Viêm Khớp Thái Dương Hàm

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Viêm khớp thái dương hàm thường do chấn thương, nhiễm trùng và những chuyển động lặp đi lặp lại. Tình trạng này gây đau đớn, cứng hàm hoặc cử động khớp bị hạn chế. Từ đó ảnh hưởng đến khả năng ăn uống.

Tổng quan

Viêm khớp thái dương hàm còn được gọi là rối loạn khớp thái dương hàm (TMJ). Bệnh thể hiện cho tình trạng viêm và rối loạn chức năng của khớp thái dương hàm (TMJ).

Viêm khớp thái dương hàm
Viêm khớp thái dương hàm xảy ra khi khớp thái dương hàm bị viêm và rối loạn chức năng

TMJ là các khớp nối xương hàm dưới với hộp sọ, nằm ở hai bên mặt và ngay trước tai. Những khớp này có chức năng hỗ trợ các cử động của hàm, chẳng hạn như nhai và nói.

Viêm khớp thái dương hàm xảy ra khi những dây chẳng và cơ xung quanh khớp hàm bị kích ứng hoặc viêm. Tình trạng này có thể là cấp tính hoặc mãn tính, gây đau đớn nghiêm trọng và ảnh hưởng đến những cử động của hàm.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Viêm khớp thái dương hàm xảy ra khi sụn khớp bị tổn thương, khớp hư hỏng hoặc đĩa xói mòn và dịch chuyển. Điều này thường do những nguyên nhân dưới đây:

  • Viêm khớp: Những loại viêm khớp có thể làm ảnh hưởng đến khớp thái dương hàm gồm:
    • Thoái hóa khớp: Bệnh này liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên và lạm dụng khớp. Thoái hóa khớp thái dương hàm xảy ra khi những mô cứng và mềm xung quanh khớp hàm bị phá hủy. Từ đó làm thay đổi chức năng và hình dạng của khớp. Thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến một hoặc hai bên khớp hàm.
    • Viêm khớp vảy nến: Đây là một tình trạng mãn tính, được đặc trưng bởi viêm khớp xảy ra ở những người bị vảy nến. Khi không được điều trị, hàm của bạn có thể bị hỏng vĩnh viễn.
    • Viêm khớp dạng thấp: Đây là một tự miễn dịch. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào những mô lót của các khớp. Từ đó dẫn đến viêm mãn tính. Viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả khớp thái dương hàm.
  • Nghiến răng: Thói quen nghiến răng trong thời gian dài làm tăng áp lực lên khớp thái dương hàm. Điều này khiến các cơ và dây chằng quanh khớp bị viêm.
  • Chấn thương: Chấn thương khớp hàm là nguyên nhân phổ biến gây viêm TMJ. Điều này có thể liên quan đến một cú đập hoặc ngã mạnh, lặp đi lặp lại những chuyển động quá mức của hàm.

Một số yếu tố nguy cơ:

  • Trật khớp
  • Cắn không đúng cách
  • Căng thẳng
  • Một số bệnh lý liên quan đến mô liên kết gây ra những ảnh hưởng cho khớp thái dương hàm.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng và dấu hiệu của viêm khớp thái dương hàm gồm:

Viêm dẫn đến đau ở một hoặc cả hai bên khớp thái dương hàm
Viêm dẫn đến đau khớp thái dương hàm, đau nhức trong và xung quanh tai, khóa khớp

  • Đau ở một hoặc cả hai bên khớp thái dương hàm
  • Đau hàm
  • Đau nhức trong và xung quanh tai
  • Đau nhức vùng mặt
  • Khó nhai
  • Đau khi nhai
  • Khó cử động hàm
  • Khóa hoặc cứng khớp, điều này khiến bạn khó mở hoặc ngậm miệng
  • Nhức đầu
  • Đau ở cổ họng vai
  • Có âm thanh lạo xạo, bốp hoặc nhấp khi ngậm miệng hoặc mở hàm
  • Có cảm giác mệt mỏi trên gương mặt
  • Sưng một bên mặt
  • Đau răng
  • Có những thay đổi trong các răng khớp với nhau.

