Tử Cung Lạnh
Tử cung lạnh là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn thường gặp. Bệnh xảy ra khi có sự mất cân bằng âm dương trong cơ thể, những mạch máu co thắt lại và ảnh hưởng đến các hoạt động của tử cung.
Tổng quan
Tử cung lạnh là một thuật ngữ dùng cho Đông y, thể hiện cho tình trạng tử cung bị lạnh do mất cân bằng âm dương, mạch máu co thắt làm giảm lượng máu nuôi dưỡng tử cung. Tình trạng này ảnh hưởng nghiêm trọng đến những hoạt động của tử cung và dẫn đến vô sinh hiếm muộn.
Theo Đông y, sự cân bằng âm dương trong cơ thể giúp duy trì sức khỏe và những hoạt động bình thường của các cơ quan. Mặt khác dương khí làm ấm cơ thể, giúp những mạch máu giãn nở. Điều này giúp khí huyết lưu thông, cung cấp lượng máu cần thiết cho những hoạt động của những cơ quan sinh sản, chẳng hạn như rụng trứng và thụ thai.
Tuy nhiên một số yếu tố có thể làm giảm dương khí và gây mất cân bằng âm dương. Từ đó khiến tử cung bị lạnh, quá trình lưu thông máu kém và trì trệ hoạt động của những cơ quan bên trong.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Những nguyên nhân dưới đây có thể khiến tử cung lạnh:
- Hạ thân nhiệt: Nhiệt độ cơ thể thấp thường do tiếp xúc với nhiều gió lạnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với những vật dụng rất lạnh. Điều này khiến cơ thể bị lạnh và dẫn đến sự mất cân bằng âm dương.
- Ăn hoặc uống nhiều đồ lạnh: Lạnh tử cung thường gặp ở những người ăn hoặc uống quá nhiều đồ lạnh. Tình trạng này thường kèm theo kinh nguyệt không đều và đau bụng kinh.
- Đi bơi trong chu kỳ kinh nguyệt: Rối loạn nội tiết tố và cơ thể nhạy cảm hơn trong chu kỳ kinh nguyệt. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm lạnh và ảnh hưởng đến hoạt động của tử cung.
- Hoạt động tình dục quá mức: Hoạt động tình dục thô bạo và quá mức khiến cơ thể mệt mỏi và hao tổn khí. Điều này khiến tử cung không nhận đủ khí huyết.
- Thiếu dinh dưỡng: Thiếu dinh dưỡng do ăn uống nghèo nàn hoặc ăn kiêng quá mức làm ảnh hưởng đến quá trình cung cấp dinh dưỡng và khí huyết tới tử cung. Từ đó khiến tử cung dễ mắc bệnh. Lạnh tử cung do thiếu dinh dưỡng cũng thường xảy ra ở những người bị rối loạn tiêu hóa.
- Bẩm sinh: Những trẻ sinh ra bởi ba mẹ có lối sống không lành mạnh hoặc mắc chứng tử cung lạnh sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Căng thẳng và lo lắng quá mức: Suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng và lo lắng quá mức làm rối loạn nội tiết tố, khí huyết không lưu thông. Điều này làm giảm lượng khí và huyết nuôi dưỡng tử cung, giảm hoạt động của cơ quan này.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Đi dưới mưa
- Không giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh
- Cơ thể gầy yếu
- Nghiễm lạnh do ngồi trên nền nhà lạnh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Khi bị lạnh tử cung, người bệnh sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Lạnh người
- Lạnh tay chân
- Thường xuyên bị rối loạn hệ tiêu hóa
- Có những biểu hiện của bệnh suy giáp
- Sợ lạnh
- Tăng cân
- Trầm cảm
- Da khô
- Phù quanh hốc mắt, phù niêm
- Khàn tiếng
- Xanh xao, mệt mỏi
- Chậm chạm
- Bướu giáp
- Rong kinh
- Xuất huyết âm đạo bất thường, ra máu giữa những chu kỳ kinh nguyệt
- Máu trong chu kỳ kinh nguyệt bị vón cục
- Nửa sau chu kỳ kinh nguyệt có thời gian ngắn hơn bình thường
- Đau bụng kinh, đau giảm khi làm ấm bụng
- Thời gian rụng trứng trễ hơn bình thường hoặc không rụng trứng
- Hiếm muộn
- Sảy thai
Tử cung lạnh được chẩn đoán dựa trên quá trình đánh giá các triệu chứng và hỏi về tiền sử bệnh. Ngoài ra nữ giới được khám vùng chậu. Trong quá trình này, bác sĩ sử dụng một thiết bị được gọi là mỏ vịt để mở rộng âm đạo, quan sát âm đạo và cổ tử cung. Điều này có thể giúp phát hiện tổn thương hoặc bất kỳ tình trạng nào có thể gây ra các triệu chứng.
Đôi khi những xét nghiệm dưới đây cũng được thực hiện:
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân có thể được thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra nhiễm trùng.
- Xét nghiệm dịch tiết âm đạo: Dịch tiết âm đạo hoặc cổ tử cung được lấy ra trong quá trình khám vùng chậu. Sau đó mẫu dịch tiết được mang đi kiểm tra để đánh giá nhiễm trùng.
- Kiểm tra hình ảnh: Nữ giới thường được siêu âm để kiểm tra những cơ quan vùng chậu. Từ đó phát hiện những bất thường của tử cung. Đôi khi MRI hoặc CT cũng được thực hiện để đánh giá chi tiết hơn về tình trạng.
