Bệnh Suy Buồng Trứng
Suy buồng trứng xảy ra khi buồng trứng của bạn bị suy sớm hơn mức bình thường, giảm hoặc mất chức năng sản sinh và nuôi dưỡng trứng. Từ đó làm tăng nguy cơ vô sinh ở nữ giới.
Tổng quan
Suy buồng trứng là tình trạng buồng trứng bị suy giảm chức năng hoặc ngừng hoạt động trước tuổi 40. Điều này khiến buồng trứng không thể giải phóng trứng thường xuyên và không sản xuất lượng hormone estrogen điển hình. Cuối cùng dẫn đến vô sinh.
Bệnh suy buồng trứng thường bị nhầm lẫn với mãn kinh sớm. Tuy nhiên những người có buồng trứng bị suy có thể mang thai, chu kỳ kinh nguyệt không thường xuyên hoặc không đều trong nhiều năm. Trong khi đó những người bị mãn kinh sớm sẽ không có kinh nguyệt và không thể mang thai.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Có nhiều nguyên nhân khiến một người bị suy buồng trứng, bao gồm:
- Độc tố
Suy buồng trứng thường gặp ở những người hóa trị hoặc xạ trị trong điều trị ung thư. Những phương pháp này tiêu diệt tế bào ác tính nhưng có khả năng làm hỏng những vật liệu di truyền trong tế bào. Từ đó làm suy giảm chức năng của buồng trứng.
Bệnh cũng có thể xảy ra ở những người thường xuyên hút thuốc lá, hít khói thuốc lá thụ động, dùng thuốc trừ sâu, nhiễm virus và tiếp xúc với các hóa chất.
- Thay đổi nhiễm sắc thể
Suy buồng trứng nguyên phát thường liên quan đến một số rối loạn di truyền, bao gồm:
-
- Hội chứng khảm Turner: Hội chứng này liên quan đến việc một người có bất thường ở một trong hai nhiễm sắc thể X. Trong đó có một nhiễm sắc thể X bị biến đổi và một nhiễm sắc thể X điển hình.
- Hội chứng Fragile X (FXS): Trong hội chứng Fragile X (FXS), bệnh nhân có những nhiễm sắc thể X dể gãy và gãy. Điều này làm chậm phát triển, rối loạn tăng động giảm chú ý, rối loạn phổ tự kỷ và thiểu năng trí tuệ ở trẻ.
- Bệnh tự miễn dịch
Phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch đối với mô buồng trứng có thể làm tổn thương những nang chứa trứng, làm hỏng trứng và khiến buồng trứng bị suy giảm chức năng. Điều này thường liên quan đến những rối loạn tự miễn dịch sau:
-
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh addison
- Bệnh tuyến giáp.
Không rõ nguyên nhân gây ra các bệnh tự miễn dịch. Tuy nhiên virus, hóa chất, khói thuốc lá... có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch.
- Nhiễm trùng
Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây suy buồng trứng như HIV và quai bị. Bệnh xảy ra khi những kháng thể tấn công vào buồng trứng.
- Vô căn
Nhiều trường hợp bị suy buồng trứng nguyên phát nhưng không rõ nguyên nhân (vô căn).
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tuổi tác: Bệnh thường gặp ở những người có độ tuổi từ 35 - 40 tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở những người trẻ hơn.
- Tiền sử gia đình: Nguy cơ tăng lên ở những người có tiền sử bị suy buồng trứng nguyên phát.
- Phẫu thuật: Những tiền sử phẫu thuật buồng trứng và cắt bỏ tử cung sẽ có nguy cơ cao hơn.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng và dấu hiệu của suy buồng trứng gồm:
- Kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh (dấu hiệu phổ biến nhất). Dấu hiệu này có thể phát triển trong nhiều năm, sau khi mang thai hoặc khi ngừng sử dụng thuốc tránh thai.
- Khó mang thai
- Khô mắt
- Khó tập trung hoặc khó chịu
- Cáu gắt
- Khô âm đạo
- Đau đớn khi quan hệ tình dục do mỏng niêm mạc âm đạo và khô âm đạo
- Bốc hỏa
- Đổ mồ hôi vào ban đêm
- Suy giảm ham muốn tình dục
- Ít hoặc không có dấu hiệu dậy thì khi còn là thiếu niên.
Chẩn đoán suy buồng trứng sẽ bao gồm việc kiểm tra các triệu chứng và dấu hiệu, hỏi về tiền sử bệnh. Bệnh lý này thường được chẩn đoán ngay khi người bệnh có kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh kèm theo khó khăn trong việc thụ thai.
Một số xét nghiệm bổ sung được thực hiện để xác định chẩn đoán, bao gồm:
- Que thử: Bệnh nhân được yêu cầu sử dụng que thử để kiểm tra khả năng mang thai ngoài ý muốn. Xét nghiệm này được chỉ định cho những người chậm kinh và có khả năng mang thai ngoài ý muốn.
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để:
- Kiểm tra nồng độ hormone trong máu. Bao gồm hormone kích thích sản xuất sữa mẹ (prolactin) và hormone kích thích nang trứng (FSH)
- Xét nghiệm phân tích karyotype. Điều này giúp xác định những thay đổi bất thường trong nhiễm sắc thể hoặc một số gen. Từ đó xác định tình trạng.
- Xét nghiệm kháng thể. Xét nghiệm này giúp xác định những rối loạn tự miễn dịch.