Khi bạn mở và ngậm miệng, bác sĩ sẽ quan sát phạm vi chuyển động và cảm nhận xung quanh khớp hàm. Ngoài ra bác sĩ có thể nhấn vào mặt và hàm để tìm kiếm vị trí đau và đánh giá mức độ nghiêm trọng.

Để đánh giá thêm về mức độ thiệt hại, các xét nghiệm sẽ được thực hiện bổ sung, bao gồm:

  • Chụp X-quang toàn hàm: Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ quan sát xương hàm, răng và khớp thái dương hàm. Từ đó xác định những bất thường.
  • Chụp cắt lớp vi tính chùm tia hình nón (CBCT): Kỹ thuật này giúp bác sĩ quan sát hàm, răng, xoang và xương mặt trên hình ảnh 3D chi tiết. Từ đó có cái nhìn chi tiết hơn về giải phẫu khuôn mặt và đánh giá mức độ thiệt hại của khớp hàm.
  • Chụp cắt lớp vi tính (MRI): Bác sĩ thường chỉ định chụp cộng hưởng từ để xem và đánh giá những mô mềm trong và xung quanh khớp hàm. Từ đó xác định chẩn đoán.

Biến chứng và tiên lượng

Những triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm đặc biệt nghiêm trọng và thường không thể tự khỏi. Đau và khóa khớp khiến bạn khó cử động hàm, ảnh hưởng đến hoạt động ăn uống và nói chuyện.

Hơn nữa việc không điều trị có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe dưới đây:

  • Đau và viêm mãn tính
  • Mòn răng
  • Gây ra những vấn đề về khớp cắn
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Mất ngủ
  • Trầm cảm và lo lắng.

Đau và viêm mãn tính
Rối loạn khớp thái dương hàm gây đau và viêm mãn tính, mất ngủ, trầm cảm và lo lắng

Điều trị

Những trường hợp nhẹ có thể thử các biện pháp tại nhà để giảm triệu chứng. Những trường hợp nặng nên điều trị y tế với những phương pháp chuyên sâu.

1. Biện pháp khắc phục tại nhà

Triệu chứng của viêm khớp thái dương hàm có thể giảm khi áp dụng những biện pháp sau:

  • Chườm ấm: Chườm ấm vào bên mặt ảnh hưởng có thể giúp thư giãn và giảm đau hiệu quả. Biện pháp này nên được thực hiện vài lần mỗi ngày, mỗi lần từ 10 - 15 phút.
  • Chườm lạnh: Dùng túi vải bọc một ít đá lạnh và đặt vào bên mặt bị ảnh hưởng. Nhiệt độ thấp có thể giúp giảm sưng viêm và đau hiệu quả. Chườm lạnh nên được thực hiện 2 - 3 lần/ ngày, mỗi lần 10 phút.
  • Xoa bóp: Bác sĩ có thể hướng dẫn một số cách xoa bóp và luyện tập. Biện pháp này giúp thư giãn, tăng cường cơ hàm và giảm đau hiệu quả.
  • Ăn thức ăn mềm: Tránh nhai hoặc cử động hàm quá nhiều, không nên ăn thức ăn cứng, dính và dai như kẹo cao su. Tốt nhất nên ăn thức ăn mềm và dễ nuốt.
  • Đeo nẹp hoặc dụng cụ bảo vệ miệng ban đêm: Đeo dụng cụ khớp cắn để bảo vệ miệng vào ban đêm, trong khi ngủ. Thiết bị này có tác dụng ổn định những tiếp xúc trong quá trình đóng, hạn chế nghiến răng và đau hàm. Đồng thời giúp đặt hàm ở vị trí thuận lợi hơn để điều chỉnh khớp cắn.
  • Tránh cử động khớp hàm quá mức: Những người bị viêm khớp thái dương hàm cần tránh cử động hàm quá mức. Điều này giúp hạn chế đau và tổn thương khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Một số lưu ý:
    • Tránh nhai và ngáp ở mức tối thiểu.
    • Tránh giữ điện thoại giữa vai và tai, không tựa cằm lên tay.
    • Luôn giữ tư thế tốt trong mọi hoạt động. Điều này giúp giảm đau cổ và mặt.
    • Thường xuyên giữ răng hơi cách nhau để giảm áp lực lên hàm.
    • Nếu có thói quen nghiến răng, hãy thường xuyên đặt lưỡi lên vòm miệng phía sau răng cửa trên để kiểm soát.
    • Thường xuyên thực hiện những kỹ thuật thư giãn để kiểm soát tình trạng căng cơ ở hàm. Điều này bao gồm việc làm chậm nhịp thở và hít thở sâu. Việc hít thở đều đặn và đúng cách sẽ giúp thư giãn những cơ bắp căng thẳng và giảm đau hiệu quả.

