Bệnh Hạ Cam
Hạ cam là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI). Bệnh gây ra những vết sưng mềm, chứa đầy mủ, có thể vỡ và tạo thành vết loét. Mặc dù lây lan rất nhanh nhưng bệnh lý này có thể được điều trị dễ dàng.
Tổng quan
Bệnh hạ cam (Chancroid) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) do vi khuẩn Haemophilus ducreyi gây ra. Vi khuẩn này tấn công vào mô ở vùng sinh sục, sau đó tạo ra những vết sưng ở bộ phận sinh dục, chứa đầy mủ và mềm khi chạm vào.
Khi vỡ ra, vết sưng trở thành những vết loét và gây đau đớn. Vết loét có thể tiết ra chất lỏng truyền nhiễm và máu. Việc giao hợp bằng miệng, âm đạo và hậu môn đều có thể khiến vi khuẩn lây lan. Bệnh cũng có thể lây truyền thông qua tiếp xúc da kề da.
Ngoài ra bệnh hạ cam còn làm sưng những hạch bạch huyết ở háng và có nhiều biểu hiện khác. Tuy nhiên các triệu chứng sẽ giảm nhanh khi được dùng kháng sinh điều trị.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Vi khuẩn Haemophilus ducreyi là nguyên nhân gây bệnh hạ cam. Đây là một loại vi khuẩn Gram âm hình que, bất động. Chúng có khả năng lây truyền nhanh chóng thông qua quan hệ tình dục.
Thông thường vi khuẩn Haemophilus ducreyi lây truyền từ người sang người theo những cách sau:
- Quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo và hậu môn với người có vết loét
- Tiếp xúc với chất lỏng giống như mủ từ vết loét
- Tiếp xúc da kề da.
Những yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hạ cam của bạn:
- Quan hệ tình dục không được bảo vệ
- Nhiều bạn tình
- Quan hệ với người có nhiều bạn tình
- Giao hợp thô bạo
- Giao hợp qua đường hậu môn
- Rối loạn sử dụng rượu hoặc ma túy
- Bất kỳ điều gì liên quan đến thực hành tình dục đều làm tăng nguy cơ.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của bệnh hạ cam có thể khác nhau ở mỗi người. Thông thường những triệu chứng sẽ bắt đầu sau khi tiếp xúc nguồn bệnh từ 4 - 7 ngày.
Những triệu chứng thường gặp gồm:
+ Triệu chứng chung
- Xuất hiện những vết sưng tấy và đau đớn ở trên da của bộ phận sinh dục
- Những vết sưng mềm, bên trong chứa đầy dịch lây truyền giống như mủ
- Vết loét phát triển từ những vết sưng với các cạnh lởm chởm, phần trung tâm mềm, màu xám hoặc màu xám vàng, có chiều ngang từ vài mm đến 2cm hoặc có thể lớn hơn
- Những vết loét có thể chảy dịch như mủ hoặc máu nếu chạm vào
- Những vết loét có thể kết nối lại với nhau và tạo thành những khu vực lớn hơn
- Sưng hạch bạch huyết ở háng, có thể dẫn đến áp xe lớn (tụ mủ) và chảy ra
- Đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đi tiểu.
+ Triệu chứng ở nam giới
- Nhận thấy một vết sưng nhỏ,màu đỏ ở bộ phận sinh dục
- Vết sưng chuyển thành vết loét hở trong vòng 1 - 2 ngày
- Vết loét hình thành trên bất kỳ vị trí nào của bộ phận sinh dục, bao gồm dương vật và bìu
- Đau đớn ở những vị trí có vết loét.
+ Triệu chứng ở nữ giới
- Thường bắt đầu với hơn 4 vết sưng đỏ trên môi âm hộ, trên đùi, giữa mô âm hộ và hậu môn
- Những vết sưng vỡ tạo thành những vết loét lớn
- Cảm thấy đau hoặc nóng rát khi đi tiểu hoặc đi tiêu.
Bệnh hạ cam có thể được chẩn đoán thông qua kiểm tra lâm sàng. Trong đó, bác sĩ sẽ quan sát, xác định đặc điểm của các vết loét và sưng hạch bạch huyết. Ngoài ra người bệnh sẽ được hỏi về những triệu chứng khác (như đau), hoạt động tình dục gần đây và tiền sử bệnh.
