Viêm Niệu Đạo Mãn Tính
Viêm niệu đạo mãn tính xảy ra khi bệnh nhân bị viêm niệu đạo ở mức độ nặng, dai dẳng hoặc thường xuyên tái diễn. Tình trạng này thường do nhiễm trùng không được điều trị. Viêm có thể xảy ra sau khi phát triển bệnh lây truyền qua tình dục hoặc một nguyên nhân khác.
Tổng quan
Bệnh viêm niệu đạo được phân thành cấp tính (ngắn hạn) và mãn tính. Trong đó viêm niệu đạo mãn tính là tình trạng niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang tới lỗ tiểu) bị viêm hoặc kích thích kéo dài. Bệnh gây ra những triệu chứng dai dẳng và thường xuyên tái diễn.
Viêm niệu đạo mãn tính gặp ở những người bị viêm nhưng không được điều trị khỏi, thường do sai phác đồ, trì hoãn hoặc không điều trị. Trong giai đoạn này, những triệu chứng như tiểu buốt, sưng dương vật... không quá nghiêm trọng.
Ngoài ra bệnh nhân sẽ có nguy cơ cao phát triển những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản và sức khỏe. Bệnh chủ yếu được kiểm soát bằng thuốc.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm niệu đạo mãn tính phát triển từ những nguyên nhân sau:
- Nhiễm trùng do vi khuẩn
Bệnh viêm niệu đạo thường do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). Trong đó bệnh lậu, nhiễm vi khuẩn chlamydia, trichomonas và mụn rộp sinh dục là những nguyên nhân phổ biến nhất.
Đôi khi niệu đạo bị viêm và kích ứng do sự phát triển của một vài loại vi khuẩn gram âm đường ruột. Thường bao gồm:
-
- E Coli
- Klebsiella
- Proteus
- Nhiễm trùng do virus
Bệnh viêm niệu đạo mãn tính thường liên quan đến những loại virus dưới đây:
-
- Virus herpes simplex (HSV-1, HSV-2)
- Virus gây u nhú ở người (HPV)
- Virus cytomegalovirus (CMV)
Điều này thường xảy ra ở nữ. Khi không được điều trị, virus nhanh chóng lây lan, tăng độ nhạy cảm và gây viêm ở niệu đạo.
- Nhiễm trùng nấm men
Viêm niệu đạo mãn tính có thể do nhiễm trùng nấm men. Tuy nhiên tình trạng này thường ít gặp.
Những yếu tố nguy cơ và nguyên nhân khác của bệnh gồm:
- Bóp dương vật thô bạo
- Thói quen thủ dâm thường xuyên
- Vệ sinh bộ phận sinh dục sai cách, mặc quần áo quá chật, thường xuyên thụt rửa
- Quan hệ tình dục không lành mạnh như: Không sử dụng biện pháp an toàn, quan hệ với nhiều người hoặc quan hệ với người có bệnh lây truyền qua đường tình dục
- Thực hiện các hoạt động làm tăng áp lực lên niệu đạo như quan hệ tình dục với những tư thế khó hoặc quá thô bạo, đạp xe đường dài...
- Nam giới độ tuổi từ 25 - 30 tuổi
- Sử dụng những sản phẩm vệ sinh, khử mùi hoặc diệt tinh trùng có thể gây kích ứng niệu đạo
- Nhiễm trùng từ những cơ quan khác, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu...
- Đặt ống thông tiểu, nong niệu đạo... sai cách
- Những bất thường ở bao quy đầu như dài bao quy đầu, hẹp bao quy đầu...
Triệu chứng và chẩn đoán
Để nhận biết bệnh viêm niệu đạo mãn tính, người bệnh có thể dựa vào một số triệu chứng dưới đây:
- Tiểu rát hoặc đau
- Tiểu nóng
- Tiết nhiều khí hư có mùi hôi
- Tăng cảm giác buồn tiểu, tiểu nhiều lần và mót tiểu
- Sưng và đỏ lỗ niệu đạo, tiết dịch nhầy bất thường
- Đau khi quan hệ tình dục
- Có máu trong tinh dịch hoặc nước tiểu
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Có mủ xanh, trắng hoặc đục chảy ra từ dương vật, tích tụ ở bao quy đầu kèm theo mùi hôi
Để chẩn đoán viêm niệu đạo mãn tính, người bệnh được kiểm tra triệu chứng và bệnh sử (khám lâm sàng). Ngoài ra các xét nghiệm cũng được thực hiện để đánh giá tình trạng (chẩn đoán cận lâm sàng), bao gồm:
- Xét nghiệm nước tiểu
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm dịch niệu đạo
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm niệu đạo mãn tính cần được điều trị sớm để kiểm soát nhanh tình trạng. Việc không chữa trị có thể khiến nhiễm trùng lan rộng, các triệu chứng dai dẳng và gây ra những biến chứng sau:
- Rối loạn hệ thống bài tiết nước tiểu
- Hẹp niệu đạo do hình thành sẹo cục bộ
- Nhiễm trùng ngược dòng dẫn đến nhiễm trùng bàng quang, suy thận mãn tính
- Nhiễm trùng máu
- Nhiễm trùng các cơ quan khác của đường tiết niệu như viêm ống dẫn tinh, viêm túi tinh, viêm tuyến tiền liệt, viêm mào tinh hoàn...