2. Thuốc

Một số thuốc được dùng để giảm bớt cảm giác đau đớn và các triệu chứng khác của viêm khớp thái dương hàm, cụ thể:

Viêm khớp thái dương hàm thường được điều trị bằng thuốc
Viêm khớp thái dương hàm thường được điều trị bằng các thuốc giảm đau và trị viêm

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Ibuprofen hoặc Naproxen thường được sử dụng để giảm đau và viêm. Thuốc có tác dụng điều trị viêm và giảm đau ở mức trung bình.
  • Acetaminophen: Những cơn đau nhẹ có thể được dùng Acetaminophen để kiểm soát.
  • Thuốc giãn cơ: Thuốc này thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm khớp thái dương hàm do co thắt cơ và người hay nghiến răng. Thuốc có tác dụng thư giãn các cơ hàm đang căng cứng. Từ đó giúp giảm nghiến răng và xoa dịu cơn đau hiệu quả. Thông thường thuốc giãn cơ sẽ được sử dụng trong vài ngày hoặc vài tuần.
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Đôi khi thuốc chống trầm cảm ba vòng được sử dụng. Thuốc có tác dụng giảm đau, giảm căng thẳng, kiểm soát chứng nghiến răng và mất ngủ. Từ đó hạn chế đau làm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
  • Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARDs): DMARDs có tác dụng làm giảm viêm màng hoạt dịch, giảm triệu chứng đau và ngăn khớp bị ăn mòn. Thuốc này thường được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm khớp thái dương hàm liên quan đến viêm khớp dạng thấp.
  • Tiêm steroid: Đôi khi steroid hoặc một loại thuốc giảm đau sẽ được tiêm vào các cơ mềm trên bề mặt (điểm kích hoạt). Điều này giúp giảm đau hiệu quả. Ngoài ra steroid còn có tác dụng giảm viêm mạnh, thường được chỉ định cho bệnh nhân không có đáp ứng tốt với NSAID.

3. Trị liệu

Nếu không dùng thuốc, những liệu pháp dưới đây có thể được chỉ định để điều trị viêm khớp thái dương hàm:

Vận động trị liệu
Vận động trị liệu giúp cải thiện sự ổn định cho khớp thái dương hàm bằng cách tăng cường các cơ

  • Vận động trị liệu: Bệnh nhân thường được hướng dẫn bài tập kéo căng và tăng cường cơ hàm. Bài tập này có tác dụng tăng cường các cơ hỗ trợ, cải thiện sự ổn định cho khớp thái dương hàm. Đồng thời giúp giảm đau và căng cơ.
  • Kích thích thần kinh điện xuyên da (TENS): Bệnh nhân có thể được kích thích thần kinh điện xuyên da (TENS) để giảm các triệu chứng. Trong liệu pháp này, dòng điện cường độ thấp được sử dụng để thư giãn cơ mặt và khớp hàm. Từ đó giúp giảm đau hiệu quả.
  • Siêu âm: Điều trị nhiệt sâu được thực hiện để cải thiện chuyển động của khớp và giảm đau nhức hiệu quả.
  • Liệu pháp sóng vô tuyến: Sóng vô tuyến được sử dụng để tạo ra những kích thích điện ở mức độ thấp đến khớp. Điều này giúp giảm đau và làm tăng lưu lượng máu.
  • Tiêm Botulinum Toxin (Botox): Phương pháp này có thể được thực hiện để giảm viêm và giảm khối lượng cơ. Từ đó hạn chế các triệu chứng của viêm khớp hàm, bao gồm cả đau và khó cử động khớp.
  • Châm cứu: Châm cứu bao gồm việc châm kim nhỏ vào những vị trí cụ thể trên cơ thể. Điều này giúp giảm cơn đau mãn tính.

