Bệnh Phong
Bệnh phong trong dân gian còn được gọi là bệnh cùi, hủi, phung hoặc bệnh Hansen. Đây là bệnh truyền nhiễm phổ biến do vi khuẩn Mycobacterium Leprae xâm nhập qua da và niêm mạc họng, mũi. Bệnh gây các tổn thương đặc trưng ở da và dây thần kinh. Hiện nay, bệnh phong đã có phác đồ đặc hiệu giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại di chứng nếu được điều trị kịp thời.
Tổng quan
Bệnh phong (Leprosy/ Hansen's Disease) là bệnh truyền nhiễm mãn tính xảy ra do tác nhân chính là vi khuẩn Mycobacterium Leprae (hay còn gọi là trực khuẩn Hansen). Chúng xâm nhập vào trong cơ thể thông qua da và niêm mạc mũi, họng. Bệnh có nhiều nhiều triệu chứng đặc trưng, điển hình nhất là triệu chứng qua da và tổn thương dây thần kinh ngoại biên.
Đây là bệnh lý đáng lo ngại, có thể gây ra các biến chứng như rối loạn cảm giác do tổn thương dây thần kinh, gây biến dạng cơ thể và yếu chi, bại liệt, tàn tật vĩnh viễn. Bệnh có cơ chế lây nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp, dính dịch tiết chứa vi khuẩn gây bệnh. Bệnh không có khả năng di truyền và có thể kiểm soát điều trị khỏi nếu phát hiện sớm.
Phân loại
Bệnh phong được ghi nhận có nhiều thể khác nhau, được phân chia dựa trên nhiều cơ sở lý thuyết như:
# Dựa vào đặc điểm tổn thương bệnh phong và phản ứng miễn dịch của người bệnh, bệnh được chia thành 6 thể gồm:
- Thể vô định (I - Indeterminate): Đây là thể bệnh đơn giản và nhẹ nhất. Đặc trưng với triệu chứng thay đổi màu da. Dưới những vùng da này, hệ thống các dây thần kinh thường bị tổn thương, gây cảm giác tê liệt. Bệnh nhân mắc thể bệnh này có mức độ đáp ứng miễn dịch tốt;
- Thể củ (T - Tuberculoid): Bệnh nhân bị bệnh phong thể củ thường có những triệu chứng lâm sàng đặc trưng pha trộn giữa thể củ và thể u. Các tổn thương thường liên quan đến thần kinh, kích thước lớn, cứng, có giới hạn rất rõ, thay đổi màu sắc...;
- Thể trung gian gần củ (Phong BT): Triệu chứng bệnh phong thể này khá tương đồng với thể củ, tổn thương đa phần liên quan đến thần kinh, có thể quay trở về với thể củ hoặc tiến triển thành dạng nghiêm trọng hơn;
- Thể trung gian gần u: Đặc trưng với các tổn thương phẳng, mảng da đỏ, nốt sần, u nổi to lên gây mất cảm giác. Tiến triển bệnh thường dai dẳng, tùy theo khả năng ứng điều trị mà bệnh sẽ thoái lui dần hoặc tiến triển sang thể nặng hơn;
- Thể trung gian (B - Borderline): Bệnh phong thể trung gian đặc trưng với những tổn thương mảng lớn, đỏ,cứng, cộp, sần không đối xứng, sậm màu hơn, sưng hạch bạch huyết...;
- Thể u (L - Lepromatous): Bệnh nhân bị bệnh phong thể u thường có nguy cơ lây nhiễm cao hơn so với các thể khác. Các triệu chứng đặc trưng như các tổn thương có vi khuẩn, yếu chi, rụng tóc, cơ thể biến dạng, tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng...;
# Dựa theo các tiêu chuẩn phân loại của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh phong được chia làm 2 loại dựa trên số lượng tổn thương:
- Nhóm ít vi khuẩn (PB - Paucibacillary): Tổn thương da < 5 và không có hoặc ít có vi khuẩn trong mẫu mô da bệnh được mang đi xét nghiệm;
- Nhóm nhiều vi khuẩn (MB - Multibacillary): Tổng số vùng da tổn thương > 5 và kết quả xét nghiệm cho thấy có sự xuất hiện của vi khuẩn;
Mỗi thể bệnh phong đều có các triệu chứng, biểu hiện và mức độ nghiêm trọng khác nhau. Bệnh nhân nên sớm thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh và áp dụng biện pháp điều trị phù hợp nhất.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân
Vi khuẩn Mycobacterium leprae được xác định là tác nhân chính gây bệnh phong. Đây là loại trực khuẩn kháng cồn, kháng toan, hình que, có đường kính 0.3 micromet, chiều dài từ 1 - 8 micromet. Loại vi khuẩn này chỉ có thể sống được trong tế bào da và thần kinh con người, nếu ở môi trường bên ngoài nó chỉ sống được không quá 48 tiếng.
