Bệnh Polyp Dạ Dày
Polyp dạ dày là sự phát triển của những mô bất thường bên trong dạ dày. Chúng thường vô hại nhưng một số loại có khả năng trở thành ung thư. Điều này đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được sớm phát hiện và xử lý tốt.
Tổng quan
Polyp dạ dày là những khối tế bào phát triển trên lớp lót bên trong dạ dày. Chúng phát triển từ các mô bất thường, ít khi xảy ra, thường không gây ra triệu chứng nên khó phát hiện.
Polyp dạ dày thường là những khối tế bào lành tính và không cần điều trị cho đến khi chúng có kích thước lớn hơn. Tuy nhiên một số polyp có thể chuyển thành ung thư và đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu theo dõi hoặc phẫu thuật cắt bỏ polyp để điều trị. Hầu hết bệnh nhân được điều trị thành công.
Phân loại
Polyp dạ dày được chia thành hai loại, gồm:
- Loại lành tính hoặc không phải ung thư
- Ung thư
Trong đó polyp biểu mô là loại phổ biến nhất. Loại này được phân thành nhiều loại khác dựa trên đặc tính của chúng. Cụ thể:
- Polyp tuyến đáy
Phần lớn bệnh nhân có polyp dạ dày là polyp tuyến đáy. Loại polyp này hình thành ở phần trên hoặc phần đáy của dạ dày. Polyp tuyến đáy có thể nổi gồ lên hoặc có dạng vết sưng nhỏ và phẳng.
Hầu hết polyp tuyến đáy là lành tính, hiếm khi phát triển thành ung thư. Chúng có khả năng gia tăng về số lượng và kích thước ở những bệnh nhân sử dụng thuốc chống bơm proton. Chính vì thế mà người bệnh thường được yêu cầu ngừng sử dụng loại thuốc này.
- Polyp tăng sản
Polyp tăng sản thường liên quan đến những rối loạn kích ứng hoặc gây viêm ở dạ dày. Chẳng hạn như viêm dạ dày do nhiễm trùng vi khuẩn HP, viêm dạ dày mãn tính.
Những polyp này mọc rải rác khắp dạ dày và xuất hiện thành chùm. Đôi khi chúng xuất hiện gần những vết loét dạ dày. Nếu hình thành thành do nhiễm vi khuẩn HP dạ dày, Polyp tăng sản có thể lành lại khi nhiễm trùng được điều trị khỏi.
Hầu hết polyp tăng sản không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên chúng có khả năng làm tăng nguy cơ ung thư niêm mạc dạ dày, đặc biệt là ở những người bị viêm dạ dày mãn tính.
- Polyp tuyến
Polyp tuyến là polyp ung thư thường gặp. Chúng hình thành ở phần hang vị (phần đáy) của dạ dày. Polyp tuyến gây ung thư dạ dày, làm tăng nguy cơ ung thư ở ruột và nhiều bộ phận khác của cơ thể.
Những người có polyp tuyến thường được yêu cầu phẫu thuật loại bỏ khối u ngay khi có chẩn đoán.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Các mô trong cơ thể được tạo ra từ những tế bào. Khi những tế bào phát triển quá mức hoặc phát triển ở những nơi không được phép phát triển, polyp sẽ hình thành. Đây là một phần nhô ra, có kích thước nhỏ của những tế bào.
Polyp dạ dày có xu hướng phát triển để đáp ứng với những tổn thương tại niêm mạc dày dày. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Đa polyp tuyến gia đình: Đây là một hội chứng di truyền hiếm gặp, có khả năng kích thích sự phát triển bất thường của những tế bào trên lớp lót bên trong dạ dày (polyp tuyến đáy). Các polyp liên quan đến hội chứng đa polyp tuyến gia đình có thể trở thành ung thư nên cần được loại bỏ sớm. Một số trường hợp có polyp tuyến hình thành do bệnh lý này.
- Viêm dạ dày mãn tính: Bệnh viêm dạ dày mãn tính là nguyên nhân hình thành polyp tuyến và polyp tăng sản.
- Thuốc ức chế bơm proton: Sử dụng thường xuyên hoặc kéo dài thuốc ức chế bơm proton là nguyên nhân hình thành polyp tuyến đáy. Chúng thường có kích thước nhỏ và không nguy hiểm. Khi phát triển lớn hơn, polyp tuyến đáy có thể trở thành ung thư.
- Helicobacter pylori (H. pylori): Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) gây nhiễm trùng nhiều năm và hình thành những vết loét dạ dày. Điều này làm tăng nguy cơ phát triển polyp quanh vị trí bị thương.
Những yếu tố nguy cơ:
- Các polyp thường gặp ở những người có độ tuổi trung niên. Tuy nhiên chúng có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi.
- Thường xuyên hút thuốc lá
- Không tập thể dục thường xuyên.
Triệu chứng và chẩn đoán
Hầu hết polyp dạ dày không có triệu chứng. Chúng thường được phát hiện trong khi kiểm tra một vấn đề khác của dạ dày.
Khi polyp lớn hơn hoặc có vết loét hở, những triệu chững dưới đây có thể xảy ra:
- Đau bụng
- Đau bụng nhiều hơn khi ấn vào
- Buồn nôn
- Thiếu máu
- Xuất hiện máu trong phân hoặc phân sẫm màu
- Nôn mửa
- Giảm cân
- Tắc nghẽn từ dạ dày đến ruột
Bệnh nhân được nội soi để phát hiện polyp dạ dày. Trong đó một ống dẻo, dài và có gắn camera ở đầu được đưa vào miệng và xuống dạ dày. Điều này cho phép phát hiện polyp và những tình trạng khác.
Trong khi nội soi, bác sĩ có thể sinh thiết (lấy mẫu mô) trong dạ dày. Mẫu bệnh phẩm được phân tích trong phòng thí nghiệm có thể giúp xác định u lành hoặc ác tính.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết polyp dạ dày là u lành, không gây nguy hiểm cho người bệnh. Tuy nhiên một số polyp có thể phát triển thành ung thư dạ dày. Để đảm bảo an toàn, bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ polyp trong thời gian sớm nhất. Quá trình này thường an toàn và mang đến hiệu quả cao.
Điều trị
Nếu có kích thước nhỏ và không phải là ung thư, polyp dạ dày có thể không cần điều trị. Thay vào đó bệnh nhân được yêu cầu theo dõi thường xuyên để sớm phát hiện những thay đổi của chúng.
Nếu polyp dạ dày có kích thước lớn, có nguy cơ hoặc là ung thư (như u tuyến), người bệnh sẽ được chỉ định những phương pháp điều trị dưới đây:
- Phẫu thuật: Nếu polyp có kích thước lớn hoặc có nguy cơ là một khối ung thư, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khi nội soi.
- Thuốc: Thuốc kháng sinh được dùng cho những bệnh nhân bị viêm dạ dày do vi khuẩn HP. Thuốc có tác dụng điều trị nhiễm H. pylori, giúp polyp tăng sản biến mất và phòng ngừa tái phát.
Phòng ngừa
Để ngăn hình thành polyp dạ dày, hãy áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Điều trị tốt những vấn đề có nguy cơ làm phát triển polyp dạ dày. Cụ thể như viêm dạ dày, nhiễm trùng HP dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản...
- Không lạm dụng hoặc thường xuyên sử dụng thuốc ức chế bơm proton. Thuốc này chỉ nên được dùng dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
- Không hút thuốc lá.
- Nên luyện tập thể dục thể thao đều đặn để duy trì sức khỏe, ổn định hoạt động của các cơ quan và ngăn sự hình thành của polyp.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe hoặc nội soi khi có bất thường. Điều này giúp phát hiện sớm và điều trị tốt các polyp dạ dày. Từ đó giảm nguy cơ phát triển ung thư.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những triệu chứng của tôi xảy ra do đâu?
2. Những bệnh lý nào khiến tôi có polyp dạ dày?
3. Khi nào cần phẫu thuật? Các kỹ thuật và chi phí?
4. Những lựa chọn thay thế cho phẫu thuật là gì?
5. Điều gì có thể xảy ra nếu tôi trì hoãn điều trị?
6. Tôi cần tuân theo những hạn chế nào?
7. Polyp dạ dày có thể tái phát sau điều trị hay không? Cách ngăn ngừa?
Polyp dạ dày thường là những khối tế bào lành tính, có kích thước nhỏ và không cần điều trị. Tuy nhiên một số polyp là ung thư và phát triển lớn hơn theo thời gian. Những trường hợp này cần được phẫu thuật để ngăn biến chứng đe dọa đến tính mạng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!