Biến chứng và tiên lượng
Tử cung lạnh khiến nữ giới có thụ thai hoặc vô sinh, cơ thể mệt mỏi và căng thẳng. Ở phụ nữ mang thai, sự suy giảm hoạt động của tử cung còn làm tăng nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên việc điều trị sớm có thể giúp cải thiện sức khỏe sinh sản và khắc phục bệnh.
Điều trị
Chứng tử cung lạnh và các triệu chứng có thể được khắc phục khi thực hiện những biện pháp dưới đây:
- Chườm ấm: Chườm ấm vào lưng và bụng mỗi ngày 1 lần, mỗi lần 20 phút. Biện pháp này giúp làm ấm tử cung, tăng lưu thông khí huyết tại chỗ. Đồng thời giúp giảm đau và thư giãn hiệu quả.
- Chế độ ăn uống phù hợp: Một chế độ ăn uống lành mạnh và phù hợp có thể giúp cải thiện tử cung lạnh và giảm bớt các triệu chứng. Dưới đây là một số lưu ý:
- Ăn những loại thực phẩm có tính nhiệt và ăn thức ăn nóng. Điều này giúp hỗ trợ làm ấm cơ thể và tử cung, giảm bớt những triệu chứng khó chịu.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ăn nhiều trái cây, rau xanh, thịt nạc, trứng, các loại đậu... để nâng cao sứ khỏe tổng thể và chống mệt mỏi.
- Ăn nhiều thực phẩm tốt cho hệ mạch máu, chẳng hạn như các loại thịt, cá, đậu phộng...
- Tránh tiêu thụ những loại thực phẩm có tính hàn, chẳng hạn như dưa hấu và cải thảo.
- Uống trà gừng: Uống một ly trà gừng ấm mỗi ngày. Để pha trà, hãy nấu một vài lát gừng trong 300ml nước, sau đó thêm đường nâu và uống khi còn ấm.
- Ngâm chân trong nước ấm: Ngâm chân trong nước ấm mỗi ngày 1 lần, mỗi lần từ 10 - 20 phút. Sau đó lau khô và giữ ấm chân. Biện pháp này giúp làm ấm cơ thể, tăng lưu thông khí huyết, giảm những triệu chứng do lạnh tử cung.
- Massage: Thường xuyên massage ở bụng và lưng để giảm đau, tăng lưu thông máu và làm ấm tử cung. Biện pháp này cũng giúp thư giãn và cải thiện giấc ngủ hiệu quả. Đặc biệt massage ở huyệt Tam âm giao có thể giúp điều trị bệnh hiệu quả. Huyệt này nằm ở vị trí cách đỉnh xương mắt cá trong 4 lóng tay, đo theo chiều từ dưới lên.
- Thường xuyên luyện tập: Tập thể dục đều đặn mỗi ngày 30 - 60 phút. Điều này giúp tăng cường lưu thông máu, nâng cao sức khỏe và cải thiện tử cung lạnh. Những bài tập và bộ môn phù hợp gồm yoga, khí công và thái cực quyền.
- Giữ ấm cơ thể: Cần mặc quần áo ấm để giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. Ngoài ra nên mang tất để giữ nhiệt cho chân, thay quần áo và làm khô tóc ngay khi đi mưa về. Điều này có thể ngăn làm nặng hơn những triệu chứng của bệnh.
Phòng ngừa
Có nhiều biện pháp giúp ngăn ngừa chứng tử cung lạnh, bao gồm:
- Tránh ngồi lâu hoặc ngồi thường xuyên ở những nơi ẩm ướt hoặc trên nền nhà lạnh.
- Luôn giữ ấm cơ thể khi thời tiết lạnh. Đặc biệt nên giữ ấm cho chân, bụng và lưng.
- Tuyệt đối không nên đi bơi trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Tránh di chuyển dưới trời mưa. Cần thay quần áo và sấy tóc ngay khi mắc mưa.
- Luôn sấy khô tóc trước khi ra ngoài trời lạnh và sau khi tắm xong.
- Tránh uống nhiều đồ lạnh, đặc biệt là đang trong chu kỳ kinh nguyệt và trong khi dạ dày đang rỗng.
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ những thực đơn ăn uống lành mạnh, chứa nhiều rau xanh, các loại hạt, ngũ cốc, trái cây, thịt và cá.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao để tăng cường sự dẻo dai, nâng cao sức khỏe và khả năng chống bệnh. Ngoài ra luyện tập với cường độ thích hợp còn giúp tăng lưu thông khí huyết, duy trì sức khỏe sinh sản và hoạt động của những cơ quan trong cơ thể, bao gồm cả tử cung.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến các triệu chứng xảy ra?
2. Bệnh lý của tôi là một tình trạng ngắn hạn hay dài hạn?
3. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?
4. Có những biện pháp chăm sóc nào giúp khỏi bệnh nhanh?
5. Tôi có thể mang thai bình thường sau điều trị hay không?
6. Quy trình điều trị kéo dài bao lâu?
7. Tôi nên làm gì để ngăn chứng tử cung lạnh tái diễn?
Chứng tử cung lạnh xảy ra do nhiều nguyên nhân, khiến nữ giới khó mang thai và sinh con. Tuy nhiên điều trị tích cực và chăm sóc cơ thể đúng cách có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng, cải thiện tình trạng và khả năng sinh sản.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!