Cơ chế lây truyền bệnh phong cho đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhưng đa phần các trường hợp phát hiện bệnh là do lây lan qua da, niêm mạc bị tổn thương hoặc qua đường hô hấp khi có sự tiếp xúc trực tiếp, dính phải dịch xuất tiết chứa vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, tỷ lây nhiễm bệnh phong là rất thấp, do phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Nguồn lây vi khuẩn bệnh phong không đủ mạnh do hầu hết các trường hợp bệnh đều được kiểm soát nhanh;
- Điều kiện sinh sôi và phát triển của vi khuẩn còn nhiều hạn chế, nhất là khi ra khỏi cơ thể người;
- Nguy cơ mắc bệnh phong còn tùy thuộc vào hệ miễn dịch của từng người;
Thời gian ủ bệnh phong rất lâu nên rất khó có thể phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm, có trường hợp 3 năm, 5 năm, thậm chí lên đến 10 năm mới phát bệnh.
Yếu tố nguy cơ
- Người có sức đề kháng kém do sống trong môi trường ô nhiễm, có các ổ dịch lớn nhỏ;
- Những vùng có điều kiện y tế kém phát triển;
- Vệ sinh kém, ăn uống thiếu dinh dưỡng;
- ...
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng
Người mắc bệnh phong thường có các triệu chứng điển hình sau đây:
- Thay đổi màu sắc da, có thể sậm màu hoặc nhạt màu hơn do hiện tượng tăng/ giảm sắc tố;
- Các tổn thương da xuất hiện ồ ạt, rải rác hoặc nhiều chỗ, quan sát bằng mắt thường sẽ thấy các đốm da phẳng, nổi mẩn đỏ hoặc nổi sần
- Rối loạn cảm giác tại vùng da bị bệnh, không cảm nhận được các cảm giác lạnh, nóng, đau, bị sờ mó, tê bì... Đặc biệt là mất tiết mồ hôi ở vùng da bị bệnh;
- Các triệu chứng đặc trưng khi bị tổn thương thần kinh ngoại biên như:
- Đau yếu cơ;
- Khó cầm nắm đồ vật;
- Liệt cơ cục bộ hoặc toàn bộ;
- Teo cơ dẫn đến co rút các ngón gây liệt vĩnh viễn;
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh phong được thực hiện thông qua đánh giá các triệu chứng lâm sàng của bệnh. Đầu tiên, bác sĩ sẽ thu thập các thông tin do bệnh nhân cung cấp, khai thác tiền sử bệnh và tiến hành khám lâm sàng. Sau đó, phối hợp thực hiện một số xét nghiệm cần thiết khác gồm:
- Sinh thiết da: Lấy mẫu mô tế bào da/ dây thần kinh ngay tại vị trí bị tổn thương để mang đi xét nghiệm. Kỹ thuật xét nghiệm thường là nhuộm Ziehl - Neelsen, quan sát thấy trực khuẩn màu đỏ nằm rải rác, tụ thành từng cụm hoặc tập trung thành từng bó;
- Xét nghiệm da: Test mức độ mẫn cảm và nguy cơ mắc bệnh bằng cách tiêm vi khuẩn (đã bất hoạt) vào da để đánh giá bệnh;
Biến chứng và tiên lượng
Ngoài các triệu chứng của bệnh, bệnh phong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng như:
- Dễ bị nghẹt mũi mãn tính, xẹp vách ngăn mũi và chảy máu cam;
- Rối loạn dinh dưỡng gây rụng tóc, rụng hết lông mi, lông mày, loét ổ gà, xốp xương, tiêu xương... gây mất thẩm mỹ;
- Biến chứng viêm mống mắt, tăng nhãn áp, suy giảm thị lực và nghiêm trọng nhất là mù lòa gây tổn thương dây thần kinh thị giác;
- Giảm khả năng sinh lý, viêm tinh hoàn, nam giới tăng kích thước vòng ngực;
- Suy thận;
- Viêm mũi biến chứng viêm thanh quản, viêm họng, viêm giác mạc...;
- ...
