Đa U Tủy Xương

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đa u tủy xương còn được gọi là đa u tủy (Multiple myeloma). Đây là một loại ung thư tế bào plasma - tế bào bạch cầu tạo ra kháng thể. Bệnh thường không gây triệu chứng trong giai đoạn đầu; gây đau xương, thiếu máu và nhiều vấn đề khác trong giai đoạn tiến triển.

Tổng quan

Đa u tủy xương là một dạng ung thư máu, phát triển trong tế bào plasma. Đây là một loại tế bào bạch cầu, giúp chống nhiễm trùng bằng cách tạo ra các kháng thể nhận biết và tấn công vi trùng xâm nhập.

Đa u tủy xương
Đa u tủy xương là bệnh ung thư phát triển trong tế bào plasma, ảnh hưởng đến xương, thận và máu

Tuy nhiên ở bệnh nhân bị đa u tủy xương, những tế bào plasma ung thư bắt đầu tích tụ trong tủy xương, nhân lên và lấn át những tế bào khỏe mạnh. Những tế bào này không tạo ra các kháng thể hữu ích. Thay vào đó chúng sản sinh những các kháng thể bất thường (protein u tủy), ảnh hưởng đến xương, thận, khả năng tạo ra hồng cầu và bạch cầu khỏe mạnh.

Phần lớn bệnh nhân có máu quá đặc hoặc vấn đề về thận. Nhiều trường hợp khác có tế bào plasma ung thư tạo ra một hoặc nhiều khối u trong tủy xương hoặc mô mềm. Nếu chỉ có một khối u phát triển, nó được gọi là u tế bào plasma, nhiều khối u phát triển đồng thời sẽ được gọi là đa u tủy.

Phân loại

Bệnh đa u tủy xương được phân loại dựa trên những giai đoạn phát triển của bệnh. Dưới đây là những hệ thống phân giai đoạn, giúp đánh giá sự tiến triển của bệnh và tiên lượng.

+ Hệ thống phân giai đoạn Quốc tế (ISS)

Dựa vào albumin và nồng độ β2-Microglobulin đo được trong huyết thanh, bệnh đa u tủy được chia thành 3 giai đoạn, bao gồm:

  • Giai đoạn I: β2-Microglobulin máu <3,5 mg / L và Albumin máu >= 3.5 g / dL
  • Giai đoạn II: β2-Microglobulin: 3,5 mg / L - 5,5 mg / dL hoặc/ và Albumin <3,5 g / dL
  • Giai đoạn III: β2-Microglobulin > 5,5 mg / L

+ Hệ thống phân giai đoạn Quốc tế sửa đổi (R-ISS)

Bệnh đa u tủy xương được phân thành 3 giai đoạn dựa vào lượng albumin huyết thanh, lượng β2-Microglobulin huyết thanh, lượng LDH huyết thanh cùng với những bất thường gen đặc hiệu của ung thư.

  • Giai đoạn I: Beta-2 microglobulin máu < 3.5 (mg / L) và Albumin >= 3.5 (g / dL) và LDH bình thường và di truyền tế bào thuộc nhóm “không có nguy cơ cao”.
  • Giai đoạn II: Giai đoạn này có lượng β2-Microglobulin, LDH, albumin huyết thanh và những bất thường gen đặc hiệu của ung thư không nằm trong giai đoạn I và III.
  • Giai đoạn III: Beta-2 microglobulin >= 5.5 (mg / L) và di truyền tế bào thuộc nhóm “nguy cơ cao” hoặc/ và LDH cao

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Không rõ nguyên nhân gây đa u tủy xương. Tuy nhiên u tủy hình thành khi có một tế bào plasma bất thường trong tủy xương. Những tế bào ung thư không trưởng thành và chết đi như những tế bào bình thường. Trong tủy xương, chúng nhân lên nhanh chóng, tích tụ và lấn át những tế bào khỏe mạnh.

