Bệnh Ghẻ

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Da liễu Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Bệnh ghẻ xảy ra khi có cư trú và phát triển của một loại ve có tên Sarcoptes Scarbiei. Bệnh lý này gây ngứa ngáy khó chịu, ngứa nhiều hơn vào ban đêm làm gián đoạn giấc ngủ. Tuy nhiên triệu chứng sẽ giảm nhanh khi điều trị bằng một số loại thuốc.

Tổng quan

Bệnh ghẻ là thuật ngữ chỉ tình trạng phát ban da và ngứa do một loại ve có tên Sarcoptes Scarbiei. Bệnh gây ngứa ngáy dữ dội và phát ban đỏ trên da ở những nơi có ve đào hang.

Bệnh ghẻ
Bệnh ghẻ là một dạng tổn thương da với biểu hiện phát ban da và ngứa ngáy do Sarcoptes Scarbiei

Sarcoptes Scarbiei (cái ghẻ) sở hữu kích thước rất nhỏ, có 8 chân. Chúng có thể lây lan từ người sang người thông qua những tiếp xúc gần gũi. Vì vậy mà những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị ghẻ đều được đều trị đồng thời.

So với những bệnh ngoài da khác, bệnh ghẻ dễ dàng được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên cảm giác ngứa ngáy có thể kéo dài trong nhiều tuần kể từ thời điểm điều trị.

Phân loại

Bệnh ghẻ chỉ xảy ra bởi một loại ve có tên Sarcoptes Scarbiei. Tuy nhiên con ve này có thẻ gây ra nhiều loại tổn thương khác nhau, bao gồm:

  • Bệnh ghẻ điển hình: Đây là loại phổ biến nhất. Trong đó con ve nhỏ gây phát ban ngứa trên những điểm thông thường như cổ tay và bàn tay.
  • Bệnh ghẻ nốt: Loại này thường gây ngứa, xuất hiện cục u hoặc/ và nổi da gà. U thường hình thành ở háng, xung quanh bộ phận sinh dục hoặc ở nách.
  • Bệnh ghẻ Na Uy (ghẻ vảy): Đây là một dạng bệnh ghẻ nghiêm trọng và dễ lây lan. Bệnh làm cho da khô, có vảy, dày lên, bên trong đó chứa hàng ngàn co ve và trứng.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Ve Sarcoptes Scarbiei là nguyên nhân gây bệnh ghẻ. Phần lớn bệnh nhân có khoảng 10 đến 15 con ve. Những trường hợp nặng có thể có đến hàng triệu con ve.

Sau khi bám trên da, những con ve cái có kích thước nhỏ nhanh chóng đào hang, tạo thành một đường hầm ngay dưới da để đẻ trứng.

Khi trứng nở, những ấu trùng ve phát triển và di chuyển trên bề mặt da. Những con ve này trưởng thành, di chuyển đến những vùng da khác trên cơ thể hoặc lây sang da của người khác.

Ve Sarcoptes Scarbiei (cái ghẻ) là nguyên nhân gây bệnh ghẻ
Ve Sarcoptes Scarbiei (cái ghẻ) là nguyên nhân gây bệnh ghẻ, lây truyền từ người sang người

Nguyên nhân lây nhiễm Sarcoptes Scarbiei và bệnh ghẻ gồm:

  • Tiếp xúc da kề da với người bệnh (ít nhất 10 phút). Sự lây lan có thể xảy ra ngay cả khi chưa phát triển những triệu chứng.
  • Dùng chung khăn tắm, giường ngủ và quần áo với người nhiễm bệnh.

Bệnh ghẻ không lây từ động vật sang người. Bởi những con ghẻ cư trú trên động vật không có khả năng tồn tại và sinh sản trên người.

Nếu ve bám dưới da sau tiếp xúc với động vật có ghẻ, người bệnh có thể bị ngứa nhẹ trong vài ngày. Tình trạng này không cần điều trị.

