Bệnh Viêm Tai Giữa
Bệnh viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tai giữa do vi khuẩn hoặc vi rút. Tình trạng này phổ biến ở trẻ nhỏ, thường được điều trị bằng cách kiểm soát cơn đau, dùng thuốc kháng sinh và theo dõi nhiễm trùng. Nhiễm trùng tai giữa có thể tái phát nhiều lần.
Tổng quan
Viêm tai giữa (hay nhiễm trùng tai giữa) là một tình trạng nhiễm trùng khu vực phía sau màng nhĩ (tai giữa) do vi khuẩn hoặc vi rút. Tình trạng viêm khiến khu vực này sưng đỏ và tích tụ chất lỏng. Bệnh phổ biến ở trẻ em nhưng cũng có thể gặp ở người lớn.
Nhiễm trùng tai giữa thường tự khỏi sau khi phát triển nhanh chóng trong vài ngày. Vì vậy phần lớn bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau và theo dõi tình trạng. Trong nhiều trường hợp, người bệnh được yêu cầu dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng.
Phân loại
Bệnh viêm tai giữa được chia thành những loại sau:
1. Viêm tai giữa cấp tính
Ở thể cấp tính, nhiễm trùng tai giữa và các triệu chứng xảy ra nhanh chóng, khu vực phía sau và xung quanh màng nhĩ bị sưng, đỏ kèm theo ứ chất nhầy hoặc dịch mủ. Điều này thường gây ra tình trạng đau tai, sốt và suy giảm thính lực.
2. Viêm tai giữa mạn tính
Đây là tình trạng nhiễm trùng tai giữa dai dẳng hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Ở giai đoạn mãn tính, tình trạng viêm xuất hiện trên 12 tuần kèm theo chảy mủ qua lỗ thủng màng nhĩ.
Có hai dạng nhiễm trùng tai giữa mãn tính, bao gồm:
- Viêm tai giữa mủ mãn tính: Nhiễm trùng tai không được điều trị khỏi bằng những phương pháp thông thường. Điều này có thể gây ra một lỗ thủng trên màng nhĩ.
- Viêm tai giữa mãn tính có tràn dịch: Bệnh xảy ra khi chất lỏng vẫn còn trong tai giữa khiến tình trạng viêm quay lại. Viêm tai giữa mãn tính có tràn dịch có thể xảy ra ngay cả khi không bị nhiễm virus hay vi khuẩn. Bệnh thường làm ảnh hưởng đến thính giác.
3. Viêm tai giữa tràn dịch (OME)
Sau khi hết nhiễm trùng, những chất lỏng và chất nhầy không thoát ra mà tiếp tục tích tụ trong tai giữa. Dịch ứ có thể ở dạng keo dính, dịch nhầy hoặc thanh dịch. Điều này gây ra cảm giác đầy tai và giảm thính lực. Viêm tai giữa tràn dịch (OME) có thể do cảm lạnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm tai giữa xảy ra khi vi khuẩn hoặc virus phát triển ở phía sau màng nhĩ. Điều này thường liên quan đến những tình trạng dưới đây:
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Một tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp xảy ra trước đó có thể lan đến tai.
- Tắc ống eustachian: Những ống eustachian (ống nối tai giữa với hầu) có chức năng làm mới không khí trong tai, thoát dịch tiết bình thường từ tai giữa và điều chỉnh áp suất không khí trong tai giữa. Những ống này có thể tắc nghẽn do bị sưng. Khi ống eustachian bị tắc, chất dịch lỏng sẽ ứ đọng phía sau màng nhĩ. Chất dịch bị nhiễm trùng sẽ gây đau và viêm. Đối với trẻ em, ống eustachian nằm ngang hơn và hẹp hơn. Điều này khiến các ống khó thoát nước hơn và dễ bị tắc hơn.
- Nguyên nhân khác: Cảm lạnh, cảm cúm hoặc dị ứng gây tắc nghẽn cửa mũi sau, vòi nhĩ và vùng họng đều có khả năng gây nhiễm trùng tai giữa.
Nguy cơ nhiễm trùng tai giữa có thể tăng cao do những yếu tố dưới đây:
- Trẻ em: Nhiễm trùng tai giữa thường phổ biến hơn trẻ em, đặc biệt là những trẻ có độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi. Nguyên nhân là do ống eustachian của trẻ hẹp và ngang hơn, cùng với đó là hệ miễn dịch suy yếu khiến bệnh phát triển.
- Bú bình: Những trẻ bú bình (đặc biệt là bú bình khi nằm) có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn trẻ bú mẹ.
- Yếu tố môi trường: Bệnh thường xảy ra vào mùa thu và mùa đông. Điều này thường phổ biến hơn ở những người dị ứng theo mùa và khi lượng phấn hoa cao.
- Hở hàm ếch: Nguy cơ viêm tai giữa tăng cao ở những trẻ bị hở hàm ếch. Bởi tình trạng này có thể làm giảm một số chức năng của ống eustachian.
- Chất lượng không khí kém: Ô nhiễm không khí, thường xuyên hít khói thuốc lá sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa.
- Bệnh mãn tính: Nhiễm trùng tai thường phổ biến hơn ở những người mắc bệnh nhiễm trùng mãn tính. Đặc biệt là những bệnh hô hấp mãn tính (như hen suyễn và xơ nang) và người bị suy giảm miễn dịch.
- Di truyền: Viêm tai giữa có thể di truyền trong gia đình.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh viêm tai giữa thường phát triển nhanh, bao gồm:
Trẻ em
- Đau tai, đau nhiều hơn khi nằm xuống
- Khó ngủ
- Có cảm giác kéo hoặc giật tai
- Thường xuyên quấy khóc
- Khó nghe hoặc phản ứng với âm thanh
- Sốt 38 độ trở lên
- Đau đầu
- Ăn mất ngon
- Mất thăng bằng
- Có chất lỏng hoặc dịch mủ chảy ra từ tai
- Cáu gắt
- Buồn nôn và ói mửa
- Tiêu chảy
Người lớn
- Đau tai
- Khó nghe
- Khó thoát nước từ tai
Kiểm tra triệu chứng có thể giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh viêm tai giữa. Trong quá trình thăm khám, ống nội soi có thể được dùng để kiểm tra màng nhĩ và tai ngoài. Điều này giúp phát hiện tình trạng sưng đỏ, ứ mủ hoặc chất lỏng.
Đôi khi bệnh nhân được đo nhĩ lượng. Trong đó một thiết bị chuyên dụng được đặt bên trong ống tai. Sau đó thay đổi áp suất và làm rung màng nhĩ. Kết quả được ghi lại trên biểu đồ giúp phát hiện sự tích tụ của chất lỏng.
Một số thử nghiệm khác:
- Đo phản xạ âm thanh
- Chọc màng nhĩ dẫn lưu chất lỏng
- Kiểm tra thính giác, khả năng hiểu ngôn ngữ, kỹ năng nói... nếu trẻ bị nhiễm trùng tai giữa nhiều lần hoặc có dịch tích tụ lâu ngày.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết bệnh nhân bị viêm tai giữa được chữa khỏi nhanh và hoàn toàn, không gây biến chứng lâu dài. Tuy nhiên việc điều trị chậm trễ có thể khiến nhiễm trùng lan rộng, khó chữa và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn.
Một số biến chứng thường gặp:
- Mất thính giác. Tình trạng này thường giảm khi hết nhiễm trùng. Tuy nhiên chất lỏng ứ đọng lâu ngày hoặc nhiễm trùng lặp đi lặp lại có thể gây ra những tổn thương vĩnh viễn, bệnh nhân mất thính lực nghiêm trọng hơn hoặc vĩnh viễn.
- Chậm nói hoặc chậm phát triển
- Rách/ thủng màng nhĩ
- Nhiễm trùng lan rộng đến xương tai (viêm xương chũm)
- Viêm tai giữa chảy mủ mạn tính
- Liệt mặt ngoại biên
- Những biến chứng nội sọ như áp xe màng não, viêm màng não, viêm não, tắc tĩnh mạch não...
- Cholesteatoma
Điều trị
Viêm tai giữa chủ yếu được dùng thuốc để điều trị. Những trường hợp nặng và có biến chứng có thể cân nhắc phẫu thuật.
