Bệnh Viêm Mũi
Viêm mũi bao gồm viêm mũi dị ứng và không dị ứng, có thể lây nhiễm hoặc không. Những triệu chứng của bệnh thường ảnh hưởng đến khoang mũi, mắt và cổ họng. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể bị nghẹt mũi, sổ mũi, hắt xì và nhiều biểu hiện khác.
Tổng quan
Viêm mũi là tình trạng viêm xảy ra ở niêm mạc khoang mũi, thường liên quan đến vi khuẩn, virus, chất gây dị ứng hoặc chất kích thích. Bệnh lý này có thể là một vấn đề ngắn hạn hoặc lâu dài và không rõ nguyên nhân.
Những triệu chứng thông thường gồm hắt hơi, chảy nước mũi sau, nghẹt mũi và sổ mũi. Viêm mũi ảnh hưởng đến trẻ em và người lớn. Tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở những người trên 20 tuổi.
Thông thường việc loại bỏ nguyên nhân (nhiễm trùng, yếu tố kích thích) kết hợp dùng thuốc điều trị triệu chứng có thể giúp bệnh nhanh chóng thuyên giảm.
Phân loại
Bệnh viêm mũi được phân thành 2 loại, gồm: Viêm mũi dị ứng và không dị ứng.
- Viêm mũi dị ứng (sốt cỏ khô)
Tình trạng viêm xảy ra khi người bệnh hít phải những chất gây dị ứng hoặc kích ứng trong không khí. Khi chất gây dị ứng đi qua qua mũi hoặc miệng, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách sản sinh histamine. Điều này làm khởi phát những triệu chứng của dị ứng, bao gồm hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nghẹt mũi...
Viêm mũi dị ứng không truyền nhiễm. Bệnh thường xảy ra theo mùa hoặc vào thời điểm nhất định trong năm hoặc lâu năm. Tuy nhiên những triệu chứng cũng có thể xảy ra suốt cả năm.
Bệnh được phân thành 2 loại nhỏ, bao gồm:
-
- Dị ứng theo mùa: Cơ thể phản ứng với những chất gây dị ứng ngoài trời (chẳng hạn như phấn hoa), thường xảy ra vào mùa thu và mùa xuân.
- Dị ứng lâu năm: Bệnh có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm hoặc quanh năm. Các triệu chứng xuất hiện khi cơ thể phản ứng với những chất gây dị ứng trong nhà, chẳng hạn như lông thú cưng và mạt bụi.
- Viêm mũi không dị ứng
Viêm mũi không dị ứng có những triệu chứng tương tự như viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên bệnh không xảy ra do dị ứng. Tình trạng viêm được kích hoạt bởi một tác nhân không gây dị ứng (chẳng hạn như virus, khói thuốc lá), có thể ảnh hưởng trong thời gian ngắn hoặc dài hạn.
Bệnh thường xảy ra ở người lớn (sau 20 tuổi) nhưng cũng có thể xảy ra ở trẻ em. Những yếu tố kích hoạt triệu chứng sẽ khác nhau ở mỗi người.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân gây viêm mũi gồm:
+ Nguyên nhân của viêm mũi dị ứng
Bệnh xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng trong không khí và giải phóng histamin. Đây là một chất hóa học tự nhiên bảo vệ cơ thể khỏi những chất gây dị ứng. Tuy nhiên hóa chất này có thể gây ra các triệu chứng của viêm mũi dị ứng như ngứa mắt, ngứa mũi, hắt hơi và sổ mũi.
Dưới đây là những chất gây dị ứng phổ biến:
- Mạt bụi
- Phấn hoa
- Da động vật
- Nước bọt mùi
- Lông chó mèo
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Bệnh hen suyễn hoặc chàm
- Tiền sử gia đình bị dị ứng
- Thường xuyên tiếp xúc với những chất gây kích ứng từ môi trường.
