Đứt Gân Gấp Ngón Tay
Đứt gân gấp ngón tay thường xảy ra khi có vết cắt hở hoặc một lực kéo mạnh và đột ngột vào gân. Chấn thương không chỉ gây đau đớn mà còn giảm chuyển động của các ngón tay, có thể dẫn đến tàn tật.
Tổng quan
Đứt gân gấp ngón tay là tình trạng gân cơ gấp ngón tay bị rách một phần hoặc toàn bộ. Tình trạng này phổ biến ở những người chơi thể thao, thường ảnh hưởng đến ngón cái, ngón tay đeo nhẫn và ngón út.
Gân cơ gấp có cấu trúc tương tự như sợi dây chắc khỏe, bắt đầu từ cẳng tay, chạy qua cổ tay, lòng bàn tay và đến các ngón tay. Chúng cho phép các ngón tay uốn cong linh hoạt, nắm chặt tay hoặc vật. Tuy nhiên gân cơ gấp bị rách có thể khiến bạn không thể uốn cong mọt hoặc nhiều khớp trong bàn tay.
Đứt gân gấp ngón tay xảy ra khi một người đang cố gắng nắm lấy vật gì đó trong khi ngón tay bị giật hoặc kéo mạnh ra khỏi bàn tay. Chấn thương cũng có thể xảy ra khi có vết cắt hở ở phía trong lòng bàn tay của ngón tay, cổ tay, bàn tay hoặc cẳng tay.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Đứt gân gấp ngón tay thường do một số nguyên nhân dưới đây:
- Vết cắt hở: Có vết cắt ở mặt trong của cẳng tay, cổ tay, bàn tay hoặc ngón tay khiến gân cơ gấp bị rách hoặc đứt hoàn toàn.
- Chấn thương thể thao: Đứt gân gấp ngón tay thường gặp ở những người tham gia các môn thể thao có khả năng gây chấn thương gân gấp như đấu vật, bóng đá và bóng bầu dục. Chẳng hạn như một cầu thủ cố gắng nắm lấy áo của người khác hoặc vật gì đó với một ngón tay bị nắm và kéo mạnh. Điều này khiến gân gấp bị kéo ra khỏi xương và đứt.
- Hoạt động thể chất: Những hoạt động đòi hỏi nhiều sức mạnh của bàn tay như leo núi có thể kéo căng và làm rách gân. Khi leo núi, vị trí của các ngón tay là cần thiết để cung cấp sức mạnh cho bàn tay. Tuy nhiên đột ngột gia tăng áp lực lên ròng rọc của bao gân có thể hình thành vết rách. Từ đó hạn chế mức độ gập của ngón tay, đồng thời gây đau khi cử động.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp và một số tình trạng sức khỏe khác có thể làm suy yếu gân cơ gấp và tăng nguy cơ đứt gân.
- Ngã: Tiếp đất bằng ngón tay khi ngã có thể gây đứt gân và gãy xương.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp sau đứt gân gấp ngón tay:
- Không có khả năng uốn cong một hoặc nhiều ngón tay
- Đau đớn, đặc biệt là khi cố uốn cong ngón tay
- Đau dọc theo ngón tay trên lòng bàn tay
- Tê ở đầu ngón tay
- Bầm tím và sưng tấy
- Có điểm mềm ở vị trí tổn thương.
Để chẩn đoán đứt gân gấp ngón tay, bác sĩ khám quanh vùng ảnh hưởng, kiểm tra cơ chế chấn thương và các triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân uốn cong ngón tay, di chuyển bàn tay theo nhiều hướng. Điều này có thể giúp kiểm tra thể chất, phạm vi chuyển động và xác định gân bị tổn thương.
Một số xét nghiệm bổ sung:
- Siêu âm: Siêu âm có thể được thực hiện để kiểm tra mô mềm. Kỹ thuật này có thể giúp phát hiện nhanh và đánh giá mức độ nghiêm trọng của đứt gân.
- Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ (MRI) giúp xác định và đánh giá đứt gân gấp ngón tay. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh đa chiều chi tiết của các mô.
- Chụp X-quang: Tia X cung cấp hình ảnh của xương, giúp kiểm tra xem có gãy xương hay không.
Biến chứng và tiên lượng
Đứt gân gấp ngón tay có thể được điều trị và phục hồi hoàn toàn trong vòng 3 - 4 tháng (tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng). Nếu không được điều trị, gân cơ gấp có thể co rút và lành lại không đúng cách. Điều này làm tăng nguy cơ tàn tật và chấn thương tái phát.
