Bệnh Viêm Mũi Họng Cấp
Viêm mũi họng cấp là tình trạng viêm cấp tính xảy ra ở vùng niêm mạc mũi và họng. Tình trạng này thường xuất hiện đồng thời với một số bệnh lý khác như viêm amidan và VA. Khi dược điều trị đúng cách những triệu chứng có thể nhanh chóng thuyên giảm.
Tổng quan
Viêm mũi họng cấp là thuật ngữ chỉ tình trạng niêm mạc mũi và họng bị viêm nhiễm. Tình trạng này khiến những vùng ảnh hưởng sưng đỏ và sung huyết, đau, ngứa, tiết dịch và khó chịu.
Khi được điều trị kịp thời và đúng cách, viêm mũi họng cấp có thể được khắc phục nhanh. Ngược lại các triệu chứng có thể kéo dài và gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây viêm mũi họng cấp, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Nhiễm trùng
Sự xâm nhập của vi khuẩn, virus hoặc nấm có thể gây nhiễm trùng và bùng phát đợt viêm cấp ở mũi họng. Viêm mũi họng cấp do nhiễm trùng thường có những triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng. Tuy nhiên dùng thuốc có thể giúp những triệu chứng giảm nhanh.
So với nấm, vi khuẩn và virus là những nguyên nhân phổ biến hơn. Các loại thường gặp gồm:
-
- Liên cầu khuẩn nhóm A
- Hemophilus influenzae
- Tụ cầu vàng
- Các vi khuẩn kị khí
- Phế cầu
- Rhinovirus
- Virus cúm
- Virus para - influenzae
- Virus Coxsakie nhóm A hoặc B
- Khói thuốc và bụi bẩn
Viêm mũi họng cấp thường gặp ở những người sinh sống trong môi trường ô nhiễm, có nhiều bụi bẩn và khói thuốc. Việc tiếp xúc khiến hệ hô hấp yếu ớt, tăng tính nhạy cảm và dễ gây viêm.
- Suy giảm hệ miễn dịch
Những người có hệ miễn dịch suy yếu thường có nguy cơ phát triển những bệnh lý ở đường hô hấp, trong đó có bệnh viêm mũi họng cấp. Bệnh xảy ra khi hệ miễn dịch không đủ khả năng chống bệnh.
- Vệ sinh răng miệng kém
Vệ sinh răng miệng không đúng cách tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn tăng sinh ở đường hô hấp. Từ đó gây ra tình trạng viêm nhiễm.
- Thời tiết chuyển mùa
Virus và vi khuẩn phát triển mạnh hơn vào thời điểm chuyển mùa và mùa lạnh. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm mũi họng cấp.
So với người lớn, bệnh viêm mũi họng cấp thường gặp hơn ở trẻ nhỏ.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm mũi họng cấp có những triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng, bao gồm:
+ Triệu chứng toàn thân
- Sốt 38 - 40 độ C
- Ớn lạnh
- Đau đầu
- Đau mình mẩy
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Khó tập trung
- Trẻ quấy khóc và biếng ăn
- Khó ngủ
- Thở bằng miệng do ngạt mũi
- Đôi khi trẻ thở nhanh hơn bình thường và co rút lồng ngực
- Đi ngoài phân lỏng
+ Triệu chứng thực thể
- Niêm mạc họng đỏ rực và xuất tiết
- Amidan sưng to (thường gặp ở trẻ em)
- Sung huyết niêm mạc mũi và họng
- Xuất hiện bựa trắng phủ trên bề mặt amidan hoặc những chấm mủ trắng
- Xuất tiết nhầy ở mũi
- Sưng hạch góc hàm, khi ấn vào có cảm giác đau nhẹ
+ Triệu chứng cơ năng
- Nuốt đau, cơn đau có thể nhói lên và lan lên tai
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Ngạt mũi
- Chảy nước mũi. Nước mũi trong nhầy trong thời gian đầu, đục hoặc có màu vàng xanh khi bệnh tiến triển
- Khàn tiếng nhẹ hoặc mất tiếng
+ Triệu chứng ít gặp hơn
- Nôn trớ
- Tiêu chảy
- Co giật
Bệnh viêm mũi họng cấp có thể được chẩn đoán thông qua quá trình khám niêm mạc họng và mũi. Trong khi thăm khám, bác sĩ có thể hỏi thêm về các triệu chứng và tiền sử bệnh.