4. Phẫu thuật

Khi điều trị bảo tồn không hiệu quả hoặc khớp hỏng nặng, bác sĩ có thể cân nhắc phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng, phẫu thuật có thể gồm một trong những kỹ thuật dưới đây:

  • Chọc dò khớp: Đây là một phương pháp xâm lấn tối thiểu. Khi thực hiện, kim nhỏ được đưa vào khớp bị ảnh hưởng, tưới chất lỏng qua khớp để loại bỏ những mảnh vụn và các yếu tố gây viêm.
  • Nội soi khớp thái dương hàm: Phẫu thuật nội soi khớp được chỉ định để sửa chữa và ổn định khớp thái dương hàm. Từ đó hạn chế đau và cải thiện những chuyển động của khớp. Trong quá trình này, ống thông được đặt vào trong không gian khớp. Sau đó ống nội soi và những dụng cụ nhỏ được đưa vào trong để sửa chữa khớp.
  • Phẫu thuật sửa đổi: Bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật sửa đổi để gián tiếp giải quyết khớp thái dương hàm bị viêm. Phương pháp này có tác dụng điều trị đau và khóa khớp.
  • Phẫu thuật mở khớp: Kỹ thuật này được chỉ định cho những bệnh nhân điều trị bảo tồn không hiệu quả, đau tiếp tục xảy ra hoặc có vấn đề về cấu trúc ở khớp. Khi thực hiện, bác sĩ có thể tiến hành sửa chữa hoặc thay thế khớp. Phẫu thuật mở khớp cần được cân nhắc kỹ lưỡng về lợi ích và rủi ro trước khi thực hiện.

Phòng ngừa

Bạn có thể giảm nguy cơ viêm khớp thái dương hàm bằng cách:

Dùng thiết bị bảo vệ miệng để hạn chế nghiến răng
Dùng thiết bị bảo vệ miệng để hạn chế nghiến răng, giảm nguy cơ viêm khớp thái dương hàm

  • Loại bỏ thói quen nghiến răng. Những người có thói quen này nên đặt lưỡi lên vòm miệng phía sau răng cửa trên để kiểm soát. Ngoài ra có thể sử dụng thiết bị bảo vệ miệng vào ban đêm để hạn chế nghiến răng.
  • Cần đeo dụng cụ bảo vệ hàm khi tham gia vào những bộ môn tiếp xúc.
  • Luôn thực hiện tư thế tốt. Tránh nhai và ngáp quá mức, không mở miệng quá rộng hoặc đột ngột.
  • Loại bỏ thói quen cắn móng tay để tránh những sai lệch và tăng áp lực cho khớp.
  • Không lạm dụng khớp, hạn chế nhai kẹo cao su.
  • Thường xuyên thực hiện những kỹ thuật thư giãn và giảm căng thẳng.
  • Không ăn thức ăn quá dai, quá cứng.
  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng.
  • Kịp thời khám và điều trị những bệnh lý có thể gây viêm khớp thái dương hàm.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Phương pháp điều trị nào được chỉ định và hiệu quả nhất?

2. Tôi cần tránh những gì để không kích hoạt cơn đau?

3. Có những biện pháp nào giúp làm dịu cơn đau tại nhà?

4. Bệnh lý của tôi có ảnh hưởng đến cử động hàm trong tương lai không?

5. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?

6. Những loại thuốc nào nên dùng và tác dụng phụ?

7. Tôi có thể gặp những biến chứng gì?

Bệnh viêm khớp thái dương hàm gây đau đớn nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến những chuyển động của hàm. Ngoài ra việc không được điều trị sớm còn gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Chính vì thế, hãy tiến hành thăm khám và điều trị ngay khi những triệu chứng xảy ra.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *