Ung Thư Cột Sống
Ung thư cột sống xảy ra khi những tế bào ác tính hình thành trong tủy sống, đốt sống hoặc mô mềm quanh cột sống. Chúng có thể di căn (lây lan) và gây tử vong cho người bệnh. Để cải thiện tiên lượng, việc điều trị sớm là điều cần thiết.
Tổng quan
Ung thư cột sống là bệnh ung thư xảy ra ở cột sống. Bệnh có những khối u ác tính hình thành ở bất kỳ vị trí nào dọc theo cột sống, bao gồm tủy sống, đốt sống và những mô xung quanh.
Tại cột sống, các khối u có thể là lành tính (không phải ung thư) hoặc ác tính (ung thư). Chúng có thể bắt nguồn từ cột sống (nguyên phát) hoặc di căn từ một khu vực khác của cơ thể (ung thư thứ phát). Trong đó ung thư thứ phát chiếm 30 - 70% bệnh nhân bị ung thư cột sống.
Ung thư cột sống thường không có triệu chứng hoặc phát triển một số cơn đau nhẹ trong giai đoạn đầu. Khi khối u phát triển và di căn, chúng có thể gây chèn ép nghiêm trọng dẫn đến đau nhức, ngứa ran, mất cảm giác và tăng nguy cơ tử vong.
Phân loại
Khối u có thể phát triển ở bất kỳ nơi nào dọc theo cột sống. Cụ thể:
- Cột sống cổ và quanh cổ
- Vùng ngực trên hoặc đến giữa lưng
- Thắt lưng
- Xương cùng hoặc dưới cùng của cột sống.
Dựa vào vị trí, mô và những tế bào bị ảnh hưởng, ung thư cột sống được phân thành những loại sau:
1. Phân loại theo khu vực
Dựa vào nơi khối u bắt đầu trong cột sống, ung thư cột sống được phân thành 3 nhóm sau:
- Khối u trong - ngoài tủy: Khối u phát triển trong lớp vỏ mỏng của tủy sống (màng cứng), ra phần ngoài của tủy. Khối u trong - ngoài tủy chiếm khoảng 40% trường hợp.
- Khối u trong tủy: Khối u này phát triển bên trong tủy sống, chiếm khoảng 5% các trường hợp.
- Khối u ngoài màng cứng: Khối u này nằm ở bên ngoài màng cứng (lớp mỏng bao quanh tủy sống), bao gồm cả xương cột sống (đốt sống). Khối u ngoài màng cứng chiếm khoảng 55% trường hợp.
2. Phân loại theo nguồn gốc phát triển
Có hai loại:
- Ung thư nguyên phát: Ung thư bắt đầu trong cột sống. Chúng có thể phát triển trong tủy sống, đốt sống hoặc các mô mềm quanh tủy sống.
- Ung thư thứ phát: Ung thư bắt dầu ở khu vực khác của cơ thể, sau đó lây lan đến cột sống, còn được gọi là ung thư di căn cột sống. Trong đó ung thư xương cột sống có nguồn gốc di căn chiếm khoảng 90% trường hợp.
3. Các loại khối u cột sống cụ thể
Cột sống gồm một số tế bào và mô khác nhau, có cấu trúc phức tạp. Dựa vào tế bào và mô bị ảnh hưởng, khối u cột sống được phân thành:
- U sao bào (u tế bào hình sao): Khối u tế bào hình sao là một khối u phát triển từ những tế bào hỗ trợ bên trong tủy sống. Những khối u này có thể là lành tính hoặc ác tính.
- Chordoma: Những khối u này hình thành ở cột sống và hộp sọ. Trong đó xương cụt và xương cùng (đáy cột sống) là những vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất. So với những loại khác, chordoma hiếm gặp hơn.
- U nguyên bào thần kinh đệm (GBM): Đây là một khối u não ác tính, hình thành từ những tế bào thần kinh đệm - những tế bào hình sao hỗ trợ các tế bào thần kinh trong tủy sống và não. Những tế bào ác tính trong khối u này có khả năng nhân lên nhanh chóng và lan sang những khu vực khác của não.
