Bệnh Điếc Đột Ngột

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Nguyễn Tùng Lâm | Lĩnh vực khám chữa: Tai – Mũi – Họng Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hồ Chí Minh

Điếc đột ngột thường do thủng màng nhĩ, nhiễm trùng và một số nguyên nhân khác. Nhiều trường hợp không thể xác định nguyên nhân. Bệnh xảy ra nhanh chóng, có thể ngay lập tức hoặc trong vòng một ngày.

Tổng quan

Điếc đột ngột còn được gọi là mất thính giác thần kinh đột ngột (SSHL). Bệnh thể hiện cho tình trạng mất thính lực rất nhanh, có thể xảy ra ngay lập tức hoặc trong vòng một ngày, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai.

Điếc đột ngột
Điếc đột ngột là tình trạng mất thính lực rất nhanh, thường chỉ ảnh hưởng đến một bên tai

Khi bị điếc đột ngột, âm thanh dần bị bóp nghẹt hoặc mờ nhạt cho đến khi người bệnh không còn nghe rõ. Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi từ 30 đến 60 tuổi. Khi được điều trị kịp thời, tai ảnh hưởng có thể phục hồi trong vòng 2 tuần (chiếm 50% trường hợp).

Khoảng 15% bệnh nhân bị điếc đột ngột không thể phục hồi. Trong đó tình trạng mất thính lực dần trở nên tồi tệ hơn theo thời gian. Tuy nhiên một số thiết bị như máy trợ thính có thể cải thiện khả năng nghe và giao tiếp cho người mất thính lực.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Điếc đột ngột xảy ra khi có tổn thương ở tai trong, ốc tai hoặc dây thần kinh thính giác. Hầu hết các trường hợp không thể xác định nguyên nhân gây mất thính giác thần kinh đột ngột (SSHL) ở một bên tai.

Tuy nhiên mất thính giác thần kinh đột ngột (SSHL) ở hai bên tai có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

  • Nhiễm virus. Chẳng hạn như virus thủy đậu, HIV, cúm, sởi, quai bị...
  • Tổn thương dây thần kinh thính giác. Chẳng hạn như viêm dây thần kinh, u dây thần kinh thính giác...
  • Dị tật của tai trong
  • Tiếp xúc kéo dài với tiếng ồn lớn
  • Những rối loạn chuyển hóa gây thiếu máu động mạch tai trong. Điều này khiến các mô không được nuôi dưỡng và làm nhiễm độc tai trong. Các dạng rối loạn chuyển hóa thường gặp gồm:
    • Tăng lipid máu
    • Bệnh tiểu đường
    • Suy giáp
  • Hội chứng Cogan hoặc một bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch khác
  • Bệnh Lyme. Đây là một bệnh truyền nhiễm thông qua vết cắn của ve
  • Bệnh Meniere. Đây là một rối loạn làm ảnh hưởng đến tai trong
  • Bệnh lý tự miễn như bệnh lupus ban đỏ hệ thống
  • Những loại thuốc gây độc cho tai
  • Vấn đề liên quan đến tuần hoàn máu
  • Nọc độc từ vết rắn cắn
  • Bệnh mạch máu, chẳng hạn như tăng huyết áp
  • Có khối u hoặc tăng trưởng mô bất thường
  • Sự lão hóa
  • Chấn thương ở tai hoặc đầu. Điều này có thể khiến bệnh nhân bị điếc đột ngột ở một bên tai. Cụ thể:
    • Thủng màng nhĩ
    • Trật khớp xương con
    • Vỡ xương thái dương...
  • Ngộ độc
    • Ngộ độc thuốc nhóm Aminozid
    • Ngộ độc rượu hoặc thuốc lá
  • Những rối loạn thần kinh. Chẳng hạn như trầm cảm, rối loạn lo âu, căng thẳng và stress.
  • Bệnh tai trong tự miễn. Trong đó hệ miễn dịch bị rối loạn và tấn công nhầm vào tai trong.
  • Xơ cứng tai. Đây là một bệnh lý xảy ra ở tai giữa. Trong đó các xương nhỏ của tai giữa bị ảnh hưởng, xương không thể di chuyển dẫn đến mất thính lực dẫn truyền.
  • Tích tụ ráy tai: Ráy tai tích tụ có thể làm tắc nghẽn ở một bên tai và gây mất thính giác.

