Bệnh Ung Thư Dạ Dày
Ung thư dạ dày xảy ra khi những tế bào ung thư bắt đầu ở lớp lót bên trong dạ dày, sau đó phát triển sâu hơn vào thành dạ dày. Bệnh thường không được phát hiện trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn muộn, người bệnh có tiên lượng xấu và nguy cơ tử vong cao.
Tổng quan
Ung thư dạ dày là bệnh ung thư phát triển từ niêm mạc dạ dày. Bệnh xảy ra khi những tế bào ung thư bắt đầu ở lớp lót bên trong dạ dày. Khi ung thư tiến triển, chúng phát triển sâu hơn vào thành dạ dày.
Hầu hết trường hợp là ung thư biểu mô dạ dày. Bệnh có thể khó chẩn đoán vì thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng hơn hoặc lan sang những bộ phận khác của cơ thể.
Phân loại
Ung thư dạ dày được phân loại dựa trên loại tế bào nơi ung thư bắt đầu. Cụ thể:
- Ung thư biểu mô tuyến (Adenocarcinoma)
Ung thư biểu mô tuyến là loại ung thư dạ dày phổ biến nhất, chiếm phần lớn các trường hợp mắc bệnh. Bệnh có ung thư bắt đầu trong những tế bào sản xuất chất nhầy.
- U mô đệm đường tiêu hóa (GIST)
U mô đệm đường tiêu hóa là một loại sarcoma mô mềm. Bệnh có những tế bào ung thư phát triển trong những tế bào thần kinh đặc biệt ở thành dạ dày hoặc những cơ quan tê hóa khác.
- Ung thư hạch (Lymphoma)
Ung thư hạch bắt đầu trong những tế bào của hệ thống miễn dịch. Khi cơ thể gửi những tế bào của hệ thống miễn dịch đến dạ dày, bệnh sẽ bắt đầu trong dạ dày. Tình trạng này thường gặp ở những người có cơ thể đang cố chống lại nhiễm trùng.
Khi phát triển trong dạ dày, Lymphoma thường là một loại u lympho không Hodgkin.
- Khối u carcinoid
Khối u carcinoid là một khối u thần kinh nội tiết. Khối u hình thành khi ung thư bắt đầu trong những tế bào thần kinh nội tiết. Những tế bào này có chức năng bảo vệ thần kinh và nhũng tế bào tạo ra hormone.
Những giai đoạn của bệnh
Bệnh ung thư dạ dày có nhiều giai đoạn. Những giai đoạn này có thể cho biết ung thư đã di căn bao xa. Các giai đoạn của bệnh gồm:
- Giai đoạn 0
Trong giai đoạn 0, bệnh nhân chỉ có những tế bào bất thường hoặc tế bào ung thư trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Giai đoạn này có thể được phát hiện sớm khi khám định kỳ.
Để điều trị, người bệnh được cắt bỏ niêm mạc nội soi hoặc cắt bỏ niêm mạc dạ dày và nạo hạch.
- Giai đoạn I
Ung thư dạ dày giai đoạn I có khối u đã lan rộng đến những lớp lót sâu hơn của dạ dày. Trong giai đoạn này, khối u có thể có hoặc không lan đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết xung quanh dạ dày. Khối u hoàn toàn không lan rộng đến những bộ phận khác của cơ thể.
-
- Giai đoạn IA: Ung thư xâm nhập đến lớp lót thứ 2 hoặc thứ 3 của dạ dày. Giai đoạn này được điều trị bằng phẫu thuật. Trong đó bệnh nhân có thể bị cắt bỏ mạc nối.
- Giai đoạn IB: Ung thư lan rộng đến lớp thứ 2 và các hạch bạch huyết lân cận. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng hóa trị ( 5-fluorouracil ) và xạ trị.
- Giai đoạn II
Khối u ảnh hưởng đến những lớp lót sâu hơn của dạ dày và lan đến những hạch bạch huyết (lớp thứ 2 và những hạch bạch huyết xa hơn hoặc lớp thứ 3 và những hạch bạch huyết gần đó). Tuy nhiên khối u chưa lan đến những bộ phận khác của cơ thể.
Ung thư dạ dày giai đoạn II được điều trị như giai đoạn I nhưng có thể được chỉ định thêm hóa trị tân bổ trợ.
- Giai đoạn III
Những khối u ung thư phát triển vào những lớp sâu hơn của dạ dày, có thể ảnh hưởng đến những cơ quan lân cận. Trong đó những tế bào ung thư đã lan đến lớp thứ 3 và những hạch bạch huyết xa hơn. Bệnh chưa di căn đến những cơ quan xa.
