Đứt Gân Achilles

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

Đứt gân Achilles là một chấn thương thường gặp, ảnh hưởng đến mặt sau của cẳng chân. Chấn thương xảy ra khi gân Achilles nối cơ phía sau bắp chân với xương gót chân bị đứt, gây đau đớn dữ dội và không thể đi lại.

Tổng quan

Đứt gân Achilles là thuật ngữ chỉ tình trạng rách (đứt) một phần hoặc toàn bộ gân Achilles. Đây là một chấn thương cấp tính (đột ngột), xảy ra khi gân bị kéo căng quá mức và đứt. Chấn thương này thường gặp nhất trong khi chơi thể thao.

Đứt gân Achilles
Đứt gân Achilles là tình trạng gân Achilles bị rách một phần hoặc toàn bộ, gây đau đớn dữ dội

Gân Achilles là gân lớn nhất và khỏe nhất trong cơ thể, nối cơ bắp chân với xương bắp chân. Gân này cung cấp sức mạnh cho chân khi đi, chạy và nhảy. Đồng thời giúp hướng bàn chân xuống dưới, đẩy bàn chân và nhón gót khi đi bộ.

Khi đi, chạy và nhảy, gân Achilles có thể chịu được áp lực lớn. Tuy nhiên nó rất dễ bị chấn thương và không thể thực hiện chức năng bình thường.

Đứt gân Achilles thường xảy ra ở phần gân nằm trong phạm vi 6cm từ điểm gân gắn vào xương gót chân. Vì lưu lượng máu kém nên phần gân này có thể bị vỡ và giảm khả năng chữa lành gân.

Phân loại

Dựa vào thời gian chấn thương, đứt gân Achilles được chia thành 2 loại, bao gồm:

  • Đứt mới: Chấn thương dưới 6 tuần.
  • Đứt cũ: Chấn thương trên 6 tuần.

Phân loại dựa vào mức độ nghiêm trọng:

  • Độ 1: Rách bán phần (<= 50%), thường được điều trị bảo tồn.
  • Độ 2: Rách toàn phần kèm theo co rút gân <= 3cm, thường phẫu thuật nối tận - tận.
  • Độ 3: Rách toàn phần kèm theo co rút từ 3 - 6cm, thường phẫu thuật bằng V - Y hoặc chuyển gân.
  • Độ 4: Rách toàn phần kèm theo co rút > 6cm, thường phẫu thuật ghép gân.

Đứt gân Achilles độ 4
Đứt gân Achilles độ 4 xảy ra khi gân Achilles bị rách toàn phần kèm theo co rút > 6cm

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Đứt gân Achilles thường do chuyển động đột ngột và gia tăng áp lực đột ngột lên gân Achilles. Điều này thường liên quan đến một số nguyên nhân dưới đây:

  • Vô tình bước vào một cái lỗ hoặc lỡ bước đi xuống cầu thang và bị trẹo chân
  • Rơi từ một độ cao
  • Tăng cường độ khi luyện tập hoặc tham gia thể thao, đặc biệt là khi chơi các môn thể thể thao liên quan đến nhảy như bóng chuyền, bóng rổ...
  • Chơi các môn thể thao cần đột ngột dừng, bắt đầu và chuyển hướng như bóng bầu dục, bóng đá, quần vợt...
  • Vấp ngã.

Những yếu tố làm tăng nguy cơ:

  • Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh fluoroquinolone (Ciprofloxacin hoặc Levofloxacin) và tiêm steroid trong khu vực có thể khiến gân Achilles bị suy yếu và tăng nguy cơ dứt gân.
  • Tuổi tác: Đứt gân Achilles phổ biến nhất ở những người có độ tuổi từ 30 - 40 tuổi.
  • Giới tính: Nguy cơ rách gân Achilles ở nam giới cao gấp 5 lần so với phụ nữ.
  • Chơi thể thao: Nguy cơ cao hơn ở vận động viên hoặc những người thường xuyên chơi các môn thể thao đòi hỏi nhảy liên tục, chạy, đột ngột dừng, bắt đầu và chuyển hướng. Chẳng hạn như bóng rỗ, bóng đá và quần vợt.
  • Thừa cân béo phì: Trọng lượng dư thừa gây căng thẳng nhiều cho gân Achilles và khiến gân này dễ bị đứt hơn.

Triệu chứng và chẩn đoán

Đứt gân Achilles có những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến dưới đây:

  • Nghe thấy tiếng bốp khi chấn thương xảy ra
  • Cảm giác như bị đá vào bắp chân
  • Đau đớn thường nghiêm trọng và đột ngột ở nơi gân bị rách
  • Đau khi đi bộ, đặc biệt là khi lên dốc hoặc lên cầu thang
  • Sưng và bầm tím gần gót chân
  • Không có khả năng uốn cong bàn chân xuống, đẩy bàn chân khi đi lại
  • Không thể đứng trên các ngón chân bên chân bị ảnh hưởng
  • Khó uốn cong các ngón chân, đặc biệt là hướng xuống.

