Lao Xương
Lao xương là một bệnh lao ngoài phổi. Bệnh lý này xảy ra do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis phát triển mạnh trong phổi và len lỏi vào những bộ phận khác, trong đó có xương. Bệnh gây ra những tổn thương nghiêm trọng, thường ảnh hưởng đến cột sống, khớp và các xương dài.
Tổng quan
Bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, xảy ra khi có sự xâm nhập của vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (còn được gọi là vi khuẩn lao). Bệnh lý này chủ yếu ảnh hưởng đến phổi. Tuy nhiên vi khuẩn lao cũng có thể lây lan sang những bộ phận khác của cơ thể, được gọi là lao ngoài phổi (EPTB).
Lao xương là một dạng thường gặp của bệnh lao ngoài phổi. Bệnh thể hiện cho tình trạng vi khuẩn lao gây ra những tổn thương trong hệ thống xương. Trong đó các xương dài, cột sống và khớp là những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất.
Bệnh lao xương thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi phát triển nặng hơn. Đặc biệt lao cột sống rất khó chẩn đoán vì không gây đau hoặc không có bất kỳ hiểu hiện nào trong giai đoạn đầu.
Hầu hết các trường hợp được chẩn đoán khi bệnh rất nặng. Những trường hợp này khó điều trị và dễ gặp biến chứng. Tuy nhiên nhiều phương pháp có thể giúp kiểm soát bệnh.
Phân loại
Bệnh lao xương được phân loại dựa vào vị trí ảnh hưởng. Bao gồm:
- Lao cột sống
- Lao chi trên
- Lao chi dưới
- Lao khớp háng
- Lao khớp gối
- Lao khuỷu tay
- Lao khớp cổ tay.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Bệnh lao xương do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Bệnh xảy ra khi vi khuẩn này lan vào tủy xương hoặc tủy sống của bạn. Nhiễm trùng lây lan qua máu khi tiếp xúc với mủ hoặc chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.
Ngoài ra bệnh lao cũng thường lây lan từ người sang người qua không khí. Khi bị nhiễm trùng, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis thông qua các mạch máu di chuyển từ phổi hoặc hạch bạch huyết đến xương, khớp hoặc cột sống.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Nhiễm HIV/AIDS: Bệnh lao xương phổ biến hơn ở những người bị HIV/AIDS, chủ yếu ảnh hưởng đến những nơi có nhiễm trùng AIDS lan rộng. Nguyên nhân là do virus HIV làm suy yếu hệ thống miễn dịch của cơ thể.
- Điều trị không đúng cách: Bệnh lao phổi không được điều trị đúng cách ngay từ đầu khiến vi khuẩn lây lan, di chuyển đến nguồn cung cấp máu của xương. Từ đó dẫn đến bệnh lao xương.
- Thiếu vitamin D: Tình trạng thiếu hụt vitamin D làm suy giảm hệ miễn dịch, ảnh hưởng đến khả năng chống lại sự lây lan vi khuẩn lao trong cơ thể. Từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh lao xương.
Triệu chứng và chẩn đoán
Bệnh lao xương có những triệu chứng và dấu hiệu nghiêm trọng, thường xảy ra trong giai đoạn tiến triển, không rõ ràng trong giai đoạn đầu. Những triệu chứng và dấu hiệu phổ biến nhất gồm:
- Đau nhức dữ dội ở chi, lưng hoặc khớp bị ảnh hưởng
- Viêm ở lưng hoặc khớp
- Sưng tấy
- Cứng khớp
- Áp xe lạnh
- Phạm vi chuyển động giảm, gặp nhiều rắc rối khi đi bộ hoặc di chuyển (đặc biệt là ở trẻ em)
- Mất khối lượng cơ bắp
- Sưng hạch bạch huyết
- Loét
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh sẽ có những triệu chứng nguy hiểm sau:
- Biến dạng xương hoặc cột sống
- Yếu cơ
- Viêm màng não
- Rối loạn thần kinh
- Biến chứng thần kinh
- Liệt nửa người hoặc liệt tứ chi
- Gù lưng
- Rút ngăn chân tay ở trẻ em
Các triệu chứng toàn thân:
- Sốt
- Mệt mỏi
- Giảm cân
- Ăn mất ngon
- Đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm
- Đau ngực
- Ho khan hoặc ho ra máu
- Cảm thấy ốm hoặc yếu.