- Giai đoạn IV
Trong giai đoạn IV, ung thư đã lan đến những bộ phận xa hơn của cơ thể. Chẳng hạn như gan, phổi và não. Giai đoạn này thường không thể chữa khỏi. Những phương pháp điều trị chỉ giúp giảm bớt các triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Ung thư dạ dày xảy ra khi những tế bào khỏe mạnh và bình thường trở thành tế bào ung thư. Những tế bào này phát triển ngoài tầm kiểm soát, nhanh chóng tạo thành khối u ở dạ dày và di căn đến nhiều cơ quan khác của cơ thể. Bệnh có diễn tiến từ từ, thường trong nhiều năm.
Hiện tại chưa rõ nguyên nhân làm biến đổi tế bào và gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên các chuyên gia tin rằng bệnh bắt đầu khi lớp lót bên trong dạ dày tổn thương do bệnh lý hay một thứ gì đó. Cụ thể như:
- Loét dạ dày
- Nhiễm vi khuẩn HP dạ dày
- Trào ngược dạ dày axit lâu ngày và tiêu thụ nhiều thực phẩm mặn
Sự tổn thương của những tế bào ở lớp lót bên trong của dạ dày làm thay đổi DNA của những tế bào phát triển. Điều này khiến những tế bào nhân lên nhanh chóng hoặc mất kiểm soát.
Những tế bào biến đổi ADN có thể tiếp tục sống trong khi những tế bào khỏe mạnh chết đi. Từ đó khiến những tế bào dư thừa ngày càng tăng lên về số lượng và tạo ra khối u trong dạ dày.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày:
- Bệnh lý
- Bệnh trào ngược dạ dày thực quản
- Nhiễm vi khuẩn HP dạ dày
- Viêm dạ dày - một tình trạng sưng và kích thích bên trong dạ dày
- Polyp dạ dày - sự phát triển của những tế bào không phải ung thư
- Ung thư ở những cơ quan lân cận
- Có chế độ ăn uống ít trái cây và rau củ quả
- Có chế độ ăn uống nhiều thức ăn mặn và thịt hun khói
- Không nấu hoặc bảo quản thức ăn không đúng cách
- Uống nhiều rượu
- Hút thuốc lá
- Đàn ông và những người lớn tuổi (>60 tuổi) thường có nguy cơ cao hơn
- Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc có những hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Chẳng hạn như hội chứng polyp vị thành niên, hội chứng Lynch, bệnh đa polyp tuyến gia đình, hội chứng Peutz-Jeghers.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh ung thư dạ dày thường không có dấu hiệu và triệu chứng sớm. Điều này khiến hầu hết bệnh nhân không thể phát hiện cho đến khi ung thư đã phát triển đến giai đoạn cuối.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân có các triệu chứng trong giai đoạn tiến triển, bao gồm:
- Thường xuyên ợ nóng
- Đầy hơi liên tục
- Ăn mất ngon
- Thường xuyên khó tiêu và ợ hơi
- Cảm thấy no sớm. Bệnh nhân cảm thấy no sau khi chỉ ăn một lượng nhỏ
- Đau bụng dai dẳng
- Mệt mỏi quá sức.
Khi ung thư lan rộng (di căn), người bệnh sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Ung thư di căn đến gan gây vàng da và vàng tròng trắng mắt
- Buồn nôn và nôn ói
- Phân có máu
- Sờ thấy một khối u ở trên cùng của dạ dày
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Ung thư lan rộng trong bụng khiến chất lỏng tràn vào bụng và khiến bụng sưng lên.
Trong quá trình thăm khám, người bệnh được kiểm tra tiền sử bệnh và các triệu chứng đang gặp. Nếu có nghi ngờ ung thư dạ dày, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:
- Nội soi dạ dày: Ống nội soi có camera được đưa qua cổ họng đến dạ dày. Thiết bị này giúp quan sát bên trong dạ dày, giúp phát hiện những bất thường hoặc khối u.
- Sinh thiết: Nếu phát hiện điểm bất thường giống như ung thư trong dạ dày, khối u/ những tế bào sẽ được lấy ra trong quá trình nội soi hoặc phẫu thuật. Kết quả phân tích có thể giúp xác định bệnh ung thư.
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp tìm kiếm những mảng tế bào ung thư trong máu (xét nghiệm DNA khối u tuần hoàn), đo sức khỏe của gan xác định ung thư di căn. Điều này góp phần xác định giai đoạn ung thư và lên kế hoạch điều trị hiệu quả.
- Siêu âm dạ dày: Siêu âm dạ dày sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của dạ dày. Điều này cho biết khối u đã phát triển đến đâu trong thành dạ dày. Siêu âm dạ dày cũng có thể được thực hiện để kiểm tra những hạch bạch huyết và định hướng kim để lấy mô.
