Bệnh Tràn Dịch Khớp
Tràn dịch khớp là tình trạng sưng các mô trong khớp do chất lỏng tích tụ, thường gặp ở khớp gối. Điều này khiến khớp ảnh hưởng sưng tấy kèm theo đau và cứng khớp. Người bệnh cần chọc hút dịch khớp kết hợp dùng thuốc để điều trị.
Tổng quan
Bệnh tràn dịch khớp là sự tăng lên bất thường của chất lỏng trong khớp dẫn đến sưng tấy. Bệnh thường gây đau đớn và cứng khớp khiến người bệnh vận động khó khăn.
Đôi khi chất lỏng tích tụ kèm theo viêm sưng ở những mô liên kết lót trong khớp. Điều này được gọi là tràn dịch khớp và viêm màng hoạt dịch
Bệnh thường ảnh hưởng đến những khớp lớn, chẳng hạn như đầu gối. Chất lỏng tích tụ khi khớp ảnh hưởng bị viêm, chấn thương hoặc bị nhiễm trùng.
Phân loại
Bệnh tràn dịch khớp có thể được phân thành hai loại gồm nhiễm trùng hoặc không nhiễm trùng.
- Nhiễm trùng: Tích tụ chất lỏng do nhiễm trùng được gọi là viêm khớp nhiễm trùng. Bệnh xảy ra vi khuẩn xâm nhập từ vết thương hở đến khớp ảnh hưởng và gây viêm. Bệnh cũng có thể phát triển sau nhiễm trùng trong máu.
- Không nhiễm trùng (vô trùng): Tràn dịch khớp là kết quả của viêm khớp hoặc chấn thương.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có 3 nguyên nhân gây tràn dịch khớp, bao gồm:
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng ở khớp gây viêm và kích thích sự tăng tiết bất thường của dịch khớp. Điều này thường do vi khuẩn trong máu hoặc vi khuẩn xâm nhập qua một vết thương hở. Thường sau thủ thuật y tế xâm lấn, vết trầy xước hoặc một vết cắt sâu.
- Chấn thương: Chấn thương là nguyên nhân gây tràn dịch khớp thường gặp. Tác động mạnh và trực tiếp (như té ngã, tai nạn, tác động lực mạnh...) khiến các mô trong và xung quanh khớp sưng tấy, kích thích sự tăng tiết bất thường của dịch khớp. Căng thẳng khớp với những chuyển động lặp đi lặp lại cũng có thể gây tràn dịch, thường liên quan đến thể thao và yếu tố nghề nghiệp. Tràn dịch do căng thẳng lên khớp có thể kèm theo viêm bao bao gân và viêm bao hoạt dịch.
- Viêm khớp: Viêm khớp thường gây tràn dịch. Trong đó viêm xương khớp (viêm khớp do hao mòn) và viêm khớp tự miễn là những dạng thường gặp.
- Tràn dịch do viêm xương khớp: Thường xảy ra khi có tổn thương khớp rộng, chủ yếu ảnh hưởng đến đầu gối.
- Tràn dịch do viêm khớp tự miễn: Tràn dịch khớp do viêm khớp tự miễn thường ở dạng mãn tính nhưng xuất hiện trong những đợt viêm cấp. Trong đó viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, viêm khớp tự phát ở trẻ vị thành niên và viêm khớp vảy nến là những bệnh viêm khớp thường gặp nhất.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tràn dịch khớp:
- Bệnh tiểu đường
- Lớn tuổi
- Thay khớp
- Khối u. Một khối u bất thường (lành tính hoặc ung thư) có thể gây tràn dịch khớp
- Có tiền sử phẫu thuật khớp gần đây
- Sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV)
- Suy giảm hoặc tổn thương hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như hóa trị điều trị ung thư, ghép tạng, bệnh nhân bị HIV
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh tràn dịch khớp được đặc trưng bởi những triệu chứng sau:
- Sưng tấy: Chất lỏng tích tụ khiến khớp ảnh hưởng sưng tất từ nhẹ đến nghiêm trọng.
- Đau khớp: Sưng tấy thường kèm theo đau khớp. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc đau nhói kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng vận động.
