Viêm Khớp Ngón Tay Cái
Viêm khớp ngón tay cái xảy ra khi sụn khớp bị mòn và xương cọ xát với nhau, thường xảy ra sau 50 tuổi. Điều này dẫn đến cứng, sưng và đau ở ngón tay cái. Các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Tổng quan
Viêm khớp ngón tay cái là tình trạng viêm của những khớp nhỏ ở ngón tay cái, thường do lão hóa. Bệnh xảy ra khi sụn khớp bị mòn và kém trơn nhẵn, không gian bảo vệ giữa những đầu xương thu hẹp khiến chúng cọ xát với nhau.
Khi xương cọ xát với xương, chúng tạo ra ma sát dẫn đến viêm và làm hỏng khớp. Viêm khớp ngón tay cái gây sưng tấy, cứng và đau nhức kéo dài. Khi không được chữa sớm, tình trạng này có thể làm giảm sức mạnh và phạm vi chuyển động của ngón tay.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm khớp ngón tay cái thường là viêm xương khớp (thoái hóa khớp) - một loại viêm khớp phổ biến xảy ra do hao mòn. Bệnh bắt nguồn từ sự thoái hóa của sụn theo thời gian.
Dưới đây là những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh:
- Tuổi tác: Bệnh chủ yếu xảy ra ở những người trên 50 tuổi. Khi già đi, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp của bạn sẽ tăng lên.
- Giới tính: Nữ giới có nhiều nguy cơ hơn.
- Di truyền: Tiền sử gia đình bị viêm khớp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.
- Mãn kinh: Nội tiết tố thay đổi trong thời kỳ mãn kinh có thể thúc đẩy quá trình lão hóa và gây viêm xương khớp.
- Chấn thương: Viêm xương khớp thường phát triển sau một chấn thương trong quá khứ.
- Nghề nghiệp: Các công việc đòi hỏi lặp đi lặp lại một chuyển động khiến các khớp ngón tay chịu nhiều căng thẳng. Từ đó tăng nguy cơ viêm khớp.
- Khớp lỏng lẻo: Bất kỳ nguyên nhân nào khiến khớp lỏng lẻo cũng đều có khả năng dẫn đến viêm khớp.
- Thừa cân béo phì: Thừa cân làm tăng áp lực lên khớp, tăng tốc độ lão hóa và gây viêm. So với các khớp khác, khớp ngón tay cái thường ít bị ảnh hưởng hơn.
- Bệnh lý: Viêm khớp ngón tay cái thường gặp ở những người có các bệnh lý làm thay đổi chức năng và cấu trúc bình thường của sụn. Cụ thể như viêm khớp dạng thấp.
Triệu chứng và chẩn đoán
Viêm khớp ngón tay cái có những triệu chứng và dấu hiệu sau:
- Đau. Đây là triệu chứng đầu tiên của bệnh
- Đau thường bắt đầu ở gốc ngón tay cái khi thực hiện một số cử động như nắm, bắt véo hoặc dùng lực
- Đau nhức khó chịu sau khi sử dụng ngón tay cái trong thời gian dài
- Cơn đau tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian
- Sưng
- Sờ thấy mềm và ấm
- Đỏ
- Cứng trong khớp và giảm phạm vi chuyển động
- Giảm sức mạnh hoặc cảm thấy mất sức khi thực hiện những hoạt động nắm hoặc véo
- Có vết sưng trên khớp do sự phát triển của gai xương
- Hạn chế chuyển động ở ngón tay cái.
Trong khi khám, người bệnh sẽ được hỏi về triệu chứng, bất kỳ chấn thương hoặc bệnh lý nào trong quá khứ. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra bàn tay và ngón tay cái, tìm kiếm các điểm sưng đau, giữ chặt khớp trong khi di chuyển ngón tay cái. Điều này giúp phát hiện các chuyển động gây đau và âm thanh lạo xạo liên quan đến viêm xương khớp.
Sau khám lâm sàng, chụp X-quang được chỉ định để kiểm tra bất thường của xương và khớp. Hình ảnh thu được có thể cho thấy gai xương và tình trạng thu hẹp không gian khớp (dấu hiệu của viêm khớp thoái hóa).
Biến chứng và tiên lượng
Viêm khớp ngón tay cái được điều trị bằng nhiều phương pháp. Nhưng nếu không được kiểm soát tốt, khớp ngón tay cái bị hỏng hoặc tổn thương nhiều hơn. Điều này tăng mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
Ngoài ra người bệnh có khả năng gặp những biến chứng sau:
- Mệt mỏi và suy nhược
- Mất ngủ
- Lo lắng và trầm cảm
- Gãy xương do căng thẳng
- Chảy máu hoặc nhiễm trùng trong khớp
- Suy giảm hoặc mất phạm vi và chức năng của khớp
- Suy thoái gân và dây chẳng.
Điều trị
Trong giai đoạn đầu, viêm khớp ngón tay cái được điều trị bằng những phương pháp không phẫu thuật. Nếu viêm khớp nghiêm trọng hơn và các triệu chứng không giảm, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật.
1. Biện pháp khắc phục tại nhà
Những biện pháp tại nhà có thể giúp giảm đau, sưng tấy và cải thiện khả năng vận động của khớp.
- Đeo nẹp: Bệnh nhân thường được hướng dẫn sử dụng nẹp trong vài ngày. Thanh nẹp có thể giúp hỗ trợ khớp, hạn chế những cử động có thể gây đau ở ngón tay viêm. Từ đó giảm cảm giác khó chịu, bảo vệ khớp và cho phép mô tổn thương có thời gian được chữa lành.
- Chườm lạnh: Đặt túi đá lên bàn tay và ngón tay từ 5 - 15 phút, mỗi ngày vài lần. Biện pháp này có thể giúp giảm sưng và đau hiệu quả.
- Liệu pháp nhiệt: Ngâm bàn tay trong nước ấm hoặc đặt túi chườm hay miếng đệm sưởi lên ngón tay từ 15 - 20 phút. Biện pháp này giúp giảm đau, tăng phạm vi chuyển động và giảm cứng khớp do viêm. Chườm ấm nên được hiện 4 lần/ ngày.
- Nghỉ ngơi ngón tay cái: Tránh những hoạt động có thể làm tăng áp lực lên cổ tay và ngón tay cái. Nên giữ ngón tay ảnh hưởng được nghỉ ngơi để chữa lành và phục hồi.
- Tập thể dục: Thường xuyên thực hiện những bài tập nhẹ nhàng cho cổ tay, bàn tay và các ngón tay. Điều này giúp tăng cường cơ bắp xung quanh ngón tay cái, tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt.
2. Thuốc
Những loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm khớp ngón tay cái gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một loại NSAID như Naproxen, Aspirin hoặc Ibuprofen có thể được dùng để điều trị đau và viêm. Nếu đau không giảm, Celecoxib (Celebrex) sẽ được kê đơn để làm dịu triệu chứng.
- Thuốc bôi: Một loại thuốc bôi như Capsaicin hoặc Diclofenac thường được bôi lên vùng ảnh hưởng để giảm đau do viêm.
- Acetaminophen: Thuốc này có tác dụng giảm đau và hạ sốt, mang đến hiệu quả nhanh cho những cơn đau nhẹ hoặc vừa.
- Thuốc giảm đau nhóm opioid: Một loại opioid như Tramadol có thể được chỉ định cho những người có cơn đau nặng. Thuốc giúp giảm đau nhanh bằng cách thay đổi cảm giác hoặc/ và phản ứng của cơ thể trước cơn đau. Tramadol thường được dùng kết hợp với Paracetamol để tăng hiệu quả giảm đau, giảm liều dùng opioid để tránh gây nghiện. Thuốc giảm đau nhóm opioid sẽ được sử dụng liều thấp trong thời gian ngắn.
- Tiêm Corticosteroid: Đây là một loại kháng viêm mạnh. Thuốc được chỉ định cho trường hợp đau nhiều và không giảm khi dùng các loại thuốc thông thường. Khi sử dụng, Corticosteroid giúp giảm viêm quanh khớp ngón tay cái và các triệu chứng.
3. Phẫu thuật
Nếu không đáp ứng với điều trị bảo tồn hoặc không thể uốn cong ngón tay, người bệnh sẽ được đề nghị phẫu thuật. Dựa vào tình trạng, phẫu thuật có thể bao gồm:
- Cắt xương: Trong quy trình này, bác sĩ tiến hành loại bỏ gai xương và mô tổn thương. Đồng thời định hình lại các xương trong khớp để điều chỉnh biến dạng.
- Hợp nhất khớp: Phẫu thuật hợp nhất khớp sử dụng vít kim loại để cố định các xương trong khớp ảnh hưởng. Điều này khiến các xương phát triển cùng nhau và hợp nhất. Sau phục hồi, người bệnh sẽ tránh được những chuyển động có thể gây đau.
- Phẫu thuật cắt bỏ xương thang: Phương pháp được thực hiện nhằm giảm đau và cơ khi bị viêm khớp ngón tay cái. Trong khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ xương thang (xương hình khối không đều ở cổ tay gắn với phần trên của ngón tay cái). Sau đó điều chỉnh lại khớp.
- Thay khớp: Nếu khớp ngón tay cái bị viêm và hỏng nặng, người bệnh được phẫu thuật thay khớp để phục hồi chức năng. Trong đó khớp ảnh hưởng sẽ bị loại bỏ và được thay thế bằng những mảnh ghép từ gân.
Phòng ngừa
Viêm khớp ngón tay cái không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên một số cách có thể giảm nguy cơ, bao gồm:
- Tránh lạm dụng hoặc thực hiện những chuyển động có thể gây căng thẳng cho ngón tay cái.
- Không thực hiện những động tác hoặc tư thế có thể gây chấn thương cho ngón tay.
- Tránh thừa cân và béo phì. Giữ cân nặng hợp lý có thể bảo vệ các khớp của bạn, đặc biệt là các khớp ở chi và hông.
- Điều trị tốt những tình trạng có thể khiến khớp ngón tay cái của bạn dễ bị viêm hơn.
- Thường xuyên nghỉ giải lao nếu có các chuyển động lặp đi lặp lại.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì có khả năng gây ra các triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị được đề nghị là gì?
3. Mất bao lâu để điều trị khỏi?
4. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào?
5. Tôi nên làm gì nếu đau không giảm?
6. Những biện pháp chăm sóc nào giúp tôi cảm thấy tốt hơn?
7. Nếu trì hoãn điều trị, tôi có thể gặp những biến chứng nào?
Viêm khớp ngón tay cái gây ra nhiều triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng vận động và những cử động hàng ngày. Tuy nhiên điều trị sớm và tích cực có thể giúp khắc phục nhanh tình trạng. Vì vậy người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!