Đứt gân Achilles gây đau đớn nghiêm trọng và đột ngột
Đứt gân Achilles gây đau đớn nghiêm trọng và đột ngột, cảm giác như bị đá vào bắp chân

Để chẩn đoán đứt gân Achilles, bệnh nhân được kiểm tra thể chất toàn bàn chân và mắt cá chân. Bác sĩ cũng có thể đặt một số câu hỏi liên quan đến chấn thương.

Trong khi khám, người khám quan sát, sờ hoặc ấn nhẹ để kiểm tra gân Achilles; di chuyển bàn chân theo nhiều hướng khác nhau và đánh giá cách bạn phản ứng với áp lực lên khu vực.

Nếu có nghi ngờ đứt gân Achilles, người bệnh được thực hiện một số xét nghiệm và nghiệm pháp nhằm xác nhận chẩn đoán. Cụ thể:

  • Nghiệm pháp Thompson: Nghiệm pháp Thompson có thể giúp phát hiện nhanh tình trạng đứt gân. Trong nghiệm pháp này, bệnh nhân được hướng dẫn nằm sấp, hai chân để tự do, bác sĩ bóp mạnh vào hai bắp chân để kiểm tra chức năng của gân Achilles. Nghiệm pháp Thompson được cho là dương tính (đứt gân Achilles) nếu không có cử động nào ở cổ chân (không thấy cổ chân duỗi).
  • Siêu âm: Siêu âm có thể cho thấy hình ảnh gân Achilles bị đứt và đánh giá mức độ nghiêm trọng của vết rách.
  • Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) cung cấp hình ảnh chi tiết và đa chiều của bộ phận cần kiểm tra. Xét nghiệm này cho phép đánh giá tổn thương mô mềm, xác định mức độ đứt gân Achilles.
  • Chụp X-quang: Đôi khi bệnh nhân được chụp X-quang nhằm kiểm tra xương gót chân, mắt cá chân và bàn chân. Điều này giúp phát hiện gãy xương đi kèm sau chấn thương.

Biến chứng và tiên lượng

Đứt gân Achilles là một chấn thương nghiêm trọng, cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không điều trị, gân Achilles có thể co rút, hình thành nhiều vết sẹo ở phần cuối của gân. Điều này khiến gân bị thương không thể lành lại đúng cách, tăng nguy cơ vỡ gân tái phát và tàn tật vĩnh viễn.

Khi được điều trị thích hợp, các vết đứt gân thường lành lại hoàn toàn trong vòng 4 đến 6 tháng. Ngay cả khi điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật, người bệnh có thể lấy lại toàn bộ sức mạnh cũng như chức năng của gân Achilles.

Điều trị

Điều trị đứt gân Achilles dựa trên mức độ nghiêm trọng của vết rách và tình trạng co rút. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:

1. Phương pháp RICE

Trước khi được chăm sóc y tế, người bệnh có thể thực hiện phương pháp RICE để giảm sưng và đau. Phương pháp này gồm các bước sau:

  • Nghỉ ngơi: Dừng mọi hoạt động đang thực hiện và để chân được nghỉ ngơi. Điều này giúp giảm đau và ngăn tổn thương thêm. Không nên tiếp tục đi lại hoặc thực hiện những hoạt động có thể gây căng thẳng cho gân Achilles.
  • Chườm đá: Chườm đá vào vùng bị thương để giảm sưng, tụ máu và đau đớn. Đặt túi đá lên vùng ảnh hưởng trong 20 phút, lặp lại 3 - 4 lần/ ngày.
  • Nén: Nén vùng bị thương bằng cách dùng băng thun quấn mắt cá chân. Biện pháp này giúp ngăn ngừa sưng tấy thêm.
  • Nâng cao: Kê gối hoặc một chiếc khăn cuộn để nâng cao chân hơn mức tim. Biện pháp này giúp giữ cho chất lỏng không tích tụ ở vùng bị thương và giảm sưng hiệu quả.

2. Phẫu thuật

Hầu hết bệnh nhân bị đứt gân Achilles được phẫu thuật. Dựa vào tình trạng gân, gân Achilles có thể được sửa chữa bằng cách nối hai đầu gân đứt bằng các mũi khâu.

Nếu đứt gân hoàn toàn kèm theo co rút trên 6cm, người bệnh được chỉ định ghép gân. Trong đó, gân Achilles bị thương được thay thế bởi mô gân khỏe mạnh (được tách từ vị trí khác của cơ thể). Phương pháp này giúp ngăn tàn tật và phục hồi khả năng vận động cho bệnh nhân.