Những em bé có thể được sinh ra với tình trạng mất thính giác thần kinh đột ngột. Điều này thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Cân nặng khi sinh thấp
  • Di truyền
  • Nhiễm trùng di truyền từ mẹ sang con. Điều này thường bao gồm mụn rộp, bệnh giang mai, rubella
  • Nhiễm ký sinh trùng Toxoplasma gondii. Đây là một loại ký sinh trùng đi qua tử cung.

Triệu chứng và chẩn đoán

Hầu hết các trường hợp bị điếc đột ngột ở một bên tai. Khi bệnh xảy ra, người bệnh sẽ có những dấu hiệu dưới đây:

  • Bị mất thính lực ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng. Nhiều trường hợp không thể nhận ra tình trạng cho đến khi đeo tai nghe hoặc sử dụng điện thoại bên tai bị ảnh hưởng.
  • Âm thanh bị bóp nghẹt hoặc không thể nghe rõ
  • Không thể nghe rõ khi có nhiều tiếng ồn xung quanh
  • Chóng mặt hoặc xuất hiện những vấn đề về cân bằng
  • Khó nghe âm thanh cao độ
  • Ù tai.

Bị mất thính lực ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng
Mất thính lực ngay sau khi thức dậy vào buổi sáng, âm thanh bị bóp nghẹt hoặc không thể nghe rõ

Những triệu chứng ở trẻ nhỏ:

  • Dường như không hiểu ngôn ngữ
  • Không chú ý
  • Không phản ứng với âm thanh hoặc không giật mình trước những tiếng động bất ngờ
  • Có vấn đề về thăng bằng hoặc bị nhiễm trùng tai nhiều lần.

Khi kiểm tra, người bệnh sẽ được hỏi về tiền sử chấn thương và bệnh lý, loại thuốc đang dùng, thời điểm phát hiện triệu chứng và những dấu hiệu đi kèm với mất thính lực.

Ngoài ra người bệnh có thể được yêu cầu bịt kín từng bên tai trong khi nghe âm thanh và điều chỉnh âm lượng ở những mức khác nhau. Để rõ hơn về tình trạng, một hoặc nhiều xét nghiệm dưới đây cũng được thực hiện, cụ thể:

  • Xét nghiệm bằng âm thoa: Thiết bị chuyên dụng sẽ được sử dụng để đo rung động trong tai. Điều này giúp kiểm tra màng nhĩ và những bộ phận của tai có bị rung hay không.
  • Đo thính lực: Người bệnh được đo thính lực bằng cách sử dụng tai nghe, sau đó phát ra một loạt âm thanh với mức âm lượng khác nhau.
  • Chụp MRI: Nếu có nghi ngờ mất thính lực do u nang hoặc khối u, người bệnh sẽ được chụp MRI. Hình ảnh chi tiết của não và tai có thể giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây điếc đột ngột.

Biến chứng và tiên lượng

Nếu được điều trị kịp thời, tình trạng điếc đột ngột có thể được chữa khỏi. Hầu hết trường hợp có tai ảnh hưởng phục hồi trong vòng 2 tuần. Nếu không được điều trị tốt, bệnh nhân có thể bị điếc vĩnh viễn.

Mất thính lực khiến cuộc sống của người bệnh trở nên khó khăn hơn, gây khó chịu và căng thẳng. Nhiều trường hợp bị trầm cảm và mất kỹ năng tư duy. Ngoài ra điều này cũng làm tăng nguy cơ té ngã.

Điều trị

Điều trị sớm có thể tăng nguy cơ hồi phục hoàn toàn cho bệnh nhân bị điếc đột ngột. Dựa trên nguyên nhân cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp điều trị dưới đây:

1. Thuốc

Bệnh nhân có thể được chỉ định thuốc kháng viêm hoặc các loại thuốc khác để điều trị. Cụ thể:

Steroid
Steroid được dùng khi mất thính lực đột ngột liên quan đến các bệnh lý về hệ thống miễn dịch

  • Steroid: Những trường hợp bị mất thính giác thần kinh đột ngột thường được yêu cầu sử dụng steroid. Thuốc có tác dụng giảm viêm và sưng, phù hợp với những bệnh nhân có các bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch.
  • Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh khi tình trạng mất thính giác thần kinh đột ngột là kết quả của một bệnh nhiễm trùng. Thuốc này có thể được dùng ở dạng viên uống hoặc thuốc nhỏ tai.
  • Thuốc kháng virus: Nếu bị mất thính lực đột ngột do nhiễm virus, người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng virus (tương ứng với loại virus cụ thể). Khi nguyên nhân được khắc phục, khả năng nghe của bạn có thể cải thiện.

