Bệnh Viêm Mao Mạch Dị Ứng
Viêm mao mạch dị ứng là bệnh thường gặp ở trẻ em, 75% trường hợp có độ tuổi từ 3 - 10 tuổi. Đây là một bệnh hệ thống, thể hiện cho những tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh gây ra các triệu chứng nghiêm trọng, được kiểm soát bằng nhiều phương pháp.
Tổng quan
Viêm mao mạch dị ứng là thuật ngữ chỉ tình trạng dị ứng có tổn thương lan tỏa hệ thống vi mạch liên quan đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Bệnh gây viêm và chảy máu những mao mạch nhỏ ở da, ruột, thận và khớp.
Viêm mao mạch dị ứng có những triệu chứng nghiêm trọng nhưng không lây nhiễm. Bệnh thường xảy ra sau khi bị nhiễm trùng, tiêm vắc xin... dẫn đến những phản ứng bất thường.
Những tổn thương chủ yếu xuất hiện ở trẻ em. Thống kê cho thấy 75% trường hợp có độ tuổi từ 3 - 10 tuổi, trong đó có 50% trường hợp dưới 5 tuổi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác của viêm mao mạch dị ứng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy, bệnh có thể liên quan đến những vấn đề dưới đây:
- Nhiễm trùng. Bệnh thường xảy ra sau nhiễm trùng virus (như Rotavirus, virus thủy đậu, virus viêm gan C, Parvovirus, Adenovirus, EBV...) hoặc nhiễm vi khuẩn (như lỵ trực khuẩn, thương hàn, Mycoplasma, Helicobacter Pylori...).
- Sau tiêm vắc xin phòng ngừa phó thương hàn và thương hàn, sởi, sốt vàng và bệnh tả
- Sử dụng một số thuốc chữa bệnh như Penicillin, Quinine, Ampicillin, Erythromycin
- Côn trùng đốt
- Cơ địa dị ứng. Bệnh xảy ra sau khi trẻ tiêu thụ một loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng
- Yếu tố môi trường như sinh sống ở những nơi bị ô nhiễm môi trường, thay đổi thời tiết...
- Rối loạn tự miễn dịch, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp, viêm ruột, bệnh lupus ban đỏ và hội chứng Sjogren
- Ung thư.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm mao mạch dị ứng gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Nổi ban xuất huyết
- Ban xuất huyết ở dạng chấm và nốt
- Nổi dưới da ở những mặt gấp của cẳng tay, cẳng chân, đùi và mông
- Đôi khi xuất hiện ở bộ phận sinh dục, mũi và tai, ít gặp ở thân mình
- Không kèm theo ngứa
- Triệu chứng ở khớp
- Đau khớp. Đau xảy ra ở những khớp gần kề với vị trí xuất huyết
- Đau gân
- Phù quanh khớp
- Hạn chế cử động
- Triệu chứng ở hệ tiêu hóa
- Đau bụng quanh rốn âm ỉ và liên tục
- Đau ở vùng thượng vị, đau khu trú hoặc lan tỏa
- Nôn và buồn nôn
Những triệu chứng nghiêm trọng và ít gặp hơn:
- Xuất huyết tiêu hóa
- Đi tiểu ra máu
- Protein niệu
- Viêm cầu thận
Trong lần thăm khám đầu tiên, bênh nhân được hỏi về những triệu chứng và bệnh sử. Trong quá trình này, bác sĩ kiểm tra các triệu chứng trên da, quan sát đặc điểm của ban xuất huyết để phát hiện viêm mao mạch dị ứng.
Để hỗ trợ chẩn đoán, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm, thường bao gồm:
- Sinh thiết phát ban hoặc lấy mẫu mô và phân tích trong phòng thí nghiệm
- Xét nghiệm máu
- Kiểm tra chức năng thận và gan
- Tốc độ lắng máu (ESR) để kiểm tra mức độ viêm nhiễm toàn cơ thể
- Xét nghiệm công thức máu toàn bộ
- Siêu âm bụng và khớp
- Xét nghiệm nước tiểu kiểm tra tổn thương thận
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm mao mạch dị ứng cần được khám và điều trị ngay lập tức. Bởi bệnh lý này có thể làm khởi phát nhiều biến chứng nghiêm trọng dưới đây:
- Tổn thương khớp dẫn đến đau nhức và hạn chế vận động
- Xuất huyết tiêu hóa
- Lồng ruột cấp
- Tắc ruột
- Nhồi máu hoặc thủng dạ dày
- Giãn đại tràng
- Viêm tụy cấp
- Tổn thương thận hoặc viêm cầu thận tiến triển nhanh
- Viêm tinh hoàn
- Xoắn thừng tinh
- Tổn thương tim phổi
- Nhồi máu cơ tim
- Xuất huyết phổi
- Tràn dịch màng phổi
Điều trị
Phương pháp điều trị dựa trên các triêu chứng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Điều trị tích cực và đúng cách giúp khắc phục viêm mao mạch dị ứng, giảm triệu chứng và ngăn phát triển các biến chứng.