Phẫu thuật
Phẫu thuật có thể bao gồm nối hai đầu gân đứt, tạo hình lại hoặc ghép gân

Một số kỹ thuật thường được áp dụng:

  • Nối tận - tận kết hợp bất động thêm bằng bột từ 4 - 6 tuần
  • Phẫu thuật ít xâm lấn nối gân Achilles
  • Tạo hình lại gân Achilles bằng kỹ thuật V-Y
  • Chuyển gân gấp dài ngón cái kết hợp V-Y gân bụng chân

Sau phẫu thuật điều trị, người bệnh được bó bột ở cẳng chân để giữ bàn chân và gân Achilles ở vị trí thích hợp trong thời gian lành lại.

3. Cố định

Cố định bằng nẹp hoặc bố bột cho những trường hợp đứt gân Achilles độ 1 hoặc sau phẫu thuật. Phương pháp này giúp cố định bàn chân và mắt cá chân bị thương, cho phép gân Achilles lành lại đúng cách và ngăn tổn thương thêm.

Khi cố định, bàn chân, mắt cá chân và bắp chân được đặt trong bó bột hoặc nẹp tập đi. Bàn chân và mắt cá chân uốn cong xuống để gân Achilles bị thương có thể lành lại.

4. Vật lý trị liệu

Sau một thời gian cố định, người bệnh cần vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, tăng cường gân Achilles và cơ bắp chân. Việc luyện tập sẽ dựa trên từng giai đoạn hồi phục.

Các bài tập cụ thể có tác dụng cải thiện phạm vi chuyển động, tăng khả năng vận động, lấy lại sức mạnh cho gân Achilles và cơ bắp chân. Nhờ vậy người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn và trở lại hoạt động thể chất sau chấn thương.

Phòng ngừa

Để giảm nguy cơ phát triển vết rách trên gân Achilles, hãy thực hiện một số lời khuyên dưới đây:

Thường xuyên thực hiện các bài tập kéo căng cơ bắp chân và gân Achilles
Thường xuyên thực hiện các bài tập kéo căng cơ bắp chân và gân Achilles để giảm nguy cơ đứt gân

  • Thường xuyên kéo căng cơ bắp chân và gân Achilles cho đến khi cảm thấy lực kéo rõ rệt nhưng không đau. Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho bắp chân, tăng dẻo dai cho gân. Đồng thời giúp gân và cơ hấp thụ nhiều lực hơn, giảm nguy cơ chấn thương.
  • Tránh những hoạt động gây căng thẳng quá mức cho gân Achilles. Chẳng hạn như nhảy và chạy trên những bề mặt không bằng phẳng.
  • Thay thế những môn thể thao tác động cao (như chạy) bằng những môn thể thao tác động thấp (như đi xe đạp, đi bộ và bơi lội).
  • Chọn bề mặt bằng phẳng để chạy, nhảy và tập thể dục. Không chạy và nhảy trên đồi, tránh chạy trên bề mặt cứng hoặc trơn trượt.
  • Nếu phải tập luyện trong thời tiết lạnh, hay mặc quần áo phù hợp để giữ ấm cơ thể.
  • Mang giày thể thao vừa vặn, phù hợp với hoạt động và có phần đệm thích hợp ở gót chân.
  • Thực hiện các bài tập kéo giãn và khởi động trước khi thi đấu hoặc chơi thể thao. Điều này giúp làm ấm cơ thể, tăng dẻo dai và linh hoạt, giảm nguy cơ chấn thương, bao gồm cả đứt gân Achilles.
  • Tăng cường độ luyện tập từ từ, dành thời gian làm quen với bài tập hoặc bộ môn mới. Không đột ngột tăng cường độ luyện tập. Tốt nhất nên tăng khoảng cách, tần suất và thời lượng luyện tập không quá 10% mỗi tuần.
  • Hạ nhiệt và thực hiện các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng sau khi luyện tập xong.
  • Thận trọng để tránh té ngã.

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Tôi bị đứt gân Achilles hay có một chấn thương khác?

2. Tôi có cần phẫu thuật sửa chữa gân Achilles hay không?

3. Tôi cần bất động trong bao lâu?

4. Bài tập nào có thể giúp tôi lấy lại sức mạnh và chức năng của gân Achilles?

5. Sau điều trị, tôi có khả năng chơi thể thao hoặc tập thể dục trở lại hay không?

6. Mất bao lâu để gân Achilles có thể lành lại hoàn toàn?

7. Tôi có nguy cơ bị rách gân Achilles một lần nữa hay không?

8. Tôi nên làm gì để ngăn ngừa rách gân Achilles tái phát?

Đứt gân Achilles được coi là một tình trạng y tế khẩn cấp. Ngay sau chấn thương, người bệnh cần khám và nhận trợ giúp y tế để gân được chữa lành hoàn toàn. Tuyệt đối không trì hoãn điều trị để tránh gây tàn tật và gân lành lại không đúng cách.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *