Bệnh Ung Thư Tinh Hoàn
Ung thư tinh hoàn có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai tinh hoàn. Bệnh thường bắt đầu khi có những thay đổi trong tế bào mầm, sau đó lan ra bên ngoài tinh hoàn và những bộ phận khác trên cơ thể.
Tổng quan
Ung thư tinh hoàn là bệnh ung thư xảy ra ở một hoặc cả hai tinh hoàn, hình thành khi những tế bào ác tính (ung thư) phát triển trong các mô của tinh hoàn. Đây là hai tuyến sinh dục nằm trong bìu (túi da bên dưới dương vật), có chức năng sản xuất tinh trùng và hormone testosterone.
Bệnh có thể xảy ra ở tất cả những người có tinh hoàn, nhưng phổ biến hơn ở nam giới trong độ tuổi từ 15 - 45 tuổi. Ung thư thường được phát hiện sớm thông qua một khối u hoặc một vết sưng trên tinh hoàn (triệu chứng sớm)
Khi không chữa chữa trị, những tế bào ung thư sẽ nhanh chóng phát triển, ra bên ngoài, cuối cùng lây lan đến những bộ phận khác trên cơ thể và tử vong. Mặc dù vậy u ác tính ở tinh hoàn dễ điều trị ngay cả khi những tế bào ung thư đã lây lan. Phương pháp điều trị sẽ dựa trên mức độ lan rộng của ung thư và loại ung thư tinh hoàn cụ thể.
Phân loại
Hầu hết trường hợp có ung thư phát triển từ những tế bào mầm (tế bào tạo ra tinh trùng) trong tinh hoàn (chiếm 90% trường hợp). Trong đó những tế bào mầm có sự thay đổi về tính chất, tụ lại với nhau tạo thành một khối u. Bệnh cũng có thể phát triển trong những mô sản xuất hormone.
Bệnh ung thư tinh hoàn được phân thành 2 loại, bao gồm:
- U tinh bào (Seminoma)
Seminoma là khối u xuất hiện từ tế bào mầm ở tinh hoàn. Khối u phát triển chậm, có thể lành tính hoặc ác tính, thường giới hạn ở tinh hoàn. Tuy nhiên các hạch bạch huyết xung quanh có thể bị ảnh hưởng. U tinh bào thường gặp ở những người có độ tuổi từ 40 - 50 tuổi.
- Khối u không phải u tinh (Non-seminoma)
Non-seminoma là các khối u không phải Seminoma. Dạng này thường phổ biến hơn, khối u phát triển nhanh hơn và có nhiều khả năng lan sang những bộ phận khác của cơ thể. Nonseminoma thường ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Những người có độ tuổi 20 và đầu 30.
Non-seminoma có 4 loại, được đặt tên dựa trên loại tế bào mầm tạo nên khối u. Bao gồm:
-
- Ung thư biểu mô phôi: Khi quan sát dưới kính hiển vi, những tế bào này giống như các mô từ phôi thai.
- Ung thư biểu mô túi noãn hoàng: Quan sát thấy những tế bào này giống như túi xung quanh phôi. Ung thư biểu mô túi noãn hoàng thường xảy ra ở trẻ em.
- Ung thư màng đệm (Choriocarcinoma): Loại này rất hiếm. Tuy nhiên khi xảy ra, ung thư màng đệm nhanh chóng lây lan khắp cơ thể.
- U quái: Những tế bào của u quái trông giống như những tế bào của phôi thai khi quan sát dưới kính hiển vi.
Ung thư tế bào mầm trong tinh hoàn có thể bắt đầu từ một dạng khác, được gọi là tân sinh tế bào mầm trong ống hoặc ung thư biểu mô tại chỗ. Loại này có thể trở thành ung thư xâm lấn hoặc không, thường không gây ra các triệu chứng (bao gồm cả cục u) nên rất khó để chẩn đoán.
