Bệnh Zona Tai
Bệnh zona tai là bệnh zona thần kinh xảy ra ở tai. Bệnh được gây ra bởi virus herpes zoster (cùng loại virus gây bệnh thủy đậu). Chúng đi dọc theo dây thần kinh cảm giác, tạo ra những tổn thươn cho da ở dạng mảng phát ban và mụn nước.
Tổng quan
Zona tai là thuật ngữ chỉ bệnh zona thần kinh làm ảnh hưởng đến tai. Trong đó virus herpes zoster xâm nhập vào những hạch gối, di chuyển dọc theo dây thần kinh sọ số VII (dây thần kinh mặt) và VIII (dây thần kinh thính giác). Từ đó tạo ra những mảng phát ban trên da kèm theo mụn nước.
Bệnh zona thần kinh thường chỉ ảnh hưởng đến một bên thân mình, mặt và ngực. Hiếm khi xuất hiện ở tai. Bệnh lý này là một dạng nhiễm trùng được gây ra bởi virus aricella zoster.
Trong lần đầu tiên xâm nhập, virus gây ra bệnh thủy đậu sau vài ngày ủ bệnh. Khi thủy đậu được chữa khỏi, virus aricella zoster nhanh chóng xâm nhập vào hệ thống thần kinh nhưng không hoạt động. Điều này kéo đài trong nhiều năm.
Khi có điều kiện thuận lợi, virus aricella zoster sẽ được kích hoạt và hoạt động trở lại. Chúng di chuyển dọc theo những dây thần kinh đến da. Từ đó gây ra những tổn thương trên da.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Sự tái hoạt động của virus aricella zoster là nguyên nhân gây bệnh zona tai. Những người bị thủy đậu sẽ có nguy cơ phát triển bệnh zona khi virus hoạt động trở lại trong cơ thể. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp đều mắc bệnh.
Không rõ nguyên nhân khiến bệnh zona thần kinh và zona tai xảy ra ở một số người nhưng không phải triển ở người khác. Tuy nhiên những yếu tố dưới đây có thể liên quan đến sự bùng phát của bệnh. Cụ thể:
- Người lớn tuổi. Bệnh zona thần kinh ở tai thường gặp ở những người lớn tuổi. Điều này có thể là do khả năng miễn dịch của người lớn tuổi thấp hơn đối với nhiễm trùng.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu. Có thể liên quan đến tuổi tác (trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai), một số loại thuốc (như thuốc điều trị ung thư, thuốc ức chế miễn dịch, steroid, thuốc dùng sau khi cấy ghép nội tạng) và bệnh lý (bệnh tự miễn, ung thư, HIV...)
- Căng thẳng về cảm xúc
- Có một cuộc phẫu thuật lớn hoặc đang điều trị ung thư
- Nhiễm trùng da
- Đã bị bệnh zona thần kinh trước đó.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh zona thần kinh ở tai có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Đau tai. Cơn đau thường nặng kèm theo cảm giác rát bỏng, có thể đau sâu bên trong tai
- Có cảm giác khó chịu ở da dọc theo ống tai, vùng da trước và sau tai
- Phát ban trên vùng da ảnh hưởng, ban đỏ và ở dạng mảng
- Xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ ở vành tai, cửa ống tai vùng da trước và sau tai
- Mụn nước chứa đầy dịch có thể vỡ, sau đó đóng vảy màu vàng nâu. Sau khi lành sẽ để lại sẹo
- Liệt mặt nếu bệnh zona thần kinh làm ảnh hưởng đến dây thần kinh số VII
- Giảm thính lực, nghe kém
- Ù tai
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Sốt nhẹ và đau nhức mình mẩy.
Dựa vào tiền sử và những đặc trưng của bệnh, bệnh zona thần kinh ở tai có thể được phát hiện nhanh thông qua quá trình kiểm tra bằng mắt thường. Trong đó bác sĩ kiểm tra những tổn thương da tại vùng ảnh hưởng. Ngoài ra dụng cụ soi tai được sử dụng để kiểm tra những bất thường bên trong ống tai.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân được yêu cầu lấy mẫu da hoặc dịch tiết từ vết phồng rộp. Sau đó phân tích trong phòng thí nghiệm để xác định sự hiện diện của virus.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh zona tai có thể gây ra một số biến chứng dưới đây:
- Mất hoặc suy giảm thính lực
- Nhiễm trùng tai
- Chóng mặt
- Viêm màng não
- Liệt mặt
- Nhiễm trùng da khi không được điều trị đúng cách
- Đau dây thần kinh postherpetic (cơn đau do bệnh zona thần kinh vẫn tiếp tục kéo dài sau khi mụn nước đã hết.
Điều trị
Để điều trị bệnh zona tai, hãy sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa kết hợp với những biện pháp chăm sóc tại nhà.
1. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Những biện pháp dưới đây có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh zona tai:
- Tắm vòi sen hoặc tắm với nước mát để làm sạch, giảm đau và làm dịu làn da đang bị tổn thương.
- Dùng bông gạc vô trùng lạnh và ướt chườm lên vết phát ban. Điều này giúp giảm đau, ngứa và phồng rộp do bệnh zona thần kinh gây ra.
- Tránh gãy ngứa hoặc chà xát mạnh. Điều này có thể làm vỡ mụn nước, nhiễm trùng lây lan và làm nặng hơn tình trạng.
- Ăn uống lành mạnh, đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin A, vitamin B12, vitamin C và vitamin E. Những loại vitamin này có khả năng làm tăng sức đề kháng, chống lại bệnh tật, giảm đau và viêm. Đồng thời thúc đẩy quá trình lành lại của những tổn thương trên da.
- Uống nhiều nước, khoảng 2 lít/ ngày.
- Không sử dụng đồ uống có cồn, tránh những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ và chất béo để tránh kích thích viêm và làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách uống bổ sung L-lysine. Điều này giúp quá trình điều trị và chữa lành diễn ra nhanh chóng hơn.
- Cho muối nở hoặc bột ngô vào nước để tạo thành một hỗn hợp sệt. Bôi hỗn hợp lên vùng da tổn thương có thể giúp giảm ngứa hiệu quả.
- Bôi kem dưỡng da Calamine lên những nốt mụn nước và vùng da xung quanh. Thành phần pramoxine-calamine trong sản phẩm có thể giúp giảm ngứa và làm dịu da hiệu quả.
2. Thuốc
Dùng thuốc là phương pháp điều trị chính cho bệnh zona tai. Dưới đây là những loại thuốc có thể được chỉ định:
- Thuốc kháng virus: Bệnh nhân có thể được dùng Acyclovir, Famciclovir hoặc Valacyclovir để điều trị bệnh zona tai. Những loại thuốc này có tác dụng chống virus và loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng. Đồng thời giúp giảm đau và tăng tốc độ phục hồi. Thuốc kháng virus thường được dùng từ 2 - 5 lần mỗi ngày tùy theo tình trạng.
- Thuốc giảm đau: Bệnh nhân thường được dùng Acetaminophen để giảm đau do bệnh zona thần kinh ở tai. Thuốc mang đến hiệu quả hạ sốt và giảm đau nhanh chóng. Nếu bị đau ở mức độ nặng, thuốc giảm đau thần kinh hoặc thuốc giảm đau gây nghiện (nhóm opioid) sẽ được sử dụng để giảm nhẹ cơn đau.
- Thuốc chống viêm: Ibuprofen hoặc một loại thuốc chống viêm mạnh hơn được dùng để giảm đau và sưng. Thuốc được dùng qua đường miệng, mỗi liều cách nhau từ 6 - 8 giờ.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc chống co giật: Trong điều trị zona thần kinh ở tai, bệnh nhân có thể được dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng hoặc thuốc chống co giật. Những loại thuốc này có tác dụng điều trị cơn đau kéo dài. Đồng thời giúp giảm căng thẳng và cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.
- Lidocain: Đây là một loại thuốc gây tê tại chỗ. Thuốc được dùng khi cần thiết để giảm đau.
- Capsaicin: Bệnh nhân bị zona thần kinh ở tai thường được sử dụng Capsaicin. Thuốc có tác dụng điều trị ngứa và những cơn đau từ nhẹ đến vừa. Ngoài ra Capsaicin còn có tác dụng giảm nguy cơ đau dây thần kinh (đau thần kinh sau zona, xảy ra khi khỏi bệnh).
- Thuốc kháng histamin: Diphenhydramine (Benadryl) hoặc một loại thuốc kháng histamin khác có thể được sử dụng. Nhóm thuốc này có tác dung điều trị ngứa hiệu quả.
Phòng ngừa
Có nhiều cách giúp phòng ngừa bệnh zona tai, bao gồm:
- Tiêm thuốc chủng ngừa bệnh zona (chẳng hạn như Shingrix) cho người lớn từ 50 tuổi trở lên. Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh zona tai nếu có tiền sử bị thủy đậu. Vắc xin có thể được tiêm cho những người có hoặc chưa từng bị thủy đậu để chống lại bệnh zona hoặc làm nhẹ các triệu chứng của bệnh nếu có. Vắc xin Shingrix cũng có thể được khuyên dùng cho những người trên 19 tuổi có bệnh tật hoặc sử dụng thuốc men làm suy giảm hệ thống miễn dịch.
- Tất cả trẻ em và người lớn chưa bao giờ bị thủy đậu nên được tiêm 2 liều vắc xin thủy đậu (chủng ngừa thủy đậu). Điều này giúp ngăn ngừa bệnh thủy đậu và zona thần kinh trong tương lai.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân và vật dụng ăn uống với người bệnh thủy đậu.
- Không tiếp xúc gần với người bị thủy đậu, không chạm vào những nốt phồng rộp và mụn nước do zona thần kinh để phòng ngừa lây nhiễm.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Nên dùng xà phòng diệt khuẩn để đảm bảo tay được làm sạch hoàn toàn.
- Mang khẩu trang ở những nơi công cộng để giảm nguy cơ lây nhiễm.
- Những người có tiền sử thủy đậu nên tăng cường luyện tập thể dục thể thao kết hợp ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Điều này giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh zona thần kinh ở tai.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phác đồ điều trị zona tai như thế nào?
2. Loại thuốc nào giúp điều trị nhanh và hiệu quả?
3. Dùng thuốc trong bao lâu thì khỏi bệnh?
4. Chăm sóc tại nhà như thế nào để da lành lại nhanh chóng?
5. Cách phòng ngừa đau thần kinh sau zona là gì?
6. Những ảnh hưởng đến tai có thể phục hồi sau điều trị không?
7. Tôi cần tránh những gì khi điều trị bệnh zona thần kinh ở tai?
Bệnh zona tai thường gặp ở người lớn tuổi và người có hệ miễn dịch suy yếu. Bệnh gây ra những tổn thương trên da kèm theo khó chịu ở tai, suy giảm thính lực. Tuy nhiên điều trị đúng cách theo chỉ định của bác sĩ sẽ giúp các triệu chứng thuyên giảm nhanh chóng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!