Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Vai
Viêm bao hoạt dịch khớp vai xảy ra khi chất lỏng dư thừa tích tụ ở trong bao hoạt dịch ở vai. Bệnh gây đau, sưng và có thể ảnh hưởng đến khả năng vận động của cánh tay.
Tổng quan
Viêm bao hoạt dịch khớp vai còn được gọi là viêm bao hoạt dịch dưới mỏm cùng vai. Đây là tình trạng viêm của bao hoạt dịch ở khớp vai - những túi nhỏ chứa đầy chất lỏng, nằm gần các khớp.
Chức năng của túi hoạt dịch tương tự như một lớp đệm.Chúng giúp cơ và gân chuyển động nhẹ nhàng trên các xương trong khớp. Từ đó giảm ma sát và không gây đau.
Tuy nhiên chấn thương, các tình trạng mãn tính hoặc dùng khớp vai quá mức có thể kích thích và gây viêm bao hoạt dịch khớp vai. Đây là loại viêm bao hoạt dịch phổ biến nhất. Trong đó bao hoạt dịch bị viêm sẽ tăng kích thước dẫn đến sưng, đau và hạn chế vận động của cánh tay.
Phân loại
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai được phân thành những loại dưới đây:
- Cấp tính
Viêm bao hoạt dịch vai xảy ra đột ngột và gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, gây đau khi chạm hoặc di chuyển vai. Viêm cấp thường do tai nạn hoặc chấn thương.
- Mãn tính
Viêm bao hoạt dịch khớp vai mãn tính xảy ra khi viêm bao hoạt dịch vai cấp tính tái phát nhiều lần hoặc chấn thương lặp đi lặp lại. Tình trạng này tiến triển từ từ, có những khoảng thời gian không có triệu chứng và có triệu chứng bùng phát kéo dài vài tháng.
Khi viêm kéo dài và tăng mức độ, người bệnh có thể bị yếu vai và cánh tay. Đôi khi dẫn đến đau lan tỏa đến một số vị trí khác như cổ và khuỷu tay.
- Nhiễm trùng
Trong một số trường hợp, viêm bao hoạt dịch vai xảy ra do nhiễm trùng, thường liên quan đến nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Điều này khiến vùng da quanh vai chuyển sang màu đỏ hoặc tím, sưng và thấy ấm khi chạm vào. Ngoài ra nhiễm trùng có thể gây sốt, đau nhức cơ và đau vai nghiêm trọng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp vai xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:
- Vận động vai quá mức hoặc có chuyển động lặp đi lặp lại
- Chấn thương vai
- Thường xuyên thực hiện những hoạt động trên cao. Điều này làm tăng mức độ ma sát giữa xương và mô, dẫn đến kích ứng và viêm bao hoạt dịch, nhiều chất lỏng tích tụ bên trong.
Một số tình trạng làm tăng nguy cơ, chẳng hạn như:
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh gút
- Tiểu đường
- Bệnh tuyến giáp
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh thận
- Nhiễm độc niệu.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp của viêm bao hoạt dịch khớp vai:
- Đau đớn
- Đau vai đột ngột hoặc tiến triển từ từ
- Đau ở trên vai hoặc bên ngoài
- Đau vai có thể nhẹ, đau nhói hoặc đau âm ỉ
- Đau nhiều hơn khi chạm vào hoặc di chuyển vai (xoay vai, đẩy hoặc mở cửa)
- Đau nhói khi nhấc cánh tay sang một bên hoặc cử động vai qua đầu
- Cơn đau thường tồi tệ hơn vào ban đêm
- Cứng vai
- Sưng tấy
- Khó chịu khi nằm trên vai
- Sốt nếu túi hoạt dịch bị nhiễm trùng.
Người bệnh được kiểm tra vai ảnh hưởng, mức độ và đặc điểm đau. Ngoài ra bác sĩ có thể ấn nhẹ, yêu cầu người bệnh di chuyển vai hoặc nâng cánh tay. Điều này giúp xác định vị trí đau và đánh giá phạm vi chuyển động.