- U màng não thất: Khối u này phát triển trong lớp niêm mạc của đường dẫn chất lỏng tủy sống. Chúng thường ảnh hưởng đến não nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến tủy sống của cột sống.
- U màng não: U màng não thường lành những khối u lành tính. Những khối u này hình thành trong màng não - những mô bao phủ não và tủy sống.
- U xương: U xương là loại ung thư phổ biến bắt đầu trong xương. Khối u này thường ảnh hưởng đến tay hoặc chân nhưng cũng có thể phát triển ở tủy sống.
- U máu cột sống: Đây là một khối u cột sống nguyên phát phổ biến nhất. Những khối u này thường lành tính nhưng cũng có thể là ung thư. U máu cột sống phát triển từ những mô mạch máu trong cột sống.
- Đa u tủy xương: Ung thư phát triển trong những tế bào bạch cầu và ảnh hưởng đến nhiều xương, trong đó có xương cột sống.
- Sarcoma Ewing: Đây là một loại ung thư nguyên phát chủ yếu ảnh hưởng đến thanh niên và trẻ nhỏ. Sarcoma Ewing có thể ở dạng sarcoma xương nếu phát triển trực tiếp trong xương hoặc sarcoma mô mềm nếu phát triển từ những tế bào xung quanh.
- U xơ thần kinh: Khối u này phát triển trên những dây thần kinh ở khắp cơ thể, bao gồm cả những dây thần kinh ở cột sống. U xơ thần kinh thường lành tính.
- Schwannoma: Schwannoman là một khối u lành tính điển hình. Khối u này phát triển từ những tế bào xung quanh (bao bọc) các sợi dây thần kinh của tủy sống, dây thần kinh sọ và hệ thần kinh ngoại vi.
4. Giai đoạn phát triển
Dựa trên sự phát triển của những tế bào ung thư, ung thư cột sống được phân thành 4 giai đoạn gồm:
- Giai đoạn I: Tế bào ung thư mới phát triển, đang khu trú ở những mô tạo nên cột sống, dễ điều trị bằng phẫu thuật.
- Giai đoạn II: Khối u phát triển chậm, có sự tăng về kích thước, chứa nhưng tế bào bất thường có thể lây lan sang mô lân cận. Tuy nhiên trong giai đoạn II, ung thư chưa có dấu hiệu xâm lấn.
- Giai đoạn III: Khối u có kích thước lớn, phát triển nhanh chóng, các tế bào ung thư bắt đầu xâm lấn vào những mô lân cận, làm ảnh hưởng đến nhiều vị trí của xương.
- Giai đoạn IV: Trong giai đoạn IV, khối u phát triển và lây lan nhanh chóng. Ung thư đã di căn đến hạch bạch huyết lân cận hoặc/ và các cơ quan xa của cơ thể, chẳng hạn như phổi, vú và thần. Những người bị ung thư di căn có thời gian sống từ vài tháng đến dưới 1 năm.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Nguyên nhân chính xác của ung thư cột sống nguyên phát chưa được biết rõ. Tuy nhiên sự phát triển của khối u có thể liên quan đến các tình trạng di truyền (chẳng hạn như u sợi thần kinh II) hoặc rối loạn tự miễn dịch.
Ngoài ra việc tiếp xúc với những chất gây ung thư (như hóa chất) có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bất thường của những tế bào và hình thành ung thư.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư cột sống nguyên phát gồm:
- U sợi thần kinh II: Trong bệnh u sợi thần kinh II, những khối u lành tính phát triển ở gần hoặc ở trên các dây thần kinh thính giác. Khối u phát triển dẫn đến mất thính lực dần ở một hoặc cả hai bên tai. Ngoài ra những người bị u sợi thần kinh II cũng có nguy cơ phát triển khối u cũng ở ống sống.
- Bệnh Von Hippel - Lindau: Bệnh liên quan đến sự phát triển của những u nguyên bào máu (khối u mạch máu) trong não, tủy sống và võng mạc.
Nguyên nhân của ung thư cột sống thứ phát thường liên quan đến những bệnh ung thư dưới đây:
- Ung thư phổi. Đây là loại ung thư phổ biến nhất di căn đến cột sống ở nam giới.
- Ung thư vú. Đây là loại ung thư phổ biến nhất di căn đến cột sống ở phụ nữ.
- Ung thư máu (bệnh bạch cầu)
- Ung thư tuyến tiền liệt
- Đa u tủy
- Lymphoma (ung thư hệ bạch huyết)
- Ung thư đường tiêu hóa
- Ung thư tuyến giáp
- Ung thư thận
- Sarcoma (ung thư mô liên kết)
Khi bệnh ung thư nguyên phát không được điều trị, những tế bào ác tính bắt đầu lây lan và xâm lấn các mô của cột sống. Ung thư cột sống thứ phát xảy ra trong giai đoạn đi căn của bệnh.
Triệu chứng và chẩn đoán
Đối với ung thư cột sống, những triệu chứng thay đổi dựa vào vị trí phát triển khối u. Dưới đây là những triệu chứng phổ biến nhất:
- Đau lưng
- Cơn đau thường tồi tệ hơn vào ban đêm và cải thiện khi hoạt động suốt cả ngày
- Đau tồi tệ hơn theo thời gian, lan ra nhiều vị trí
- Khó đi bộ
- Ngứa ran
- Tê hoặc yếu ở cả hai cánh tay hoặc hai chân
- Mất kiểm soát bàng quang và ruột
- Khó giữ thăng bằng
- Cảm thấy ít nhạy cảm với nóng, lạnh và cơn đau
- Mất cảm giác hoặc yếu cơ, đặc biệt là ở các chi
- Yếu cơ từ nhẹ đến nặng ở những bộ phận khác trên cơ thể.
Để chẩn đoán ung thư cột sống, bác sĩ kiểm tra vùng ảnh hưởng, đặc điểm cơn đau và những triệu chứng khác. Ngoài ra người bệnh sẽ được chụp ảnh cột sống và xét nghiệm kiểm tra chức năng thần kinh.
Các xét nghiệm bổ sung thường bao gồm:
- Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp kiểm tra những dấu hiệu ung thư. Chẳng hạn như sự gia tăng bất thường của những chất dinh dưỡng tạo ra xương. Khi mô xương bị phá vỡ, cơ thể có xu hướng giải phóng canxi và phosphatase kiềm vào máu.
- Chụp X-quang: Chụp X-quang có thể thấy rõ khối u xương và những tổn thương khác của xương cột sống.
- Chụp CT hoặc/ và chụp MRI: Bệnh nhân có thể được chụp MRI hoặc/ và chụp CT để xem tủy sống, xương cột sống (đốt sống) và những mô xung quanh. Cả hai kỹ thuật này đều tạo ra hình ảnh chi tiết, giúp phát hiện nhanh khối u, đánh giá tổn thương và mức độ di căn. Trong nhiều trường hợp, người bệnh được chụp MRI hoặc chụp CT nhằm xác định nơi khối u bắt đầu, chỉ định cho trường hợp khối u cột sống di căn.
- Sinh thiết: Những dụng cụ đặc biệt được sử dụng để lấy một mẫu mô từ khối u. Mẫu bệnh phẩm được phân tích trong phòng thí nghiệm, giúp xem xét khối u là lành tính hay ác tính. Ngoài ra sinh thiết cũng giúp tìm ra loại ung thư, định hướng phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Biến chứng và tiên lượng
Những khối u cột sống có thể chèn ép tủy sống và dây thần kinh cột sống, dẫn đến mất cảm giác hoặc mất cử động bên dưới vị trí của khối u. Tổn thương thần kinh có thể vĩnh viễn, gây ra những thay đổi đối với chức năng ruột và bàng quang.
Tuy nhiên phát hiện và điều trị trong giai đoạn sớm có thể ngăn mất thêm chức năng, chữa tổn thương và phục hồi chức năng thần kinh. Khi được điều trị muộn, ung thư có thể di căn, làm giảm tiên lượng và thời gian sống của người bệnh.