Nếu có nghi ngờ những bệnh lây nhiễm nguy hiểm, người bệnh sẽ được xét nghiệm để phòng dịch. Chẳng hạn như xét nghiệm lao, bạch cầu...
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được kiểm tra công thức bạch cầu. Điều này có thể giúp phát hiện nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus và giai đoạn bội nhiễm của bệnh.
Biến chứng và tiên lượng
Trong nhiều trường hợp, viêm mũi họng cấp có thể tự khỏi trong vòng 3 - 4 ngày mà không cần điều trị, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch tốt.
Ở những trường hợp khác, các triệu chứng nặng và có xu hướng kéo dài. Việc không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Viêm tấy hoặc áp xe quanh amidan
- Áp xe thành sau hoặc thành bên họng
- Viêm mũi xoang cấp
- Viêm thanh khí phế quản
- Viêm phổi
- Viêm tai giữa cấp
Mặc dù ít gặp nhưng những biến chứng dưới đây cũng có thể xuất hiện:
- Viêm cầu thận
- Viêm khớp
- Viêm màng tim
- Choáng nhiễm độc liên cầu
- Nhiễm trùng máu
Điều trị
Thuốc và những biện pháp chăm sóc tại nhà có thể giúp bệnh viêm mũi họng cấp nhanh chóng khỏi.
1. Chăm sóc tại nhà
Làm sạch và bảo vệ mũi họng có thể giúp những triệu chứng giảm nhanh và ngăn ngừa biến chứng. Những biện pháp cụ thể:
- Vệ sinh mũi họng
Dùng nước muối sinh lý để rửa mũi và súc họng. Biện pháp này giúp làm sạch chất nhầy trong mũi và họng, giảm viêm, giảm sưng đau và loại bỏ vi khuẩn.
Nếu trẻ có dịch mũi đặc và quá nhiều dịch, hãy dùng dụng cụ hút mũi để làm sạch bên trong. Điều này giúp giảm bớt những triệu chứng khó chịu. Tuy nhiên không nên lạm dụng dụng cụ hút mũi để ngăn tổn thương niêm mạc mũi.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống
Trong quá trình điều trị viêm mũi họng cấp, hãy điều chỉnh chế độ ăn uống để giảm bớt những triệu chứng của bệnh. Nên ăn ít dầu mỡ và chất béo, ăn thức ăn lỏng, mềm và dễ nuốt để không làm tổn thương niêm mạc đang bị kích ứng.
Ngoài ra cần tăng cường bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Đặc biệt nên uống nhiều nước ép trái cây, ăn nhiều rau củ quả, các loại hạt... Điều này giúp tăng cường bổ sung vitamin A, C, E. Từ đó cải thiện hệ thống miễn dịch, nâng cao sức khỏe và khả năng chống bệnh.
Tránh uống rượu bia, không nên ăn những loại thực phẩm có nhiều gia vị, chua, cay, nóng, cứng. Bởi những loại thực phẩm này có thể kích thích niêm mạc họng và tăng cảm giác khó chịu.
- Uống mật ong
Nếu viêm mũi họng cấp gây ho nhiều, người bệnh có thể thử sử dụng một số công thức từ mật ong. Cụ thể:
-
- Quất + mật ong: Ngâm hoặc hấp quất trong mật ong. Mỗi lần lấy 1 - 2 muỗng pha với nước ấm. Uống ấm nước mật ong kết hợp với quất có thể giảm nhanh cảm giác khó chịu, viêm và ho.