- Khớp nóng và đỏ: Tràn dịch khớp do viêm hoặc nhiễm trùng thường có khớp sưng nóng và đỏ.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, những triệu chứng dưới đây cũng có thể xuất hiện:
+ Chấn thương
- Bầm tím
- Chảy máu trong không gian khớp
- Khớp mất vững
- Sưng đau ngay sau chấn thương
- Khó duỗi hoặc xoay khớp
+ Nhiễm trùng
- Sốt
- Ớn lạnh
- Suy nhược và khó chịu
- Đau đớn nhiều hơn khi di chuyển
+ Viêm khớp
- Ảnh hưởng nhiều khớp hoặc ngón chân cái
- Hình thành nốt tophi
- Da vảy nến
- Nặng nề trong khớp
- Khó cử động khớp
- Cứng khớp, đặc biệt là vào buổi sáng
+ Triệu chứng khác
- Mất cơ dần dần
- U nang Baker (một cục u chứa nhiều chất lỏng)
Để chẩn đoán tràn dịch khớp, bác sĩ thường kiểm tra khớp kỹ lưỡng bằng cách quan sát, sờ nắn nhẹ hoặc thực hiện một vài thao tác lên khớp. Từ đó xác định các triệu chứng, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng.
Ngoài ra các xét nghiệm hình ảnh cũng được thực hiện để xác định chẩn đoán. Một số xét nghiệm thường được chỉ định:
- Siêu âm: Dùng sóng âm thanh kiểm tra xương và các mô liên kết.
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang cho phép kiểm tra cấu trúc khớp, phân biệt tràn dịch khớp với viêm khớp và gãy xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): CT tạo ra hình ảnh chi tiết hơn so với X-quang. Kỹ thuật này giúp kiểm tra xương và các mô ở nhiều hướng khác nhau.
- Chụp chụp cộng hưởng từ (MRI): Sóng vô tuyến và từ trường mạnh được sử dụng để tạo ra hình ảnh chi tiết về mô mềm. Từ đó phát hiện nhanh những tình trạng nghiêm trọng hơn.
- Kiểm tra dịch khớp: Chất lỏng tích tụ trong khớp được hút ra khỏi khớp bị sưng, sau đó kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện vi khuẩn và các nguyên nhân gây viêm khác. Đồng thời giảm đau và giảm áp lực cho khớp..
Biến chứng và tiên lượng
Tràn dịch khớp thường khớp thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên chọc hút dịch khớp nhiều lần có thể gây nhiễm trùng khớp. Ngoài ra những trường hợp không điều trị có thể tăng mức độ tràn dịch và gây ra nhiều biến chứng sau:
- Xơ cứng
- Dính khớp
- Hỏng khớp
- Nhiễm trùng
- Tàn phế
Điều trị
Những biện pháp điều trị ban đầu gồm thuốc và chăm sóc tại nhà. Đối với những trường hợp nặng và khớp sưng to, chọc hút dịch khớp sẽ được chỉ định.
1. Thuốc
Các thuốc được chỉ định dựa trên nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng. Những loại thường dùng:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được chỉ định trong điều trị tràn dịch do nhiễm trùng (viêm khớp nhiễm trùng). Thuốc có tác dụng tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Thông thường bệnh nhân được dùng một đợt thuốc kháng sinh phổ rộng (như ciprofloxacin) trong vòng 14 ngày.
- Colchicine: Thuốc Colchicine được dùng cho bệnh nhân bị tràn dịch khớp do bệnh gút. Thuốc có tác dụng điều trị sưng và đau trong đợt viêm. Đồng thời ngăn những đợt bùng phát của bệnh gút.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Aleve (naproxen) hoặc Advil (ibuprofen) được dùng cho bệnh nhân bị viêm và đau ở mức trùng bình. Thuốc có tác dụng giảm đau, phòng ngừa và trị viêm.