- Áp xe ở niệu đạo
- Phù nề dương vật
- Viêm vùng chậu, viêm tử cung có mù, viêm âm đạo, đau vùng chậu mãn tính
- Tăng nguy cơ vô sinh ở nam và mang thai ngoài tử cung ở nữ
Ở thể mãn tính, viêm niệu đạo có thể được điều trị nhưng gặp nhiều khó khăn, bệnh nhân có khả năng kháng thuốc. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ phác đồ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị
Dùng thuốc là phương pháp điều trị chính cho viêm niệu đạo mãn tính. Ngoài ra người bệnh sẽ được hướng dẫn những biện pháp chăm sóc tại nhà nhằm hỗ trợ điều trị bệnh.
1. Thuốc
Thuốc được chỉ định dựa trên nguyên nhân gây bệnh và các triệu chứng, bao gồm:
- Thuốc kháng sinh
Kháng sinh có thể được dùng dưới dạng tiêm hoặc uống. Thuốc có tác dụng điều trị viêm niệu đạo do vi khuẩn. Khi dùng, thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt nhanh và ngăn sự nhân lên của vi khuẩn.
Ceftriaxone, Azithromycin, Cefixime... là những loại thường được sử dụng. Nếu có dấu hiệu kháng thuốc, bệnh nhân sẽ được thay đổi một loại thuốc thích hợp hơn.
- Thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng nấm
Nếu viêm niệu đạo do nhiễm virus hoặc nấm, người bệnh sẽ được dùng một loại thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng nấm. Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt tác nhân gây bệnh.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Khi điều trị viêm niệu đạo mãn tính, người bệnh cần áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều này giúp tăng hiệu quả chữa trị, giảm triệu chứng và ngăn tái diễn.
- Trong thời gian điều trị, người bệnh cần hạn chế quan hệ tình dục, nên dùng bao cao su để tránh lây nhiễm cho bạn tình.
- Vệ sinh vùng kín đúng cách, luôn giữ vùng kín khô ráo và sạch sẽ.
- Điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
- Tập thể dục đều đặn và vừa sức giúp tăng sức khỏe và khả năng chống bệnh.
- Uống nhiều nước lọc mỗi ngày, khoảng 2 - 2,5 lít nước. Nước giúp tăng thải độc và vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
- Tránh ăn thực phẩm cay nóng hoặc có tính axit, không uống rượu bia và hạn chế thức uống chứa caffeine. Bởi những nhóm thực phẩm này có khả năng làm nặng hơn mức độ kích ứng và các triệu chứng.
- Ăn những bữa ăn lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe tổng thể. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, C, E, omega-3... Các vitamin và omega-3 có đặc tính chống viêm, giảm đau, chống nhiễm trùng và hỗ trợ điều trị viêm niệu đạo.
3. Điều trị ngoại khoa
Điều trị ngoại khoa được xem là giải pháp điều trị cuối cùng cho bệnh nhân bị viêm niệu đạo mãn tính. Phương pháp này chỉ được cân nhắc cho những trường hợp nặng, điều trị bằng thuốc không hiệu quả.
Những lựa chọn thường bao gồm:
- Phẫu thuật cắt - nối niệu đạo
- Cắt niệu đạo hoại tử
- Chọc hút dịch mủ từ niệu đạo
Phòng ngừa
Đời sống tình dục lành mạnh và một số thay đổi trong lối sống có thể giúp phòng ngừa bệnh viêm niệu đạo mãn tính. Cụ thể:
- Khám và điều trị tích cực bệnh viêm niệu đạo ngay khi có những triệu chứng đầu tiên.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục với người không nhiễm bệnh, chung thủy 1 vợ 1 chồng
- Tránh quan hệ tình dục thô bạo hoặc thực hiện những tư thế làm tăng áp lực lên niệu đạo.
- Không quan hệ tình dục nếu bản thân hoặc bạn tình có bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Không thủ dâm quá mức.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ mỗi ngày và giữ vùng kín luôn khô ráo.
- Không thụt rửa âm đạo để tránh tổn thương và nhiễm trùng.
- Đi tiểu và vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ ngay khi quan hệ tình dục xong.
- Không mặc đồ lót quá chật. Nên mặc quần áo thoải mái và thoáng mát.
- Không sử dụng những sản phẩm có khả năng gây kích thích niệu đạo, dị ứng da... Bao gồm cả những loại dung dịch vệ sinh có chất tạo hương.
- Ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng kết hợp luyện tập thể dục thường xuyên. Điều này giúp duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ viêm niệu đạo.
- Uống nhiều nước lọc và đi tiểu thường xuyên để tăng thải độc và tống vi khuẩn ra khỏi cơ thể.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phương pháp / thuốc tốt nhất cho tình trạng của tôi là gì?
2. Điều trị viêm niệu đạo mãn tính trong bao lâu?
3. Tôi có cần kiêng quan hệ tình dục khi bị viêm niệu đạo không?
4. Những điều cần tránh trong quá trình điều trị của tôi?
5. Tôi nên làm gì khi gặp tác dụng phụ?
6. Khi nào cần phẫu thuật? Những lựa chọn tốt nhất?
7. Bệnh viêm niệu đạo mãn tính có ảnh hưởng đến sinh sản không?
Bệnh viêm niệu đạo mãn tính thường khó chữa, các triệu chứng dai dẳng và dễ gây biến chứng. Để kiểm soát bệnh lý, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định kết hợp xây dựng lối sống lành mạnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!