Những yếu tố kích hoạt hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng:
- Hóa chất
- Khói thuốc lá
- Độ ẩm
- Nhiệt độ lạnh
- Gió
- Không khí ô nhiễm
- Nước hoa
- Keo xịt tóc
- Khói gỗ
- Khói
+ Nguyên nhân của viêm mũi không dị ứng
Nguyên nhân chính xác của viêm mũi không dị ứng vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên bệnh xảy ra khi những mạch máu trong mũi (những mạch máu lắp đầy mô lót trong mũi) giãn ra. Điều này có thể do các đầu dây thần kinh ở mũi dễ phản ứng với những yếu tố kích hoạt.
Những tác nhân gây bệnh thường bao gồm:
- Những chất kích thích trong không khí: Chẳng hạn như khói thuốc lá, sương mù, nước hoa có mùi mạnh và bụi
- Nhiễm trùng: Thường do virus gây bệnh cảm lạnh, cúm và nhiều bệnh lý khác.
- Thời tiết: Sưng niêm mạc mũi xảy ra khi có sự thay đổi về độ ẩm và nhiệt độ. Từ đó làm phát triển các triệu chứng như nghẹt mũi và chảy nước mũi.
- Thay đổi nội tiết tố: Bệnh có thể xảy ra khi mang thai, sử dụng biện pháp tránh thai, kinh nguyệt, suy giáp.
- Thuốc: Thuốc cao huyết áp, thuốc an thần Aspirin và Ibuprofen có thể gây ra những triệu chứng.
- Thực phẩm và đồ uống: Những triệu chứng có thể xảy ra khi ăn thực phẩm cay và nóng, uống rượu khiến các mô bên trong mũi sưng lên và nghẹt.
- Vấn đề về giấc ngủ: Nằm ngửa và trào ngược axit dạ dày khi ngủ có thể là nguyên nhân.
Những yếu tố rủi ro của bệnh:
- Hít khói thuốc lá, khói bụi, khí thải
- Sử dụng thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc xịt mũi trong thời gian dài
- Trên 20 tuổi
- Có thai hoặc có kinh
- Bệnh tiểu đường và suy giáp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh viêm mũi có nhiều triệu chứng với mức độ từ nhẹ đến nặng. Bao gồm:
- Sổ mũi
- Nghẹt mũi
- Ngứa mũi
- Chảy nước mũi sau
- Đau họng do chất nhầy chảy xuống cổ họng
- Tăng chất nhầy trong mũi và cổ họng
- Hắt xì
- Ho
- Đau họng
- Thở khò khè và khó thở
- Ngứa mắt
- Chảy nước mắt
- Đau đầu
- Mất mùi, vị và thính giác nhẹ
- Đau mặt
- Mệt mỏi và khó chịu
- Đau xoang và quầng thâm dưới mắt.
Để chẩn đoán, người bệnh sẽ được hỏi về bệnh sử và triệu chứng, khám sức khỏe chi tiết. Ngoài ra người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán. Điều này giúp xác định tình trạng, phân biệt viêm mũi dị ứng hay không dị ứng.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được lấy mẫu máu và xét nghiệm immunoglobulin E (IgE). Điều này giúp phát hiện loại dị ứng và nguyên nhân cụ thể.
- Thử nghiệm lẩy da: Một mẫu nhỏ của những chất gây dị ứng khác nhau được đặt lên da. Sau đó dùng kim chích vào da hoặc cào. Điều này giúp chất gây dị ứng xâm nhập vào bên dưới bề mặt da. Nếu có dị ứng, khu vực ảnh hưởng sẽ đỏ lên, khó chịu và sưng tấy trong vòng 30 phút.
Biến chứng và tiên lượng
Những triệu chứng của viêm mũi khiến người bệnh khó chịu nhưng thường không gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Việc hạn chế tiếp xúc với chất gây dị ứng và dùng thuốc có thể làm dịu nhanh các triệu chứng và ngăn tái phát.