Có nhiều phương pháp giúp chẩn đoán bệnh lao xương. Thông thường người bệnh sẽ được kiểm tra tiền sử bệnh lao và các triệu chứng. Bác sĩ có thể quan sát kết hợp ấn nhẹ ở vùng có bất thường. Điều này giúp đánh giá sơ nét về tình trạng.
Nếu có nghi ngờ lao xương, bác sĩ có thể chỉ định một loạt xét nghiệm dưới đây để xác định chẩn đoán. Bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để kiểm tra phản ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn lao trong máu. Điều này giúp phát hiện những dấu hiệu của vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis. Xét nghiệm máu cũng được chỉ định để xác định nhiễm trùng AIDS ở một số trường hợp.
- Xét nghiệm bệnh lao trên da (xét nghiệm Mantoux): Xét nghiệm này giúp xác định hệ thống miễn dịch có phản u ứng với vi khuẩn lao hay không. Trong đó một lượng nhỏ lao tố sẽ được tiêm bên dưới da. Nếu có vết sưng cứng nổi lên sau 48 - 72 giờ, bác sĩ sẽ tiến hành đo vết sưng. Đồng thời tìm những yếu tố rủi ro để xem người bệnh có phản ứng tích cực hay không.
- Nuôi cấy vi khuẩn: Mẫu máu hoặc đờm được lấy ra và làm xét nghiệm Mycobacterium tuberculosis. Điều này giúp phát hiện bệnh lao xương và nhiễm trùng phổi tiềm ẩn.
- Sinh thiết: Dùng kim lấy một phần mô bị nhiễm bệnh, sau đó kiểm tra để xác định xem có bị nhiễm trùng hay không.
- Xét nghiệm dịch cơ thể: Trong nhiều trường hợp, dịch màng phổi, dịch khớp hoặc dịch não tủy (xung quanh tủy sống) được rút ra để xét nghiệm. Nếu có nhiễm trùng, vi khuẩn lao sẽ được phát hiện khi kiểm tra.
- Xét nghiệm hình ảnh: Nếu có biến dạng xương, người bệnh sẽ được chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp vi tính (CT). Hình ảnh thu được có thể xác định mức độ biến dạng xương, nguyên nhân gây biến dạng, những tổn thương khác của xương và mô.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh lao xương là một căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong nhưng thường không được phát hiện trong giai đoạn đầu. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, người bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận động, sinh hoạt và công việc.
Hơn nữa, việc không điều trị sớm có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm dưới đây:
- Biến dạng xương vĩnh viễn
- Giảm khả năng vận động
- Liệt nửa người hoặc liệt tứ chi do vi khuẩn lao gây biến dạng cột sống, chèn ép rễ thần kinh và tủy sống
- Rút ngăn chân tay, khó khăn khi di chuyển ở trẻ em
- Yếu và teo cơ
- Liệt cơ tròn (xảy ra khi tủy sống bị chèn ép bởi áp xe lạnh)
- Nhiễm trùng lao lan rộng dẫn đến viêm màng não và tử vong
- Cắt cụt chi
- Áp xe vỡ vào trung thất dẫn đến ép tim, trụy tim, suy hô hấp dẫn đến tử vong.
Ở những trường hợp phát hiện và được điều trị sớm, người bệnh có tiên lượng tích cực hơn, giảm khả năng lây nhiễm và tử vong do lao.
Điều trị
Điều trị bệnh lao xương thường bao gồm những phương pháp dưới đây:
1. Thuốc
Những người bị lao xương chủ yếu được dùng thuốc chống lao để điều trị. Trong một số trường hợp, Corticoid cũng được dùng để giảm bớt các triệu chứng và ngăn biến chứng của bệnh.
- Thuốc chống lao
Bệnh lao nói chung và bệnh lao xương nói riêng được điều trị bằng thuốc kháng sinh (có tác dụng chống lao). Những loại thường được sử dụng gồm:
-
- Rifampicin
- Streptomycin
- Kanamycin
- Isoniazid
- Protionamide
- Cycloserine
- Pyrazinamid
Khi sử dụng, thuốc chống lao nhanh chóng xâm nhập vào những khu vực ảnh hưởng (như dịch não tủy) và tấn công vi khuẩn. Tùy thuộc vào tình trạng, các thuốc có thể được sử dụng từ 6 - 12 tháng để khắc phục bệnh.
Các thuốc chống lao cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Không tự ý ngừng điều trị để tránh bệnh lao đa kháng thuốc.