Những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Dùng thuốc
Bệnh nhân viêm mao mạch dị ứng được điều trị bằng thuốc. Dựa trên tình trạng cụ thể, những loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định:
- Thuốc kháng sinh: Nếu có nhiễm trùng, người bệnh được chỉ định thuốc kháng sinh để chống nhiễm trùng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này được chỉ định khi bạn bị viêm và đau khớp. Thuốc có tác dụng chữa viêm sưng, làm dịu cơn đau và tăng khả năng vận động của bệnh nhân. Trong đó Ibuprofen và Naproxen được chỉ định cho hầu hết bệnh nhân.
- Corticosteroid: Thuốc Corticosteroid được chỉ định cho trường hợp nặng, khi NSAID không mang lại hiệu quả giảm đau như mong đợi. Đây là một loại kháng viêm mạnh và ức chế miễn dịch. Thuốc có tác dụng trị viêm, giảm đau từ trung bình đến nặng. Ngoài ra Corticosteroid còn có tác dụng giảm bớt những phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch. Thuốc này mang đến hiệu quả cao nhưng có thể gây ra một số tác dụng phụ như tăng cân, thay đổi tâm trạng.
Thuốc cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý dùng thuốc điều trị viêm mao mạch dị ứng, đặc biệt là trẻ nhỏ. Những trường hợp nặng được chỉ định và áp dụng những phương pháp điều trị chuyên sâu hơn.
2. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Trong quá trình điều trị y tế, cần áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc tại nhà. Điều này giúp hỗ trợ điều trị và giảm bớt những triệu chứng của bệnh.
- Cho trẻ bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ những loại thực phẩm lành mạnh. Đặc biệt nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C và uống nhiều nước. Các thành phần dinh dưỡng cần được bổ sung với hàm lượng vừa đủ, phù hợp với nhu cầu của cơ thể.
- Ưu tiên những loại thực phẩm lỏng, nhiều nước, dễ nuốt và dễ tiêu hóa.
- Chia 3 bữa ăn lớn thành những bữa ăn nhỏ trong ngày. Điều này giúp dinh dưỡng được hấp thu tốt hơn, giảm những triệu chứng ở hệ tiêu hóa.
- Vệ sinh da, giữ da luôn sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi để giảm bớt khó chịu.
- Vệ sinh mũi miệng bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, vật dụng cá nhân và đồ chơi cho trẻ.
- Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, thực hiện đầy đủ các xét nghiệm được yêu cầu để theo dõi diễn tiến của bệnh.
Phòng ngừa
Nguy cơ mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng có thể giảm khi áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Tuyệt đối không dùng thuốc điều trị khi chưa có sự chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị tích cực những tình trạng có khả năng gây viêm mao mạch dị ứng, đặc biệt là nhiễm trùng.
- Áp dụng những biện pháp ngăn ngừa nhiễm lạnh và côn trùng đốt.
- Những người có tiền sử dị ứng cần tránh tiếp xúc với các dị nguyên.
- Thường xuyên vệ sinh phòng ngủ, nhà cửa, vật dụng cá nhân và đồ chơi của trẻ.
- Tắm rửa mỗi ngày, thường xuyên thay quần áo. Trẻ em nên mặc quần áo thoáng mát và rộng rãi.
- Phụ huynh cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi làm đồ ăn, trước khi chăm sóc trẻ.
- Không sinh sống ở những nơi có môi trường ô nhiễm.
- Đưa trẻ đến bệnh viện khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh lý của tôi có nghiêm trọng không?
2. Tôi / con của tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
3. Phác đồ điều trị hiệu quả là gì?
4. Điều trị viêm mao mạch dị ứng trong bao lâu?
5. Biện pháp chăm sóc trẻ viêm mao mạch dị ứng là gì?
6. Có những biện pháp nào giúp ngăn phát ban lây lan?
7. Loại thuốc nào được đề nghị và có hiệu quả cao?
Bệnh viêm mao mạch dị ứng là một bệnh hệ thống, gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. Những người có bệnh lý này cần được xét nghiệm và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Từ đó giảm nhanh các triệu chứng và ngăn biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!