Bệnh phong là căn bệnh truyền nhiễm phổ biến và tương đối nguy hiểm, gây ra nhiều biến chứng khó lường nếu điều trị bệnh không kịp thời và đúng cách. Nếu như trước đây, khi nhắc đến bệnh phong nhiều người sẽ nghĩ đây là bệnh gây chết người, không thể trị được, thì ở thời điểm hiện tại với sự phát triển của y học, đã có những loại thuốc có khả năng điều trị được bệnh phong. Chỉ cần điều trị sớm chắc chắn sẽ khỏi bệnh hoàn toàn và không để lại bất kỳ di chứng nào.
Điều trị
Hiện nay, vì đã có thuốc đặc trị nên bệnh phong không còn là căn bệnh quá nguy hiểm nữa. Bệnh nhân có thể được điều trị tại nhà, không nhất thiết phải cách ly, riêng những trường hợp bệnh tiến triển nặng, bệnh được phát hiện ở giai đoạn có biến chứng sẽ phải nhập viện.
Nguyên tắc điều trị bệnh phong là đa hóa trị liệu, đảm bảo thực hiện đủ liều và đủ thời gian yêu cầu.
1. Điều trị bằng thuốc
Điều trị bệnh phong bằng thuốc kháng sinh là phương pháp được ưu tiên hàng đầu. Một số loại thuốc có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh phong gồm:
- Dapasone (DDS): Là loại thuốc được chỉ định dùng đầu tiên trong điều trị bệnh phong. Tuy đem lại hiệu quả cao nhưng cần lưu ý tác dụng phụ của thuốc như thiếu máu, giảm thiểu tế bào hạt, viêm da, suy giảm chức năng gan thận...;
- Rifampicin (RFP): Phát huy tác dụng nhanh chóng trong việc tiêu diệt vi khuẩn Mycobacterium leprae gây bệnh phong;
- Clofazimin (B633): Thuốc không chỉ có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn Mycobacterium leprae mà còn giúp chống lại căn bệnh ma phong loại II. Nếu lạm dụng quá mức, uống trong thời gian dài có thể gây sạm sắc tố da, xuất hiện tình trạng hóa đỏ da thịt;
Tùy theo từng thể bệnh, mức độ nghiêm trọng và độ tuổi mà bác sĩ sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp. Chẳng hạn như:
Phác đồ điều trị bệnh phong cho người lớn
- Thể ít vi khuẩn: Thời gian điều trị kéo dài khoảng 6 tháng. Dùng phối hợp giữa:
- DDS 100mg/ ngày, uống hàng ngày;
- Rifampicin 600mg, dùng 1 tháng 1 lần;
- Thể nhiều vi khuẩn: Thời gian điều trị kéo dài khoảng 12 tháng. Dùng phối hợp các loại thuốc sau:
- DDS 100mg, uống hàng ngày;
- Clofazimin 50mg, uống hàng ngày;
- Clofazimin 300mg, uống 1 tháng 1 lần;
- Rifampicin 500mg, uống 1 tháng 1 lần;
Phác đồ điều trị bệnh phong cho trẻ em
- Thể ít vi khuẩn: Thời gian điều trị 6 tháng.