- Phẫu thuật: Nếu không có hình ảnh rõ ràng về bệnh ung thư, người bệnh sẽ được phẫu thuật. Phương pháp này giúp tìm kiếm ung thư đã lan rộng. Đôi khi khối u được loại bỏ trong khi thực hiện.
Biến chứng và tiên lượng
Miễn là ung thư dạ dày chưa di căn đến những bộ phận xa của cơ thể (giai đoạn 0 - 3), những phương pháp điều trị có thể giúp chữa khỏi bệnh lý. Khi ung thư đã lan đến những khu vực khác (giai đoạn 4), hầu hết các trường hợp không thể chữa được. Trong giai đoạn muộn, người bệnh chỉ được điều trị để giảm bớt những triệu chứng khó chịu và kéo dài thời gian sống.
Dựa vào giai đoạn tiến triển của bệnh, tỉ lệ sống trên 5 năm của mỗi người có thể khác nhau. Cụ thể:
- Giai đoạn I
- Giai đoạn IA: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 71%.
- Giai đoạn IB: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 57%.
- Giai đoạn II
- Giai đoạn IIA: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 46%.
- Giai đoạn IIB: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 33%.
- Giai đoạn III
- Giai đoạn IIIA: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 20%.
- Giai đoạn IIIB: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 14%.
- Giai đoạn IIIC: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 9%.
- Giai đoạn IV: Tỉ lệ sống trên 5 năm khoảng 4%.
Một số yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh, bao gồm:
- Phương pháp điều trị
- Lối sống và chế độ dinh dưỡng lành mạnh
- Yếu tố tinh thần
- Độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể
- Ung thư ở đâu trong dạ dày
- Giai đoạn ung thư
- Loại ung thư
- Nếu ung thư được loại bỏ hoàn toàn băng phẫu thuật
- Nếu ung thư có đáp ứng tốt bằng xạ trị hoặc hóa trị.
Điều trị
Phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, giai đoạn và vị trí của ung thư dạ dày, bác sĩ lập phác đồ điều trị với những phương pháp phù hợp nhất, bao gồm:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định nhằm loại bỏ tất cả những tế bào ung thư. Phẫu thuật này thường là phương pháp đầu tiên cho những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn nhẹ, ung thư rất nhỏ và chưa di căn.
Một số lựa chọn phẫu thuật:
- Cắt bỏ niêm mạc nội soi: Phương pháp này sử dụng ống nội soi đưa xuống cổ họng vào dạ dày. Sau đó những dụng cụ cắt đặc biệt sẽ được đưa qua ống, tiếp cận và cắt bỏ ung thư. Phương pháp cắt bỏ niêm mạc nội soi thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn I.
- Cắt bỏ một phần dạ dày: Phương pháp này còn được gọi là cắt dạ dày tổng thể. Trong đó một phần dạ dày bị ảnh hưởng bởi ung thư và các mô khỏe mạnh xung quanh sẽ bị loại bỏ. Phương pháp này mang đến hiệu quả cao cho những bệnh nhân ung thư khi chưa di căn, đặc biệt là ung thư nằm ở phần dạ dày gần ruột non.
- Loại bỏ toàn bộ dạ dày: Trong phẫu thuật loại bỏ toàn bộ dạ dày, toàn bộ dạ dày và một số mô xung quanh sẽ bị loại bỏ. Sau đó thực quản sẽ được nối với ruột non để đảm bảo thức ăn di chuyển bình thường. Phương pháp này thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị ung thư dạ dày ở phần dạ dày gần thực quản nhất.
- Loại bỏ các hạch bạch huyết: Đôi khi bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ các hạch bạch huyết để tìm kiếm những tế bào ung thư. Chẳng hạn như những hạch bạch huyết trong bụng.
- Phẫu thuật làm giảm triệu chứng: Nếu ung thư đang tiến triển và điều trị không hiệu quả với những phương pháp khác, phẫu thuật cắt bỏ một phần dạ dày có thể được thực hiện. Phương pháp này giúp giảm bớt những triệu chứng của bệnh.
2. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp sử dụng hóa chất để tiêu diệt hoặc loại bỏ tế bào ung thư. Phương pháp này thường được dùng trước khi phẫu thuật cho bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn 2 và 3, được gọi là hóa trị tân hỗ trợ.
Hóa trị tân hỗ trợ chủ yếu là hóa trị toàn thân, giúp thu nhỏ ung thư. Từ đó loại bỏ dễ dàng hơn. Phương pháp này cũng có thể được chỉ định sau phẫu thuật nếu ung thư còn sót lại sau quá trình cắt bỏ, được gọi là hóa trị bổ trợ.
