Khuỷu Tay Của Người Chơi Gôn (Golfer’s Elbow)
Khuỷu tay của người chơi gôn (Golfer's Elbow) còn được gọi là viêm lồi cầu giữa - một tình trạng gây viêm và đau ở các gân nối cơ cẳng tay với khuỷu tay. Tình trạng này được đặc trưng bởi cảm giác đau đớn ở mặt trong của khuỷu tay, đôi khi dọc theo mặt trong của cẳng tay.
Tổng quan
Khuỷu tay của người chơi gôn (Golfer's Elbow) hay viêm lồi cầu giữa là một dạng viêm gân thường gặp. Bệnh thể hiện cho tình trạng đau và viêm ở gân gắn các cơ cẳng tay vào phần xương gồ lên bên trong khuỷu tay.
Khi nắm, vặn đồ vật hoặc uốn cong cổ tay và cánh tay liên tục, các gân bị căng quá mức và hình thành những vết rách nhỏ. Điều này dẫn đến viêm và đau đớn ở mặt trong của khuỷu tay. Đôi khi cơn đau lan vào cẳng tay và cổ tay.
Khuỷu tay của người chơi gôn không giới hạn ở những người chơi golf. Bất kỳ ai sử dụng khuỷu tay và cổ tay thường xuyên hoặc nắm chặt các ngón tay cũng đều có khả năng phát triển bệnh lý này. Thông thường nghỉ ngơi và điều trị thích hợp sẽ giúp khỏi nhanh tình trạng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Khuỷu tay của người chơi gôn xảy ra khi gân nối cơ cẳng tay với khuỷu tay bị căng quá mức và hình thành những vết rách nhỏ. Điều này dẫn đến viêm và đau ở khuỷu tay, cẳng tay và cổ tay.
Những nguyên nhân phổ biến gồm:
- Có công việc hoặc sở thích đòi hỏi sử dụng liên tục cổ tay và cánh tay để uốn cong, vặn hoặc nắm đồ vật.
- Thực hiện các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc gây căng thẳng quá mức, đặc biệt là khi có những chuyển động mạnh của cổ tay và ngón tay. Chẳng hạn như sửa ống nước, xây dựng và mộc.
- Nâng, đánh hoặc ném không đúng cách.
- Khởi động quá ít hoặc điều hòa kém trước khi chơi thể thao.
- Chơi golf và những môn thể thao dùng vợt. Đặc biệt là những người thực hiện kỹ thuật đánh tennis không đúng, sử dụng vợt không phù hợp (quá nhỏ hoặc nặng) dẫn đến chấn thương gân.
- Chơi bóng chày hoặc bóng mềm, bắn cung và ném lao với kỹ thuật ném bóng không đúng.
- Nâng tạ bằng kỹ thuật không phù hợp. Các cơ và gân ở khuỷu tay có thể quá tải nếu uốn cong cổ tay trong khi tập bắp tay.
Nguy cơ cao hơn khi có những yếu tố dưới đây:
- Từ 40 tuổi trở lên
- Lặp đi lặp lại hoạt động ít nhất 2 giờ 1 ngày
- Hút thuốc lá
- Thừa cân béo phì
Triệu chứng và chẩn đoán
Khuỷu tay của người chơi gôn phát triển từ từ và có những triệu chứng dưới đây:
- Đau nhức
-
- Đau ở mặt trong của khuỷu tay
- Đau có thể xảy ra đột ngột hoặc dần dần
- Đau kéo dài dọc theo mặt trong của cẳng tay và cổ tay
- Đau nghiêm trọng hơn khi thực hiện một số chuyển động nhất định, chẳng hạn như nắm tay, vung gậy đánh gôn...
- Giảm sức mạnh cầm nắm
- Cứng khớp khuỷu tay
- Yếu ở bàn tay và cổ tay
- Tê hoặc ngứa ran ở một hoặc nhiều ngón tay, thường ảnh hưởng đến ngón út và ngón tay đeo nhẵn.
Dựa trên tiền sử bệnh và khám sức khỏe, bác sĩ chẩn đoán khuỷu tay của người chơi gôn. Trong quá trình thăm khám, bác sĩ có thể yêu cầu di chuyển khuỷu tay, các ngón tay và cổ tay theo nhiều hướng và nhiều cách khác nhau; ấn nhẹ vùng bị ảnh hưởng. Điều này có thể giúp bác sĩ kiểm tra vị trí tổn thương, đánh giá mức độ đau và cứng khớp.
Để xem xét gân và loại trừ những nguyên nhân khác có thể gây đau, các xét nghiệm hình ảnh cũng được thực hiện, bao gồm:
- Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp kiểm tra xương, phát hiện đau do gãy xương và viêm khớp.
- Siêu âm: Hình ảnh thu được giúp kiểm tra gân nối cơ cẳng tay với khuỷu tay. Điều này có thể giúp phát hiện và đánh giá kích thước vết rách.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hiếm khi chụp cộng hưởng từ được thực hiện. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết về những mô mềm quanh khớp. Từ đó phát hiện nhanh những bất thường.
Biến chứng và tiên lượng
Khuỷu tay của người chơi gôn thường nhẹ, được khắc phục nhanh bằng cách nghỉ ngơi và điều trị thích hợp. Hầu hết mọi người có thể trở lại các hoạt động yêu thích trong thời gian ngắn.
Nếu bỏ qua cơn đau và tiếp tục các chuyển động người bệnh có thể gặp những vấn đề sau:
- Suy nhược gân
- Đứt gân
- Giảm phạm vi chuyển động
- Đau mãn tính
Điều trị
Đối với trường hợp nhẹ và mới phát, khuỷu tay của người chơi gôn có thể khỏi bằng những biện pháp tự điều trị tại nhà. Nếu đau nghiêm trọng hơn, người bệnh cần điều trị thích hợp để sớm khắc phục.
1. Tự chăm sóc
Những biện pháp dưới đây có thể giúp gân có thời gian sửa chữa và giảm các triệu chứng của viêm lồi cầu giữa.
- Nghỉ ngơi: Cho đến khi hết đau, hãy tạm dừng chơi golf và những hoạt động lặp đi lặp lại khác. Điều này giúp gân tổn thương có thời gian sửa chữa và phục hồi. Tránh trở lại các hoạt động quá sớm hoặc bỏ qua cơn đau bởi điều này sẽ khiến tình trạng của bạn trở nên tồi tệ hơn.
- Chườm lạnh: Bọc túi nước đá trong khăn và đặt lên vùng bị đau từ 15 - 20 phút, 3 - 4 lần trong ngày. Nhiệt độ thấp sẽ giúp giảm sưng, viêm và đau hiệu quả. Massage khuỷu tay bằng nước đá cũng mang đến hiệu quả tương tự.
- Sử dụng nẹp: Nếu có khuỷu tay của người chơi gôn, bác sĩ có thể yêu cầu dùng nẹp phản lực. Thiết bị này giúp giảm căng thẳng cho cơ và gân, cho phép gân tổn thương lành lại.
2. Thuốc
Bệnh nhân thường được hướng dẫn sử dụng những thuốc giảm đau không kê toa để điều trị đau từ nhẹ đến vừa. Ít khi tiêm Corticosteroid được sử dụng, thuốc này chỉ phù hợp với những cơn đau nặng.
- Thuốc giảm đau không kê toa: Acetaminophen, Ibuprofen (Advil, Motrin IB) hoặc Naproxen natri (Aleve) được dùng để giảm viêm và đau. Những loại thuốc này thường mang đến hiệu quả cao.
- Tiêm Corticosteroid: Bệnh nhân có thể được tiêm Corticosteroid khi không đáp ứng với những loại thuốc khác. Thuốc có tác dụng chống viêm mạnh và giảm đau nhanh, hiệu quả thường chỉ tạm thời. Corticosteroid không được tiêm nhiều lần vì có thể làm tăng nguy cơ đứt gân.
3. Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu là một phương pháp mới và đang được thử nghiệm. Phương pháp này bao gồm việc thu mẫu máu của chính người bệnh và tách lấy huyết tương giàu tiểu cầu. Huyết tương giàu tiểu cầu chứa những yếu tố tái tạo, được tiêm vào bên trong cơ thể để tăng tốc độ chữa lành gân.
4. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm những bài tập kéo dài và tăng cường sức mạnh ở khu vực bị ảnh hưởng. Những bài tập này giúp tăng cường cơ bắp, tăng khả năng hấp thụ năng lượng nhanh hơn khi bị căng thẳng đột ngột.
Ngoài ra các bài tập cũng giúp giảm đau, phục hồi gân và những chuyển động linh hoạt cho người bệnh. Khi cơn đau biến mất, người bệnh có thể dần trở lại những hoạt động thông thường.
5. Phẫu thuật
Đối với khuỷu tay của người chơi gôn, phẫu thuật hiếm khi cần thiết. Phương pháp này chỉ được thực hiện khi người bệnh không đáp ứng với điều trị bảo tồn (sau 6 - 12 tháng), rách (đứt gân).
Phẫu thuật viêm lồi cầu giữa thường bao gồm kỹ thuật TENEX. Kỹ thuật này liên quan đến việc loại bỏ mô sẹo, xâm lấn tối thiểu vùng gân dưới sự hướng dẫn của siêu âm.
Phẫu thuật cũng có thể bao gồm việc sửa chữa gân rách. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu để tăng tốc độ phục hồi.
Phòng ngừa
Những bước dưới đây có thể giúp ngăn ngừa khuỷu tay của người chơi gôn:
- Tăng cường cơ bắp tay trước bằng cách bóp một quả bóng tennis hoặc nâng tạ nhẹ thường xuyên. Điều này giúp cơ bắp có khả năng hấp thụ năng lượng nhanh hơn khi cơ thể bị căng thẳng đột ngột.
- Kéo dài nhẹ nhàng, đi bộ hoặc chạy trước khi hoạt động vào phút. Điều này giúp làm nóng cơ bắp, tăng dẻo dai và giảm nguy cơ chấn thương cho gân.
- Dành thời gian nghỉ giải lao mỗi 30 phút luyện tập. Nên để cánh tay nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc thực hiện các động tác duỗi nhẹ nhàng. Điều này giúp cơ và gân có thời gian phục hồi và sửa chữa. Tránh lặp đi lặp lại liên tục các chuyển động hoặc gây căng thẳng quá mức, nhất là khi có những chuyển động mạnh của cổ tay và ngón tay, chẳng hạn như nâng, nắm, ném...
- Luôn thực hiện đúng kỹ thuật khi chơi thể thao để tránh quá tải cho cơ bắp.
- Sử dụng thiết bị có trọng lượng và kích thước phù hợp khi chơi. Nếu chơi quần vợt, hãy nới lỏng dây vợt hoặc sử dụng cán vợt lớn hơn.
- Nâng đúng cách. Khi nâng bất kỳ thứ gì, cần giữ cho cổ tay cứng và ổn định. Điều này sẽ giúp cân bằng lực và giảm lực tác động lên khuỷu tay của bạn.
- Hãy nghỉ ngơi ngay khi bị đau cổ tay. Việc lắng nghe cơ thể sẽ giúp ngăn ngừa những chấn thương thêm trọng hơn.
- Nếu phát triển viêm lồi cầu giữa do công việc, hãy đeo nẹp để giữ khớp xương ở vị trí đúng và hỗ trợ thêm cho cổ tay để gân lành lại.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra các triệu chứng của tôi?
2. Tôi có cần xét nghiệm hay không?
3. Phương pháp điều trị nào được đề xuất và mang đến hiệu quả cao?
4. Sau điều trị, tôi có thể tiếp tục các hoạt động hoặc môn thể theo yêu thích hay không?
5. Tôi nên tập luyện như thế nào trong khi đang hồi phục?
6. Tình trạng của tôi được điều trị trong bao lâu?
7. Tôi nên làm gì để ngăn khuỷu tay của người chơi gôn tái phát?
Khuỷu tay của người chơi gôn thường nhẹ, có thể khỏi sau một thời gian nghỉ ngơi, chườm đá và dùng thuốc giảm đau. Ở những trường hợp nặng, cơn đau có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm, đôi khi tái phát và trở thành mãn tính. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn phương pháp diều trị tốt nhất dựa trên tình trạng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!