Trật Khớp Ức Đòn
Trật khớp ức đòn là một chấn thương ít gặp, xảy ra khi có sự không tiếp khớp giữa đầu xương đòn và đầu xương ức. Tình trạng này gây biến dạng khớp rõ rệt kèm theo sưng tấy và đau đớn. Việc tiếp tục chuyển động có thể khiến khớp di lệch thêm.
Tổng quan
Trật khớp ức đòn là sự di lệch của xương đòn khiến đầu xương ức và đầu xương đòn không tiếp khớp với nhau. Tình trạng này thường xảy ra sau một chấn thương do va đập mạnh hoặc hoạt động sai tư thế.
So với trật khớp ở những vị trí khác, trật khớp ức đòn ít gặp và kém nghiêm trọng hơn. Khi điều này xảy ra, khớp ức đòn bị biến dạng rõ rệt, nhìn thấy một vết sưng nổi gồ trên da, cùng với đó là cảm giác đau nhức khó chịu.
Những người bị trật khớp ức đòn cần được cố định khớp. Sau đó tiến hành thăm khám để được nắn chỉnh sớm. Tránh tiếp tục những chuyển động có thể khiến khớp sai lệch nghiêm trọng hơn.
Phân loại
Hầu hết các trường hợp bị trật khớp ức đòn một bên. Tình trạng này được phân thành 2 loại gồm: Trật khớp ra trước và trật khớp ra sau.
- Trật khớp ra trước: Trật khớp ra trước thường gặp hơn so với trật khớp ra sau. Nguyên nhân là do dây chằng ức đòn trước yếu hơn, khớp mất vững và dễ dẫn đến trật khớp khi có va đập mạnh.
- Trật khớp ra sau: Do có hệ thống dây chằng vững chắc nên trật khớp ức đòn ra sau thường hiếm gặp hơn. Tuy nhiên khớp ức đòn trật ra sau có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, tăng nguy cơ chấn thương thực quản, biến chứng liên quan đến mạch máu thần kinh và khí quản.
Phân loại dựa vào mức độ trật:
- Mức độ nhẹ: Dây chằng không bị tổn thương nhiều và khớp ức đòn vững.
- Mức độ vừa: Trật khớp bán phần. Trong đó dây chằng bị tổn thương không hoàn toàn.
- Mức độ nặng: Trật khớp ức đòn hoàn toàn, bệnh nhân có dây chằng bị tổn thương hoàn toàn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Trật khớp ức đòn chủ yếu do chấn thương. Một cú va đập mạnh hoặc chấn thương do đeo đai an toàn chéo qua ngực có thể đẩy xương đòn lệch khỏi vị trí ban đầu. Từ đó gây ra tình trạng trật khớp.
Đôi khi trật khớp ức đòn xảy ra do những nguyên nhân không liên quan đến chấn thương. Chẳng hạn như:
- Hội chứng lỏng lẻo đa dây chằng toàn thân (Ehlers-Danlos)
- Xương đòn bất thường
- Biến dạng mô cơ
Trật khớp thường gặp hơn ở những người thường xuyên hoạt động nặng nhọc, chơi những môn thể thao tiếp xúc và người lớn tuổi có dây chằng yếu ớt.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng của trật khớp ức đòn gồm:
+ Triệu chứng chung
- Biến dạng khớp
- Sưng tấy hoặc có một khối nổi gồ trên da
- Sờ thấy khối bất thường ở vùng khớp ức đòn
- Đỏ ửng
- Đau nhức đột ngột và dữ dội
- Đau giảm khi quay đầu về bên tổn thương
- Hạn chế hoặc không thể chuyển động vai và cánh tay (biên độ vận động vùng vai giảm)
- Huyết áp tay bệnh thấp hơn tay lành
- Mất mạch hoặc giảm tĩnh mạch so với bên lành
- Đôi khi có dấu hiệu tắc nghẽn tĩnh mạch
+ Trật khớp ra trước
- Nhìn thấy một khối nổi gồ lên cạnh xương ức
- Dạng vai đưa tay ra trước thấy khối bất thường trước ức đòn tăng
- Đau nhức
- Hạn chế vận động của cánh tay và vai
- Tê và yếu chi.
+ Trật khớp ra sau
- Sờ vùng khớp ức đòn thấy khối lõm, có dấu ổ khớp rỗng
- Đau nhức nhiều ở đầu trong xương đòn
- Khó thở, nghẹt thở hoặc khó nuốt (dấu hiệu chèn ép)
- Tê, yếu, mất cảm giác ở chi trên.
Chẩn đoán trật khớp ức đòn bao gồm việc kiểm tra tiền sử chấn thương, các triệu chứng lâm sàng như đau nhức, sưng và những biến dạng của khớp ức đòn.
Để đánh giá thêm về tình trạng, bác sĩ tiến hành chụp X-quang hoặc CT kiểm tra cấu trúc khớp.
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp phát hiện nhanh sự không tiếp khớp giữa đầu xương đòn và đầu xương ức, đánh giá mức độ trật khớp. Xét nghiệm này cũng giúp chẩn đoán một số chấn thương khác của xương, chẳng hạn như gãy xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính được đánh giá là kỹ thuật tốt nhất trong chẩn đoán và xác định mức độ nghiêm trọng của trật khớp ức đòn. Kỹ thuật cung cấp hình ảnh chi tiết của các mô, xương và cơ quan theo lát cắt ngang. Từ đó phát hiện những tổn thương mà X-quang thông thường không thể nhìn thấy. Đồng thời phân biệt giữa trật khớp đối với gãy xương đòn và gãy xương ức. CT cũng giúp phát hiện và đánh giá những tổn thương liên quan đến phổi và trung thất.