Tiên lượng của ung thư cột sống phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Tuổi tác
- Sức khỏe tổng thể
- Giai đoạn ung thư
- Khối u nguyên phát hay thứ phát
- Loại khối u cụ thể
- Phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng
Dựa vào giai đoạn ung thư, tỉ lệ sống sót trên 5 năm của bệnh nhân có thể là:
- Giai đoạn I: Tỉ lệ sống trên 5 năm hơn 80%
- Giai đoạn II: Tỉ lệ sống trên 5 năm là 70%
- Giai đoạn III: Tỉ lệ sống trên 5 năm là 60%
- Giai đoạn IV: Tỉ lệ sống trên 5 năm là 20 - 50%
Tỉ lệ sống sót trên 5 năm dựa vào loại ung thư và độ tuổi:
- U tế bào hình sao mức độ thấp (lan tỏa)
- Từ 20 - 44 tuổi: 73%
- Từ 45 - 54 tuổi: 46%
- Từ 55 - 64 tuổi: 26%
- U màng nội tủy (Ependymoma)
- Từ 20 - 44 tuổi: 92%
- Từ 45 - 54 tuổi: 90%
- Từ 55 - 64 tuổi: 87%
- U tế bào sao bất sản
- Từ 20 - 44 tuổi: 58%
- Từ 45 - 54 tuổi: 29%
- Từ 55 - 64 tuổi: 15%
- U nguyên bào thần kinh đệm
- Từ 20 - 44 tuổi: 22%
- Từ 45 - 54 tuổi: 9%
- Từ 55 - 64 tuổi: 6%
- U thần kinh đệm ít nhánh
- Từ 20 - 44 tuổi: 90%
- Từ 45 - 54 tuổi: 82%
- Từ 55 - 64 tuổi: 69%
- U màng não
- Từ 20 - 44 tuổi: 84%
- Từ 45 - 54 tuổi: 79%
- Từ 55 - 64 tuổi: 74%
- Anaplastic oligodendroglioma
- Từ 20 - 44 tuổi: 76%
- Từ 45 - 54 tuổi: 67%
- Từ 55 - 64 tuổi: 45%
Tỉ lệ sống sót sau 2 năm đối với ung thư di căn từ khu vực khác:
- Ung thư phổi: Tỉ lệ sống trên 2 năm là 9%
- Ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt: Tỉ lệ sống trên 2 năm là 44%
Điều trị
Mục tiêu điều trị gồm loại bỏ hoàn toàn khối u và nhưng tế bào ung thư trong cơ thể. Hầu hết mọi người được điều trị ban đầu bằng phẫu thuật. Tuy nhiên phác đồ điều trị có thể thay đổi dựa trên những yếu tố sau:
- Nguy cơ tổn thương thần kinh và tủy sống vĩnh viễn
- Loại khối u và giai đoạn phát triển
- Tuổi tác và sức khỏe tổng thể.
Những phương pháp điều trị cụ thể:
1. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là phương pháp được ưu tiên trong điều trị ung thư cột sống. Phương pháp này được thực hiện ngay sau chẩn đoán nếu:
- Khối u nhỏ và có thể được loại bỏ hoàn toàn
- Nguy cơ tổn thương tủy sống và dây thần kinh có thể chấp nhận được
Phẫu thuật thường bao gồm việc sử dụng kính hiển vi công suất cao phân biệt khối u với mô khỏe mạnh, sau đó tiếp cận và cắt bỏ khối u bằng những dụng cụ chuyên dụng. Thông thường một phần mô khỏe mạnh xung quanh cũng được cắt bỏ để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tế bào ác tính.
Trong một số ít trường hợp, bác sĩ sử dụng sóng âm thanh tần số cao để phá vỡ khối u, loại bỏ mô tổn thương và những mảnh vỡ.
Nếu khó hoặc không thể loại bỏ khối u, phẫu thuật sẽ được tiến hành sau khi hóa trị hoặc xạ trị. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể bị mất cảm giác tạm thời và được hướng dẫn phục hồi.
2. Xạ trị
Xạ trị có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật. Phương pháp này sử dụng chùm phóng xạ năng lượng cao để kiểm soát và tiêu diệt tế bào ung thư.
Hầu hết bệnh nhân được xạ trị sau phẫu thuật. Điều này giúp loại bỏ tàn dư của khối u còn sót lại sau mổ. Nếu khối u không thể phẫu thuật hoặc phẫu thuật quá rủi ro, xạ trị được thực hiện để điều trị ung thư và thu nhỏ kích thước của khối u.
Dựa vào tình trạng cụ thể, chế độ xạ trị được điều chỉnh nhằm bảo vệ và giảm thiểu lượng mô khỏe mạnh bị tổn thương.
3. Hóa trị
Hóa trị dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển. Phương pháp này thường được dùng sau phẫu thuật, kết hợp với xạ trị hoặc dùng đơn lẻ để loại bỏ tế bào ác tính còn sót trong cơ thể.
Nếu không thể phẫu thuật, hóa trị được thực hiện để ngăn những tế bào ung thư phát triển, kéo dài thời gian sống của người bệnh.
4. Biện pháp hỗ trợ
Những biện pháp chăm sóc và hỗ trợ được thực hiện để theo dõi, cải thiện tâm trạng và giảm bớt các triệu chứng trong quá trình điều trị ung thư.
- Theo dõi: Người bệnh được kiểm tra sức khỏe định kỳ và chụp ảnh cột sống. Điều này giúp theo dõi và kiểm soát chặt chẽ bệnh ung thư, tìm kiếm những dấu hiệu phát triển và đánh giá hiệu quả điều trị. Sau quá trình điều trị, bệnh nhân được tái khám định kỳ mỗi 1 - 3 tháng 1 lần, liên tục trong 2 năm đầu. Nếu không bất thường, tái khám mỗi 6 tháng hoặc 1 năm.
- Corticosteroid: Thuốc Corticosteroid được dùng trong thời gian ngắn để giảm sưng và đau do phẫu thuật hoặc xạ trị. Thuốc này không có tác dụng điều trị ung thư.
- Thuốc chống buồn nôn: Xạ trị và hóa trị thường gây buồn nôn và mệt mỏi. Để giảm triệu chứng, thuốc chống buồn nôn sẽ được sử dụng.
- Ghép tế bào gốc tự thân: Nếu ung thư cột sống liên quan đến bệnh đa u tủy, bác sĩ có thể cân nhắc ghép tế bào gốc tự thân. Phương pháp này dùng tế bào gốc được chích xuất từ tủy xương hoặc máu ngoại vi của bệnh nhân để điều trị ung thư.
- Biện pháp giảm nhẹ: Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và giữ tinh thần lạc quan đến chống lại bệnh ung thư.
Phòng ngừa
Không có cách ngăn ngừa ung thư cột sống nguyên phát. Tuy nhiên lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ ung thư phát triển và tái phát. Cụ thể:
- Không hút thuốc lá và hạn chế rượu bia.
- Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức đề kháng và khả năng chống ung thư.
- Tránh tiếp xúc hóa chất và tia phóng xạ.
- Thực hiện chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, sạch và lành mạnh. Nên tăng cường bổ sung các nhóm chất và thực phẩm có khả năng chống ung thư như chất chống oxy hóa, axit béo omega-3, vitamin C, bông cải xanh, cà tím, cà chua...
- Khám sức khỏe định kỳ. Sớm phát hiện và điều trị các bệnh ung thư để tránh di căn đến cột sống.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị ung thư loại nào? Giai đoạn mấy?
2. Tiên lượng của tôi là gì?
3. Phác đồ điều trị của tôi như thế nào?
4. Tôi có thể chữa khỏi hoàn toàn hay không?
5. Rủi ro khi phẫu thuật ung thư cột sống là gì?
6. Mất bao lâu để chữa khỏi ung thư?
7. Tôi cần tránh những gì trong quá trình điều trị?
Bệnh ung thư cột sống được phân thành nhiều loại dựa trên vùng ảnh hưởng và mức độ nghiêm trọng. Nếu được điều trị sớm và tích cực, bệnh nhân có thể được chữa khỏi và trở lại cuộc sống bình thường. Nếu không được điều trị, ung thư di căn và người bệnh có thể tử vong sớm.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!