- Rifampicin: Trẻ dưới 10 tuổi dùng 300mg, trẻ 10 - 14 tuổi dùng 450mg, uống 1 tháng 1 lần;
- DDS: Trẻ < 10 tuổi dùng 25mg, trẻ 10 - 14 tuổi dùng 50mg, uống mỗi ngày;
- Thể nhiều vi khuẩn: Thời gian điều trị 12 tháng.
- Rifampicin: Trẻ < 10 tuổi uống 300mg, trẻ 10 - 14 tuổi uống 450mg, uống 1 tháng 1 lần;
- DDS: Trẻ < 10 tuổi uống 25mg, trẻ 10 - 14 tuổi uống 50mg, uống mỗi ngày;
Ngoài các loại thuốc kháng sinh đặc trị vi khuẩn gây bệnh phong, bác sĩ có thể kê đơn thêm một số loại thuốc khác nhằm hỗ trợ điều trị bệnh. Điển hình là thuốc chống viêm như:
- Prednisolone;
- Aspirin;
- Thalidomine;
- ...
2. Liệu pháp miễn dịch
Bên cạnh dùng thuốc, liệu pháp miễn dịch đặc biệt cũng là một trong những biện pháp điều trị hỗ trợ đem lại hiệu quả cao. Chẳng hạn như:
- Tiêm vắc xin sống BCG tiêu diệt vi khuẩn Mycobacterium leprae;
- Liệu pháp nhân tố chuyển di, Levamisole...;
- ...
3. Điều trị biến chứng
Bệnh nhân mắc bệnh phong giai đoạn có biến chứng gây lở loét u nhọt ở đáy bàn chân sẽ được điều trị tích cực ngăn chặn bội nhiễm, nghỉ ngơi nhiều và thực hiện thủ thuật mở loại bỏ khối u nhọt hoặc cấy da.
Kết hợp vận động và ăn uống đầy đủ nâng cao sức đề kháng, châm cứu và vật lý trị liệu đối với những bệnh nhân mắc bị phong biến chứng dị dạng cơ thể. Trong trường hợp cần thiết có thể được chỉ định phẫu thuật chỉnh hình.
Phòng ngừa
Phòng ngừa bệnh phong luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có vắc xin đặc hiệu nào có thể phòng ngừa được bệnh này. Do đó, mỗi người đều cần phải nâng cao ý thức trong việc giữ vệ sinh và chăm sóc sức khỏe toàn diện để giảm nguy cơ mắc bệnh.
- Giữ vệ sinh môi trường sống xung quanh, nhất là những khu vực sinh hoạt chung.
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, nhất là khi đi đến những nơi đi vệ sinh công cộng.
- Tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh phong.
- Có chế độ ăn uống khoa học, sinh hoat điều độ, nghỉ ngơi thư giãn, tránh stress và tập thể dục mỗi ngày để tăng cường sức đề kháng tự nhiên chống lại các tác nhân gây bệnh tật, trong đó có vi khuẩn gây bệnh phong.
- Tăng cường nâng cao ý thức của mỗi cá nhân và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sức khỏe về bệnh phong ở cấp độ xã, phường, trường học... để giúp người dân không còn có cái nhìn tiêu cực về bệnh phong.
- Ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường và nghi ngờ bệnh phong, hãy đến bệnh viện thăm khám ngay điều trị kịp thời và dứt điểm.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh phong nguy hiểm như thế nào? Có gây chết người không?
2. Tại sao tôi mắc bệnh phong?
3. Tiên lượng tình trạng bệnh phong của tôi nặng hay nhẹ?
4. Bệnh phong có lây không? Tôi cần làm gì để tránh lây bệnh cho người khác?
5. Tôi cần thực hiện các xét nghiệm nào để chẩn đoán bệnh phong?
6. Phương pháp điều trị bệnh phong tốt nhất dành cho trường hợp bệnh của tôi?
7. Nếu tôi không điều trị bệnh phong, điều gì sẽ xảy ra?
8. Sau điều trị, bệnh phong có tái phát trở lại không?
9. Tôi cần làm gì để chăm sóc sức khỏe hỗ trợ quá trình điều trị bệnh phong?
10. Chi phí điều trị bệnh phong có tốn kém không? BHYT có chi trả không?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!