Viêm Xương Chũm
Viêm xương chũm là bệnh nhiễm trùng ở xương chũm, thường phát triển từ viêm tai giữa chưa được điều trị. Bệnh hiếm khi xảy ra nhưng có thể đe dọa đến tính mạng.
Tổng quan
Viêm xương chũm là tình trạng viêm nhiễm ở xương chũm - xương lớn và cứng ở phía sau tai. Bệnh là kết quả của nhiễm trùng do vi khuẩn, thường bắt đầu từ viêm tai giữa không được điều trị.
Xương chũm chứa đầy những tế bào khí bao quanh tai trong và tai giữa. Những tế bào này có chức năng điều chỉnh áp suất tai.,Đồng thời bảo vệ những cấu trúc mỏng manh của tai và xương thái dương trong quá trình chấn thương.
Khi nhiễm trùng tai giữa không được điều trị, vi khuẩn lây lan, gây viêm hoặc nhiễm trùng những tế bào khí xương chũm. Mặc dù hiếm gặp nhưng bệnh lý này là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ tử vong. Khi không được điều trị, nhiễm trùng lan ra ngoài xương chũm và đe dọa tính mạng.
Phân loại
Bệnh viêm xương chũm được phân thành 2 loại gồm cấp tính và mãn tính.
- Cấp tính: Nhiễm trùng xương chũm cấp tính có những triệu chứng đột ngột và nghiêm trọng. Tuy nhiên tình trạng này thường biến mất trong vòng 1 tháng sau khi điều trị bằng kháng sinh, không tái phát.
- Mãn tính: Nhiễm trùng xương chũm mãn tính có những triệu chứng kéo dài hơn 1 tháng hoặc thường xuyên tái phát (ngay cả khi điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh).
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm xương chũm thường do nhiễm trùng tai giữa không được điều trị. Bệnh xảy ra khi nhiễm trùng lây lan vào xương chũm.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân bị viêm xương chũm do cholesteatoma. Đây là một khối da phát triển bất thường ở xương thái dương phía sau mành nhĩ và tai giữa.
Cholesteatoma ngăn chặn sự thoát nước của tai, chứa đầy không khí hoặc chất lỏng. Từ đó tăng nguy cơ viêm nhiễm lan đến xương chũm.
Triệu chứng và chẩn đoán
Triệu chứng và dấu hiệu của viêm xương chũm thường bắt đầu sau vài ngày hoặc vài tuần phát triển nhiễm trùng tai giữa. Các triệu chứng thường gặp gồm:
- Đau nhói không biến mất, đau nhói ở trong hoặc xung quanh tai
- Sưng và đỏ sau tai, tại vùng da bao phủ xương chũm
- Đau khi chạm vào vùng sau tai
- Tai ảnh hưởng trong giống như bị ấn xuống và sang một bên
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Khó chịu và thờ ơ
- Sưng dái tai
- Phồng và rủ tai
- Có mủ hoặc chất lỏng chảy ra từ tai
- Có một mùi hôi phát ra từ tai
Khi viêm xương chũm xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi, các triệu chứng và dấu hiệu dưới đây cũng sẽ xuất hiện:
- Cáu gắt
- Kéo tai
- Thờ ơ
- Thay đổi tâm trạng
- Thường xuyên quấy khóc
- Đập vào một bên đầu
Trước tiên, bác sĩ sẽ sử dụng ống soi tai để tìm kiếm nhiễm trùng trong tai. Ngoài ra bác sĩ có thể quan sát, sờ hoặc ấn nhẹ để tìm kiếm những dấu hiệu của viêm xương chũm.
Nếu có nghi ngờ nhiễm trùng hoặc viêm xương chũm phức tạp, những xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:
- Nuôi cấy: Một mẫu dịch chảy ra từ tai sẽ được thu thập để nuôi cấy. Xét nghiệm này giúp kiểm tra vi khuẩn gây nhiễm trùng tai.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra mẫu máu có thể giúp phát hiện những dấu hiệu của nhiễm trùng.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) tai và đầu: Nếu có nghi ngờ viêm xương chũm phức tạp, viêm mãn tính hoặc nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chụp CT tai và đầu. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh chi tiết bên trong hộp sọ và xương chũm. Từ đó phát hiện nhanh tổn thương và nhiễm trùng xương chũm.