Để xác định hoặc đánh giá thêm về tình trạng, một loạt xét nghiệm dưới đây có thể được thực hiện:
- Chụp X-quang: Chụp X-quang giúp xác định những vấn đề về xương, chẳng hạn như gai xương, viêm khớp, tổn thương xương... Từ đó loại trừ những nguyên nhân có thể gây đau vai khác.
- Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI): Để tìm kiếm tình trạng viêm trong túi hoạt dịch, người bệnh sẽ được siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Hình ảnh thu được có thể giúp phát hiện bao hoạt dịch bị viêm và tích tụ nhiều chất lỏng dư thừa.
- Chụp hút khớp: Bác sĩ thường tiến hành chọc hút khớp để dẫn lưu chất lỏng dư thừa và xét nghiệm. Điều này có thể giúp xác định tình trạng nhiễm trùng hoặc bệnh gút.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm bao hoạt dịch khớp vai thường không quá nghiêm trọng, có thể được điều trị tốt bằng nhiều phương pháp. Tuy nhiên trì hoãn hoặc không điều trị có thể gây viêm mãn tính, các đợt bùng phát lặp đi lặp lại nhiều lần. Điều này khiến khả năng vận động vai bị giảm theo thời gian.
Nếu bị viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng, vi khuẩn gây viêm có thể lây lan sang những bộ phận và cơ quan khác. Từ đó làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và đe dọa đến tính mạng.
Điều trị
Điều trị viêm bao hoạt dịch khớp vai dựa vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hầu hết bệnh nhân điều trị bảo tồn đạt hiệu quả cao. Một số trường hợp khác cần tiến hành phẫu thuật.
1. Điều trị tại nhà
Người bệnh có thể áp dụng một số cách điều trị tại nhà để giảm đau, viêm và làm dịu những triệu chứng khác.
- Chườm đá: Biện pháp chườm đá có thể giúp giảm viêm và đau hiệu quả. Khi đặt túi đá lên vai, nhiệt độ thấp có thể làm giảm lưu thông máu, giảm viêm (sưng) và đau nhức hiệu quả. Biện pháp này nên được thực hiện mỗi 6 giờ 1 lần, mỗi lần 15 phút sẽ cảm thấy hiệu quả cao.
- Nghỉ ngơi hợp lý: Những người bị viêm bao hoạt dịch khớp vai được yêu cầu tạm dừng những hoạt động làm nặng hơn các triệu chứng. Chẳng hạn như khuân vác vật nặng, lặp đi lặp lại một chuyển động có thể gây đau và tăng áp lực cho vai. Tốt nhất nên để vai được nghỉ ngơi và chỉ chuyển động nhẹ nhàng.
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Nếu đau nhiều, hãy giảm đau tạm thời bằng Acetaminophen. Đây là một loại thuốc giảm đau thông thường, giúp làm dịu nhanh cơn đau và hạ sốt cho bệnh nhân bị viêm bao hoạt dịch do nhiễm trùng.
- Tập luyện nhẹ nhàng: Người bệnh được khuyên kéo giãn nhẹ nhàng. Tránh kéo giãn đến mức khó chịu hoặc đau đớn. Ngoài ra nên thực hiện một số bài tập phù hợp, chẳng hạn như bóp xương bả vai, nâng vai và căng sau. Những bài tập này giúp tăng cường phạm vi chuyển động cho vai và các cơ hỗ trợ. Đồng thời giúp giảm đau và tăng tính ổn định cho khớp.
2. Thuốc
Viêm bao hoạt dịch khớp vai thường được yêu cầu dùng thuốc để giảm đau và viêm. Các thuốc thường được chỉ định gồm:
- Thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID): Bệnh nhân thường được hướng dẫn dùng Ibuprofen hoặc Naproxen. Những loại thuốc này có tác dụng hạ sốt, giảm đau và sưng tấy do viêm bao hoạt dịch.
- Corticosteroid dạng uống: Corticosteroid là một loại thuốc kháng viêm mạnh, được dùng cho những trường hợp không đáp ứng tốt với NSAID. Thuốc có tác dụng giảm đau và viêm nặng, hỗ trợ cải thiện vận động cho khớp vai. Kenalog hoặc Celestone là những loại Corticosteroid dạng uống thường được sử dụng.