Các tế bào u tủy tiếp tục cố gắng tạo ra các kháng thể tương tự như những tế bào plasma khỏe mạnh. Tuy nhiên các kháng thể bất thường (protein đơn dòng hoặc protein M) không được sử dụng. Thay vào đó, các tế bào này tích tụ trong cơ thể, gây vấn đề cho thận, xương. Đồng thời làm giảm khả năng tạo ra những hồng cầu và bạch cầu khỏe mạnh.

U tủy hình thành khi có một tế bào plasma bất thường trong tủy xương
U tủy hình thành khi có tế bào plasma bất thường trong tủy xương lấn át những tế bào khỏe mạnh

Một số yếu tố rủi ro và vấn đề tiềm ẩn có thể liên quan:

  • Đột biến gen: Sự thay đổi hoặc đột biến gen gây ung thư (tế bào thúc đẩy tăng trưởng) có thể liên quan đến bệnh đa u tủy xương. Hầu hết bệnh nhân đều có ít nhất một nhiễm sắc thể không có đầy đủ tất cả các mảnh.
  • Yếu tố mô trường: Việc tiếp xúc với bức xạ hoặc hóa chất (chẳng hạn như phân bón, thuốc trừ sâu, chất độc màu da cam) có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đa u tủy.
  • Bệnh lý: Viêm khớp dạng thấp, bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim có thể liên quan đến sự phát triển của u tủy.
  • Lớn tuổi: Nguy cơ mắc bệnh đa u tủy xương tăng lên khi bạn già đi. Bệnh thường được chẩn đoán ở những người trên 60 tuổi.
  • Giới tính: Nam giới sẽ có nhiều nguy cơ hơn so với phụ nữ.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh đa u tủy: Bạn sẽ có nguy cơ cao nếu có ba mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh đa u tủy.
  • Tiền sử mắc bệnh giao tử đơn dòng có ý nghĩa không xác định (MGUS): Đa u tủy xương thường bắt đầu dưới dạng giao tử đơn dòng có ý nghĩa không xác định. Chính vì thế mà MGUS có thể làm tăng nguy cơ hình thành u tủy.
  • Thừa cân béo phì: Nguy cơ tăng lên ở những người có lượng chất béo trong cơ thể cao.

Triệu chứng và chẩn đoán

Do ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nên đa u tủy xương có những triệu chứng và dấu hiệu khác nhau. Hầu hết bệnh nhân không nhận thấy triệu chứng trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn tiến triển, những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây sẽ xảy ra:

  • Đau xương với cơn đau thường xảy ra ở ngực hoặc cột sống
  • Yếu hoặc/ và tê ở chân hoặc chân (đa u tủy khiến xương cột sống xẹp xuống và đè lên tủy sống)
  • Táo bón
  • Dấu hiệu tăng canxi máu
    • Buồn nôn và nôn
    • Cảm thấy khát hơn bình thường hoặc không thèm ăn
  • Ăn mất ngon
  • Mệt mỏi nghiêm trọng đến mức cảm thấy yếu ớt và không thể quản lý những hoạt động thường ngày (do thiếu máu)
  • Nhầm lẫn hoặc mơ hồ
  • Thường xuyên nhiễm trùng
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân
  • Sốt không rõ nguyên nhân
  • Dễ bầm tím hoặc chảy máu. Triệu chứng này ra khi những tế bào plasma bất thường ngăn quá trình sản xuất đủ tiểu cầu của cơ thể.

Kiểm tra ban đầu gồm liệt kê các triệu chứng và sức khỏe tổng thể. Bác sĩ có thể sờ hoặc ấn nhẹ vùng bị đau để tìm kiếm vị trí bị lõm hoặc nhô lên bất thường. Ngoài ra các xét nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện nhằm xác nhận chẩn đoán, phân loại và đánh giá mức độ nghiêm trọng.

  • Xét nghiệm máu: Các xét nghiệm máu giúp tìm kiếm dấu hiệu của đa u tủy xương, bao gồm:
    • Công thức máu toàn bộ (CBC): Xét nghiệm này được thực hiện nhằm đo số lượng hồng cầu và bạch cầu, mức độ tập trung hồng cầu, lượng huyết sắc tố trong hồng cầu.
    • Xét nghiệm hóa học máu: Bệnh nhân được xét nghiệm hóa học máu nhằm kiểm tra mức độ albumin, creatine (hoạt động của thận), dehydrogenase lactic (LDH) và nồng độ canxi. Trong đó dehydrogenase lactic (LDH) là một chất đánh dấu khối u, được tìm thấy trong tế bào ác tính (ung thư) hoặc những tế bào khỏe mạnh phản ứng với ung thư.
    • Xét nghiệm immunoglobulin định lượng: Một số kháng thể trong máu sẽ được đo bởi xét nghiệm immunoglobulin định lượng.
  • Xét nghiệm nước tiểu: Bệnh nhân chủ yếu được xét nghiệm protein Bence Jones để tìm kiếm một số dấu hiệu khác của bệnh đa u tủy.
  • Điện di: Xét nghiệm này được thực hiện nhằm tìm kiếm protein M trong máu.
  • Chụp X-quang: Hình ảnh X-quang giúp xác định xương tổn thương, phân biệt tổn thương do đa u tủy xương với những tình tráng sức khỏe khác.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Nếu tổn thương rất nhỏ và không được nhìn thấy trên X-quang, người bệnh sẽ được chụp cắt lớp vi tính (CT) . Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh cắt ngang, giúp phát hiện nhanh những thương tổn nhỏ hoặc khó nhìn thấy.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng sóng vô tuyến và nam châm mạnh để cung cấp hình ảnh chi tiết của cột sống, xương và các mô mềm. Điều này giúp phát hiện u tế bào plasma và đánh giá nhanh tình trạng.
  • Chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET): PET cung cấp thông tin chi tiết về chức năng của các cơ quan trong cơ thể, xác định u tế bào plasma.
  • Sinh thiết tủy xương: Bệnh nhân được sinh thiết tủy xương nếu có nghi ngờ ung thư. Trong đó, tủy xương được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Kỹ thuật này giúp xác định tế bào ác tính trong tủy xương, phân tích tỉ lệ tế bào plasma bình thường và bất thường.

Chẩn đoán đa u tủy xương đòi hỏi hai tiêu chuẩn dưới đây:

Sinh thiết nhìn thấy một khối tương bào hoặc có ít nhất 10% tương bào trong tủy xương kết hợp với một trong những điều kiện dưới đây:

  • Chức năng thận kém
  • Số lượng hồng cầu thấp (thiếu máu)
  • Nồng độ canxi trong máu cao
  • Chụp X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc PET scan nhìn thấy hình ảnh hốc trong xương
  • Có từ 60% tương bào trong tủy xương.

Chẩn đoán giải phẫu bệnh dựa trên mô sinh thiết tủy:

Giải phẫu mô sinh thiết tủy
Giải phẫu mô sinh thiết tủy phát hiện những tế bào có các hình thái bất thường

  • Hình thái mô kẽ (interstitial pattern): Số lượng tương bào không nhiều hơn tế bào tạo máu, rải rác xen lẫn giữa những tế bào tạo máu bình thường.
  • Hình thái lan tỏa (diffuse pattern): Tỉ lệ tế bào máu bình thường còn lại rất ít, tương bào tập hợp thành đám lớn và đã lan tỏa hết xoang tủy.
  • Hình thái nốt (nodal pattern): Trong khoảng tủy, tương bào tập hợp thành nốt và được giới hạn rõ rệt. Xung quanh nốt tương bào không có hoặc có ít tương bào, không chiếm hết xoang tủy.
  • Hình thái cụm nhỏ (small cluster pattern): Những tương bào tập hợp và kết thành cụm nhỏ giữa những tế bào tạo máu bình thường trong xoang tủy.
  • Hình thái hỗn hợp: Trên cùng một mẫu sinh thiết, có thể vừa có đặc điểm của dạng kia ở vị trí khác, tập hợp tương bào tạo nên hình dạng của vị trí này, có thể là lan tỏa - nốt, lan tỏa - mô kẽ; nốt - mô kẽ.
  • Hình thái tổn thương của đa u tủy rất đa dạng: Trên cùng một mẫu bệnh phẩm, có thể có một hoặc nhiều hình thái tổn thương do đa u tủy như nốt, mô kẽ, lan tỏa, cụm nhỏ và hỗn hợp.

Biến chứng và tiên lượng

Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt khi phát hiện sớm và điều trị tích cực. Tuy nhiên các triệu chứng không xuất hiện trong vài năm, ảnh hưởng đến quá trình chẩn đoán và điều trị ở nhiều trường hợp.

Khi đa u tủy xương phát triển, người bệnh sẽ có những biến chứng dưới đây:

  • Nhiễm trùng thường xuyên
  • Các vấn đề về xương
    • Đau xương
    • Gãy xương
    • Loãng xương
  • Suy giảm chức năng thận
  • Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
  • Tử vong.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, thời gian sống trùng bình cho bệnh nhân bị đa u tủy xương như sau:

  • Giai đoạn I: Khoảng 62 tháng (5 năm)
  • Giai đoạn II: Khoảng 3 - 4 năm
  • Giai đoạn III: Khoảng 2 - 3 năm

Dựa trên hệ thống phân giai đoạn Quốc tế sửa đổi (R-ISS), tỉ lệ sống sót trên 5 năm ở bệnh nhân bị đa u tủy xương dao động trong khoảng 40 - 82%.

Điều trị

Phương pháp điều trị cụ thể sẽ dựa vào giai đoạn tiến triển và triệu chứng của bệnh đa u tủy xương. Những phương pháp thường được ứng dụng gồm:

1. Thuốc corticosteroid

Thuốc corticosteroid được sử dụng để điều chỉnh hệ thống miễn dịch, giúp giảm viêm và đau. Ngoài ra thuốc này còn có tác dụng chống lại các tế bào u nguyên bào.

Thuốc corticosteroid
Thuốc corticosteroid được dùng để điều chỉnh hệ thống miễn dịch, chống lại các tế bào u nguyên bào

2. Hóa trị

Hóa trị là một trong những phương pháp hữu hiệu, được chỉ định phổ biến trong điều trị đa u tủy xương. Phương pháp này sử dụng một loại thuốc đặc biệt để tiêu diệt tế bào ung thư.

Khi sử dụng, thuốc hóa trị nhanh chóng ức chế sự phát triển, tiêu diệt tế bào đa u tủy và những tế bào phát triển nhanh khác. Thông thường bệnh nhân được hóa trị liều cao trước khi ghép tủy xương để đảm bảo hiệu quả điều trị.

3. Cấy ghép tủy xương

Trong khi ghép tủy xương (ghép tế bào gốc), bệnh nhân được hóa trị liệu liều cao để tiêu diệt tủy xương bị bệnh. Sau đó sử dụng tủy xương khỏe mạnh để thay thể cho tủy xương bệnh đã bị loại bỏ. Những tế bào gốc sẽ được thu thập từ máu của chính bệnh nhân.

Sau khi cấy ghép, những tế bào gốc sẽ bắt đầu di chuyển đến xương và xây dựng lại tủy xương. Bệnh nhân được hướng dẫn nghỉ ngơi và ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để phục hồi nhanh chóng.

4. Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm năng lượng cao từ proton hoặc tia X chiếu vào vùng ảnh hưởng để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này giúp thu nhỏ những tế bào u tủy, ngăn chặn khối u gây đau và phá hủy xương.

Xạ trị
Xạ trị dùng chùm năng lượng cao từ proton hoặc tia X ngăn chặn khối u gây đau và phá hủy xương

5. Liệu pháp miễn dịch

Những tế bào ung thư tạo ra các protein giúp chúng ẩn nấu, không được phát hiện và tiêu diệt bởi những tế bào của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên liệu pháp miễn dịch có thể can thiệp vào quá trình này, giúp kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư.

6. Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu sử dụng thuốc nhắm mục tiêu để tiêu diệt ung thư. Khi dùng, loại thuốc này tập trung vào những điểm cụ thể và yếu trong những tế bào ung thư, sau đó tấn công và khiến những tế bào ung thư chết đi.

7. Điều trị triệu chứng

Bên cạnh những phương pháp điều trị chính cho bệnh đa u tủy xương, người bệnh sẽ được áp dụng thêm các phương pháp giúp giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, bao gồm:

  • Thuốc giảm đau: Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau nhóm opioid (liều thấp và ngắn hạn), xạ trị hoặc hóa trị để giảm đau xương.
  • Thuốc kháng sinh hoặc tiêm vắc xin: Người bệnh có thể được tiêm vắc xin viêm phổi hoặc/ và cúm để ngăn ngừa nhiễm trùng. Đối với những trường hợp có nhiễm trùng, thuốc kháng sinh sẽ được sử dụng.
  • Lọc máu: Bệnh nhân được yêu cầu lọc máu nếu có biến chứng ở thận nặng.
  • Thuốc tạo xương: Nếu u đa tủy gây mất xương, người bệnh sẽ được chỉ định những loại thuốc giúp tạo xương và ngăn ngừa mất xương tiến triển.
  • Thuốc chống thiếu máu: Một số loại thuốc được dùng để tăng số lượng hồng cầu cho những bệnh nhân bị thiếu máu.
  • Các chất ức chế proteasome: Những các chất ức chế proteasome được dùng để ngăn chặn quá trình tiêu thụ thêm protein trong tế bào, khiến các tế bào ung thư chết đi. Những loại thường được sử dụng gồm Bortezomib (Velcade), Carfilzomib (Kyprolis) và Ixazomib (Ninlaro).

Phòng ngừa

Không có cách để phòng ngừa đa u tủy xương. Tuy nhiên việc kiểm tra sức khỏe định kỳ, phát hiện và điều trị sớm bệnh lý có thể cải thiện tiên lượng.

Nếu sống chung với bệnh đa u tủy xương, hãy thực hiện một số bước dưới đây để hỗ trợ ngăn bệnh tiến triển và duy trì sức khỏe tổng thể:

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày,
Tập thể dục đều đặn mỗi ngày, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tránh căng thẳng để duy trì sức khỏe

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh mỗi ngày. Nên ăn đây đủ dinh dưỡng, chia những bữa ăn lớn thành 5 - 6 bữa ăn nhỏ trong ngày.
  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ. Tránh căng thẳng và làm việc gắng sức.
  • Tiêm vắc xin theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Tập thể dục đều đặn mỗi ngày với cường độ thích hợp.
  • Luôn suy nghĩ lạc quan và tích cực. Áp dụng những biện pháp thư giãn nếu có căng thẳng quá mức.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Nguyên nhân có khả năng nhất của các triệu chứng là gì?

2. Tiên lượng như thế nào?

3. Tôi bị đa u tủy xương giai đoạn mấy, có thể sống được bao lâu?

4. Có khả năng điều trị khỏi bệnh hay không?

5. Phương pháp nào được chỉ định khi điều trị?

6. Đa u tủy xương và phương pháp điều trị ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?

7. Quá trình điều trị kéo dài bao lâu?

Bệnh đa u tủy xương ảnh hưởng đồng thời đến xương, thận và quá trình tạo ra những tế bào máu khỏe mạnh. Bệnh lý này cần được điều trị sớm để cải thiện tiên lượng. Tốt nhất nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ ngay sau chẩn đoán.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *