Tìm hiểu giải pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Thoát vị đĩa đệm Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm khi bệnh nhân không đáp ứng tốt với thuốc uống, cơn đau dai dẳng và nặng nề. Đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu. Thuốc sẽ được tiêm quanh dây thần kinh tổn thương để giảm bớt kích thích và xoa dịu cơn đau.

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Tìm hiểu phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm, quy trình, rủi ro và chú ý an toàn

Thế nào là tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm?

Tiêm ngoài màng cứng là một lựa chọn phổ biến cho bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm. Phương pháp này sử dụng một lượng steroid thích hợp để tiêm vào khoang ngoài màng cứng (khu vực giữa túi màng cứng quanh dây thần kinh và đốt sống).

Khi tiêm trực tiếp vào vùng đau, corticosteroid giúp loại bỏ các protein gây sưng tấy. Từ đó làm dịu tình trạng viêm và đau tại các dây thần kinh cột sống. Phương pháp này mang đến hiệu quả cao nhất khi tiêm trực tiếp vào vùng đau.

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm có thể được thực hiện ở những đốt sống cổ, đốt sống ngực, đốt sống thắt lưng và xương cùng của cột sống. Trước khi thực hiện, vùng da chỗ tiêm được làm sạch, gây tê bằng thuốc gây tê cục bộ. Sau đó tiến hành tiêm dưới hướng dẫn của tia X.

Lợi ích khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Những lợi ích có thể đạt được sau khi tiêm:

  • Giảm viêm và đau dây thần kinh
  • Hạn chế uống thuốc
  • Cải thiện chức năng vận động và tính linh hoạt
  • Trì hoãn hoặc loại bỏ nhu cầu phẫu thuật.
Giảm viêm và đau dây thần kinh
Giảm viêm và đau dây thần kinh là tác dụng chính khi tiêm ngoài màng cứng trong điều trị thoát vị đĩa đệm

Thông thường steroid được sử dụng. Đây là một loại thuốc chống viêm mạnh. Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể chỉ định một trong những lựa chọn dưới đây:

  • Hoàn toàn dưới dạng steroid
  • Thuốc gây mê
  • Steroid kết hợp với nước muối hoặc/ và thuốc gây mê

Sau khi tiêm ngoài màng cứng, steroid nhanh chóng ứng chế phản ứng viêm từ đĩa đệm thoát vị và dây thần kinh bị chèn ép. Điều này giúp giảm nhanh cơn đau, mang đến cảm giác thoải mái và cải thiện vận động cho người bệnh.

Ngoài ra tiêm steroid giúp giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch, ngăn quá sinh tế bào viêm trong cơ thể, giảm mức độ nhạy cảm của dây thần kinh đối với cơ đau. Từ đó tạo ra ít tín hiệu đau hơn và ngăn đau tái phát.

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm thường mang đến hiệu quả nhanh và kéo dài. Bởi steroid được tiêm sẽ phân tán vào các đầu dây thần kinh và di chuyển đến những mô khác. Từ đó lan truyền tác dụng chống viêm, ức chế những cấu trúc dẫn truyền cơn đau.

Khi nào cần tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm?

Tiêm ngoài màng cứng được chỉ định cho những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có những vấn đề sau:

  • Những phương pháp bảo tồn trước đó (như thuốc chữa thoát vị đĩa đệm và vật lý trị liệu) không giúp kiểm soát cơn đau. Lúc này phương pháp tiêm ngoài màng cứng sẽ được xem xét trước khi phẫu thuật.
  • Người bệnh quá đau đớn và không thể tiến hành vật lý trị liệu.
  • Thoát vị đĩa đệm hoặc lồi đĩa đệm có biểu hiện chèn ép dây thần kinh, đau thần kinh tọa
  • Tổn thương dây thần kinh cột sống và các mô xung quanh
  • Thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống, hẹp lỗ liên hợp, chấn thương xương dẫn đến đau nhức dai dẳng
  • Đau ở vị trí thoát vị (cổ, giữa lưng, lưng dưới hoặc mông) lan đến cánh tay và chân.

Chống chỉ định và thận trọng

Không phải tất trường hợp thoát vị đĩa đệm đều được tiêm ngoài màng cứng. Phương pháp này chống chỉ định với những người có các tình trạng sau:

Không tiêm vào màng cứng cho những bệnh nhân có bệnh lý ác tính
Không tiêm vào màng cứng cho những bệnh nhân có bệnh lý ác tính như u tủy sống, ung thư xương
  • Rối loạn chảy máu
  • Nhiễm khuẩn ngoài da ở vùng thoát vị đĩa đệm
  • Viêm tủy sống đĩa đệm do nhiễm khuẩn, lao, viêm mủ
  • Đau lưng do những bệnh ác tính. Cụ thể như ung thư xương di căn, u tủy sống, đa u tủy xương…
  • Tiểu đường không kiểm soát
  • Suy tim suy huyết hoặc những vấn đề khác ở tim
  • Mang thai. Đặc biệt là khi soi huỳnh quang trong quá trình tiêm
  • Loãng xương
  • Phụ nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt
  • Đang sử dụng một loại thuốc phản ứng với steroid
  • Dị ứng với thuốc
  • Những người có vấn đề về đông máu.

Ngoài ra cần thận trọng khi chỉ định tiêm ngoài màng cứng cho những trường hợp sau:

  • Tiền sử đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Bệnh máu
  • Nhiễm nấm
  • Suy giảm miễn dịch (HIV).

Các kỹ thuật tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Có nhiều cách đưa thuốc vào khoang màng cứng. Dựa vào tình trạng, bác sĩ tiêm ngoài màng cứng với một trong những kỹ thuật sau:

  • Tiêm giữa các lớp hoặc xuyên lớp

Thuốc được đưa vào khoảng trống từ phía sau cột sống, giữa những tấm đốt sống liền kề để tiếp cận với khoang ngoài màng cứng. Do không đặt thuốc gần rễ thần kinh nên steroid có thể tự do lan truyền trong khoang ngoài màng cứng. Từ đó làm giảm tính chính xác và hiệu quả.

  • Tiêm đuôi (lộ trình phía sau)

Kim tiêm được đặt ở vùng xương cùng thông qua một lỗ mở (khe xương cùng) ở dưới cột sống thắt lưng. Kỹ thuật này dễ thực hiện nhưng kém hiệu quả hơn. Trong lộ trình phía sau, thuốc không tác động trực tiếp đến nguồn cơn đau ở xung quanh dây thần kinh và trong khoang ngoài màng cứng.

  • Tiêm xuyên lỗ gian đốt sống (đường xuyên màng cứng)

Kỹ thuật này cho phép bác sĩ tiêm chính xác steroid vào khoang màng cứng. Thông qua lỗ gian đốt sống cạnh ống sống, thuốc được đưa vào khoang ngoài màng cứng, gần dây thần kinh bị kích thích để phát huy tác dụng.

Để đảm bảo kiểm soát nhanh tình trạng viêm đau, tiêm xuyên lỗ gian đốt sống sẽ nhắm vào những rễ dây thần kinh cụ thể.

Tiêm xuyên lỗ gian đốt sống
Tiêm xuyên lỗ gian đốt sống là kỹ thuật tiêm có độ chính xác nhất và mang đến hiệu quả cao

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm hiệu quả không?

Phương pháp tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm đã được chứng minh về hiệu quả. Khoảng 54 – 80% bệnh nhân giảm đau đáng kể sau tiêm; kết quả chức năng từ 6 tháng đến 2 năm khi tiêm 3 – 6 mũi. 53 – 56% bệnh nhân có sự cải thiện về cơn đau và kết quả chức năng trong vòng 1 năm khi tiêm 3 – 4 mũi.

Những trường hợp đạt hiệu quả sau tiêm có thể được tiêm nhắc lại khi những triệu chứng tái phát. Tuy nhiên nếu cơn đau không giảm sau khi tiêm, người bệnh không nên tiêm thêm.

Tiêm ngoài màng cứng có thể giải quyết cơn đau vĩnh viễn đối với những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm mới khởi phát. Đối với những trường hợp mãn tính hoặc tái phát, hiệu quả kiểm soát cơn đau có thể kéo dài từ 3 – 6 tháng.