- Siêu âm vùng chậu: Bệnh nhân được siêu âm buồng chậu để kiểm tra buồng trứng và tử cung. Từ đó phát hiện những bất thường khiến người bệnh khó mang thai.
Biến chứng và tiên lượng
Những biến chứng của suy buồng trứng xảy ra do buồng trứng không thể giải phóng trứng thường xuyên và không sản xuất đủ lượng hormone estrogen điển hình. Một số biến chứng có thể gặp gồm:
- Vô sinh hoặc khó có thai
- Loãng xương
- Bệnh tim
- Đột quỵ
- Trầm cảm hoặc lắng
Điều trị
Có nhiều phương pháp giúp điều trị suy buồng trứng. Những phương pháp này chủ yếu tập trung vào việc cải thiện khả năng mang thai, thay thế hormone mà buồng trứng không còn sản xuất. Đồng thời giảm nhẹ triệu chứng và kiểm soát những tình trạng có thể làm nặng hơn mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Những phương pháp điều trị cụ thể gồm:
1. Liệu pháp thay thế hormone (HRT)
Liệu pháp thay thế hormone (HRT) được thực hiện để cung cấp cho cơ thể lượng hormone mà buồng trứng không thể sản xuất. Tùy thuộc vào tình trạng, estrogen và progesterone được dùng đồng thời hoặc chỉ sử dụng estrogen.
Khi thực hiện, liệu pháp thay thế hormone có thể giúp giảm những triệu chứng do suy buồng trứng gây ra như khô âm đạo. Thông thường nữ giới sẽ được sử dụng liệu pháp này cho đến khoảng 50 - 51 tuổi.
Ngoài ra liệu pháp thay thế hormone còn giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư vú, bệnh tim và bệnh mạch máu cho phụ nữ lớn tuổi. Đồng thời giúp giảm nguy cơ loãng xương do thiếu hụt hormone nữ kéo dài.
2. Bổ sung canxi và vitamin D
Những người bị suy buồng trứng được khuyên tăng bổ sung canxi và vitamin D. Những thành phần dinh dưỡng này giúp giảm nguy cơ phát triển biến chứng loãng xương do suy buồng trứng.
Canxi và vitamin D có thể được bổ sung thông qua chế độ ăn uống, tiếp xúc ánh sáng mặt trời và sử dụng viên uống theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
3. Thụ tinh trong ống nghiệm
Nếu có mong muốn mang thai, người bệnh sẽ được hướng dẫn thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Trong đó trứng của người hiến tặng được sử dụng để thụ tinh với tinh trùng khỏe mạnh.
Sau khi thụ tinh thành công, trứng đã thụ tinh (phôi thai) sẽ được đặt vào tử cung của bạn. Điều này giúp bệnh nhân bị suy buồng trứng mang thai và con phát triển bình thường.
4. Biện pháp chăm sóc tại nhà
Để giảm những triệu chứng của suy buồng trứng và tránh để bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh nên áp dụng thêm những biện pháp chăm sóc, bao gồm:
- Theo dõi chu kỳ kinh nguyệt: Hãy theo dõi chu kỳ kinh nguyệt nếu bị trễ kinh trong quá trình sử dụng liệu pháp hormone. Ngoài ra nên thử thai khi cần thiết để đánh giá tình trạng.
- Tránh chất độc: Không hút thuốc lá, không tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc trừ sâu và những chất độc hại khác. Ngoài ra nên chủng ngừa virus và tránh tiếp xúc với những người đang bị nhiễm virus. Biện pháp này giúp ngăn phát triển thêm những tổn thương cho buồng trứng.
- Ăn uống khoa học: Ăn uống lành mạnh và đầy đủ dinh dưỡng. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D để ngăn ngừa loãng xương.
- Kiểm soát tâm trạng: Tránh lo lắng, buồn rầu và căng thẳng quá mức. Bởi căng thẳng kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến quá trình chữa bệnh và tăng nguy cơ trầm cảm. Những kỹ thuật thư giãn cơ bản như ngồi thiền và yoga có thể giúp ích.
Phòng ngừa
Suy buồng trứng không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên có những cách giúp giảm nguy cơ, bao gồm:
- Tránh tiếp xúc với những chất độc hại như thuốc lá, thuốc trừ sâu và những loại hóa chất khác.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc trữ trứng nếu cần phải hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu trong điều trị ung thư. Trữ trứng cũng nên được thực hiện cho những trường hợp có nguy cơ cao như mắc một số tình trạng di truyền, phẫu thuật cắt bỏ tử cung hoặc phẫu thuật buồng trứng.
- Không tiếp xúc gần với những người bị nhiễm virus, đặc biệt là virus quai bị và HIV. Khám và điều trị tích cực nếu có những dấu hiệu liên quan.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những triệu chứng của tôi xảy ra do đâu?
2. Tôi có khả năng mang thai bình thường không?
3. Cách nào giúp tôi mang thai khi bị suy buồng trứng?
4. Có bao nhiêu lựa chọn điều trị? Phương pháp nào hiệu quả nhất?
5. Tôi có thể gặp biến chứng nào khi bị suy buồng trứng?
6. Tôi nên làm gì để giảm triệu chứng và ngăn biến chứng?
7. Quy trình điều trị kéo dài bao lâu?
Bệnh suy buồng trứng làm giảm khả năng sản sinh hormone sinh dục nữ và trứng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây vô sinh và nhiều biến chứng khác. Không có phương pháp phục hồi khả năng sinh sản cho bạn. Tuy nhiên một số cách sẽ giúp giảm triệu chứng, ngăn biến chứng và thụ thai thành công.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!