Ung Thư Mũi
Ung thư mũi hiếm gặp hơn so với những loại ung thư khác. Tuy nhiên đây là một dạng ung thư đầu cổ nguy hiểm, gây tử vong nếu không được chữa trị sớm. Bệnh gồm những khối u phát triển ở khu vực của các xoang mũi.
Tổng quan
Bệnh ung thư mũi là một bệnh ung thư đầu cổ hiếm gặp. Trong đó những khối u ác tính hình thành trong khoang mũi và các xoang cạnh mũi. Khi không được phát hiện, khối u ác tính có thể xâm lấn sâu hơn, lây lan đến các hạch và cơ quan xa. Từ đó đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Ung thư mũi gây ra những triệu chứng không đặc hiệu. Các triệu chứng giống với những tình trạng lành tính xảy ra ở xoang và khoáng mũi, chẳng hạn như viêm mũi và nhiễm trùng. Điều này khiến người bênh khó nhận biết và chẩn đoán sớm.
Bệnh được điều trị bằng nhiều phương pháp, tùy thuộc vị trí của khối u và mức độ lan rộng. Tuy nhiên hầu hết trường hợp cần cắt bỏ khối u bằng phẫu thuật kết hợp xạ trị và hóa trị để loại bỏ những tế bào ác tính cuối cùng.
Phân loại
Dựa vào vị trí bắt đầu, bệnh ung thư mũi được phân thành những loại dưới đây:
- Ung thư khoang mũi: Bệnh xảy ra khi ung thư bắt đầu ở lỗ phía sau mũi (khoang mũi). Khoang mũi chạy dọc theo vòm miệng và nối với phần trên của cổ họng.
- Ung thư xoang cạnh mũi: Bệnh xảy ra khi ung thư bắt đầu trong xoang. Xoang gắn vào khoang mũi, gồm 4 xoang trong mỗi hộp sọ. Cụ thể như xoang sàng, xoang hàm, xoang bướm và xoang trán. Những khối u ung thư có thể bắt đầu ở bất kỳ hốc xoang nào.
Ung thư mũi có thể phát triển ở bất kỳ tế bào nào tạo nên xoang và khoang mũi. Cụ thể:
- Tế bào biểu mô vảy
- Tế bào hắc tố
- Tế bào tuyến
- Tế bào hạch huyết
- Tế bào thần kinh
- Tế bào cơ, sợi, xương và sụn.
Mỗi loại ung thư sẽ có triển vọng khác nhau và phương pháp điều trị khác nhau.
Những giai đoạn của bệnh ung thư mũi:
- Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn mới phát của ung thư. Trong đó tế bào ung thư ở tại chỗ, chưa ảnh hưởng đến những mô lân cận.
- Giai đoạn I: Bệnh nhân có khối u nhỏ, chưa phát triển sâu vào những mô lân cận. Trong giai đoạn I, ung thư chưa lan đến hạch bạch huyết và các cơ quan.
- Giai đoạn II: Khối u tăng kích thước, đã phát triển sâu hơn vào những mô lân cận. Trong giai đoạn này, ung thư có thể có hoặc chưa lây lan đến hạch bạch huyết vùng, chưa di căn đến những cơ quan trong cơ thể.
- Giai đoạn III: Khối u ung thư phát triển sâu hơn vào các mô, đã lan sang những hạch bạch huyết vùng hoặc xa. Tuy nhiên ung thư chưa lan đến những cơ quan trong cơ thể.
- Giai đoạn IV (giai đoạn cuối): Ung thư đã lan đến những hạch bạch huyết, di căn sang các cơ quan hoặc bộ phận ở xa của cơ thể. Những trường hợp này không thể điều trị, thời gian sống rất ngắn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không rõ nguyên nhân chính xác gây ung thư mũi. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy sự thay đổi chức năng điển hình của một số gen có thể gây ra ung thư.
Trong đó Proto-oncogenes là những gen đảm nhận chức năng phân chia, duy trì sự sống và cho biết khi nào tế bào phát triển. Khi các chức năng bị rối loạn, những tế bào được sản sinh và phát triển ngoài tầm kiểm soát. Từ đó khiến bệnh ung thư phát triển, bao gồm cả ung thư mũi.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Hút thuốc lá hoặc thường xuyên hít khói thuốc lá
- Thường xuyên tiếp xúc với một số chất kích thích và hóa chất tại nơi làm việc. Chằng hạn như bụi từ gỗ, da và dệt may; cồn tẩy rửa, khói từ keo, bụi từ bột mì, bụi kim loại (niken và crom)...
