Bệnh Xuất Huyết Đại Tràng
Xuất huyết đại tràng là tình trạng chảy máu trong đại tràng, thường do viêm hoặc polyp đại tràng. Tình trạng này có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng, máu chảy ra nhiều dẫn đến thiếu máu hoặc sốc. Tuy nhiên bệnh có thể được điều trị khỏi bằng nhiều phương pháp.
Tổng quan
Xuất huyết đại tràng được gọi là xuất huyết tiêu hóa dưới. Bệnh thể hiện cho tình trạng chảy máu (xuất huyết) ở đại tràng. Bệnh thường liên quan đến viêm, polyp đại tràng và nhiễm trùng.
Tùy thuộc vào tình trạng, chảy máu có thể đột ngột và nhiều máu hoặc máu chảy dần dần và định kỳ. Trong đó chảy máu đột ngột có thể dẫn đến những triệu chứng sốc và đe dọa đến tính mạng. Chẳng hạn như mạch đập nhanh và thay đổi huyết áp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Xuất huyết đại tràng thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Thủ thuật y tế: Một số thủ thuật y tế như nội soi và sinh thiết có thể gây chảy máu nhẹ.
- Viêm loét đại tràng: Viêm đại tràng không được điều trị có thể hình thành vết loét ở đại tràng (ruột già). Máu có thể chảy ra từ vét loét, đôi khi kèm theo đau. Thông thường bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để giảm viêm và kiểm soát tình trạng xuất huyết.
- Viêm ruột: Những người có bệnh viêm ruột thường bị tiêu chảy, táo bón, xuất huyết và những triệu chứng đường ruột khác. Trong đó xuất huyết chủ yếu xảy ra trong giai đoạn nặng.
- Polyp đại tràng: Sự phát triển của những mô bên trong đại tràng và trực tràng được gọi là polyp đại tràng. Những khối tế bào này thường phát triển theo thời gian và gây xuất huyết. Hầu hết polyp đại tràng là lành tính. Tuy nhiên cũng có những polyp phát triển thành ung thư. thông thường người bệnh sẽ được chỉ định cắt bỏ polyp để giảm nguy cơ ung thư.
- Ung thư đại tràng: Chảy máu là một trong những triệu chứng đầu tiên ở bệnh nhân bị ung thư đại tràng. Tình trạng này thường kèm theo đau. Ung thư cần được xử lý sớm để ngăn ngừa ung thư.
- Nhiễm trùng: Nhiễm trùng thường dẫn đến tiêu chảy và có thể xuất huyết. Tình trạng này có thể nhanh chóng thuyên giảm khi được điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết đại tràng:
- Đang sử dụng thuốc chống đông máu
- Dùng thường xuyên hoặc kéo dài thuốc kháng viêm không steroid
- Rối loạn sử dụng rượu (nghiện rượu)
- Có chấn thương hoặc phẫu thuật gần đây
- Bệnh Crohn
- Ngộ độc thực phẩm
- Nhiễm ký sinh trùng
- Suy giảm lưu lượng máu trong đại tràng.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những người bị xuất huyết đại tràng sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Chảy máu từ hậu môn
- Có máu đỏ trong phân hoặc phân sẫm màu
- Có máu dính trên giấy vệ sinh hoặc khăn lau sau khi lau.
Những triệu chứng chảy máu cấp tính và nghiêm trọng hơn do sốc:
- Tụt huyết áp
- Khó tiểu
- Lú lẫn
- Thiếu máu dẫn đến xanh xao, chóng mặt và mệt mỏi
- Hụt hơi
- Nhịp tim nhanh
- Buồn nôn dữ dội
- Mất ý thức
- Đau bụng ở một số trường hợp
- Trẻ em thay đổi hành vi, khóc nhiều hơn bình thường, lơ ngơ hoặc tỉnh táo.
Khi chẩn đoán xuất huyết đại tràng, người bệnh được kiểm tra triệu chứng. Chẳng hạn như mức độ và tần suất chảy máu, đau và những biểu hiện khác.
Ngoài ra các xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác định vị trí xuất huyết và nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể:
- Nội soi đại tràng: Trong khi nội soi, một ống nhỏ và linh hoạt được đưa vào trực tràng. Ống nội soi gắn camera có thể giúp xem toàn bộ chiều dài của đại tràng và phát hiện vị trí xuất huyết.
- Sinh thiết: Bác sĩ có thể sinh thiết trong quá trình nội soi. Trong đó mẫu mô sẽ được kiểm tra thêm tại phòng thí nghiệm.
- Chụp X-quang: Tia X được dùng để xác định vị trí chảy máu. Trước khi chụp X-quang, bệnh nhân sẽ được tiêm vào tĩnh mạch một chất đánh dấu phóng xạ. Điều này giúp nhìn rõ vị trí chảy máu.
- Chụp CT: Bệnh nhân có thể được chỉ định chụp CT để kiểm tra vị trí chảy máu ở vùng bụng và vùng chậu. Kỹ thuật này giúp cung cấp hình ảnh rõ ràng hơn so với X-quang.