Biến chứng và tiên lượng
Trật khớp ức đòn có thể gây ra nhiều biến chứng cho người bệnh, đặc biệt là trật khớp ra sau. Những biến chứng thường gặp gồm:
- Chấn thương phổi
- Tắc nghẽn tĩnh mạch cổ
- Tổn thương thần kinh và mạch máu vùng trung thất
- Tổn thương thực quản
- Thay đổi giọng nói
- Tăng áp lực động mạch cảnh.
Điều trị
Điều trị dựa vào mức độ nghiêm trọng của trật khớp ức đòn. Phần lớn các trường hợp được điều trị bảo tồn. Những trường hợp trật khớp nặng cần phẫu thuật để sửa chữa.
1. Điều trị bảo tồn
Điều trị bảo tồn gồm cố định ở trường hợp nhẹ và nắn khớp ở trường hợp nặng hơn.
- Cố định khớp
Nếu bị trật khớp nhẹ, bệnh nhân được cố định khớp ức đòn bằng đai cố định vai trong vòng 24 giờ đầu. Sau đó bất động liên tục từ 3 - 4 ngày. Khi khớp đã ổn định hơn, người bệnh được hướng dẫn những chuyển động nhẹ nhàng và dần trở lại với những hoạt động bình thường.
- Nắn chỉnh
Nắn kín dưới gây mê sẽ được chỉ định cho những trường hợp bị trật khớp từ vừa đến nặng. Phương pháp này giúp đưa đầu xương đòn trở lại vị trí đúng mà không cần phẫu thuật.
-
- Đối với trật khớp ra trước: Bệnh nhân được gây mê, nằm ngửa với tay duỗi thẳng. Sau đó kỹ thuật viên tiến hành ấn đầu trong xương đòn ra sau.
- Đối với trật khớp ra sau: Người bệnh nằm ngửa với tay duỗi thẳng, kỹ thuật viên sử dụng kẹp chuyên dụng kẹp đầu trong xương đòn, cuối cùng kéo đầu xương ra phía trước.
Sau nắn chỉnh, bệnh nhân được yêu cầu đeo đai số 8 để cố định khớp trong vòng 4 - 6 tuần. Điều này cho phép khớp xương và các mô có thời gian lành lại đúng cách và tăng độ vững chắc.
Ngoài ra người bệnh được hướng dẫn sử dụng một số loại thuốc giúp giảm đau và giảm sưng nề, duy trì tập thụ động cổ bàn tay và khuỷu tay trong quá trình hồi phục.
2. Phẫu thuật
Bệnh nhân được phẫu thuật nếu nắn kín không đạt hiệu quả như mong đợi hoặc khớp ức đòn tiếp tục mất vững và tiến triển kéo dài. Trong quá trình này, bác sĩ tiến hành điều chỉnh khớp trật bằng những kỹ thuật sau:
- Nắn chỉnh cố định bằng Kirschner, nẹp móc, chỉ thép hoặc vít xốp rời
- Cắt đầu trong xương đòn đơn thuần (Rockwood)
- Tái tạo dây chằng hình số 8 bằng gân cơ bán gân
Sau phẫu thuật, người bệnh được bất động khớp ức đòn bằng đai treo tay trong 6 tuần, duy trì tập thụ động cổ bàn tay và khuỷu tay, tập đưa quả lắc đồng hồ từ ngày thứ 2.
Bệnh nhân không đưa tay ra trước, không dạng chủ động quá 90 độ trong 6 tuần; không đẩy, kéo, nâng đổ và lao động nặng trong vòng 3 tháng đầu. Từ tuần thứ 8 đến tuần 12, tập tăng cường cơ bắp để tăng tính ổn định, phục hồi sức mạnh và tính linh hoạt cho khớp ức đòn.
Phòng ngừa
Ngăn ngừa chấn thương sẽ giúp bạn phòng ngừa trật khớp ức đòn. Cụ thể:
- Tránh những hoạt động nặng nhọc hoặc mang vác vật nặng.
- Thận trọng khi lái xe và chơi thể thao để phòng ngừa chấn thương do va đập.
- Luôn thực hiện tư thế đúng. Tránh những tư thế xấu trong sinh hoạt để không gây căng thẳng và trật khớp.
- Khởi động kỹ lưỡng trước khi chơi thế thao và luyện tập để giảm nguy cơ chấn thương.
- Thường xuyên tập thể dục để tăng cường các cơ hỗ trợ, tăng tính ổn định cho khớp ức đòn, làm mạnh cơ gân và giảm nguy cơ trật khớp.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Phương pháp điều trị nào phù hợp và mang đến hiệu quả cao?
2. Tôi cần cố định và bất động trong bao lâu?
3. Những bài tập nào phù hợp và cần thực hiện?
4. Có những lựa chọn phẫu thuật nào?
5. Tôi có thể trở lại với công việc và hoạt động thể thao không?
6. Mất bao lâu để tôi có thể phục hồi hoàn toàn?
7. Tôi cần làm gì để ngăn ngừa trật khớp ức đòn tái phát?
Trật khớp ức đòn chủ yếu do chấn thương. Tình trạng này gây đau nhức nhiều, ảnh hưởng đến những hoạt động sinh hoạt và phát triển nhiều biến chứng. Tốt nhất cần bất động và cố định khớp, sau đó di chuyển đến bệnh viện để được hướng dẫn cách xử lý hiệu quả nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!