Hội chứng Cổ – Vai – Cánh tay
Hội chứng cổ - vai - cánh tay là một nhóm các triệu chứng được gây ra bởi bệnh lý ở cột sống cổ với dây thần kinh bị chèn ép hoặc viêm. Hội chứng này được đặc trưng bởi những cơn đau vùng cổ, vai lan rộng một bên cánh tay.
Tổng quan
Hội chứng cổ - vai - cánh tay còn được gọi là bệnh lý rễ tủy cổ (Cervical Radiculopathy) hay dây thần kinh bị chèn ép. Đây là tình trạng rối loạn chức năng thần kinh do chèn ép và viêm rễ thần kinh của cột sống cổ. Tình trạng này dẫn đến đau lan tỏa, tê hoặc/ và yếu ở cổ, vai và cánh tay bên ảnh hưởng.
Hầu hết các trường hợp liên quan đến những thay đổi hao mòn ở cột sống cổ, chẳng hạn như viêm khớp. Đối với những người trẻ tuổi, bệnh chủ yếu xảy ra do chấn thương đột ngột làm hỏng hoặc gây thoát vị đĩa đệm.
Hội chứng cổ - vai - cánh tay thường đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn. Trong đó thuốc và vật lý trị liệu có thể giúp kiểm soát nhanh các triệu chứng.
Phân loại
Hội chứng cổ - vai - cánh tay được phân thành 3 dạng, bao gồm:
- Hội chứng cột sống cổ
- Hội chứng rễ thần kinh
- Hội cứng tủy cổ (xảy ra khi thoát vị đĩa đệm chèn ép tủy cổ trong thời gian dài)
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hội chứng cổ - vai - cánh tay xảy ra khi rễ thần kinh ở cột sống cổ bị chèn ép hoặc viêm. Tình trạng này thường do những nguyên nhân sau:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ chiếm khoảng 20 - 25% trường hợp mắc hội chứng cổ - vai - cánh tay. Tình trạng này có thể xảy ra đồng thời với thoái hóa cột sống cổ.
Thoát vị đĩa đệm phát triển khi bao xơ bị nứt/ rách, nhân nhầy bên trong dịch chuyển, làm phồng hoặc thoát khỏi bao xơ. Từ đó tạo thành một khối thoát vị (chất rò rỉ từ đĩa đệm). Khi khối thoát vị có kích thước lớn, nó có thể chèn ép hoặc tăng áp lực cho các dây thần kinh đi qua.
Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ có thể do chấn thương đột ngột (thường gặp ở người trẻ) hoặc do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
Một số yếu tố có thể góp phần gây ra bệnh thoát vị đĩa đệm gồm:
-
- Chuyển động cổ gập đi gập lại
- Sự lão hóa
- Tư thế kém
- Thiếu tập thể dục thường xuyên
- Nâng hoặc vặn không đúng cách
- Bị thương ở cổ
- Thoái hóa cột sống cổ
Thoái hóa cột sống cổ là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm khoảng 70 - 80% trường hợp. Những thay đổi thoái hóa (hao mòn) xảy ra khi bạn già đi có thể chèn ép rễ thần kinh.
Trong đó thoái hóa các khớp liên đốt và liên mỏm trên khiến không gian của lỗ tiếp hợp suy giảm. Điều này làm tăng áp lực/ chèn ép rễ hoặc dây thần kinh cột sống cổ.
Ngoài ra khi bạn già đi, đĩa đệm giữa các đốt sống có dấu hiệu suy giảm chiều cao và phình ra. Điều này gây ra sự sụp đổ của không gian đĩa, các đốt sống di chuyển gần nhau hơn
Cơ thể có xu hướng phản ứng với đĩa đệm bị xẹp bằng cách hình thành gai xương xung quanh để củng cố đĩa đệm. Tuy nhiên chúng có thể phát triển theo thời gian và làm hẹp ống sống. Từ đó làm tăng áp lực hoặc chèn ép rễ thần kinh.
- Nguyên nhân khác
Mặc dù ít gặp hơn nhưng những nguyên nhân dưới đây cũng có thể gây bệnh lý rễ tủy cổ:
-
- Khối u
- Nhiễm trùng
- Loãng xương
- Bệnh lý viêm cột sống
- Bệnh lý phần mềm cạnh cột sống
- Chấn thương cột sống cổ.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Hút thuốc lá
- Vận động nhiều ở vùng cổ hoặc mang vác vật nặng
- Duy trì một tư thế cổ trong thời gian dài, thường gặp ở những người làm việc trước màn hình máy tính
Triệu chứng và chẩn đoán
Các dây thần kinh ở cột sống cổ mở rộng ra vai, cánh tay, ngực và lưng trên. Chính vì thế mà tình trạng viêm và chèn ép rễ thần kinh cổ có thể gây đau lan tỏa từ cổ đến những khu vực khác, kèm theo tê và yếu.