Khối u mô đệm thường vô hại nhưng cũng có thể dẫn đến ung thư, chiếm 20% trường hợp ở trẻ em nam và 5% trường hợp ở nam giới. Chúng được phân thành 2 loại, bao gồm:
- Khối u tế bào Sertoli: Bệnh xảy ra khi ung thư phát triển từ những tế bào hỗ trợ tế bào mầm.
- U tế bào Leydig: Bệnh xảy ra khi ung thư phát triển từ những tế bào tạo ra hormone sinh dục nam.
Đôi khi ung thư tinh hoàn bắt đầu ở một bộ phận khác của cơ thể, được gọi là ung thư tinh hoàn thứ phát. Trong đó ung thư hạch (Lymphoma) là loại phổ biến nhất. Đây là bệnh ung thư bắt đầu từ những tế bào chống nhiễm trùng của hệ miễn dịch.
Các giai đoạn của bệnh
Những giai đoạn của bệnh ung thư tinh hoàn:
- Giai đoạn 0: Đây là giai đoạn tân sinh tế bào mầm tại chỗ (GCNIS). Trong dó nam giới có sự phát triển của những tế bào bất thường thuộc tinh hoàn, tại nơi những tế bào tinh trùng bắt đầu phát triển.
- Giai đoạn I: Những tế bào ung thư chỉ giới hạn ở tinh hoàn, ảnh hưởng đến mạch máu hoặc những hạch bạch huyết gần đó. Ngoài ra những dấu ấn khối u có thể tăng hoặc không.
- Giai đoạn II: Tế bào ung thư đã lan đến những hạch bạch huyết sau phúc mạc (phía sau bụng. Trong giai đoạn này, tế bào ung thư chưa lây lan đến những cơ quan khác.
- Giai đoạn III: Ung thư từ tinh hoàn đã lây lan đến những hạch bạch huyết bên ngoài bụng hoặc đến một cơ quan.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Ung thư tinh hoàn xảy ra khi có yếu tố làm thay đổi ADN của những tế bào tinh hoàn. Điều này khiến những tế bào nhanh chóng phát triển và nhân lên. Trong khi những tế bào khỏe mạnh trong cơ thể chết đi như một vòng đời tự nhiên, những tế bào ung thư vẫn tiếp tục sống và tích tụ.
Khi có nhiều tế bào dư thừa trong tinh hoàn, khối u sẽ hình thành. Theo thời gian, khối u ung thư tăng kích thước và phát triển vượt ra ngoài tinh hoàn. Vào giai đoạn nặng hơn, một số tế bào vỡ ra, lan đến những hạch bạch huyết và các cơ quan của cơ thể (như gan và phổi). Điều này được gọi là ung thư tinh hoàn di căn.
Nguyên nhân làm thay đổi ADN của những tế bào tinh hoàn và nhiều loại ung thư tinh hoàn không được biết rõ. Tuy nhiên những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ:
- Tinh hoàn ẩn
- Có tinh hoàn phát triển bất thường
- Nam giới có độ tuổi từ 15 - 45 tuổi
- Người da trắng
- Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư tinh hoàn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Ung thư tinh hoàn thường chỉ xảy ra ở một bên tinh hoàn. Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng:
- Có một vết sưng hoặc khối u không đau trong tinh hoàn (dấu hiệu phổ biến nhất)
- Đột ngột tích tụ chất lỏng hoặc sưng trong bìu
- Đau âm ỉ ở bụng dưới hoặc háng
- Có cảm giác nặng nề trong bìu
- Đau hoặc khó chịu ở bìu
- Teo tinh hoàn với một tinh hoàn bị co lại
- Mở rộng hoặc đau của mô vú
- Đau lưng.
Ung thư có thể được phát hiện thông qua quá trình kiểm tra tinh hoàn. Trong đó bệnh nhân được hỏi về tiền sử bệnh và triệu chứng. Ngoài ra bác sĩ có thể sờ và quan sát để tìm khối u, phát hiện những dấu hiệu của ung thư.
Nếu một cả hai tinh hoàn có một khối u hoặc xuất hiện những thay đổi khác, người bệnh sẽ được thực hiện thêm nhiều xét nghiệm (cận lâm sàng) để xác định chẩn đoán và đánh giá mức độ lan rộng của ung thư. Cụ thể:
- Siêu âm: Trong khi siêu âm, sóng âm thanh năng lượng cao sẽ được sử dụng để tạo ra hình ảnh của các mô trong cơ thể. Từ đó có thể phát hiện khối u ác tính trong tinh hoàn.
- Cắt bỏ tinh hoàn và sinh thiết: Nếu phát hiện khối u trong khi siêu âm, bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ tinh hoàn. Thông qua vết rạch ở háng, tinh hoàn được lấy ra. Sau đó kiểm tra các mô dưới kính hiển vi để phát hiện những tế bào ung thư.
- Xét nghiệm đánh dấu khối u trong huyết thanh: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để đo những chất đánh dấu khối u. Nếu bị ung thư tinh hoàn, nồng độ alpha-fetoprotein (AFP), lactate dehydrogenase (LDH) và gonadotropin màng đệm ở người (HCG hoặc beta-HCG) sẽ tăng cao.
- Chụp CT: Bệnh nhân được chụp CT vùng bụng và xương chậu để kiểm tra sự lây lan của những tế bào ung thư đến các cơ quan trong ổ bụng.
- Chụp MRI: Chụp MRI thường được chỉ định khi có nghi ngờ tế bào ung thư đã lan đến hệ thống thần kinh trung ương, bao gồm não và tủy sống. Hình ảnh thu được có thể giúp đánh giá chính xác tình trạng.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh ung thư tinh hoàn có tiên lượng tốt và khả năng điều trị cao. Hơn 95% bệnh nhân được điều trị thành công. Tỉ lệ chữa khỏi ở những bệnh nhân có yếu tố không thuận lợi là 50%.
Mặc dù vậy ung thư vẫn có thể lây lan đến những bộ phận khác và gây tử vong, Điều quan trọng là phát hiên và điều trị sớm để tăng tiên lượng cũng như tỉ lệ sống sót.
Tỉ lệ chữa khỏi bệnh và sống sót trên 5 năm ở những bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn gồm:
- Khối u khu trú hoặc không lan ra ngoài tinh hoàn: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 99%
- Khối u lan đến những hạch bạch huyết hoặc bộ phận lân cận: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 96%
- Khối u di căn đến những hạch bạch huyết ở xa, gan hoặc phổi: Tỉ lệ sống sót trên 5 năm là 73%
Điều trị
Điều trị ung thư tinh hoàn dựa trên loại và mức độ lây lan của ung thư. Dưới đây là những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh nhân bị ung thư tinh hoàn. Phương pháp này giúp loại bỏ khối u ung thư và những cơ quan bị ảnh hưởng. Từ đó duy trì sự sống cho người bệnh.
Dựa vào mức độ lây lan của ung thư, người bệnh có thể được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn hoặc/ và những hạch bạch huyết xung quanh.
- Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn
Hầu hết bệnh nhân được phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn (phẫu thuật cắt tinh hoàn bẹn triệt để) sau khi phát hiện ung thư. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân có ung thư chưa lan ra ngoài tinh hoàn. Nếu lan đến hạch bạch huyết, phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết sẽ được áp dụng đồng thời.
Khi thực hiện, bác sĩ cắt bỏ tinh hoàn thông qua một đường rạch nhỏ ở háng. Sau đó sử dụng tinh hoàn nhân tạo chứa đầy gel để thay thế tinh hoàn đã mất (nếu có nhu cầu).
- Phẫu thuật loại bỏ hạch bạch huyết
Nếu có nghi ngờ hoặc ung thư đã lan đến những hạch huyết lân cận, người bệnh sẽ được phẫu thuật cắt tinh hoàn kết hợp loại bỏ hạch bạch huyết. Trong đó những hạch bạch huyết sẽ bị loại bỏ thông qua một đường rạch ở bụng.
Sau khi phẫu thuật, những hạch bạch huyết sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để kiểm tra những tế bào ung thư.
2. Xạ trị
Xạ trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng chùm tia năng lượng cao. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được xạ trị bên trong (xạ trị áp sát) hoặc xạ trị bên ngoài.
- Xạ trị bên trong: Phương pháp này sử dụng dây phóng xạ hoặc hạt phóng xạ đặt trong khu vực bị ảnh hưởng. Tia phóng xạ có thể xuyên qua mô đến lõi của khối u.
- Xạ trị bên ngoài: Phương pháp nay sử dụng một máy nhắm bức xạ vào khu vực có tế bào ung thư.
Xạ trị có thể được áp dụng trước hoặc sau khi phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Xạ trị sau phẫu thuật giúp tiêu diệt tế bào ác tính còn sót lại. Phương pháp này thường không được chỉ định cho những bệnh nhân mắc bệnh ung thư tinh hoàn non-seminoma.
Một số tác dụng phụ có thể gặp gồm buồn nôn, mệt mỏi và giảm số lượng tinh trùng.
3. Hóa trị
Hóa trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng một loại thuốc mạnh. Trong đó thuốc sẽ theo dòng máu đi khắp cơ thể và tiêu diệt những tế bào ung thư (bao gồm cả những tế bào đã lan ra bên ngoài tinh hoàn).
Thông thường hóa trị sẽ được thực hiện sau phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn. Điều này giúp loại bỏ những tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể.
Đôi khi hóa trị được thực hiện trước khi phẫu thuật cho những bệnh nhân có ung thư tiến triển nặng. Điều này giúp thu nhỏ kích thước khối u, tăng khả năng chữa khỏi bệnh bằng phẫu thuật.
Một số tác dụng phụ có thể gặp gồm ngừng sản xuất tinh trùng, buồn nôn, mệt mỏi và rụng tóc. Sau khi điều trị ung thư, quá trình sản xuất tinh trùng sẽ bắt đầu trở lại.
4. Liệu pháp miễn dịch
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được chỉ định liệu pháp miễn dịch để điều trị ung thư. Liệu pháp này sử dụng thuốc để kích thích hệ miễn dịch của cơ thể tiêu diệt tế bào ung thư.
Những tế bào ung thư tồn tại bằng cách sản sinh một loại protein giúp che lắp sự có mặt của ung thư. Liệu pháp miễn dịch giúp những tế bào của hệ thống miễn dịch tìm thấy những tế bào ung thư và tiêu diệt chúng.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa bệnh ung thư tinh hoàn. Tuy nhiên nam giới có thể thường xuyên theo dõi sức khỏe và khám sàng lọc định kỳ. Điều này giúp phát hiện sớm ung thư và tăng khả năng điều trị thành công.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Khối u của tôi là lành tính hay ác tính?
2. Tôi bị ung thư tinh hoàn loại nào và giai đoạn mấy?
3. Tiên lượng của tôi là gì?
4. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
5. Những rủi ro có thể gặp từ phương pháp điều trị?
6. Tôi có khả năng điều trị thành công hay không?
7. Tôi cần tránh hoặc lưu ý những gì trong quá trình điều trị?
8. Tôi có thể có con bình thường sau điều trị ung thư hay không?
Bệnh ung thư tinh hoàn có tiên lượng tốt, dễ chữa, khả năng điều trị thành công và sống sót cao. Tuy nhiên ung thư vẫn có thể gây tử vong nếu không được điều trị và tế bào ung thư đã di căn xa. Do đó người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tăng tiên lượng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!