- Corticoid
Trong nhiều trường hợp, thuốc Corticoid được chỉ định để giảm viêm, giảm đau nhức. Đồng thồi ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng như viêm xung quanh tủy sống và tim.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi bệnh lao xương tiến triển, gây ra nhiều tổn thương và điều trị bảo tồn không hiệu quả. Trong quy trình này, bác sĩ có thể loại bỏ một phần hoặc cắt bỏ toàn bộ phần chi bị nhiễm bệnh. Sau đó thực hiện một số kỹ thuật nhằm cải thiện khả năng vận động tối đa.
Dưới đây là một số thủ tục cụ thể:
- Debridement: Thủ tục này được thực hiện nhằm loại bỏ xương chết, xương bị nhiễm trùng hoặc hư hỏng nặng do vi khuẩn lao.
- Ghép xương: Ghép xương thường được thực hiện sau khi thực hiện thủ tục debridement. Trong khi thực hiện, bác sĩ lấy xương tự thân từ một phần khác của cơ thể hoặc vật liệu giống xương để đặt vào vùng tổn thương. Điều này giúp phục hồi khả năng vận động sau khi loại bỏ các xương chết và hỏng.
- Cố định bên trong: Đôi khi bác sĩ sẽ sử dụng vít hoặc/ và tấm kim loại để cố định bên trong. Thủ thuật này giúp ổn định xương và cho phép các xương lành lại đúng cách.
Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ được vật lý trị liệu để lấy lại chức năng vận động.
Phòng ngừa
Những biện pháp giúp giảm nguy cơ bị lao xương;
- Không tiếp xúc gần với bệnh nhân bị lao phổi hoặc lao xương. Nếu cần phải tiếp xúc, hãy mang khẩu trang khi nói chuyện và rửa tay thường xuyên.
- Tuyệt đối không tiếp xúc với mủ hoặc chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh.
- Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh. Chẳng hạn như dụng cụ ăn uống, khăn tắm, quần áo...
- Thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn. Tránh đưa tay bẩn lên mặt, đặc biệt là mắt, mũi, miệng.
- Nâng cao thể trạng và hệ miễn dịch của cơ thể để tăng khả năng chống bệnh và nhiễm vi khuẩn lao. Một số biện pháp gồm:
- Ăn uống đầy đủ, lành mạnh và cân bằng. Đặc biệt nên ăn nhiều các loại trái cây, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, sữa, cá, thịt nạc, uống nước ép... Điều này để tăng cường bổ sung các vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
- Duy trì khẩu phần protein.
- Tăng cường bổ sung vitamin D nếu bị thiếu hụt.
- Nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng quá mức.
- Thường xuyên tập thể dục thể thao. Luyện tập ít nhất 30 phút vào tất cả các ngày trong tuần.
- Thiền định vài phút mỗi ngày để giảm căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch.
- Tránh căng thẳng kéo dài.
- Ngủ đủ giấc mỗi ngày để duy trì sức khỏe tổng thể và ngăn ngừa bệnh tật.
- Những người bị lao cần mang khẩu trang khi nói chuyện, che miệng khi ho và hắt hơi để tránh lây nhiễm vi khuẩn lao cho người khác.
- Nếu có nghi ngờ hoặc đang bị lao phổi, điều trị sớm và tích cực để tránh vi khuẩn lao lây lan đến xương. Lưu ý không bao giờ tự ý ngừng sử dụng thuốc cho đến khi bác sĩ cho phép. Điều này giúp ngăn ngừa bệnh lao đa kháng thuốc, tăng nguy cơ lây nhiễm cho người khác.
- Phòng ngừa bệnh lao cho trẻ bằng cách tiêm vắc xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG). Điều này giúp giảm nguy cơ lây nhiễm dẫn đến lao xương.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Bệnh lao xương được điều trị trong bao lâu?
2. Các biến chứng có thể được ngăn ngừa và khắc phục hay không?
3. Tôi có thể trở lại với công việc và hoạt động thể chất hay không?
4. Phương pháp điều trị nào phù hợp nhất và có hiệu quả cao?
5. Có bao nhiêu lựa chọn phẫu thuật?
6. Rủi ro và lợi ích có thể có được khi phẫu thuật là gì?
7. Tôi cần luyện tập như thế nào để phục hồi nhanh chóng?
8. Tôi cần làm gì để tránh lây lan cho người khác?
Bệnh lao xương là bệnh lý nghiêm trọng, cần được phát hiện, điều trị sớm và tích cực. Căn bệnh này gây ra nhiều tổn thương cho xương, tăng nguy cơ liệt, biến dạng xương vĩnh viễn, cụt chi... Tốt nhất nên khám và can thiệp khi có những biểu hiện bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!