Dưới đây là những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của hội chứng cổ - vai - cánh tay:
+ Triệu chứng chung
- Đau lan tỏa
- Tê liệt
- Có cảm giác châm chích hoặc ngứa ran
- Yếu cơ
- Phản xạ yếu
+ Hội chứng cột sống cổ
- Đau vùng cổ gáy, thường âm ỉ, tiến triển dần dần và mạn tính
- Đau sau khi ngủ dậy hoặc khởi phát cấp tính do chấn thương hoặc vận động cổ quá mức
- Hạn chế vận động cổ
- Vẹo cổ
- Điểm đau cột sống cổ tương ứng với các rễ thần kinh khi ấn vào các gai sau cạnh cột sống.
+ Hội chứng rễ thần kinh
- Đau vùng gáy lan lên vùng chẩm
- Đau lan xuống vai,cánh tay hoặc/ và bàn tay
- Đau tăng lên khi gập cổ về phía bên đau hoặc xoay đầu
- Yếu cơ
- Cảm thấy rát bỏng hoặc có cảm giác kiến bò
- Tê bì vùng vai, cánh tay, đôi khi lan xuống bàn tay và các ngón tay.
+ Hội chứng tủy cổ
- Tê bì và mất khéo léo hai bàn tay
- Teo cơ hai tay
- Đi lại khó khăn và nhanh mỏi
Trong giai đoạn muộn, hội chứng tủy cổ có những triệu chứng sau:
- Liệt trung ương tứ chi
- Liệt trung ương hai chân
- Liệt ngoại vi hai tay
- Rối loạn phản xạ đại tiểu tiện.
Để chẩn đoán hội chứng cổ - vai - cánh tay, bác sĩ tiến hành xem xét các triệu chứng, kiểm tra bệnh sử và chấn thương trước đó. Trong quá trình này, bác sĩ có thể ấn nhẹ tìm kiếm điểm đau và vị trí có dây thần kinh bị ảnh hưởng. Bác sĩ cũng có thể thực hiện một số bài kiểm tra thể chất để đánh giá tình trạng tê yếu và phạm vi chuyển động.
Để loại trừ những nguyên nhân gây đau khác, bệnh nhân được chỉ định thêm những xét nghiệm dưới đây:
- Chụp X-quang cột sống: Hình ảnh X-quang với tư thế trước sau, nghiêng và chếch 3/4 có thể giúp phát hiện những tổn thương cột sống cổ. Chẳng hạn như dấu hiệu thoái hóa, gai xương, xẹp đốt sống hoặc hẹp lỗ liên hợp.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ cho thấy tình trạng hẹp ống sống và thoát vị đĩa đệm. Đồng thời giúp xác định đoạn tủy sống, mạch máu hoặc dây thần kinh đang bị chèn ép. Từ đó xác định hội chứng cổ - vai - cánh tay. Chụp MRI còn cung cấp hình ảnh về nhiễm trùng và những khối u bất thường ở cột sống. Từ đó loại bỏ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Chụp CT Scan có thể được dùng riêng lẻ hoặc kết hợp với chụp tủy cản quang. Kỹ thuật này cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về xương và tủy sống. Từ đó đánh giá cột sống và xác định nguyên nhân gây đau.
- Xạ hình xương: Hiếm khi xạ hình xương được thực hiện. Kỹ thuật này thường chỉ được thực hiện khi có nghi ngờ ung thư di căn.
- Điện cơ (EMG): Điện cơ đồ được thực hiện để đo hoạt động của thần kinh và cơ. Điều này giúp xem dây thần kinh có hoạt động bình thường hay không. Xét nghiệm điện cơ cũng giúp đánh giá tổn thương nguồn gốc thần kinh. Đồng thời giúp phân biệt bệnh lý tủy cổ với các tình trạng rễ và dây thần kinh ngoại biên.
Biến chứng và tiên lượng
Tiên lượng phụ thuộc vào những yếu tố sau:
- Sức khỏe tổng thể
- Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
- Dây thần kinh nào bị ảnh hưởng
- Nguyên nhân gây bệnh
Hầu hết mọi người có đáp ứng tốt với lựa chọn không phẫu thuật, các triệu chứng biến mất sau một thời gian điều trị. Tuy nhiên không có cách chữa khỏi những thay đổi thoái hóa ở cột sống. Một số người có các triệu chứng tái phát trong tương lai.
