Dị Ứng Lông Chó Mèo
Dị ứng lông chó mèo là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch với lông chó hoặc/ và mèo. Chúng vô hại. Tuy nhiên hệ miễn dịch rối loạn có thể nhằm lẫn chất vô hại là chất gây hại. Từ đó gây ra những triệu chứng của phản ứng dị ứng.
Tổng quan
Dị ứng lông chó mèo là một phản ứng không đặc hiệu của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với lông chó mèo. Tình trạng này gây ra những triệu chứng của phản ứng dị ứng như phát ban, nghẹt mũi, hắt hơi và ngứa mắt.
Lông chó mèo không phải là chất gây hại. Tuy nhiên hệ miễn dịch có thể nhầm lẫn chất vô hại là chất có hại. Sau đó sản sinh các kháng thể điều hòa chất dị ứng. Ở lần tiếp xúc tiếp theo, histamin và một số chất khác được sản sinh, gây ra phản ứng dị ứng.
Dị ứng lông chó mèo có triệu chứng đa dạng nhưng không quá nghiêm trọng. Hầu hết mọi người có thể điều trị và phòng ngừa những đợt bùng phát tiếp theo.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Dị ứng lông chó mèo xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với một chất lạ như lông chó mèo. Hệ thống miễn dịch có chức năng tạo ra kháng thể (các protein) để bảo vệ bạn khỏi những tác nhân gây nhiễm trùng và ốm.
Tuy nhiên ở người bị dị ứng, hệ miễn dịch tạo ra hàng loạt kháng thể khi tiếp xúc với lông chó mèo. Những kháng thể này xác định chất vô hại (lông chó mèo) là chất gây dị ứng.
Khi tiếp xúc hoặc hít phải lông chó mèo, các kháng thể báo hiệu cho hệ thống miễn dịch sản sinh histamin và các chất tương tự. Điều này tạo ra phản ứng viêm trong phổi / đường mũi và gây ra những triệu chững của phản ứng dị ứng.
Nguy cơ dị ứng lông chó mèo tăng cao ở những người có tiền sử bản thân hoặc gia đình bị hen suyễn hoặc/ và dị ứng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng thường gặp của dị ứng lông chó mèo gồm:
- Viêm đường mũi với những biểu hiện:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Ngứa mũi, cổ họng hoặc vòm miệng
- Khó thở
- Chảy nước mũi
- Chảy nước mũi sau
- Hắt xì
- Ngứa, đỏ hoặc chảy nước mắt
- Ho
- Ngứa da
- Nổi mề đay hoặc chàm
- Cảm thấy đau mặt hoặc có áp lực ở mặt
- Thường xuyên tỉnh giấc
- Xuất hiện hoặc làm nặng hơn những triệu chứng của bệnh hen suyễn:
- Đau hoặc tức ngực
- Khó thở
- Thở khò khè
- Khó ngủ do ho hoặc thở khò khè
Người bệnh được kiểm tra những triệu chứng của phản ứng dị ứng, tiền sử bản thân và gia đình nhằm rõ hơn về tình trạng. Sau đó các xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định. Cụ thể:
- Xét nghiệm da: Có hai loại xét nghiệm dị ứng da. Trong đó, chất gây dị ứng có thể được tiêm dưới da của cánh tay hoặc chích vào bề mặt của da. Ở những bệnh nhân bị dị ứng, các triệu chứng sẽ nhanh chóng xuất hiện.
- Xét nghiệm máu: Phân tích mẫu máu có thể giúp tìm kiếm những dấu hiệu của dị ứng và nguyên nhân. Chẳng hạn như trong máu những kháng thể đối với chất gây dị ứng thông thường.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh dị ứng lông chó mèo và những triệu chứng thường không quá nghiêm trọng, dễ được kiểm soát bằng thuốc và biện pháp điều trị tại nhà. Tuy nhiên việc tiếp xúc chất gây dị ứng thường xuyên hoặc kéo dài có thể gây ra những biến chứng dưới đây:
- Viêm xoang
- Hen suyễn
- Viêm đường thở mãn tính
Điều trị
Thuốc và những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể làm giảm các triệu chứng khi bị dị ứng lông chó mèo.
1. Điều trị bằng thuốc
Để đối phó với những triệu chứng của phản ứng dị ứng, các thuốc điều trị dưới đây có thể được chỉ định:
- Thuốc kháng histamin: Cetirizine (Zyrtec), Diphenhydramine (Benadryl) hoặc một loại thuốc kháng histamin khác sẽ được dùng trong điều trị dị ứng lông chó mèo. Thuốc này có tác dụng làm giảm các triệu chứng của dị ứng như ngứa da, ngứa mũi, nghẹt mũi, hắt ho...
- Thuốc xịt thông mũi: Một loại thuốc xịt thông mũi không kê đơn có thể được dùng để giảm tình trạng nghẹt mũi và sổ mũi.
