụng cấp cứu liên tục).
Lọc màng bụng có thể được thực hiện tại nhà và thực hiện qua đêm trong khi người bệnh ngủ. So với chạy thận nhân tạo, phương pháp này tiện lợi hơn.
- Chạy thận nhân tạo
Chạy thận nhân tạo là phương pháp sử dùng máy để lọc máu, còn được gọi là thận nhân tạo. Trong khi thực hiện, máy lọc máu lần lượt lấy máu khỏi cơ thể và làm sạch. Sau đó đưa lượng máu đã lọc trở lại cơ thể.
Thông thường phương pháp chạy thận nhân tạo sẽ được thực hiện ở trung tâm lọc máu hoặc bệnh viện. Người bệnh có thể lọc máu từ 3 – 4 lần/ tuần, mỗi lần 3 – 5 giờ.
3. Thuốc
Những người bị tiểu đường, cao huyết áp, có biến chứng do suy thận… cần dùng thuốc để tránh các tình trạng làm ảnh hưởng đến tuổi thọ. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:
- Thuốc điều trị cao huyết: Dùng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc một loại ức chế thụ thể angiotensin II để kiểm soát tình trạng. Nhóm thuốc này có tác dụng ổn định huyết áp, bảo vệ thận khỏi những tổn thương thêm.
- Kerendia (Finerenone): Thuốc Kerendia (Finerenone) được dùng theo đơn cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối, suy giảm GFR kéo dài, suy tim do suy thận, nhồi máu cơ tim không tử vong, suy tim ở người suy thận do tiểu đường tuýp 2. Đây là một loại chống dị ứng không steroid (non-steroid đối kháng thụ thể mineralocorticoid). Khi sử dụng, thuốc có tác dụng điều trị suy thận mạn tính và những tình trạng liên quan.
- Thuốc điều trị tiểu đường: Dùng để kiểm soát lượng đường trong máu. Tránh glucose trong máu tăng cao làm giảm tuổi thọ của người bệnh.
- Thuốc chống thiếu máu: Một loại thuốc chống thiếu máu được dùng để bổ sung hormone erythropoietin. Điều này giúp kích thích quá trình sản sinh những tế bào hồng cầu, ngăn thiếu máu và giảm những triệu chứng liên quan.
- Vắc xin: Trong điều trị suy thận giai đoạn cuối, một số loại vắc xin như vắc xin polysaccharid phế cầu khuẩn (PPSV23) và viêm gan B được dùng để ngăn biến chứng nghiêm trọng của bệnh. Thông thường những loại vắc xin này sẽ được tiêm trong giai đoạn trước hoặc trong quá trình lọc máu.
4. Thay đổi lối sống
Lối sống và chế độ ăn lành mạnh có thể hỗ trợ quá trình điều trị suy thận giai đoạn cuối, giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Tránh gắng sức trong công việc, không lao động nặng nhọc.
- Kiểm soát tâm trạng, tránh lo âu và căng thẳng. Nên thường xuyên thư giãn, ngồi thiền; luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan.
- Tránh thuốc lá và rượu bia.
- Duy trì thói quen vận động. Nên đi bộ nhẹ nhàng, tập dưỡng sinh, yoga hoặc những bộ môn có cường độ nhẹ khác.
- Cắt giảm lượng protein tiêu thụ. Điều này giúp ngăn protein chuyển hóa thành nhiều chất thải và tạo áp lực cho thận.
- Tăng lượng calo qua chế độ ăn uống để tăng cường sức khỏe, nhiều năng lượng và chống mệt mỏi.
- Tránh tiêu thụ nhiều natri và kali bằng cách không ăn nhiều muối, hạn chế ăn chuối, cam, cà chua, các loạt hạt, bơ đậu phộng, quả bơ, rau bina, sôcôla.
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng thành phần dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều trái cây, rau củ giúp bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất; bổ sung omega-3 từ cá, dùng protein động vật.
- Uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để thanh lọc cơ thể và hỗ trợ thận thải độc.
HỮU ÍCH: Chế Độ Ăn Cho Người Suy Thận Giai Đoạn Cuối Chuẩn Nhất
Phòng ngừa suy thận giai đoạn cuối
Để ngăn suy thận giai đoạn cuối, bạn cần thường xuyên kiểm tra chức năng thận, sớm phát hiện và điều trị suy thận ở giai đoạn nhẹ. Ngoài ra nên áp dụng những biện pháp dưới đây để giảm nguy cơ suy thận:
- Đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Duy trì thói quen vận động mỗi ngày để nâng cao thể trạng, duy trì hoạt động của các cơ quan trong cơ thể.
- Kiểm soát huyết áp và bệnh tiểu đường.
- Điều trị tích cực những bệnh lý có thể gây suy thận.
- Tránh ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ và chất béo để ngăn cholesterol cao. Nên kiểm tra mức cholesterol hàng năm.
- Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng từ những thực phẩm bổ dưỡng, hạn chế protein và ăn ít muối (natri).
- Sử dụng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Hạn chế uống rượu bia.
- Không hút thuốc hoặc dùng những sản phẩm thuốc lá.
- Kiểm tra chức năng thận định kỳ.
Nếu không được lọc máu hoặc ghép thận, suy thận giai đoạn cuối sẽ dẫn đến tử vong, thường xảy ra trong vòng vài tháng. Vì vậy, người bệnh cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ, kết hợp chăm sóc hỗ trợ để giảm nhẹ các triệu chứng, tăng thời gian sống và mang đến cảm giác thoải mái.
ĐỪNG BỎ LỠ
- Hướng Dẫn Thực Đơn 7 Ngày Cho Người Suy Thận Tốt Nhất
- Bị Suy Thận Có Ăn Xoài Được Không? Thông Tin Hữu Ích
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!