- Chanh + Mật ong: Uống nước chanh và mật ong ấm có thể tăng sức đề kháng, giảm ho và khó chịu. Khi dùng, hòa tan 2 thìa cà phê mật ong vào 1 cốc nước ấm. Thêm một ít nước cốt chanh và uống ngay.
- Uống nhiều nước
Hãy uống nhiều nước khi bị viêm mũi họng cấp tính. Uống nước ấm giúp làm dịu niêm mạc viêm sưng và giảm ho. Ngoài ra uống nhiều nước còn giúp làm ẩm cổ họng, giảm đau họng và khó chịu.
2. Thuốc
Dựa vào nguyên nhân và những triệu chứng, bệnh nhân bị viêm mũi họng cấp được dùng những loại thuốc điều trị sau:
- Thuốc kháng sinh: Nếu viêm nhiễm do vi khuẩn hoặc có dấu hiệu bội nhiễm, thuốc kháng sinh sẽ được dùng. Thuốc này thường được sử dụng bằng đường uống trong vài ngày.
- Thuốc kháng virus: Thuốc kháng virus được dùng cho những bệnh nhân bị viêm dai dẳng do virus. Thuốc này giúp tiêu diệt loại virus cụ thể, làm dịu các triệu chứng.
- Thuốc kháng viêm: Thuốc kháng viêm dạng xịt hoặc viên uống được dùng để giảm những triệu chứng liên quan đến viêm. Chẳng hạn như sưng, tiết dịch và đau rát.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen thường được dùng cho những trường hợp viêm mũi họng cấp. Thuốc có tác dụng hạ sốt và giảm đau hiệu quả.
- Thuốc trị ho: Siro ho hoặc viên uống được dùng để làm dịu cổ họng, long đờm và trị ho.
- Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi được dùng để làm loãng dịch, giúp mũi thông thoáng và dễ thở.
Phòng ngừa
Thực hiện những biện pháp dưới đây có thể giúp phòng ngừa viêm mũi họng cấp:
- Vệ sinh mũi họng sạch sẽ mỗi ngày. Nên đánh răng 2 lần/ ngày, làm sạch răng miệng sau khi ăn xong. Ngoài ra nên thường xuyên rửa mũi và súc họng với nước muối sinh lý.
- Không ngoáy mũi, không cho tay lên miệng.
- Rửa sạch tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước và sau khi ăn.
- Đảm bảo môi trường sống trong lành. Tránh những nơi có nhiều khói bụi, nấm mốc, không khí ô nhiễm.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất.
- Không nên tiếp xúc với những người có bệnh lý ở đường hô hấp do virus và vi khuẩn.
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh và vào những thời điểm giao mùa.
- Không tự ý cho trẻ nhỏ sử dụng kháng sinh hoặc những loại thuốc khác khi có triệu chứng. Tốt nhất nên đưa trẻ đến bệnh viện để không gây bội nhiễm và làm nặng hơn tình trạng.
- Thường xuyên tập thể dục và ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng và sức khỏe tổng thể.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những triệu chứng của tôi có thể tự khỏi không?
2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?
3. Những tác dụng phụ nào có thể gặp khi cho trẻ dùng thuốc?
4. Những cách chăm sóc nào được đề nghị khi bị viêm mũi họng cấp?
5. Mất bao lâu để những triệu chứng thuyên giảm?
6. Biện pháp ngăn ngừa tái phát?
7. Bệnh viêm mũi họng cấp có gây biến chứng cho tôi/ con tôi không?
Bệnh viêm mũi họng cấp thường khỏi nhanh khi điều trị bằng thuốc và áp dụng những biện pháp chăm sóc. Ở những trường hợp không điều trị, các triệu chứng có thể kéo dài, chuyển sang thể mãn tính và gây ra nhiều biến chứng. Do đó cần sớm tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị hiệu quả.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!