- Thuốc xịt mũi Corticosteroid: Mometasone, Fluticasone... là những thuốc xịt mũi Corticosteroid thường được sử dụng. Thuốc này có tác dụng giảm viêm, sưng, đau và ngứa do dị ứng. Ngoài ra thuốc còn giúp làm giảm bớt mức độ nhạy cảm.
- Cromolyn natri: Thuốc Cromolyn natri thường được dùng trong điều trị dị ứng thú cưng. Thuốc này có tác dụng ngăn cản hệ thống miễn dịch giải phóng các hóa chất như histamin. Từ đó làm giảm các triệu chứng của dị ứng.
- Liệu pháp miễn dịch: Bệnh nhân có thể được áp dụng liệu pháp miễn dịch khi bị dị ứng nặng. Đây là những mũi tiêm dị ứng, có tác dụng làm giảm độ nhạy cảm với chất gây dị ứng.
- Thuốc ức chế leukotriene: Thuốc này được dùng cho những bệnh nhân bị dị ứng có những dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Leukotriene là hóa chất được tiết ra khi bệnh nhân hen suyễn hít phải chất gây dị ứng và gây các triệu chứng (như khó thở, sưng phổi). Khi dùng, thuốc ức chế leukotriene sẽ giúp ngăn ngừa và làm giảm những triệu chứng liên quan. Accolate, Montelukast (Singulair) là những loại thường được sử dụng.
2. Biện pháp khắc phục tại nhà
Những biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng và ngăn những đợt tái phát. Cụ thể:
- Tránh tiếp xúc với thú cưng: Để khắc phục chứng dị ứng lông chó mèo, người bệnh cần tránh tiếp xúc với vật nuôi. Sau khi tránh xa chất gây dị ứng, những triệu chứng sẽ thuyên giảm dần theo thời gian.
- Dọn dẹp nhà cửa: Dọn dẹp kỹ lưỡng những nơi mà thú cưng đi qua để giảm nguy cơ phải hít lông chó mèo. Tốt nhất nên lau dọn, thay thảm, thay ga trải giường, di chuyển đồ nội thất bọc và sử dụng bộ lọc không khí dạng hạt hiệu suất cao (HEPA). Những điều này cần được thực hiện bởi những người không bị dị ứng.
- Dùng men vi sinh: Men vi sinh có thể giúp giảm những triệu chứng dị ứng theo mùa. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn sử dụng đúng cách.
- Rửa mũi bằng nước muối: Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi. Biện pháp này có thể giúp rửa trôi tác nhân gây dị ứng. Đồng thời giúp làm sạch mũi, thông mũi và giảm những triệu chứng như hắt hơi, nghẹt mũi và chảy nước mũi.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ dị ứng lông chó mèo và ngăn những đợt bùng phát trong tương lai, bạn cần:
- Cho trẻ tiếp xúc hoặc sống chung với chó mèo được nuôi trong nhà, đặc biệt là những năm đầu đời. Điều này giúp phát triển những kháng thể đối với thú cưng và giảm nguy cơ bị dị ứng trong tương lai (đã được nghiên cứu).
- Những người có tiền sử dị ứng lông chó mèo cần tránh tiếp xúc với chó và mèo. Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa phản ứng dị ứng trong tương lai.
- Dọn dẹp nhà cửa, thay thảm và đồ nội thất bọc để loại bỏ những tác nhân gây dị ứng.
- Thường xuyên tắm rửa sạch sẽ cho thú cưng.
- Sử dụng máy lọc không khí và bộ lọc lỗ thông hơi. Điều này giúp giảm chất gây dị ứng trong không khí.
- Nếu có thể hãy giữ thú cưng bên ngoài. Xây dựng một không gian riêng cho thú cưng có thể giảm lượng chất gây dị ứng trong nhà.
- Giữ cho chó mèo ra khỏi phòng ngủ của bạn.
- Thường xuyên giặt thảm trải sàn, ga trải giường và vỏ bọc đồ nội thất bằng nước nóng.
- Che điều hòa không khí và những lỗ thông hơi bằng vải thưa.
- Thường xuyên thay bộ lọc của những thiết bị điều hòa không khí và lò sưởi.
- Hút bụi và dọn dẹp nhà cửa hàng tuần. Điều này nên được thực hiện bởi người không bị dị ứng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra các triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị tốt nhất là gì?
3. Tôi có thể nuôi thú cưng khi bị dị ứng lông chó mèo không?
4. Nên thực hiện những thay đổi nào tại nhà để giảm các triệu chứng?
5. Những triệu chứng có thể tự thuyên giảm không?
6. Loại thuốc nào tốt nhất cho tình trạng của tôi?
7. Tôi có bị dị ứng với những chất khác hay không?
Dị ứng lông chó mèo là một tình trạng phổ biến. Tình trạng này gây ra nhiều triệu chứng nhưng thường không quá nghiêm trọng và dễ kiểm soát. Tuy nhiên những trường hợp tiếp xúc nhiều có thể gặp một số biến chứng. Vì vậy cần áp dụng những biện pháp phòng ngừa và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!