Điều trị
Đứt gân gấp ngón tay thường được yêu cầu phẫu thuật điều trị, sau đó cố định và phục hồi chức năng để gân lành lại hoàn toàn. Gân gấp ngón tay hông thể lành lại nếu các đầu gân không chạm vào nhau, cần được sữa chữa càng sớm càng tốt.
Nhưng nếu gân gấp ngón tay bị đứt một phần, các phương pháp không phẫu thuật như nẹp và vật lý trị liệu có thể giúp gân nhanh chóng phục hồi.
1. Phẫu thuật
Sau khi kiểm tra bàn tay, vết thương hở được làm sạch và băng bó để giảm nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó tay có thể được nẹp tạm thời để cố định và bảo vệ những cấu trúc bị thương, ngăn tổn thương thêm nghiêm trọng.
Hầu hết trường hợp đứt gân gấp ngón tay được yêu cầu phẫu thuật. Trong khi thực hiện thủ thuật, hai đầu gân đứt được nối lại bằng chỉ khâu hoặc mũi khâu đặc biệt. Ngón tay và cổ tay được đặt ở tư thế uốn cong để tránh gây căng thẳng và tổn thương thêm khi sửa chữa.
Nếu đứt gân hoàn toàn kèm theo co rút, bác sĩ có thể tiến hành cấy ghép gân. Phương pháp này bao gồm việc thay thế gân bị thương bằng gân khỏe mạnh (tách từ vị trí khác của cơ thể).
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được nẹp và tập vật lý trị liệu. Đôi khi cứng khớp xảy ra sau phẫu thuật. Tình trạng này thường đáp ứng tốt với điều trị.
Trong một số trường hợp, phẫu thuật có thể để lại sẹo khiến gân dính vào vỏ gân. Nếu điều trị bảo tồn không hiệu quả, một cuộc phẫu thuật bổ sung có thể được yêu cầu, được gọi là tenolysis.
Sau khi các đầu gân đủ mạnh (khoảng 4 - 6 tháng sau phẫu thuật sửa chữa), bác sĩ tiến hành phẫu thuật giải phóng gân. Điều này cho phép chúng trượt tự do bên trong bao gân, phục hồi cử động của ngón tay bị thương.
2. Cố định
Sau phẫu thuật hoặc đứt một phần gân, bệnh nhân được cố định ngón tay và cổ tay bằng nẹp có thể tháo rời. Thiết bị này giúp giữ gân ở vị trí thích hợp cho đến khi lành lại hoàn toàn.
Cố định bằng nẹp cũng giúp hạn chế những chuyển động không cần thiết, tránh gây tổn thương hoặc ảnh hưởng đến quá trình lành lại của gân.
Thông thường người bệnh cần đeo nẹp trong vòng 6 - 8 tuần sau phẫu thuật. Thiết bị này chỉ được tháo ra khi cần luyện tập theo chỉ định của bác sĩ.
3. Vật lý trị liệu
Chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn các bài tập giúp cải thiện phạm vi chuyển động, lấy lại chức năng của gân gấp ngón tay và sự linh hoạt của bàn tay. Quá trình luyện tập có thể bao gồm các bài tập co duỗi, bóp bóng và nâng tạ nhẹ sau khi gân lành lại.
Phòng ngừa
Những cách dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ đứt gân gấp ngón tay:
- Không cố gắng nắm chặt đồ vật trong khi ngón tay đặt ở vị trí không phù hợp hoặc bị kéo mạnh.
- Thận trọng trong sinh hoạt, tránh ngã chống bàn tay xuống đất.
- Chơi thể thao đúng kỹ thuật.
- Sử dụng thiết bị bảo vệ tay khi chơi các môn thể thao bắt bóng, leo núi hoặc thi đấu.
- Khởi động kỹ lưỡng trước khi thi đấu và chơi thể thao.
- Thường xuyên thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp và làm mạnh gân ở cổ tay, các ngón và cẳng tay. Điều này có thể giảm nguy cơ chấn thương.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị đứt gân gấp ngón tay hay có một tình trạng khác?
2. Sau chấn thương, các ngón tay có bị dị tật hay không?
3. Tôi có cần phẫu thuật sửa chữa gân?
4. Lợi ích và rủi ro có thể gặp khi phẫu thuật là gì?
5. Tôi có thể phục hồi hoàn toàn hay không?
6. Có khả năng đứt gân tái phát sau điều trị hay không? Cách ngăn ngừa?
7. Tôi có thể trở lại hoạt động thể chất hay không?
Đứt gân gấp ngón tay có thể là đứt một phần hoặc toàn bộ. Hầu hết mọi người có gân gấp ngón tay phục hồi hoàn toàn sau điều trị. Tuy nhiên việc không điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến quá trình này, tăng nguy cơ dị tật ở tay.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!