2. Phẫu thuật

Bệnh nhân bị điếc đột ngột có thể được yêu cầu phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Khi được cấy ghép, ốc tai điện tử kích thích dây thần kinh thính giác bằng cách đi xung quanh những phần của tai không hoạt động. Đồng thời khuếch đại âm thanh đến mức bình thường. Từ đó giúp cải thiên khả năng nghe.

Ở những trường hợp bị rách màng nhĩ không tự phục hồi, bác sĩ sẽ yêu cầu vá màng nhĩ hoặc phẫu thuật tái tạo màng nhĩ. Cả hai phương pháp này đều giúp loại bỏ lỗ thủng và tạo điều kiện cho màng nhĩ lành lại hoàn toàn.

3. Máy trợ thính

Máy trợ thính được dùng cho những bệnh nhân bị điếc do tổn thương tai trong. Thiết bị này có thể giúp âm thanh hướng vào trong ống tai và làm cho âm thanh mạnh hơn. Từ đó cải thiện khả năng nghe của người bệnh, giúp giao tiếp tốt hơn.

Máy trợ thính
Máy trợ thính giúp âm thanh hướng vào trong ống tai và mạnh hơn, cải thiện khả năng nghe

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ bị điếc đột ngột, bạn có thể áp dụng những cách phòng ngừa dưới đây:

  • Bảo vệ đôi tai bằng cách:
    • Tránh xa những nơi có tiếng ồn lớn, tránh tiếp xúc với tiếng ồn trong thời gian dài.
    • Đeo nút tai bằng nhựa hoặc sử dụng bịt tai có chứa glycerin. Điều này giúp bảo vệ thính giác khi làm việc ở những nơi có nhiều tiếng ồn.
  • Thường xuyên kiểm tra thính giác nếu phải làm việc ở những nơi có nhiều tiếng ồn. Điều này giúp sớm phát hiện tình trạng suy giảm thính lực và thực hiện những biện pháp ngăn ngừa mất thính lực thêm.
  • Điều trị ngay khi có dấu hiệu của nhiễm trùng tai giữa hoặc ống tai ngoài. Bao gồm đau tai, có dịch chảy ra từ ống tai...
  • Tránh những hoạt động có thể gây chấn thương cho tai và đầu.
  • Điều trị tốt những bệnh lý có thể dẫn đến điếc đột ngột. Chẳng hạn như các bệnh về mạch máu, khối u, nhiễm virus...
  • Không dùng vật nhọn hoặc tăm bông để cố gắng làm sạch ráy tai ở sâu bên trong. Điều này có thể làm rách màng nhĩ dẫn đến điếc đột ngột ở một bên tai.
  • Thận trọng khi bơi lội và tắm, tránh để nước vào tai và ứ đọng bên trong.
  • Sau khi tắm vòi sen hoặc bơi, hãy nghiêng đầu sang một bên để nước có thể chảy ra ngoài. Ngoài ra hãy dùng khăn bông để lau khô tai.
  • Nên dùng nút bịt tai khi bơi để bảo vệ tai. Điều này giúp ngăn ngừa nước vào tai và nhiễm trùng tai trong gây điếc đột ngột.

Dùng nút bịt tai khi bơi để bảo vệ tai
Dùng nút bịt tai khi bơi để bảo vệ tai, ngăn điếc đột ngột do nhiễm trùng và nước vào trong tai

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị điếc đột ngột?

2. Tình trạng của tôi có thể được chữa khỏi không?

3. Phương pháp điều trị nào hiệu quả và được yêu cầu?

4. Tôi cần làm gì để cải thiện tình trạng tại nhà?

5. Thiết bị nào cần thiết cho tình trạng của tôi?

6. Tôi cần tránh những gì trong quá trình điều trị?

7. Tai ảnh hưởng có thể phục hồi hoàn toàn sau điều trị không?

Có nhiều nguyên nhân gây điếc đột ngột ở một hoặc cả hai bên tai. Thông thường quá trình điều trị sẽ dựa vào nguyên nhân. Việc điều trị sớm và đúng cách có thể giúp tai ảnh hưởng phục hồi hoàn toàn. Vì vậy người bệnh cần thăm khám ngay khi phát hiện tình trạng mất thính lực.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *