Nốt Schmorl (Thoát Vị Schmorl)
Nốt Schmorl còn được gọi là các nút của Schmorl. Đây là một tình trạng thoát vị xảy ra bên trong đốt sống (xương cột sống). Nốt Schmorl là phần nhô ra của nhân nhầy bên trong đĩa đệm. Nó xuyên qua tấm cuối của thân đốt sống, vào đốt sống liền kề và tạo thành một khối thoát vị.
Nốt Schmorl phổ biến nhưng thường không có triệu chứng. Vì thế mà những nốt này không được phát hiện ở nhiều trường hợp. Nếu thoát vị nặng, những phần nhô ra có thể tiếp xúc với tủy dẫn đến viêm và gây đau ở lưng dưới.
Các nút của Schmorl cũng liên quan đến hoại tử xương đốt sống. Trong một số trường hợp, sụn di chuyển vào những vùng hoại tử và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nốt Schmorl hình thành khi đĩa đệm cột sống thoát vị, nhân nhầy bên trong chọc qua lớp bên ngoài và xâm lấn vào những đốt sống liền kề. Chúng phát triển trên những đĩa đệm và mảnh sụn - nơi hấp thụ sốc giữa mỗi đốt sống.
Nốt Schmorl có thể hình thành do những nguyên nhân sau:
- Đĩa đệm yếu
- Tăng áp lực quá mức lên các đĩa
- Thoái hóa cột sống khiến đĩa đệm giảm đàn hồi, bao xơ suy yếu và nhân nhầy bên trong dễ thoát vị
- Có một tình trạng tự miễn
- Bệnh Scheuermann khiến những đốt sống bi biến dạng hoặc phát triển không đồng đều trong thời thơ ấu
- Bệnh chuyển hóa
- Gãy xương hoặc chấn thương cột sống
- Nhiễm trùng cột sống
Những yếu tố khiến bạn có nhiều nguy cơ hơn:
- Tuổi cao
- Nam giới
- Những người có tiền sử gia đình phát triển các nút Schmorl
- Có tiền sử chấn thương lưng
- Loãng xương hoặc có một tình trạng sức khỏe khác làm suy yếu các xương.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những nốt Schmorl hiếm khi gây triệu chứng. Tình trạng này thường được phát hiện khi tình cờ chụp MRI cột sống vì một lý do khác.
Đôi khi các nốt Schmorl có thể gây viêm hoặc nhiễm trùng những đốt sống xung quanh, chèn ép dây thần kinh ở cột sống. Từ đó gây ra những triệu chứng sau:
- Đau lưng dưới
- Tê bì
- Ngứa ran hoặc châm chích
- Cảm thấy yếu ở chi.
Nốt Schmorl được chẩn đoán thông qua những kỹ thuật hình ảnh. Bao gồm:
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp MRI cột sống có thể phát hiện nhanh các nút của Schmorl. Trên hình ảnh, những nốt này trông giống như một vết sưng hoặc vết khía đẩy vào đốt sống.
- Chụp X-quang: X-quang cột sống có thể được thực hiện để phát hiện sớm sự phát triển của nốt Schmorl. Ngoài ra kỹ thuật này cũng giúp tìm kiếm nguyên nhân gây đau như thoái hóa cột sống, gãy xương, trượt đốt sống...
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT cung cấp hình ảnh chi tiết về xương và các mô xung quanh, phát hiện nhanh những bất thường khó nhìn thấy.
- Sinh thiết tổn thương: Sinh thiết có thể được thực hiện để phân biệt sự phát triển của các nút Schmorln với ung thư.
Bệnh thường được chẩn đoán phân biệt với viêm đốt sống và bệnh ác tính (như ung thư tủy)
Biến chứng và tiên lượng
Nốt Schmorl là một tình trạng lành tính, không phải là tăng trưởng do ung thư. Tuy nhiên một số người có thể có nốt Schmorl và ung thư phát triển đồng thời. Trong nhiều trường hợp khác, ung thư kích hoạt sự hình thành của nốt Schmorl. Chính vì thế, việc tiến hành sinh thiết tổn thương là điều cần thiết, tránh nhầm lẫn với ung thư.
Các nút của Schmorl thường không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên nếu đau hoặc khó chịu nhiều, bệnh nhân cần tiến hành điều trị để tránh phát triển những biến chứng dưới đây:
- Đau lưng mãn tính
- Viêm hoặc nhiễm trùng những đốt sống xung quanh
- Chèn ép dây thần kinh cột sống dẫn đến:
- Đau thần kinh tọa
- Hội chứng chùm đuôi ngựa
- Viêm dây thần kinh
- Tăng nguy cơ liệt
Điều trị
Không cần điều trị nếu nốt Schmorl không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Nếu bị đau hoặc khó chịu, bác sĩ có thể chỉ định những phương pháp điều trị dưới đây:
1. Điều trị không phẫu thuật
Các phương pháp điều trị không phẫu thuật có thể giúp giảm các triệu chứng của nốt Schmorl. Bao gồm:
- Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi đầy đủ, không làm việc gắng sức, tránh những tư thế hoặc hoạt động làm tăng áp lực cho cột sống. Điều này cho phép tổn thương đốt sống được phục hồi và giảm đau.
- Sửa đổi hoạt động
Luôn thực hành tư thế đúng. Tránh uốn cong, cúi, vặn hoặc xoắn người. Điều này giúp giảm áp lực cho cột sống và ngăn phát triển các nốt Schmorl.
- Nẹp
Nẹp có thể dược sử dụng để giữ cột sống ở vị trí đúng, tránh những tác động bên ngoài có thể làm nặng hơn tình trạng. Ngoài ra việc sử dụng thiết bị này cũng giúp giảm đau và điều chỉnh tư thế.
- Giảm cân
Nếu có cân nặng dư thừa, cần tiến hành giảm cân để giảm áp lực cho cột sống. Điều này giúp ngăn nốt Schmorl và đau lưng tiến triển.
- Bài tập
Người bệnh được hướng dẫn những bài tập kéo giãn và tăng cường. Những bài tập này giúp tăng cường các cơ hỗ trợ cột sống, giảm đau, tăng cường dẻo dai và tính linh hoạt cho cột sống.
Ngoài ra các bài tập cũng giúp hỗ trợ điều chỉnh tư thế, giữ cho cột sống khỏe mạnh và ngăn nốt Schmorl phát triển.
- Thuốc giảm đau
Người bện được dùng thuốc giảm đau nếu nốt Schmorl gây đau lưng dai dẳng.
-
- Acetaminophen: Một loại thuốc giảm đau thông thường sẽ được chỉ định cho cơn đau nhẹ, chẳng hạn như Acetaminophen. Thuốc này mang đến hiệu quả điều trị đau và hạ sốt.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID được dùng thay thế Acetaminophen cho những cơn đau nặng hơn hoặc có viêm. Thuốc có tác dụng chống viêm, trị đau và giảm sốt.
- Gabapentin: Đây là một loại thuốc giảm đau thần kinh và chống động kinh. Thuốc có tác dụng điều trị đau do dây thần kinh bị chèn ép và ức chế cơn co giật.
- Opioid: Opioid là nhóm thuốc giảm đau gây nghiện. Thuốc này có thể được dùng ngắn hạn cho những bệnh nhân bị đau nhức nặng nề do nốt Schmorl. Opioid mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng.
Mất từ 2 - 6 tháng để đánh giá hiệu quả của điều trị bảo tồn trước khi xem xét phẫu thuật.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được xem xét cho những trường hợp bị đau lưng kéo dài dai dẳng, điều trị bảo tồn không hiệu quả. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ cả nốt Schmorl và đĩa đệm, sau đó hợp nhất phân đoạn.
Sau phẫu thuật loại bỏ và hợp nhất, cột sống được giữ ổn định, giải nén dây thần kinh, giảm đau và hạn chế những chuyển động không cần thiết. Thông thường người bệnh được khuyên nghỉ ngơi và vật động nhẹ nhàng để thúc đẩy quá trình chữa lành.
Phòng ngừa
Đối với nốt Schmorl, không có cách để ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên giữ gìn cột sống khỏe mạnh có thể giúp giảm nguy cơ. Cụ thể:
- Tránh những hoạt động làm tăng áp lực quá mức cho lưng dưới. Chẳng hạn như mang vác vật nặng, thực hiện tư thế sai và lao động gắng sức.
- Phòng ngừa và điều trị tốt khi có chấn thương cột sống.
- Nếu đã có nốt Schmorl, việc điều trị sớm và thích hợp sẽ giúp ngăn nốt này phát triển.
- Đạt được và duy trì cân nặng ở mức an toàn. Điều này giúp giảm áp lực cho cột sống thắt lưng và giữ cho cột sống khỏe mạnh.
- Điều trị kịp thời và dứt điểm các bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ hình thành nốt Schmorl, chẳng hạn như nhiễm trùng cột sống và loãng xương.
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh. Đặc biệt người lớn tuổi cần đảm bảo bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D, giúp duy trì xương khớp chắc khỏe.
- Uống nhiều nước mỗi ngày.
- Không hút thuốc lá. Hút thuốc lá và hít khói thuốc thụ động làm tăng nguy cơ thoái hóa cột sống và suy yếu đĩa đệm.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với các bài tập kéo giãn và tăng cường. Điều này giúp giữ cho cột sống khỏe mạnh, dẻo dai và linh hoạt. Đồng thời giảm nguy cơ hình thành nốt Schmorl.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi cần thực hiện những xét nghiệm nào?
2. Cần làm gì để ngăn nốt Schmorl phát triển?
3. Phương pháp nào được chỉ định và điều trị hiệu quả?
4. Rủi ro và lợi ích khi phẫu thuật là gì?
5. Điều trị bảo tồn có thể giúp đảo ngược tình trạng hay không?
6. Tôi nên luyện tập như thế nào? Bài tập thích hợp nhất là gì?
7. Sau phẫu thuật, tôi có thể phục hồi hoàn toàn hay không?
Nốt Schmorl không phải ung thư, thường không gây triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên chúng có thể làm ảnh hưởng đến tủy sống và dây thần kinh, dẫn đến đau nhức. Những trường hợp này cần được điều trị để giảm đau và ngăn nốt Schmorl tiến triển.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!