Biến chứng và tiên lượng
Viêm xương chũm có thể được chữa khỏi khi dùng thuốc kháng sinh. Khi không được điều trị, nhiễm trùng xương chũm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng. Bao gồm:
- Hình thành cục máu đông trong não dẫn đến đau đầu hoặc thay đổi thị lực
- Nhiễm trùng huyết và tử vong
- Liệt mặt
- Chóng mặt
- Viêm mê cung dẫn đến buồn nôn, nôn và chóng mặt
- Mất thính lực
- Áp xe màng não hoặc viêm màng não dẫn đến tử vong
Điều trị
Bệnh viêm xương chũm cần được điều trị ngay lập tức để tránh nhiễm trùng đe dọa đến tính mạng. Điều trị ban đầu thường bao gồm nhập viện và dùng thuốc kháng sinh. Nếu không đáp ứng tốt, phẫu thuật sẽ được chỉ định.
1. Thuốc kháng sinh
Viêm xương chũm được điều trị bằng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Thông thường kháng sinh được dùng bằng đường tiêm tĩnh mạch trong khi nhập viện.
Nếu đợt điều trị đầu tiên không hiệu quả, kháng sinh sẽ được điều chỉnh dựa trên kết quả nuôi cấy vi trùng. Sau khi xuất viện, bệnh nhân có thể được sử dụng thêm kháng sinh đường uống.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định khi có áp xe xương chũm hoặc dùng kháng sinh không có hiệu quả. Phương pháp này giúp loại bỏ xương ảnh hưởng và dẫn lưu nhiễm trùng.
Các lựa chọn phẫu thuật cho bệnh viêm xương chũm:
- Cắt xương chũm: Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt bỏ phần xương chũm bị nhiễm bệnh. Từ đó giúp dẫn lưu nhiễm trùng.
- Tạo hình màng nhĩ: Các ống tai (ống hình trụ rỗng nhỏ) được đặt vào màng nhĩ. Ống này giúp thoát dịch ứ đọng trong tai, điều trị viêm xương chũm cấp tính và viêm tai giữa mãn tính.
Phòng ngừa
Điều trị hiệu quả nhiễm trùng tai là cách tốt nhất để phòng ngừa viêm xương chũm. Khi điều trị, cần dùng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Kháng sinh cần được dùng đúng liều và đúng thời gian quy định (ngay cả khi triệu chứng đã giảm). Điều này giúp ngăn nhiễm trùng tái phát và lây lan đến xương chũm.
Một số biện pháp khác giúp phòng ngừa nhiễm trùng tai giữa và viêm xương chũm:
- Hạn chế cho trẻ sử dụng núm vú giả. Việc dùng núm vú giả kéo dài có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa.
- Không hút thuốc lá và tránh hít khói thuốc lá thụ động. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tai giữa dẫn đến viêm xương chũm, đặc biệt là trẻ em.
- Kiểm soát tốt dị ứng, điều trị viêm và tích tụ chất nhầy do phản ứng dị ứng gây ra.
- Ngăn ngừa cảm lạnh để giảm nguy cơ nhiễm trùng tai giữa dẫn đến viêm xương chũm. Các biện pháp phòng ngừa gồm:
- Tránh tiếp xúc với người nhiễm bệnh
- Đeo khẩu trang khi ra ngoài
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước. Tránh để trẻ đưa tay bẩn lên mũi và miệng.
- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa và đồ chơi cho trẻ em.
- Nhiễm trùng đường hấp ở trẻ dễ lây lan đến tai giữa và xương chũm. Vì vậy các bệnh lý ở đường hô hấp trên cần được điều trị sớm và đúng cách theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Không tự ý dùng kháng sinh.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch và thể trạng để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Tốt nhất nên tăng cường bổ sung các vitamin và khoáng chất từ thực phẩm lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao.
- Thăm khám nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào khiến tôi hoặc con tôi có các triệu chứng?
2. Mức độ nghiêm trọng của viêm xương chũm? Tôi/ con tôi có nguy cơ gặp biến chứng hay không?
3. Điều trị như thế nào? Phương pháp phù hợp nhất là gì?
4. Mất bao lâu để điều trị khỏi bệnh?
5. Dùng thuốc có an toàn đối với trẻ nhỏ hay không?
6. Cần làm gì để ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát?
7. Tôi cần làm gì nếu nhiễm trùng tái phát?
Bệnh viêm xương chũm là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ nhỏ. Nhiễm trùng cần được điều trị sớm và đúng cách theo chỉ định của bác sĩ. Tốt nhất nên di chuyển đến bệnh viện khi có dấu hiệu bất thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!