1. Điều trị bằng thuốc
Những loại thuốc được sử dụng dựa trên tình trạng cụ thể. Bao gồm:
- Thuốc giảm đau
Một loại thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen hoặc Ibuprofen thường được chỉ định để giảm đau. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau, có thể mang đến hiệu quả nhanh và rõ rệt.
- Thuốc nhỏ tai
Nếu màng nhĩ không bị thủng hoặc rách, thuốc nhỏ tai có thể được dùng để giảm đau.
- Thuốc kháng sinh
Kháng sinh được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm tai giữa có những điều kiện sau:
-
- Nhiễm trùng tai giữa liên quan đến vi khuẩn
- Viêm tai giữa ở trẻ em dưới 6 tháng tuổi
- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên có cơn đau tai ở mức trung bình đến nặng, đau một hoặc cả hai tai ít nhất 48 giờ kèm theo sốt dưới 39 độ
- Trẻ em từ 6 - 23 tháng bị đau tai giữa nhẹ, triệu chứng xảy ra ở một hoặc cả hai tai chưa đầy 48 giờ, sốt dưới 39 độ
- Trẻ em từ 24 tháng tuổi trở lên bị đau tai giữa nhẹ, triệu chứng xảy ra ở một hoặc cả hai tai chưa đầy 48 giờ, sốt dưới 39 độ
Tùy thuộc vào tình trạng, một loại thuốc kháng sinh cụ thể sẽ được chỉ định. Thuốc giúp kiểm soát hoạt động và diệt vi khuẩn gây bệnh. Kháng sinh chủ yếu được dùng bằng đường uống.
Cần uống hết thuốc ngay cả khi những triệu chứng đã được cải thiện. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát và vi khuẩn kháng thuốc.
Đối với viêm tai giữa mủ mãn tính, bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc kháng sinh dưới dạng thuốc nhỏ. Trước khi nhỏ thuốc, chất lỏng tích tụ cần được hút ra ngoài qua ống tai.
2. Phẫu thuật
Ít khi phẫu thuật được chỉ định. Thông thường phẫu thuật chỉ được áp dụng cho những trường hợp sau:
- Nhiễm trùng lan rộng
- Thất bại khi điều trị bảo tồn
Một số lựa chọn:
- Nạo VA
- Cắt amidan
- Đặt ống thông khí
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa bệnh viêm tai giữa:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, không dùng chung dụng cụ ăn uống để tránh lây nhiễm.
- Che miệng khi ho và hắt hơi.
- Phòng ngừa cảm lạnh.
- Tránh sinh sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm.
- Tránh hút thuốc thụ động.
- Cho trẻ bú sữa mẹ ít nhất 6 tháng. Bú sữa mẹ đầy đủ giúp tăng cường bổ sung những kháng thể bảo vệ khỏi nhiễm trùng tai.
- Bế bé ở tư thế thẳng đứng khi cho bé bú bình. Không nên cho bé bú khi bé đang nằm.
- Tiêm chủng đầy đủ để phòng ngừa các tình trạng nhiễm trùng lây lan đến tai giữa. Cụ thể như tiêm vắc xin phế cầu, vắc xin ngừa cúm theo mùa.
- Điều trị tốt các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp hoặc một số tình trạng khác có thể gây nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng tai giữa có thể lây qua đường mũi họng. Vì vậy cần tránh tiếp xúc gần với những trường hợp này.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh của tôi là gì? Nghiêm trọng như thế nào?
2. Phác đồ điều trị viêm tai giữa là gì?
3. Điều trị kéo dài trong bao lâu? Có khỏi hẳn không?
4. Phương pháp và loại thuốc nào tốt nhất cho nhiễm trùng tai giữa?
5. Thuốc điều trị viêm tai giữa có gây tác dụng phụ không?
6. Trĩ hoãn hoặc không điều trị nhiễm trùng tai giữa có sao không?
7. Tôi có thể gặp biến chứng của bệnh viêm tai giữa không?
Viêm tai giữa xảy ra do vi khuẩn hoặc virus phát triển ở khu vực phía sau màng nhĩ. Bệnh có tiên lượng tốt, thường khỏi nhanh khi dùng thuốc điều đặn. Những trường hợp nặng và không chữa có thể mất thính lực vĩnh viễn. Vì vậy cần khám và điều trị với bác sĩ ngay khi có những triệu chứng đầu tiên.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!