Tuy nhiên những người bị viêm mũi không dị ứng phát triển nhiều lần và kéo dài, dị ứng với không khí sẽ làm tăng nguy cơ phát triển những biến chứng dưới đây:
- Nhiễm trùng tai
- Nhiễm trùng xoang (viêm xoang)
- Làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh hen suyễn
- Mệt mỏi vào ban ngày
- Polyp mũi
Điều trị
Người bệnh được yêu cầu tránh tiếp xúc với chất gây dị ứng hoặc chất kích ứng khi điều trị viêm mũi. Sau đó được hướng dẫn sử dụng thuốc và các biện pháp chăm sóc để làm dịu và ngăn các triệu chứng tái phát.
1. Thuốc
Bệnh viêm mũi được điều trị bằng những loại thuốc dưới đây:
- Thuốc xịt mũi kháng histamine
Bệnh nhân thường được dùng thuốc xịt mũi kháng histamin để điều trị. Thuốc có tác dụng làm dịu các mô lót bên trong mũi, làm loãng chất nhầy.
Ngoài ra thuốc kháng histamin còn có khả năng điều trị những triệu chứng của dị ứng, bao gồm ngứa mũi, ngứa mắt, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi... Những loại thường được sử dụng gồm Olopatadine hydrochloride và Azelastine.
- Nước muối xịt mũi
Nước muối xịt mũi được dùng để dưỡng ẩm cho mũi bị viêm, làm dịu những mô lót bên trong mũi và làm loãng chất nhầy. Ngoài ra việc sử dụng nước muối xịt mũi còn giúp kháng viêm, giảm lượng chất nhầy tích tụ và chống nhiễm trùng.
- Thuốc nhỏ mắt
Bệnh nhân được dùng thuốc nhỏ mắt để giảm ngứa và những triệu chứng liên quan đến viêm mũi dị ứng. Thuốc có tác dụng giảm ngứa hiệu quả, thường được dùng ngắn hạn.
- Thuốc xịt mũi Ipratropium
Những trường hợp viêm mũi không dị ứng thường được dùng thuốc xịt mũi Ipratropium. Thuốc có tác dụng giảm chảy nước mũi và làm dịu sổ mũi.
Thuốc xịt mũi Ipratropium cũng có hiệu quả đối với viêm mũi dị ứng. Tuy nhiên việc dùng thuốc kéo dài có thể gây khô bên trong mũi và chảy máu cam.
- Chất ức chế leukotriene
Bác sĩ có thể chỉ định chất ức chế leukotriene để ngăn cơ thể giải phóng histamin, leukotriene cùng những hóa chất khác. Từ đó giảm phản ứng dị ứng.
- Thuốc thông mũi
Bệnh nhân được dùng thuốc thông mũi để giảm nghẹt mũi và thu hẹp mạch máu. Điều này giúp người bệnh dễ thở và giảm bớt những triệu chứng khó chịu.
- Steroid
Thuốc steroid được dùng cho những bệnh nhân bị sưng tấy do viêm mũi không dị ứng. Thuốc có tác dụng điều trị viêm, ngăn ngừa và giảm sưng tấy.
Thuốc xịt mũi steroid có thể được dùng thay thế thuốc kháng histamine hoặc thuốc thông mũi khi những loại thuốc này không thể giúp kiểm soát triệu chứng.
2. Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch giúp điều trị viêm mũi bằng cách tăng khả năng chịu đựng của cơ thể với những chất gây dị ứng. Trong đó người bệnh được tiêm phòng dị ứng với một lượng nhỏ chất gây dị ứng. Lượng chất dị ứng sẽ được tăng lên vào những lần tiếp theo.
Theo thời gian tiêm phòng, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ phát triển khả năng miễn dịch với những chất kích ứng và chất gây dị ứng. Từ đó ngừng phát động phản ứng với những chất này.
Ngoài tiêm phòng dị ứng, bệnh nhân có thể được áp dụng liệu pháp miễn dịch ngậm dưới lưỡi (SLIT). Trong đó người bệnh sẽ được đặt một viên thuốc chứa nhiều chất gây dị ứng dưới lưỡi. Thuốc này hoạt động như những mũi dị ứng.