Hóa trị cũng có thể được thực hiện để kiểm soát triệu chứng, thay thế phẫu thuật cho bệnh nhân không đủ sức khỏe làm phẫu thuật hoặc ung thư nặng. Thông thường, hóa trị được sử dụng đơn độc hoặc kết hợp với xạ trị.
Có hai loại hóa trị điều trị ung thư dạ dày, bao gồm:
- Hóa trị toàn thân: Đây là phương pháp phổ biến nhất. Trong đó thuốc đi khắp cơ thể để tiêu diệt tế bào ung thư. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được dùng thuốc viên hoặc truyền qua tĩnh mạch.
- Hóa trị liệu siêu nhiệt trong phúc mạc (HIPEC): Đây là phương pháp hóa trị chỉ đi vào bụng. Phương pháp này được thực hiện sau khi bệnh nhân phẫu thuật loại bỏ ung thư dạ dày. Trong khi thực hiện, thuốc sẽ được đưa trực tiếp vào bụng, làm nóng để tăng hiệu quả chữa bệnh.
3. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Điều này có thể bao gồm proton, tia X hoặc những nguồn khác.
Xạ trị thường được thực hiện trước khi phẫu thuật ung thư dạ dày giai đoạn 2 và 3. Khi thực hiện, những chùm năng lượng cao sẽ giúp thu nhỏ khối u, loại bỏ ung thư dễ dàng hơn (được gọi là xạ trị tăng bổ trợ).
Nếu không thể loại bỏ hoàn toàn ung thư, bệnh nhân sẽ được xạ trị sau phẫu thuật (được gọi là xạ trị bổ trợ). Điều này giúp giảm những triệu chứng cho bệnh nhân không thể phẫu thuật hoặc ung thư tiến triển.
Xạ trị không được chỉ định cho những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn I, ung thư đã được phẫu thuật loại bỏ và có nguy cơ tái phát thấp.
4. Liệu pháp nhắm mục tiêu
Liệu pháp nhắm mục tiêu là phương pháp sử dụng những loại thuốc đặc biệt để tấn công vào các hóa chất có trong tế bào ung thư. Từ đó khiến những tế bào ác tính chết đi.
Trong điều trị ung thư dạ dày tiến triển (giai đoạn 4 hoặc tái phát), liệu pháp nhắm mục tiêu thường được áp dụng đồng thời với phương pháp hóa trị liệu toàn thân.
5. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch sử dụng những loại thuốc đặc biệt để tăng khả năng chống ung thư và tiêu diệt tế bào của hệ miễn dịch. Trong đó hệ miễn dịch sẽ tấn công vi trùng và những tế bào bất thường trong cơ thể.
6. Chăm sóc giảm nhẹ
Bệnh nhân được chăm sóc giảm nhẹ nhằm giảm bớt những triệu chứng khó chịu của ung thư dạ dày và các phương pháp điều trị, chẳng hạn như đau đớn và yếu ớt. Phương pháp này cũng giúp tăng chất lượng đời sống trong những năm tháng cuối đời.
Khi áp dụng với những phương pháp phù hợp, chăm sóc giảm nhẹ có thể giúp người bệnh sống lâu hơn và cảm thấy tốt hơn.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa hoàn toàn đối với ung thư dạ dày. Tuy nhiên nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm nếu áp dụng những cách phòng ngừa sau:
- Thực hiện một chế độ ăn uống nhiều trái cây và rau quả. Nên lựa chọn những loại rau quả và trái cây có nhiều màu sắc.
- Tránh những loại thức ăn quá mặn và hun khói. Tốt nhất nên lựa chọn những loại thức ăn nhạt và có ít gia vị.
- Bỏ thuốc lá và rượu.
- Sớm phát hiện và điều trị tốt những bệnh lý có thể gây ung thư dạ dày.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe nhằm sớm phát hiện bệnh ung thư, đặc biệt là những người có tiền sử gia đình mắc bệnh. Nếu bị ung thư, hãy điều trị sớm và tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị ung thư dạ dày loại nào? Giai đoạn mấy?
2. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
3. Những lựa chọn điều trị của tôi là gì? Phương pháp này phổ biến và thành công nhất?
4. Tiên lượng của tôi là gì?
5. Bệnh ung thư dạ dày có thể được chữa khỏi không?
6. Lợi ích và rủi ro từ các lựa chọn điều trị?
7. Tôi có thẻ tiếp tục làm việc khi đang điều trị không?
Bệnh ung thư dạ dày là bệnh lý ác tính, thường không được phát hiện trong thời gian đầu. Những người mắc bệnh lý này có nguy cơ vong cao. Tuy nhiên việc điều trị trong giai đoạn sớm và đúng cách có thể giúp loại bỏ hoàn toàn những tế bào ung thư.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!