Để chẩn đoán xác định, bệnh nhân cần thực hiện thêm những xét nghiệm sau:
- Xét nghiệm dịch tiết từ vết loét: Mẫu chất lỏng từ vết loét được lây ra và phân tích. Xét nghiệm này có thể giúp bác sĩ tìm thấy những dấu hiệu của vi khuẩn Haemophilus ducreyi.
- Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Những xét nghiệm như VDRL/TPHA, PCR, Mycoplasma niệu sinh dục... giúp loại bỏ những bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, đặc biệt là giang mai và mụn rộp sinh dục.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh hạ cam cần được khám và điều trị sớm. Bời bệnh lý này không chỉ có khả năng lan nhanh mà còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, bao gồm:
- Viêm hạch bạch huyết lan rộng
- Áp xe bẹn lớn
- Vết loét khổng lồ hoặc lỗ rò khi áp xe bẹn phát triển và vỡ ra
- Bội nhiễm cục bộ
- Hình thành sẹo vĩnh viễn ở cơ quan sinh dục nam
- Hẹp bao quy đầu
- Hoại tử dương vật
- Tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
- Rò dường tiểu.
Điều trị
Dùng thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chủ yếu cho bệnh hạ cam. Một số trường hợp có thể cần đến phẫu thuật.
1. Thuốc kháng sinh
Kháng sinh được sử dụng đầu tiên để điều trị nhiễm trùng, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Thông thường người bệnh sẽ được chỉ định một trong những loại kháng sinh dưới đây:
- Azithromycin: Uống 1g Azithromycin/ lần/ ngày.
- Ceftriaxone: Tiêm bắp 250mg Ceftriaxone/ lần/ ngày.
- Ciprofloxacin: Uống 500mg Ciprofloxacin/ lần, 2 lần/ ngày, điều trị trong 3 ngày. Thuốc này không được chỉ định cho phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con bú.
- Erythromycin: Uống 500mg Erythromycin/ lần x 3 lần/ ngày, điều trị trong 7 ngày.
Tùy thuộc vào tình trạng, liều lượng và thời gian dùng thuốc kháng sinh có thể thay đổi. Điều quan trọng là sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, tiếp tục liệu trình kháng sinh ngay cả khi bạn cảm thấy tốt hơn và vết loét đã cải thiện.
2. Phẫu thuật
Đôi khi phẫu thuật cần thiết. Phương pháp này được chỉ định để dẫn lưu áp xe cho những trường hợp có áp xe lớn, gây đau nhức nhiều hoặc có nguy cơ bị vỡ áp xe.
Trong khi thực hiện, bác sĩ có thể dẫn lưu áp xe thông qua một vết rạch hoặc dùng kim. Sau điều trị, sưng đau giảm đáng kể nhưng có thể để lại sẹo tại chỗ.
Phòng ngừa
Thực hiện tình dục an toàn là cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh hạ cam. Cụ thể:
- Kiêng quan hệ tình dục hoàn toàn.
- Dùng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục (bao gồm cả quan hệ bằng miệng, âm đạo và hậu môn). Tuy nhiên bao cao su phải bao phủ bất kỳ khu vực nào bị nhiễm bệnh.
- Chung thủy với 1 bạn tình không bị bệnh.
- Tránh giao hợp với những người có nhiều bạn tình.
- Không tiếp xúc với dịch tiết từ vết loét của người bị hạ cam.
- Không tiếp xúc da kề da hoặc quan hệ tình dục với người bệnh.
- Nếu có vết săng mềm, tuyệt đối không để cho dịch lây truyền từ vết loét lan sang những khu vực khác trên cơ thể hoặc cho người khác. Hãy tiến hành điều trị cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
2. Phương pháp nào được chỉ định?
3. Bạn tình của tôi có cần khám và điều trị không?
4. Tôi có cần kiêng quan hệ tình dục không?
5. Bệnh hạ cam có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của tôi không?
6. Tôi cần dùng kháng sinh trong bao lâu?
7. Tôi cần chăm sóc các vết loét như thế nào?
8. Những điều gì cần tránh khi điều trị bệnh hạ cam?
Hạ cam là bệnh lây truyền qua đường tình dục, gây ra những vết loét lớn kèm theo đơn đớn và sưng hạch bạch huyết. Ngoài ra bệnh còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Để khắc phục nhanh tình trạng, kháng sinh cần được dùng ngay lập tức và theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!