Triệu chứng và chẩn đoán

Triệu chứng của bệnh ghẻ xảy ra do những phản ứng dị ứng với con ve. Thường bao gồm:

  • Ngứa ngáy
    • Ngứa dữ dội hơn vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ
    • Gãi liên tục vào vùng da bệnh có thể hình thành những vết loét và nhiễm trùng trên da
  • Phát ban
    • Vết cắn nhỏ
    • Phát ban đỏ và giống như mụn nhọt
    • Vết sưng dưới da
  • Những đường nhỏ nổi lên và đổi màu (dấu vết của con ve trên da)
  • Vết loét do gãi
  • Có vảy hoặc mụn nước

Mất từ 2 - 5 tuần để phát triển những triệu chứng sau lần tiếp xúc đầu tiên. Ở những người bị ghẻ trước đó, những triệu chứng xảy ra nhanh hơn sau khi phơi nhiễm (khoảng 1 - 4 ngày).

Ngứa ngáy, phát ban, vết loét do gãi và những nốt mụn nước
Ngứa ngáy, phát ban, vết loét do gãi và những nốt mụn nước là những triệu chứng của bệnh

Bệnh ghẻ thường gây triệu chứng ở những vị trí sau:

+ Trẻ em và người lớn

  • Cổ tay
  • Khuỷu tay
  • Núm nú
  • Nách
  • Thắt lưng
  • Mông
  • Dương vật
  • Khu vực giữa những ngón tay

+ Người bị suy giảm miễn dịch, người già, trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi

  • Đầu
  • Cổ
  • Khuôn mặt
  • Lòng bàn chân
  • Tay

Bệnh ghẻ dễ dàng được nhận biết thông qua những triệu chứng lâm sàng. Trong lần khám đầu tiên, người bệnh được hỏi về đặc điểm ngứa, phát ban và tiền sử tiếp xúc với những người bị nhiễm bệnh.

Một số thử nghiệm cũng được thực hiện để xác định chẩn đoán,bao gồm:

  • Loại bỏ ve ra khỏi da bằng kim.
  • Kiểm tra mẫu mô: Lấy mẫu mô bằng cách cạo một phần da nhỏ. Mẫu bệnh được kiểm tra dưới kính hiển vi. Điều này có thể giúp phát hiện con ghẻ và trứng.
  • Xét nghiệm mực ghẻ (thử nghiệm mực hang): Nhỏ mực từ bút máy lên vùng da tổn thương. Sau đó lau sạch vết mực có thể thấy những đường hang do ve tạo ra trên da.

Biến chứng và tiên lượng

Bệnh ghẻ không phải là bệnh ngoài da nghiêm trọng. Bệnh được điều trị dễ dàng bằng thuốc. Tuy nhiên những triệu chứng có xu hướng kéo dài ngay cả khi điều trị, tăng mức độ nghiêm trọng vào ban đêm làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Mặc dù ít gặp nhưng biến chứng có thể xảy ra. Điều này thường gặp ở những người gãi nhiều dẫn đến trầy xước và nhiễm trùng vi khuẩn, người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Những biến chứng của bệnh gồm:

  • Chốc lở
  • nhiễm trùng máu
  • Mất ngủ

Điều trị

Mục đích của phương pháp điều trị là giảm ngứa và làm chết ve. Trong đó bệnh nhân chủ yếu được điều trị bằng thuốc uống hoặc kem bôi.

Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:

Kem Permethrin
Kem Permethrin chứa hoạt chất diệt ve gây bệnh ghẻ và trứng của chúng

  • Kem Permethrin: Đây là một loại kem bôi có chứa hoạt chất diệt ve. Khi sử dụng, kem Permethrin có thể nhanh chóng tiêu diệt ve gây bệnh ghẻ và trứng của chúng. Thuốc này an toàn đối với trẻ em trên 2 tháng tuổi, người lớn, phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
  • Kem lưu huỳnh: Đây là một loại thuốc trị ghẻ thường được sử dụng để bôi qua đêm, dùng 5 đêm liên tiếp sau khi làm sạch da. Thuốc này có khả năng tiêu diệt nhanh cái ghẻ và trứng của chúng.
  • Ivermectin (Stromectol): Thuốc Ivermectin (Stromectol) thường được sử dụng ở dạng viên. Thuốc này có khả năng điều trị bệnh ghẻ hiệu quả. Ivermectin được chỉ định cho những bệnh nhân dùng kem bôi không hiệu quả, bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm hoặc bệnh ghẻ vảy. Chống chỉ định với trẻ em dưới 15kg, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con bú.
  • Thuốc kháng histamine: Thuốc điều trị bệnh ghẻ có thể không làm giảm ngứa ngay lập tức. Vì thế mà thuốc kháng histamine thường được sử dụng để kiểm soát ngứa.
  • Kem dưỡng da calamine: Trong nhiều trường hợp kem dưỡng da calamine được kê đơn để giảm cảm giác ngứa ngáy trên da của bạn. Loại kem này có tác dụng phục hồi bề mặt da, làm mịn da và giúp giảm nhẹ cảm giác ngứa ngáy.

Phòng ngừa

Không có vắc xin phòng ngừa bệnh ghẻ. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa bệnh ghẻ xảy ra, ngăn chúng quay trở lại hoặc lây lan cho người khác.

  • Điều trị đồng thời cho tất cả những người có tiếp xúc gần với bệnh nhân bị bệnh ghẻ, bao gồm cả những người không có triệu chứng.
  • Không tiếp xúc gần hoặc sử dụng đồ dùng cá nhân với những người mắc bệnh ghẻ và những người có nguy cơ (tiếp xúc gần với bệnh nhân bị ghẻ).
  • Thường xuyên giặt ga trải giường, khăn tắm và quần áo. Đồ dùng của người nhiễm bệnh (đã sử dụng trong ba ngày trước khi điều trị) nên được giặt bằng xà phòng và nước nóng, sau đó phơi dưới ánh nắng mặt trời. Nhiệt có thể giết chết cái ghẻ và trứng của chúng.
  • Những món đồ không thể giặt nên được giữ trong túi nhựa kín và để ở nơi khuất tầm nhìn. Điều này giúp bỏ đói bọ ve và khiến chúng chết trong một tuần do không có thức ăn.
  • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa bằng cách hút bụi và lau dọn.
  • Dọn dẹp kỹ lưỡng trong phòng của bệnh nhân bị ghẻ. Không giống với những phân loại khác, bệnh ghẻ vảy có nhiều nguy cơ lây truyền từ những vật thể khác trong môi trường. Hút bụi có thể giúp loại bỏ lớp vỏ và vảy chứa cái ghẻ.

Dọn dẹp kỹ lưỡng trong phòng của bệnh nhân bị ghẻ
Dọn dẹp kỹ lưỡng trong phòng của bệnh nhân bị ghẻ để phòng ngừa lây bệnh cho người khác

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân gây ra những triệu chứng của tôi là gì?

2. Phương pháp nào được đề nghị để điều trị?

3. Sau bao lâu các triệu chứng có thể cải thiện?

4. Có điều gì cần tránh khi điều trị?

5. Biện pháp chăm sóc nào có thể giúp giảm các triệu chứng?

6. Người thân của tôi có nên được điều trị đồng thời không?

7. Khi nào có thể sinh hoạt bình thường mà không lây nhiễm?

Bệnh ghẻ xảy ra do sự cư trú và sinh sôi của cái ghẻ - Sarcoptes Scarbiei. Bệnh không quá nghiêm trọng, quá trình điều trị đơn giản nhưng gây ngứa dữ dội. Bệnh ghẻ có thể lây lan từ người sang người, một số nhóm đối tượng có thể gặp biến chứng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *