Chảy Máu Âm Đạo
Chảy máu âm đạo là một triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên điều này cũng có thể liên quan đến sự thay đổi nội tiết tố, mang thai và nhiều bệnh lý. Để xác định nguyên nhân, nữ giới cần theo dõi những biểu hiện đi kèm và thăm khám.
Tổng quan
Chảy máu âm đạo là thuật ngữ chỉ tình trạng xuất huyết từ khu vực âm đạo. Tình trạng này có thể bao gồm chảy máu liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt hoặc chảy máu không do chu kỳ kinh nguyệt (chẳng hạn như một số bệnh phụ khoa, rối loạn nội tiết tố hoặc chấn thương vùng sinh dục).
Chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt bình thường được gọi là chảy máu âm đạo bất thường. Trong đó lượng máu có thể ít hoặc nhiều, xảy ra ngẫu nhiên và thường xuất đồng thời với những triệu chứng khác.
Đối với máu ở dạng đốm và xuất hiện vào một thời điểm nào đó không đời, nữ giới không cần phải quá lo lắng. Bởi hầu hết những trường hợp này liên quan đến những nguyên nhân không đáng lo ngại và có thể tự khỏi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu âm đạo, được phân theo những nhóm dưới đây:
1. Chu kỳ kinh nguyệt
Chảy máu âm đạo trước kỳ kinh từ vài giờ đến 1 ngày ngày có thể liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này thường có máu xuất hiện ở dạng đốm, dính vào đáy quần lót. Sau vài tiếng, máu kinh có thể chảy ra bình thường cho đến khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc.
2. Nội tiết tố
Sự mất cân bằng nội tiết tố thường là nguyên nhân gây xuất huyết âm đạo bất thường. Điều này có thể liên quan đến những tình trạng dưới đây:
- Dùng thuốc tránh thai nội tiết tố: Dùng thuốc tránh thai nội tiết tố có thể khiến bạn bị chảy máu âm đạo đột ngột. Đây không phải là một tình trạng đáng lo ngại. Nữ giới bị xuất huyết đột ngột nhưng ít và có thể tự khỏi.
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): Đây là một bệnh lý liên quan đến nội tiết tố. Những người phụ nữ mắc bệnh lý này sẽ có kinh nguyệt không đều, nổi mụn trứng cá, mọc nhiều lông và vô sinh. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) xảy ra khi buồng trứng tạo ra quá nhiều hormone, tăng lượng androgen và khiến hormone sinh sản bị mất cân bằng.
- Anovulation: Chứng Anovulation xảy ra khi trứng (noãn) không rụng khỏi buồng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt (không phóng noãn). Điều này dẫn đến vô sinh. Những người mất chứng Anovulation sẽ có kinh nguyệt không đều, kinh nguyệt ra nhiều hoặc ít, mất kinh, thiếu chất nhầy cổ tử cung và có nhiệt độ cơ thể bất thường.
3. Điều kiện y tế
Chảy máu âm đạo bất thường có thể là dấu hiệu của một trong những tình trạng y tế dưới đây:
- Ung thư buồng trứng/ ống dẫn trứng: Xuất huyết âm đạo bất thường do ung thư buồng trứng thường kèm theo đau vùng chậu, tăng tiết dịch âm đạo, có mùi hôi tanh, đi tiểu thường xuyên. Bệnh lý này xảy ra khi buồng trứng hoặc ống dẫn trứng có những tế bào bất thường phát triển và nhân lên ngoài tầm kiểm soát.
- Ung thư cổ tử cung: Đây là bệnh ung thư phát triển từ những tế bào trong cổ tử cung. Ung thư tử cung có thể là ung thư biểu mô tế bào vảy hoặc ung thư biểu mô tuyến. Những người phụ nữ có bệnh lý này sẽ có kinh nguyệt kéo dài hoặc nặng hơn bình thường, chảy máu âm đạo bất thường (chảy máy giữa những chu kỳ kinh huyệt, sau khi giao hợp hoặc sau khi mãn kinh), dịch âm đạo chảy nước hoặc có máu.
- Ung thư nội mạc tử cung: Bệnh lý này thể hiện cho sự phát triển của u biểu mô ác tính từ những biểu mô nội mạc tử cung.
- Rối loạn chảy máu: Những vấn đề về chảy máu có thể là nguyên nhân khiến phụ nữ bị chảy máu âm đạo bất thường. Cụ thể:
- Bệnh máu khó đông
- Giảm tiểu cầu
- Bệnh von Willebrand
- Thiếu vitamin K
- Tác dụng phụ từ thuốc làm loãng máu.
- Suy giáp: Bệnh suy giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất và giải phóng đủ hormone tuyến giáp vào máu. Điều này làm giảm quá trình trao đổi thể chất, có thể gây xuất huyết âm đạo nhưng ít gặp.
- Adenomyosis: Bệnh xảy ra khi niêm mạc tử cung phát triển thành thành cơ của tử cung. Điều này làm cho tử cung to ra và dày lên. Adenomyosis khiến cho người bệnh bị đau bụng kinh dữ dội, chảy máu kinh nặng kèm theo những cục máu đông. Nhiều trường hợp còn bị xuất huyết âm đạo bất thường.
- U xơ tử cung: Đây là những khối u không phải ung thư phát triển ở trong hoặc trên tử cung, từ những mô cơ tử cung.
- Polyp tử cung: Polyp tử cung hình thành khi có sự phát triển quá mức và tích tụ của những tế bào trên niêm mạc tử cung. Những khối u này thường không phải là ung thư nhưng một số khác có thể phát triển thành polyp tiền ung thư.
- Tăng sản nội mạc tử cung: Sự mất cân bằng nội tiết tố estrogen và progesterone làm dày nội mạc tử cung. Tình trạng này có thể gây chảy máu âm đạo bất thường và làm tăng nguy cơ ung thư tử cung.
- Viêm cổ tử nặng: Xuất huyết âm đạo bất thường thường là một dấu hiệu thường gặp của viêm cổ tử cung nặng. Bệnh xảy ra khi cổ tử cung bị viêm hoặc nhiễm trùng.
3. Biến chứng khi mang thai
Nếu chảy máu âm đạo trong thời kỳ mang thai, nữ giới cần thận trọng vì đây có thể là dấu hiệu của những biến chứng dưới đây:
- Mang thai ngoài tử cung
- Sinh non
- Nhau tiền đạo
- Nhau bong non
- Sảy thai
4. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng ở bộ phận sinh dục nữ có thể khiến nữ giới bị xuất huyết âm đạo bất thường, bao gồm chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt và khi quan hệ tình dục.
Nhiễm trùng cũng có thể làm tăng tiết dịch âm đạo, dịch tiết bất thường và có mùi hôi, đau vùng chậu, kinh nguyệt không đều và khó mang thai.
Một số dang nhiễm trùng thường gặp:
- Viêm âm đạo
- Bệnh viêm vùng chậu
- Viêm nội mạc tử cung
- Viêm cổ tử cung
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như Chlamydia trachomatis và bệnh lậu.
5. Tổn thương
Chảy máu âm dạo có thể do lạm dụng tình dục hoặc quan hệ tình dục thô bạo. Những hoạt động này có thể khiến niêm mạc trong âm đạo bị trầy xước. Từ đó gây ra tình trạng chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục.
Xuất huyết âm đạo cũng có thể liên quan đến những chấn thương xuyên thấu hoặc nông ở âm đạo và cổ tử cung.
6. Thuốc và thiết bị
Chảy máu âm đạo có thể liên quan đến một số loại thuốc và thiết bị, bao gồm:
- Tác dụng phụ của thuốc Tamoxifen
- Ngừng hoặc thay đổi thuốc tránh thai hoặc sử dụng liệu pháp hormone mãn kinh
- Dùng dụng cụ tử cung (DCTC)
- Tampon không được lấy ra sau khi dùng.
7. Nguyên nhân khác
Mặc dù ít gặp nhưng xuất huyết âm đạo bất thường cũng có thể liên quan đến một số vấn đề dưới đây:
- Ung thư âm đạo
- Bệnh tiểu đường
- Căng thẳng cực độ
- Chèn vật lạ vào âm đạo
- Đột ngột tăng hoặc giảm cân.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những người bị chảy máu ngoài chu kỳ kinh nguyệt có thể có những triệu chứng dưới đây:
- Xuất hiện đốm máu vào cuối bãi khi đi tiểu hoặc dính trên quần lót
- Có máu lẫn trong dịch tiết âm đạo
- Máu có thể màu đỏ tươi hoặc hơi sẫm
- Chảy máu đột ngột, không thể đoán trước
- Chảy máu trong hoặc khi quan hệ tình dục.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, những triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau bụng dưới, xương chậu hoặc/ và lưng dưới
- Tăng tiết dịch âm đạo
- Dịch âm đạo có kết cấu và màu sắc bất thường, mùi hôi tanh
- Chóng mặt
- Suy nhược
- Kích ứng âm hộ hoặc âm đạo
- Tăng nhu cầu đi tiểu
- Đau khi đi tiểu
- Đau khi quan hệ tình dục
- Có cảm giác đầy hơi hoặc đầy bụng dưới
- Tăng chướng bụng (to ra)
- Không thể làm trống bàng quang hoàn toàn
- Chảy máu kinh nguyệt nặng (rong kinh)
- Đau bụng kinh
- Kinh nguyệt bất thường
- Đau vùng chậu, có hoặc không kèm theo chuột rút
- Tử cung mở rộng
- Khó có thai.
Để chẩn đoán nguyên nhân gây chảy máu âm đạo, bác sĩ sẽ hỏi về những triệu chứng, chu kỳ kinh nguyệt, loại thuốc đang dùng, tiền sử bệnh hoặc những thủ thuật gần đây.
Ngoài ra bệnh nhân sẽ được chỉ định những xét nghiệm dưới đây để tìm ra nguyên nhân gây bệnh:
- Phân tích nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể giúp phát hiện loại nhiễm trùng.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra máu nhằm xác định nhiễm trùng và các rối loạn đông máu.
- Xét nghiệm Pap: Phết tế bào cổ tử cung được thực hiện để sàng lọc ung thư cổ tử cung. Xét nghiệm này giúp phát hiện sự phát triển của những tế bào bất thường trước khi nó trở thành ung thư ở cổ tử cung.
- Thử thai: Nữ giới được thử thai để kiểm tra xuất huyết có liên quan đến mang thai hay không.
- Siêu âm: Siêu âm bụng hoặc qua đầu dò giúp quan sát những cơ quan vùng chậu. Điều này có thể phát hiện các bất thường, bao gồm tổn thương và những khối u.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI thường được chỉ định cho những trường hợp có nghi ngờ ung thư. Hình ảnh chi tiết có thể giúp đánh giá khối u.
- Nội soi tử cung: Đây là một thủ thuật giúp bác sĩ nhìn vào bên trong tử cung. Từ đó xác định và điều trị những nguyên nhân gây chảy máu bất thường.
- Sinh thiết: Mẫu mô ở vùng ảnh hưởng có thể được lấy ra và phân tích. Từ đó phát hiện những tế bào ung thư.
Biến chứng và tiên lượng
Nếu được khám và điều trị sớm, chảy máu âm đạo có thể được khắc phục nhanh mà không gây biến chứng. Ngược lại người bệnh có thể gặp những vấn đề dưới đây:
- Mất máu
- Suy nhược cơ thể
- Mệt mỏi thường xuyên
- Khó có thai hoặc vô sinh
- Ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống.
Mặt khác, chảy máu âm đạo có thể là dấu hiệu của những biến chứng khi mang thai, ung thư hoặc những bệnh lý nguy hiểm khác. Việc không xử lý kịp thời có thể gây sảy thai, ung thư lây lan và tử vong.
Điều trị
Điều trị chảy máu âm đạo dựa vào nguyên nhân, độ tuổi và mong muốn có thai của nữ giới. Nếu xuất huyết do những nguyên nhân không quá nghiêm trọng, bệnh nhân thường được hướng dẫn cách điều chỉnh lối sống và dùng thuốc. Những trường hợp nặng sẽ được chỉ định phẫu thuật.
1. Thay đổi lối sống
Nếu chảy máu âm đạo do mất cân bằng nội tiết tố, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách thay đổi lối sống và những biện pháp chăm sóc dưới đây:
- Ăn uống lành mạnh, đảm bảo ăn đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng. Đặc biệt nên ăn nhiều các loại thực phẩm giàu vitamin như rau và trái cây.
- Kiểm soát tâm trạng, tránh căng thẳng quá mức. Nên thực hiện những biện pháp thư giãn như nghỉ ngơi, tập yoga, ngồi thiền, hít thở sâu...
- Giảm cân nếu bạn có cân nặng dư thừa.
- Không lạm dụng thuốc tránh thai. Thuốc này chỉ nên được dùng khi cần thiết và dùng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc nặng nhọc hoặc lao động gắng sức.
- Thường xuyên tập thể dục có thể giúp duy trì những sức khỏe sinh sản và ổn định nội tiết tố.
2. Thuốc
Những loại thuốc dưới đây có thể được dùng để chữa chảy máu âm đạo:
- Thuốc chủ vận giải phóng Gonadotropin: Thuốc này được dùng để làm giảm quá trình giải phóng gonadotropin - hormone kích thích buồng trứng. Từ đó làm giảm kích thước của u xơ tử cung, giảm hoặc ngăn chặn dòng chảy kinh nguyệt.
- Axit tranexamic: Thuốc này được dùng khi bạn bị chảy máu âm đạo quá nhiều. Thuốc có tác dụng cầm máu kinh nguyệt.
- Thuốc kháng sinh: Bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh khi chảy máu âm đạo liên quan đến nhiễm trùng. Thuốc giúp tiêu diệt nhanh vi khuẩn gây nhiễm trùng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen có thể được dùng để điều trị viêm và kiểm soát tình trạng chảy máu nặng.
- Phương pháp ngừa thai nội tiết tố: Nếu bị xuất huyết âm đạo ngoài chu kỳ kinh nguyệt, nữ giới có thể được dùng phương pháp ngừa thai nội tiết tố. Trong đó vòng âm đạo, miếng dán hoặc thuốc viên được dùng để giảm lượng kinh nguyệt, giúp kinh nguyệt đều đặn và không bị chảy máu bất thường.
3. Dụng cụ tử cung (DCTC)
Một số dụng cụ tránh thai được dùng để ngừa có thai, cầm máu hoặc giảm thiểu lượng máu. Phương pháp này thường được cân nhắc khi dùng thuốc không đạt hiệu quả cao.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật được cân nhắc cho những người bị chảy máu âm đạo nghiêm trọng hoặc được gây ra bởi nguyên nhân phức tạp. Dưới đây là một số lựa chọn:
- Nong và nạo (D&C): Đây là một thủ thuật giúp lấy mô ra khỏi tử cung. Thủ thuật này được thực hiện cho những người chảy máu không rõ nguyên nhân giữa chu kỳ kinh nguyệt, sót mô trong tử cung sau phá thai và sảy thai.
- Cắt bỏ nội mạc tử cung: Phương pháp này bao gồm việc phá hủy niêm mạc tử cung bằng nhiệt, lạnh hoặc một số dạng năng lượng khác. Điều này giúp làm giảm hoặc cầm máu. Nếu kinh nguyệt ra quá nhiều, bác sĩ có thể cân nhắc cắt bỏ nội mạc tử cung.
- Thuyên tắc động mạch tử cung: Phương pháp này được chỉ định cho những bệnh nhân bị u xơ tử cung. Thuyên tắc động mạch tử cung bao gồm việc ngăn chặn những mạch máu cung cấp máu trong tử cung và giúp u xơ phát triển. Khi không được cung cấp lượng máu cần thiết, u xơ sẽ teo dần.
- Phẫu thuật cắt polyp: Những người có khối u lành tính sẽ được phẫu thuật nội soi để cắt bỏ. Từ đó loại trừ nguyên nhân gây xuất huyết âm đạo bất thường.
- Cắt bỏ u xơ tử cung (Myomectomy): Phương pháp cắt bỏ u xơ tử cung được thực hiện cho những người có u xơ tử cung lớn và cần được loại bỏ. Trong quá trình này, bác sĩ tiến hành loại bỏ những khối u xơ nhưng không làm ảnh hưởng đến những mô trong tử cung. Từ đó giúp bảo tồn khả năng mang thai của nữ giới.
- Cắt bỏ tử cung (Hysterectomy): Đây là một phương pháp loại bỏ tử cung. Sau khi thực hiện, người bệnh không còn kinh nguyệt và không thể mang thai. Cắt bỏ tử cung chỉ được thực hiện khi có ung thư nội mạc tử cung hoặc không thành công khi điều trị bằng những phương pháp khác.
Phòng ngừa
Nhiều nguyên nhân gây chảy máu âm đạo được ngăn ngừa khi thực hiện những biện pháp sau:
- Cân nặng dư thừa có thể dẫn đến kinh nguyệt bất thường. Vì vậy cần duy trì cân nặng ở mức hợp lý. Nên thực hiện các phương pháp giảm cân an toàn khi có cân nặng dư thừa.
- Không thụt rửa âm đạo.
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách. Nên dùng dung dịch vệ sinh dịu nhẹ 2 lần/ ngày. Điều này có thể giúp phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng.
- Mặc quần lót vừa vặn, khô ráo và sạch sẽ.
- Ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Tốt nhất nên quan hệ tình dục an toàn với bao cao su, quan hệ với 1 bạn tình không bị nhiễm bệnh.
- Không đưa vật lạ vào âm đạo.
- Không quan hệ tình dục thô bạo hoặc quá mức.
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh những hoạt động gắng sức.
- Ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn uống. Đặc biệt nên tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất, các axit béo lành mạnh và chất chống oxy hóa.
- Tránh căng thẳng quá mức. Hãy thực hiện những biện pháp thư giãn để kiểm soát căng thẳng, chẳng hạn như tập yoga, ngồi thiền, hít thở sâu, thực hiện những hoạt động ưa thích.
- Tuyệt đối không lạm dụng thuốc tránh thai. Thuốc này nên được sử dụng đúng với hướng dẫn để tránh gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố.
- Dùng thuốc Ibuprofen hoặc Naproxen để kiểm soát cơn đau. Điều này có thể giúp giảm chảy máu. Không nên sử dụng Aspirin vì có thể làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Khám phụ khoa định kỳ và chữa trị những bệnh lý gây mất chảy máu âm đạo.
- Tập thể dục đều đặn để duy trì sức khỏe tổng thể và khả năng sinh sản. Đây cũng là một trong những cách tốt nhất để giảm căng thẳng và ổn định nội tiết tố.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân khiến tôi bị chảy máu âm đạo là gì?
2. Phương pháp điều trị nào được áp dụng?
3. Tôi cần điều trị kéo dài trong bao lâu?
4. Khả năng sinh sản của tôi có bị ảnh hưởng không?
5. Những điều gì cần tránh trong thời gian chữa bệnh?
6. Lợi ích và rủi ro từ các phương pháp điều trị là gì?
7. Tôi nên làm gì khi gặp tác dụng phụ?
Chảy máu âm đạo xảy ra do nhiều nguyên nhân, thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên xuất huyết nhiều và thường xuyên có thể cảnh báo ung thư và nhiều căn bệnh nguy hiểm khác. Cần theo dõi các triệu chứng và thông báo ngay với bác sĩ để được hướng dẫn chữa bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!