- Tiêm steroid: Tiêm Corticosteroid vào bao hoạt dịch nếu viêm và đau kéo dài, không đáp ứng với các loại thuốc khác. Thuốc này được đưa trực tiếp vào bao hoạt dịch viêm, giúp giảm viêm sưng và giảm đau tức thì. Hiệu quả kéo dài vài tháng. Hầu hết các trường hợp chỉ tiêm một mũi và không cần tiêm nhắc lại.
- Thuốc kháng sinh: Nếu viêm bao hoạt dịch do vi khuẩn, người bệnh sẽ được sử dụng thuốc kháng sinh. Khi được đưa vào cơ thể, thuốc này nhanh chóng loại bỏ các vi khuẩn gây nhiễm trùng.
3. Vật lý trị liệu
Nếu viêm bao hoạt dịch khớp vai kéo dài hoặc tái phát nhiều lần, ảnh hường đến khả năng vận động, người bệnh sẽ được vật lý trị liệu. Biện pháp này gồm những bài tập kéo giãn giúp tăng cường cơ bắp suy yếu và cải thiện phạm vi chuyển động.
Ngoài ra bài tập vật lý trị liệu còn có tác dụng giảm đau, giảm cứng khớp và duy trì linh hoạt cho vai. Từ đó giúp người bệnh sớm trở lại các hoạt động.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật nếu những triệu chứng trở nên tồi tệ hơn, viêm tái phát nhiều lần hoặc không cải thiện sau 6 - 12 tháng điều trị bảo tồn. Phương pháp này có thể bao gồm việc sửa chữa hoặc loại bỏ mô bị tổn thương, giảm kích thích hoặc đè lên túi hoạt dịch. Từ đó làm giảm áp lực trong túi hoạt dịch.
Đôi khi bệnh nhân được phẫu thuật nội soi loại bỏ bao hoạt dịch bị viêm. Điều này giúp nhường chỗ cho gân và xương di chuyển, tránh viêm tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến những chuyển động của vai.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ viêm bao hoạt dịch khớp vai, hãy thực hiện một số bước dưới đây:
- Sớm khám và điều trị nếu đột nhiên bị đau vai và có những bất thường khác.
- Nếu bị chấn thương, hãy đeo nẹp vài ngày để giảm bớt căng thẳng trên vai. Điều này cũng giúp giảm những chuyển động có thể tăng đau cho đến khi ổn định khớp.
- Thường xuyên vươn vai, thực hiện những bài tập tăng cường và kéo giãn. Điều này giúp thư giãn, tăng các cơ hỗ trợ cho khớp và cải thiện tính linh hoạt. Từ đó giảm nguy cơ kích thích và viêm bao hoạt dịch.
- Tránh lạm dụng khớp vai, không lặp đi lặp lại một chuyển động và hạn chế nâng vật nặng.
- Nếu có công việc cần nâng cao tay hoặc chuyển động vai nhiều lần (chẳng hạn như bơi và nâng vật), hãy dành thời gian nghỉ ngơi và kéo giãn.
- Luôn tập thể dục và chơi thể thao đúng kỹ thuật.
- Luôn khởi động và làm nóng vai trước khi chơi thể thao hoặc thực hiện những hoạt động nặng.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Viêm bao hoạt dịch khớp vai có cản trở cuộc sống hàng ngày không?
2. Phương pháp điều trị nào giảm nhanh cơn đau và được chỉ định?
3. Điều trị trong bao lâu thì khỏi?
4. Những hoạt động nào có thể khiến tôi bị đau hơn?
5. Có những hạn chế nào trong sinh hoạt hay không?
6. Tôi nên luyện tập như thế nào?
7. Có những biện pháp giảm đau nào giúp giảm sử dụng thuốc?
Viêm bao hoạt dịch khớp vai gây sưng, đau đớn nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chuyển động của vai. Tình trạng này cần được điều trị sớm để cải thiện vận động và ngăn phát triển các biến chứng. Hãy thực hiện các phương pháp điều trị và luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!