3. Biện pháp khắc phục tại nhà
Những biện pháp chăm sóc có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh viêm mũi. Bao gồm:
- Rửa sạch bên trong mũi: Dùng hỗn hợp nước muối pha loãng hoặc nước muối sinh lý để làm sạch bên trong mũi. Điều này giúp loại bỏ vi khuẩn, chất gây dị ứng và chất nhầy bên trong mũi. Từ đó giảm bớt các triệu chứng. Nên dùng nước muối làm sạch mũi mỗi ngày.
- Xì mũi nhẹ nhàng: Nếu có nhiều chất nhầy trong mũi, hãy thường xuyên xì mũi nhẹ nhàng để giảm nghẹt mũi và khó thở.
- Dùng thiết bị tạo độ ẩm: Cân bằng độ ẩm cho không khí bằng cách đặt thiết bị tạo độ ẩm trong phòng ngủ hoặc phòng làm việc. Điều này giúp hạn chế các triệu chứng ở mũi như nghẹt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi sau...
- Hít hơi nước: Có thể hít hơi nước từ nước ấm trong khi tắm. Điều này giúp thư giãn, nới lỏng chất nhầy trong mũi, giảm bớt cảm giác khó chịu và nghẹt mũi.
- Uống nhiều chất lỏng: Nên uống nhiều nước lọc, uống nước ép trái cây hoặc nhâm nhi những loại trà không chứa caffein. Biện pháp này giúp nới lỏng chất nhầy trong mũi và tăng cảm giác dễ chịu. Không nên dùng thức uống có chứa caffein.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể ngăn ngừa viêm mũi bùng phát và giảm bớt những triệu chứng. Bao gồm:
- Tìm hiểu và xác định những yếu tố có khả năng kích hoạt những triệu chứng của bệnh viêm mũi. Sau đó tránh tiếp xúc với tác nhân.
- Không dùng thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc xịt thông mũi quá lâu.
- Tránh dụi mắt, không chạm vào mặt và mũi.
- Đóng cửa sổ khi số lượng phấn hoa cao hơn (vào mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu).
- Những người tiền sử dị ứng hoặc nguy cơ cao nên mang khẩu trang khi ra ngoài để tránh dị ứng với phấn hoa. Ngoài ra nên đội mũ và đeo kính râm khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi phấn hoa; thay quần áo ngay khi về nhà.
- Sử dụng bao bọc gối và nệm được làm bằng vải chống mạt bụi.
- Nếu dị ứng với lông thú cưng, hãy tránh để cho vật nuôi di chuyển xung quanh nhà và trong phòng ngủ. Tốt nhất nên dành riêng một khu cho thú cưng và thường xuyên dọn dẹp lông.
- Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đảm bảo sinh sống và làm việc ở những nơi có không khí trong lành.
- Không hít khói thuốc lá, khói bụi và những chất gây dị ứng khác.
- Không sống và làm việc ở những nơi có không khí ô nhiễm.
- Sử dụng máy điều hòa không khí và bộ lọc trong máy hút bụi để loại bỏ bớt lượng chất gây dị ứng trong không khí.
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ. Đặc biệt là trước và sau khi ăn, sau khi chơi với thú cưng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi bị viêm mũi?
2. Điều trị kéo dài trong bao lâu?
3. Cách chăm sóc nào được đề nghị để kiểm soát triệu chứng?
4. Những tác dụng phụ nào có thể gặp khi dùng thuốc?
5. Có bao nhiêu lựa chọn điều trị? Rủi ro và lợi ích?
6. Tôi cần tránh những gì khi điều trị viêm mũi?
7. Tôi có thể gặp biến chứng không?
Bệnh viêm mũi được phân thành dị ứng và không dị ứng, xảy ra do nhiều nguyên nhân. Hầu hết các trường hợp có thể kiểm soát tốt bệnh lý và không gặp biến chứng. Tuy nhiên nếu những triệu chứng nặng và tái phát nhiều lần, người bệnh có thể có những vấn đề về sức khỏe. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chữa bệnh hiệu quả nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!