Quy trình tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Tiêm ngoài màng cứng là một thủ thuật đơn giản. Tuy nhiên bệnh nhân cần chuẩn bị tốt trước khi thực hiện quy trình. Ngoài ra phương pháp cần được thực hiện đúng kỹ thuật để hạn chế rủi ro.

1. Chuẩn bị trước khi tiêm

Trước khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm, người bệnh được xét nghiệm hình ảnh kiểm tra cột sống, đánh giá sức khỏe tổng thể nhằm đảm bảo đủ điều kiện tiêm. Ngoài ra người bệnh cũng được hướng dẫn cụ thể về quy trình, chế độ ăn uống không quá nghiêm ngặt.

Người bệnh không ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì trong khoảng 6 giờ trước khi tiêm. Trước khi tiêm 15 phút, bệnh nhân được mặc áo choàng bệnh viện để tiếp cận tốt hơn với vị trí tiêm.

Đối với những trường hợp lo lắng quá mức, bác sĩ có thể kê một loại thuốc an thần có hoạt tính nhẹ để thư giãn.

2. Trong khi tiêm

Quy trình tiêm ngoài màng cứng khá đơn giản, thường được thực hiện trong vòng 10 – 20 phút. Dưới đây là những bước cơ bản trong quy trình:

  • Bước 1: Bệnh nhân nằm sấp, bộc lộ rõ vị trí tiêm
  • Bước 2: Sát trùng vùng định tiêm
  • Bước 3: Sử dụng X-quang huỳnh quang để xác định vị trí của đốt sống. Bước này giúp hướng dẫn kim và tăng độ chính xác khi can thiệp
  • Bước 4: Tiêm một lượng thuốc gây tê cục bộ vào da và các mô bên dưới để làm tê khu vực.
  • Bước 5: Chọc kim vào vị trí cụ thể (tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm tổn thương và kỹ thuật được áp dụng). Kim tiêm vuông góc với mặt da, ngã 30 độ, luồn kim vào với độ sâu khoảng 30 – 38mm hoặc cho đến khi ngập kim
  • Bước 6: Hút nhẹ nhàng. Nếu không thấy dịch não tủy và máu, bơm thuốc vào khoang ngoài màng cứng (khoảng 1 – 2mm corticoid). Nếu tiêm vào đúng vị trí, thuốc sẽ được bơm vào khoang một cách nhẹ nhàng như khi bơm vào tĩnh mạch. Nếu thấy nặng tay, bác sĩ sẽ rút kim tiêm hoặc điều chỉnh đường kim.
  • Bước 7: Rút kim nhẹ nhàng sau khi tiêm hết thuốc. Băng vị trí tiêm để tránh nhiễm trùng.
Quy trình tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm
Quy trình tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm thường kết thúc trong vòng 20 phút với những bước cơ bản

3. Sau khi tiêm

Sau khi kết thúc quá trình tiêm ngoài màng cứng, bệnh nhân được yêu cầu nghỉ ngơi và theo dõi trong phòng hồi sức khoảng 30 phút đến 1 giờ. Sau vài giờ có thể đứng, ngồi và đi lại bình thường.

Tuy nhiên người bệnh tuyệt đối không nên thực hiện những hoạt động thể chất vất vả, không lái xe và ngồi trên máy bay trong cùng một ngày. Thông báo ngay với bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường.

Biểu hiện sau tiêm ngoài màng cứng

Trong khi tiêm người bệnh có thể cảm thấy khó chịu, nóng nhẹ, ngứa ran hoặc cảm giác tăng áp lực khi thuốc đi vào khoang ngoài màng cứng. Sau khi tiêm xong những triệu chứng khó chịu thường biến mất trong vòng vài phút.

Bệnh nhân không có cảm giác đau đớn trong khi tiêm. Điều này chủ yếu do tác dụng của thuốc gây tê cục bộ.

Sau khi tiêm từ 12 đến 24 giờ, người bệnh có cảm giác đau đớn tăng dần nhưng không cần can thiệp. Sử dụng thuốc giảm đau Paracetamol có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Sau vài ngày cơn đau sẽ biến mất.

Tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm nguy hiểm không?