- Nhiễm virus gây u nhú ở người (virus HIV) và virus Epstein Barr (EBV)
- Do truyền. Những người thừa hưởng gen đột biến từ cha mẹ sẽ có nguy cơ phát triển bệnh ung thư. Tuy nhiên ung thư mũi hiếm khi xảy ra ở trường hợp này
- Xạ trị ung u nguyên bào võng mạc - một dạng ung thư mắt di truyền.
Triệu chứng và chẩn đoán
Phụ thuộc vào loại ung thư, bệnh ung thư mũi có thể gây ra những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Tắc nghẽn (nghẹt mũi) không rõ nguyên nhân. Tắc nghẽn thường ở một bên mũi
- Đau quanh mắt
- Đau ở một phía ở mũi, trán, má. Đau lan tới mắt và tai ở trường hợp nặng
- Chất nhầy chảy vào cổ họng
- Chảy máu cam
- Mất khứu giác
- Mủ tích tụ trong mũi
- Thường xuyên cảm thấy tê răng hoặc mất răng
- Nhìn thấy khôi u trong mũi
- Thay đổi tầm nhìn
- Chảy nước mắt
- Khó mở miệng
- Đau hoặc tăng áp lực ở một bên tai
- Sưng hạch bạch huyết
- Sưng mặt, phù nề nghiêm trọng
- Chảy máu cam
- Sổ mũi
- Có tổn thương hoặc một vết loét trên vòm miệng
Người bệnh được hỏi về triệu chứng, tiền sử bệnh và kiểm tra đường mũi trong quá trình thăm khám. Nếu nghi ngờ ung thư mũi, bệnh nhân được thực hiện những xét nghiệm dưới đây:
- Nội soi mũi: Ống nội soi được đưa vào mũi để kiểm tra đường mũi và xoang. Kiểm tra này giúp phát hiện khối u và những tổn thương khác.
- Sinh thiết: Sinh thiết được thực hiện trong quá trình nội soi mũi. Trong đó mẫu mô ở vị trí ảnh hưởng được lấy ra và phân tích. Điều này có thể giúp phân biệt tế bào lành tính hay ác tính.
- Chụp MRI hoặc CT: Chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT) có thể giúp xác định chính xác vị trí, kích thước và tính chất của khối u. Ngoài ra hình ảnh thu được còn giúp xác định mức độ xâm lấn của khối u và những cơ quan bị ảnh hưởng.
Biến chứng và tiên lượng
Tiên lượng của ung thư mũi phụ thuộc vào vị trí, mức độ lây lan và loại ung thư. Nếu được phát hiện và điều trị, bệnh nhân có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật và xạ trị.
Tuy nhiên phần lớn trường hợp phát hiện ung thư mũi ở giai đoạn muộn, khi khối u phát triển đủ lớn, chặn đường mũi hoặc xoang. Khi được kiểm tra, ung thư đã ở những giai đoạn cuối, thậm chí đã lây lan đến những cơ quan xa của cơ thể và có thời gian sống ngắn.
Tỉ lệ sống sót trên 5 năm của bệnh nhân bị ung thư mũi:
- Không có dấu hiệu ung thư lan rộng: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 85%
- Ung thư đã lan đến những hạch bạch huyết hoặc cấu trúc lân cận: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 52%
- Ung thư đã di căn đến những vùng xa: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 42%
Những yếu tố làm ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh:
- Tuổi tác
- Tình trạng sức khỏe
- Vị trí khối u
- Loại ung thư mũi
- Khả năng đáp ứng với phương pháp điều trị
- Lối sống và ăn uống
Khi có những triệu chứng, người bệnh cần thăm khám và thực hiện các bài kiểm tra. Hầu hết bệnh nhân có những triệu chứng liên quan đến một vấn đề lành tính, không phải ung thư (chẳng hạn như nhiễm trùng và polyp mũi). Tuy nhiên việc kiểm tra sớm có thể giúp chẩn đoán sớm bệnh ung t
Điều trị
Dựa vào vị trí, kích thước khối u và mức độ lây lan, bệnh ung thư mũi được điều trị bằng những phương pháp dưới đây:
1. Phẫu thuật
Bệnh nhân cần phẫu thuật để loại bỏ khối u trong khoang mũi và các xoang cạnh mũi.
- Nội soi: Nếu khối u nhỏ, phẫu thuật được thực hiện ngay trong quá trình nội soi mũi.
- Mổ mở: Nếu khối u lớn, bác sĩ có thể rạch một đường gần mũi hoặc trong miệng. Sau đó tiếp cận khoang mũi hoặc xoang, dùng dụng cụ chuyên dụng loại bỏ khối u, xương và các mô có thể bị ảnh hưởng.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ loại bỏ khối u và mô ảnh hưởng một cách khéo léo, giảm thiểu thiệt hại cho những cấu trúc quan trọng trong đầu. Chẳng hạn như các dây thần kinh kiểm soát thị lực, mắt và não.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân thường được xạ trị liều cao để loại bỏ bất kỳ tế bào ác tính nào còn sót lại trong cơ thể.
2. Xạ trị
Xạ trị thường được thực hiện sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ác tính cuối cùng trong cơ thể. Phương pháp này sử dụng chùm tia năng lượng cao (như tia X và proton) để tác động và tiêu diệt nhanh những tế bào ung thư. Đôi khi xạ trị được thực hiện riêng lẻ để loại bỏ ung thư.
3. Hóa trị
Hóa trị có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật loại bỏ khối u ở mũi và cạnh mũi. Phương pháp này sử dụng thuốc chứa hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.
Trước khi phẫu thuật, hóa trị giúp thu nhỏ kích thước khối u ung thư, tăng hiệu quả loại bỏ ung thư bằng phẫu thuật. Sau phẫu thuật, hóa trị được thực hiện để loại bỏ tế bào ác tính còn sót lại. Đôi khi hóa trị được thực hiện kết hợp với xạ trị để tăng hiệu quả.
4. Chăm sóc giảm nhẹ
Trong quá trình xạ trị hoặc hóa trị, người bệnh được áp dụng những biện pháp chăm sóc giảm nhẹ. Điều này giúp giảm nhẹ cơn đau, cải thiện chất lượng cuộc sống và tinh thần cho những người mắc bệnh ung thư. Từ đó giúp người bệnh thoải mái hơn trong công cuộc chống bệnh.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể góp phần giảm nguy cơ bị ung thư mũi:
- Bỏ hút thuốc lá và không hít khói thuốc lá (thụ động hoặc chủ động).
- Vệ sinh mũi xoang mỗi ngày bằng nước muối. Điều này giúp làm sạch đường mũi và xoang, chống lại vi khuẩn và ngăn nhiễm trùng.
- Thực hiện chế độ dinh dưỡng lành mạnh, ăn nhiều thực phẩm chứa chất chống ung thư (vitamin A, C, chất chống oxy hóa, omage-3...) như bông cải xanh, cà tím, cà chua, cá béo, thịt nạc, các loại hoa quả và rau xanh...
- Thường xuyên tập thể dục thể thao để duy trì sức khỏe tốt, nâng cao hệ miễn dịch và khả năng chống bệnh.
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng hoặc mỗi năm 1 lần. Ngoài ra nên thăm khám ngay khi có những triệu chứng bất thường ở mũi. Điều này giúp phát hiện sớm bệnh ung thư và có cách điều trị tốt nhất.
- Tuân thủ những nguyên tắc an toàn, mang khẩu trang hoặc mặt nạ chống bụi tại nơi làm việc. Điều này giúp bảo vệ bạn khỏi những chất kích thích trong không khí và khói độc hại.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Khối u của tôi ở đâu?
2. Loại ung thư của tôi là gì?
3. Có bao nhiêu lựa chọn điều trị?
4. Phác đồ điều trị hiệu quả và được đề nghị là gì?
5. Tiên lượng ngắn hạn và dài hạn của tôi như thế nào?
6. Có tác dụng phụ tiềm ẩn từ phương pháp điều trị không?
7. Quá trình điều trị kéo dài trong bao lâu?
8. Tôi có đủ điều kiện để phẫu thuật không?
Ung thư mũi là bệnh ung thư đầu cổ hiếm gặp. Bệnh có những triệu chứng tương tự như các bệnh lý thông thường nên thường khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Nếu điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể được chữa khỏi, tỉ lệ sống trên 5 năm cao. Những trường hợp điều trị muộn có tiên lượng giảm và có nguy cơ tử vong trong thời gian ngắn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!