- Nội soi bằng viên nang: Nội soi bằng viên nang được thực hiện cho những bệnh nhân không tìm ra nguồn chảy máu bằng CT hoặc nội soi đại tràng. Viên thuốc có gắn camera nhỏ giúp chụp ảnh của ruột.
- Quét hạt nhân RBC: Người bệnh được tiêm một chất đánh dấu phóng xạ để theo dõi sự di chuyển của những tế bào hồng cầu. Từ đó giúp xác định hoạt động của chúng và vị trí xuất huyết.
Biến chứng và tiên lượng
Phần lớn bệnh nhân xuất huyết đại tràng có lượng máu ít và máu chảy dần dần. Những trường hợp khác có thể bị xuất huyết nặng, máu chảy nhiều và đột ngột dẫn đến sốc.
Nếu bị xuất huyết nặng, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện và điều trị y tế ngay lập tức. Khi không được xử lý kịp thời, những triệu chứng sốc như mạch nhanh và thay đổi huyết áp đột ngột có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Một số biến chứng khác của bệnh:
- Thiếu máu
- Mệt mỏi mãn tính
- Nhiễm trùng
- Suy tim
- Suy hô hấp
- Phình giãn đại tràng nhiễm độc do viêm loét đại tràng lâu ngày. Viêm loét làm tăng quá trình sản sinh oxy nitric của hệ tiêu hóa. Điều này dẫn đến nhiễm độc cấp tính và khiến đại tràng phình giãn nghiêm trọng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển các biến chứng của bệnh:
- Tuổi già
- Chảy máu liên tục
- Mất máu đáng kể
- Có dấu hiệu sinh tồn bất thường.
Điều trị
Xuất huyết đại tràng có thể tự dừng lại mà không cần điều trị. Nếu máu không ngừng chảy, quá trình điều trị sẽ dựa vào nơi chảy máu. Những phương pháp điều trị thường bao gồm:
1. Thuốc
Bệnh nhân bị xuất huyết đại tràng có thể được chỉ định dùng thuốc để điều trị. Những loại thuốc thường được sử dụng sẽ có những tác dụng sau:
- Giảm sưng tấy
- Giúp cục máu đông
2. Thủ thuật
Trong quá trình nội soi, một số thủ thuật có thể được thực hiện để điều trị chảy máu đại tràng. Cụ thể:
- Loại bỏ sự tăng trưởng bất thường của các mô, chẳng hạn như polyp đại tràng.
- Tiêm thuốc để cầm máu.
- Sử dụng khí nóng hoặc lạnh hoặc tia laser ở mức thấp để phá hủy những mô gây chảy máu.
- Sử dụng một chiếc kẹp hoặc băng nhỏ để bịt kín những mạch máu bất thường. Từ đó giúp cầm máu.
3. Phẫu thuật nội soi
Nếu có chảy máu nghiêm trọng, người bệnh cần được phẫu thuật cẩn cấp. Trong đó người bệnh sẽ được phẫu thuật nội soi ổ bụng.
Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tạo ra những đường mạch nhỏ, đưa camera và dụng cụ phẫu thuật vào trong để tiếp cận với nguồn chảy máu. Sau đó tiến hành điều trị căn nguyên và cầm máu. Cuối cùng khâu vết thương.
Sau phẫu thuật, người bệnh được băng và chăm sóc vết thương đúng cách. Thông thường vết thương sẽ lành lại trong vòng 3 tuần, người bệnh có thể sinh hoạt bình thường.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ xuất huyết đại tràng, người bệnh cần:
- Điều trị tốt những tình trạng ở đại tràng có thể dẫn đến xuất huyết.
- Hạn chế sử dụng rượu bia.
- Ngừng hút thuốc lá ở những người có thói quen hút thuốc.
- Hạn chế sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), Aspirin và thuốc chống đông máu. Những loại thuốc này chỉ được dùng khi cần thiết, có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu có nguy cơ, hãy thường xuyên kiểm tra các bệnh nhiễm trùng và polyp đại tràng để phòng ngừa viêm và xuất huyết.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh lý của tôi có nghiêm trọng không?
2. Nguyên nhân nào khiến tôi bị xuất huyết đại tràng?
3. Tình trạng xuất huyết có tự giảm không?
4. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và được đề nghị?
5. Tôi cần tránh những gì để ngăn chảy máu tái phát?
6. Quá trình điều trị diễn ra trong bao lâu?
7. Có những thủ thuật nào được chỉ định? Lợi ích và rủi ro?
Bệnh xuất huyết đại tràng xảy ra do nhiều nguyên nhân, thường nhẹ và dễ dàng kiểm soát bằng nhiều phương pháp. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có đại tràng bị chảy máu ồ ạt, cần điều trị khẩn cấp để ngăn biến chứng sốc. Do đó cần thăm khám và chữa trị ngay khi có dấu hiệu chảy máu.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!