Những rủi ro tiềm ẩn thường liên quan đến việc đâm kim vào khoang ngoài màng cứng và tác dụng phụ của thuốc. Dưới đây là một số rủi ro có thể gặp sau tiêm:

Rủi ro liên quan đến kỹ thuật

  • Đau đầu cột sống do chọc thủng màng cứng
  • Nhiễm trùng
  • Thủ thuật không vô khuẩn dẫn đến viêm màng não mủ
  • Chảy máu
  • Phản ứng dị ứng
  • Tổn thương những dây thần kinh lân cận dẫn đến co giật hoặc mất cảm giác
  • Hội chứng chùm đuôi ngựa (hiếm gặp)
  • Tê liệt hoặc tổn thương thần kinh (hiếm gặp)
  • Giảm nhịp tim và huyết áp thấp (hiếm gặp)
  • Tai biến do bệnh nhân quá sợ hãi với những biểu hiện gồm: Choáng váng, ho khan, vã mồ hôi, rối loạn cơ tròn, tức ngực khó thở… Để xử lý, cần nằm đầu thấp, nâng cao chân, theo dõi những biểu hiện và thông báo ngay với bác sĩ.
học thủng màng cứng
Chọc thủng màng cứng dẫn đến đau nhức nhiều là biến chứng có thể xảy ra khi tiêm ngoài màng cứng

Rủi ro liên quan đến tác dụng phụ của thuốc

  • Bốc hỏa
  • Tăng cân
  • Giữ nước
  • Mất ngủ hoặc thay đổi tâm trạng
  • Tăng lượng đường trong máu khi tiêm cho những bệnh nhân bị tiểu đường
  • Trong thuốc tiêm ngoài màng cứng có chứa thuốc gây tê cục bộ. Thuốc có thể gây độc cho hệ tim mạch hoặc/ và hệ thần kinh trung ương nếu dung dịch đi vào mạch máu.

Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc rủi ro nào, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý.

Tần suất tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Người bệnh không cần tiêm nhắc lại nếu cơn đau không tái phát sau khi tiêm xong mũi đầu. Nếu cơn đau tái phát (thường sau 4 – 6 tháng), bệnh nhân sẽ được cân nhắc tiêm nhắc lại. Những trường hợp tái phát nhiều lần thường được tiêm 3 lần/ năm. Khoảng thời gian giữa hai mũi tiêm không dưới 1 tuần.

Lưu ý khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm

Trước và sau khi tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề để đảm bảo an toàn và tính hiệu quả. Cụ thể:

Thăm khám kỹ lưỡng, chỉ tiêm ngoài màng cứng khi có chỉ định của bác sĩ
Thăm khám kỹ lưỡng, chỉ tiêm ngoài màng cứng khi có chỉ định của bác sĩ và đủ điều kiện tiêm
  • Chỉ tiêm ngoài màng cứng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và khi cần thiết.
  • Kiểm tra sức khỏe tổng thể và tình trạng thoát vị đĩa đệm, đảm bảo đủ điều kiện tiêm.
  • Tiêm ngoài màng cứng tại những cơ sở uy tín, có bác sĩ dày dặn kinh nghiệm. Bởi phương pháp này cần có độ chính xác cao.
  • Nên nghỉ ngơi trong vòng 24 giờ sau tiêm trước khi trở lại với những hoạt động bình thường.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe. Liên hệ ngay với bác sĩ nếu có những biểu hiện bất thường.
  • Nên đến bệnh viện cùng với người thân trong ngày thực hiện kỹ thuật.
  • Sau khi tiêm ngoài màng cứng và giảm đau, người bệnh cần thay đổi lối sống, thực hiện tư thế tốt và luyện tập thể dục theo hướng dẫn. Điều này giúp kéo dài thời gian phát huy tác dụng. Hạn chế mang vác vật nặng và những hoạt động thể chất vất vả.

Nhìn chung tiêm ngoài màng cứng chữa thoát vị đĩa đệm là một phương pháp giảm đau hiệu quả. Phương pháp này thường mang đến hiệu quả giảm viêm và đau nhanh chóng, kéo dài vài tháng hoặc vĩnh viễn. Tuy nhiên cần thực hiện thủ thuật ở những cơ sở uy tín để đảm bảo an toàn, hạn chế rủi ro.

THAM KHẢO THÊM

Tin liên quan

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

cta-mobile-app cta-mobile-app
calendar Đặt lịch
Zalo
Messenger