- Steroid: Steroid uống hoặc tiêm thường được dùng cho bệnh nhân bị viêm khớp dẫn đến tràn dịch. Thuốc mang đến hiệu quả giảm viêm và giảm đau nhanh chóng.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Một loại thuốc ức chế miễn dịch như Humira (adalimumab) hoặc Methotrexate được chỉ định cho những bệnh nhân bị tràn dịch khớp do viêm khớp tự miễn, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp. Thuốc có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch, ngăn chặn những phản ứng không phù hợp. Từ đó giảm các triệu chứng của bệnh.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp giảm sưng và đau do tràn dịch khớp, bao gồm:
- Chườm đá: Chườm túi nước đá lên khớp ảnh hưởng từ 15 - 20 phút để giảm viêm, sưng và đau. Biện pháp này nên được thực hiện vài lần mỗi ngày.
- Băng ép: Đôi khi bệnh nhân được khuyên sử dụng băng ép để giảm áp lực lên khớp, giảm đau và hạn chế sưng. Tuy nhiên cần tránh quấn khớp quá chật để không làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu.
- Nghỉ ngơi: Để khớp nghỉ ngơi, tránh đi lại nhiều nếu khớp sưng và đau nghiêm trọng. Biện pháp này giúp giảm áp lực lên khớp, giảm tính nhạy cảm và hạn chế đau.
3. Chọc hút dịch khớp
Chọc hút dịch khớp được chỉ định cho những bệnh nhân có khớp sưng to nghiêm trọng do tràn dịch. Kỹ thuật này giúp làm giảm áp lực bên trong khớp, giảm sưng và đau.
Trong thủ thuật, kim được đưa vào trong ổ khớp, sau đó tiến hanh hút dịch. Sau thủ thuật, người bệnh có thể được tiêm một mũi cortisone để tăng hiệu quả giảm viêm và đau.
4. Thay khớp
Phẫu thuật khớp có thể được chỉ định nếu viêm khớp hoặc chấn thương nghiêm trọng gây hỏng khớp. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được thay một phần hoặc toàn bộ khớp.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp giảm nguy cơ tràn dịch khớp gồm:
- Giảm cân, duy trì cân nặng ở mức hợp lý.
- Tập thể dục đều đặn với những bài tập và bộ môn thích hợp.
- Thường xuyên thực hiện những bài tập tăng cường sức mạnh và các cơ quanh khớp. Chẳng hạn như những bài tập kéo giãn và luyện tập kháng lực cho vai.
- Khởi động nhẹ nhàng trước khi chơi thể thao và tập thể dục.
- Thường xuyên thực hiện những động tác duỗi nhẹ đầu gối và vai để thư giãn. Đặc biệt là khi ngồi làm việc trong thời gian dài.
- Nếu đang bị đau ở các khớp, cần tránh những hoạt động có tác động mạnh, chẳng hạn ngồi xổm, cử tạ, đột ngột xoắn hoặc vặn đầu gối quá mức.
- Hạn chế mang vác vật nặng, tránh làm việc gắng sức.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho khớp thông qua chế độ ăn uống lành mạnh. Bao gồm rau xanh, trái cây, cá, thịt nạc, tôm, nấm, trứng... bổ sung vitamin A, B, C, D, E, chất chống oxy hóa ,omega -3, canxi và nhiều thành phần dinh dưỡng khác.
- Đến cơ sở y tế nếu bị đau khớp thường xuyên, kéo dài hoặc đột ngột. Ngoài ra nên điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ.
- Sử dụng những dụng cụ hỗ trợ và bảo vệ khớp khi đi bộ đường dài, chơi những môn thể thao tiếp xúc hoặc hoạt động thể chất mạnh mẽ.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh lý của tôi có nghiêm trọng không?
2. Nguyên nhân gây tràn dịch khớp của tôi là gì?
3. Những phương pháp nào tốt nhất cho tình trạng hiện tại?
4. Điều trị tràn dịch khớp kéo dài trong bao lâu?
5. Những rủi ro và lợi ích đạt được khi điều trị là gì?
6. Những điều cần tránh khi bị tràn dịch khớp?
7. Khi nào cần chọc hút dịch khớp?
Tràn dịch khớp là bệnh lý thường gặp, chủ yếu do nhiễm trùng, viêm khớp và chấn thương. Những biểu hiện của bệnh thường được khắc phục bằng thuốc và chọc hút dịch khớp. Cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ để tránh phát sinh rủi ro.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!