Mặc khác, hội chứng cổ - vai - cánh tay có thể để lại di chứng ngay cả khi được điều trị. Điều này khiến người bệnh không thể phục hồi hoàn toàn sức mạnh và khả năng vận động.
Nếu không được kiểm soát tốt, hội chứng cổ - vai - cánh tay có khả năng gây ra những biến chứng dưới đây:
- Teo cơ
- Yếu chi
- Mất chức năng vận động
- Rối loạn cảm giác hoặc vận động nặng.
Điều trị
Hội chứng cổ - vai - cánh tay ảnh hưởng đến mọi người theo cách khác nhau. Vì vậy kế hoạch điều trị sẽ dựa vào tình trạng cụ thể. Dưới đây là những phương pháp thường được áp dụng:
1. Bất động
Điều trị ban đầu thường bao gồm bất động bằng nẹp cổ (vòng cổ mềm quấn quanh cổ). Thiết bị này giúp giảm thiểu chuyển động của cổ, giữ cổ ở vị trí thích hợp và giảm kích ứng rễ dây thần kinh.
Thông thường nẹp cổ chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn (không quá 1 - 2 tuần). Việc bất động lâu ngày có thể dẫn đến teo cơ và cứng khớp.
2. Thuốc
Để giảm bớt các triệu chứng của hội chứng cổ - vai - cánh tay, những loại thuốc dưới đây có thể được chỉ định:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Aspirin, Ibuprofen và Naproxen là các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được sử dụng. Nhóm thuốc này mang lại hiệu quả chống viêm và giảm đau cho hội chứng cổ - vai - cánh tay. NSAID giảm đau bằng cách làm dịu tình trạng viêm tại những rễ dây thần kinh bị ảnh hưởng.
- Corticosteroid đường uống
Corticosteroid được dùng cho những bệnh nhân không đáp ứng tốt với NSAID. Thuốc có khả năng giảm đau nhanh chóng bằng cách giảm viêm, sưng và kích ứng xung quanh dây thần kinh bị chèn ép. Corticosteroid đường uống thường chỉ được dùng ngắn hạn (7 - 10 ngày) với liều thấp nhất có hiệu quả.
- Thuốc giảm đau dạng phối hợp
Paracetamol thường được dùng kết hợp với một loại opioid nhẹ như Tramadol hoặc Codein. Opioid là thuốc giảm đau gây nghiện, mang đến hiệu quả nhanh đối với những cơn đau vừa đến nặng. Tuy nhiên nhóm thuốc này có thể gây ra tình trạng lệ thuộc nếu dùng liều cao và kéo dài.
Paracetamol là thuốc giảm đau thông thường. Thuốc này có thể làm tăng hiệu quả trị đau, giảm liều dùng và hạn chế phụ thuộc vào opioid.
- Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ có thể được dùng trong đợt đau cấp để giảm đau và ngăn co thắt cơ. Những loại thường được sử dụng gồm Epirisone. Mephenesine và Tolperisone.
- Thuốc giảm đau thần kinh
Thuốc giảm đau thần kinh như Pregabalin hoặc Gabapentin được dùng để điều trị bệnh lý rễ thần kinh nặng hoặc dai dẳng. Thuốc này có tác dụng giảm đau do tổn thương dây thần kinh.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Nếu bị đau mãn tính kèm theo rối loạn giấc ngủ, người bệnh có thể được chỉ định thuốc chống trầm cảm ba vòng (liều thấp). Thuốc này có tác dụng giảm đau, cải thiện giấc ngủ và an thần.
- Viên uống vitamin
Đôi khi bệnh nhân được yêu cầu bổ sung vitamin nhóm B hoặc dẫn chất B12 mecobalamin với liều 1000 -1500 mcg/ngày. Điều này có thể giúp giảm tổn thương dây thần kinh và triệu chứng.
3. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu gồm những bài tập cụ thể tập trung vào việc kéo căng nhẹ nhàng các khớp và cơ cổ, cải thiện sức mạnh và giảm nhẹ triệu chứng. Các bài tập có tác dụng giảm đau, thư giãn và duy trì phạm vi chuyển động cho cột sống cổ.
Sau đó, các bài tập tăng cường cơ bắp dần được thêm vào kế hoạch luyện tập. Những bài tập này giúp tăng cường các cơ ở cổ, vai và chi. Từ đó cung cấp sự ổn định, làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp và ngăn chấn thương.
Các bài tập tăng cường cũng giúp cải thiện tính linh hoạt, sức mạnh và tự thế, đồng thời giúp người bệnh trở lại với những hoạt động bình thường.
4. Tiêm Steroid
Tiêm Steroid ngoài màng cứng được chỉ định khi thuốc uống và bài tập không giúp cải thiện tình trạng. Phương pháp này sử dụng một loại thuốc chống viêm mạnh (Steroid / Corticosteroid) để tiêm vào không gian ngoài màng cứng, quanh dây thần kinh bị ảnh hưởng ở cột sống cổ.
Sau khi được tiêm, Steroid nhanh chóng kiểm soát cơn đau do viêm và kích ứng rễ dây thần kinh. Ngoài ra thuốc này có thể giúp giảm sưng, kiểm soát cơn đau đủ lâu để dây thần kinh phục hồi.
5. Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp có các vấn đề về thần kinh nghiêm trọng hoặc bị đau dữ dội và dai dẳng, điều trị bảo tồn trong ít nhất 6 - 12 tuần nhưng không hiệu quả.
Để điều trị hội chứng cổ - vai - cánh tay, phẫu thuật thường bao gồm những thủ thuật giải phóng dây thần kinh bị chèn ép. Bao gồm:
- Chỉnh sửa cột sống tại các lỗ liên hợp bị hẹp
- Lấy nhân nhầy đĩa đệm thoát vị
- Cắt thân đốt sống và hợp nhất cột sống hoặc ghép xương và cố định cột sống.
Sau phẫu thuật điều trị, bệnh nhân được nghỉ ngơi và dùng thuốc. Khi vết thương lành lại, chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng và tăng cường cơ bắp để lấy lại phạm vi chuyển động và chức năng vùng cột sống cổ.
Phòng ngừa
Một số điều dưới đây có thể làm giảm nguy cơ mắc hội chứng cổ - vai - cánh tay:
- Thường xuyên thực hiện những bài tập kéo dài cho cổ để duy trì sự linh hoạt và giữ cho cơ bắp của bạn khỏe mạnh. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương, thoái hóa cột sống và những bệnh lý có thể gây hội chứng cổ - vai - cánh tay.
- Thực hành tư thế tốt trong mọi hoạt dộng. Không thực hiện những tư thế có thể gây căng thẳng cho cổ hoặc giữ cổ ở tư thế không thích hợp, chẳng hạn như kẹp điện thoại giữa đầu và vai.
- Hạn chế ưỡn cổ và cúi đầu lâu. Ngoài ra không nên sử dụng đầu - cổ quá mức.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Hạn chế mang vác vật nặng hoặc/ và sử dụng thiết bị rung.
- Giữ gìn sức khỏe.
- Nếu làm việc trước màn hình máy tính hoặc thường xuyên phải tập trung vào một điểm, hãy giữ cho cổ ở tư thế đúng. Đồng thời dành thời gian để cổ nghỉ ngơi, tránh căng cổ quá mức, thư giãn thường xuyên với các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng.
- Sử dụng ghế ngồi và bàn làm việc có chiều cao thích hợp để giữ cho lưng và cổ luôn ở tư thế đúng.
- Loại bỏ thói quen hút thuốc lá.
- Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy tiến hành thăm khám và điều trị. Tránh trì hoãn điều trị chấn thương hoặc thoát vị đĩa đệm vì có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng.
- Thường xuyên thực hiện những động tác xoa bóp vùng cổ, vai và cánh tay. Biện pháp này giúp thư giãn, tăng lưu thông máu, giảm đau nhức và mệt mỏi hiệu quả.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Những triệu chứng xảy ra do đâu?
2. Tôi có khả năng chữa khỏi hoàn toàn không?
3. Phương pháp điều trị nào có lợi và được chỉ định phổ biến nhất?
4. Rủi ro và lợi ích từ các phương pháp điều trị là gì?
5. Tôi có một tình trạng khác, cần làm gì để kiểm soát đồng thời?
6. Có những lưu ý và hạn chế nào cần tuân thủ hay không?
7. Mất bao lâu để điều trị khỏi hội chứng cổ - vai - cánh tay?
Hội chứng cổ - vai - cánh tay là một tình trạng nghiêm trọng, gây ra một nhóm các triệu chứng liên quan đến chèn ép và viêm rễ dây thần kinh ở cổ. Tình trạng này cần được điều trị sớm để tránh gây tê liệt và nhiều biến chứng nghiêm trọng khác.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!