U Xương Dạng Xương

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi Lương Y Đỗ Minh Tuấn | Lĩnh vực khám chữa: Xương khớp Nơi công tác Phòng Chẩn Trị YHCT Đỗ Minh Đường – Hà Nội

U xương dạng xương (Osteoid osteoma) là một khối u lành tính thường phát triển nhất ở xương dài. Khối u gây đau nhức âm ỉ, tồi tệ hơn vào ban đêm. Thông thường người bệnh được dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị.

Tổng quan

U xương dạng xương là thuật ngữ chỉ khối u lành tính (không phải ung thư). Khối u này phát triển từ nguyên bào xương cùng với một số thành phần của nó.

U xương dạng xương
U xương dạng xương là khối u lành tính thường phát triển ở các xương dài của cơ thể

Những khối u xương dạng xương có kích thước nhỏ, dưới 1,5 cm, thường phát triển ở các xương dài của cơ thể, chẳng hạn như xương đùi và xương ống chân (xương chày). Tuy nhiên u xương dạng xương cũng được tìm thấy ở cột sống, bàn tay và các ngón tay ở một số trường hợp.

U xương dạng xương gây đau và khó chịu, đặc biệt là vào ban đêm. Ngoài ra khối u cũng thường gây ra những phản ứng hình thành xung quanh chúng, tạo ra vật liệu xương bất thường được gọi là xương dạng xương.

Cùng với những tế bào khối u, xương dạng xương tạo thành ổ của khối u, có thể được nhìn thấy rõ ràng trên tia X. Mặc dù vậy u xương dạng xương không phải là khối ác tính nên không lan ra khắp cơ thể.

Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

U xương dạng xương chiếm khoảng 10% trong tất cả các loại khối u xương lành tính, 2 - 3% của tất cả những khối u xương bất thường. Không rõ nguyên nhân gây u xương dạng xương. Tuy nhiên sự hình thành của khối u có thể liên quan đến một số vấn đề dưới đây:

  • Tổn thương hoặc chấn thương ở khu vực xuất hiện khối u
  • Có sự phát triển bất thường của những tế bào trong cơ thể
  • Viêm trong xương.

U xương dạng xương có thể ảnh hưởng đến bất kỳ độ tuổi và giới tính nào nhưng thường gặp hơn ở những người có độ tuổi từ 5 - 25 tuổi và nam giới. Tỉ lệ mắc bệnh giữa nam và nữ là 3:1.

Triệu chứng và chẩn đoán

Những triệu chứng của u xương dạng xương gồm:

  • Đau nhức, âm ỉ (triệu chứng chính)
    • Cơn đau thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm
    • Các hoạt động không ảnh hưởng đến cơn đau
    • Cơn đau thường thuyên giảm khi sử dụng thuốc chống viêm, chẳng hạn như aspirin
  • Biến dạng xương
  • Đau khớp
  • Cứng khớp
  • Rối loạn dáng đi, chẳng hạn như đi khập khiễng
  • Một chân dài hơn chân còn lại khi có khối u ở đùi hoặc ống chân
  • Vẹo cột sống kèm theo đau đớn và co cứng cơ hoặc đau thần kinh tọa nếu khối u hình thành ở cột sống
  • Sưng tấy
  • Biến dạng cúi đầu

Nếu khối u gần khớp, người bệnh sẽ có những triệu chứng sau:

  • Viêm xương khớp
  • Tràn dịch khớp
  • Cứng và thắt chặt (co rút khớp)

Đau nhức âm ỉ, thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm
Đau nhức âm ỉ, thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm là triệu chứng chính của u xương dạng xương

Trong lần đầu thăm khám, người bệnh sẽ được hỏi về những triệu chứng, thời gian khởi phát, vị trí và mức độ đau; điều gì giúp giảm đau; có tiền sử chấn thương ở vùng bị ảnh hưởng hay không, các triệu chứng đi kèm.

Ngoài ra bác sĩ cũng có thể quan sát kiểm tra biến dạng xương và chấn thương, so chiều dài của chân ảnh hưởng và chân lành. Nếu có nghi ngờ khối u xương, người bệnh được thực hiện thêm các xét nghiệm bổ sung, bao gồm:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang vùng đau có thể phát hiện điểm bất thường. Trong đó xương dày lên bao quanh lõi nhỏ ở trung tâm với mật độ xương thấp, được gọi là ổ của khối u. Thông qua hình ảnh X-quang, bác sĩ cũng có thể phân biệt khối u xương với những tình trạng ít nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như gãy xương.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT cung cấp hình ảnh cắt ngang của xương và khối u. Điều này giúp đánh giá tổn thương, hiển thị trung tâm của khối u hoặc nidus. Từ đó xác định u xương dạng xương.
  • Quét xương: Trong quá trình này, bệnh nhân được tiêm chất phóng xạ (chất đánh dấu phóng xạ) vào tĩnh mạch. Sau đó tiến hành quét xương phát hiện và chụp ảnh chất đánh dấu phóng xạ trong xương, chụp ảnh máu tích tụ trong xương và mô mềm, chụp sau tiêm chất phóng xạ 2 - 3 giờ. Kỹ thuật này có thể giúp tìm ra vị trí chính xác của khối u.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Kỹ thuật này được thực hiện nhằm loại trừ ung thư di căn.
  • Sinh thiết: Khi sinh thiết, một mẫu khối u được lấy ra và kiểm tra trong phòng thí nghiệm. Trong quá trình xem xét các mô, bác sĩ có thể cho thấy những dấu hiệu liên quan đến u xương dạng xương. Đồng thời loại trừ những tình trạng khác.
  • Xét nghiệm máu: Đôi khi xét nghiệm máu được thực hiện nhằm loại trừ những dấu hiệu nhiễm trùng và ung thư.

Biến chứng và tiên lượng

Tiên lượng của u xương dạng xương rất tốt. Những khối u này là khối u lành tính, có kích thước nhỏ, không phải ung thư và không có khả năng lây lan khắp cơ thể. Mặc dù vậy nó có thể gây đau và làm thay đổi đường cong của cột sống.

U xương dạng xương có thể biến mất hoàn toàn theo thời gian, thường trong vòng vài năm. Các triệu chứng được điều trị bằng NSAID. Nếu cần phải phẫu thuật, u xương được loại bỏ nhanh bằng phương pháp nạo hoặc cắt bỏ tần số vô tuyến dưới sự hướng dẫn của CT (có tỉ lệ thành công 90%).

Điều trị

Hầu hết các u xương dạng xương biến mất trong vòng vài năm và các triệu chứng được kiểm soát bằng NSAID. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân không thể chịu đựng được việc sử dụng thuốc kéo dài. Những trường hợp này sẽ được chỉ định phẫu thuật.

1. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn thường bao gồm việc dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Aspirin, Ibuprofen, Naproxen hoặc những loại NSAID kê đơn.

Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và viêm, tăng tốc độ co rút của u xương dạng xương. Thông thường những triệu chứng sẽ chấm dứt trong vòng 33 tháng dùng thuốc.

Điều trị bảo tồn bằng NSAID
Điều trị bảo tồn bằng NSAID giúp giảm đau và tăng tốc độ co rút của u xương dạng xương

2. Điều trị phẫu thuật

Phẫu thuật có thể loại bỏ nhanh u xương dạng xương, cắt giảm thời gian sử dụng thuốc. Phương pháp này có tỉ lệ thành công cao trên 90%.

Những kỹ thuật thường được chỉ định:

  • Cắt bỏ tần số vô tuyến dưới sự hướng dẫn của CT

Cắt bỏ tần số vô tuyến là phương pháp xâm lấn tối thiểu, giúp cắt bỏ khối u bằng cách đốt nóng nó. Phương pháp này được thực hiện dưới hướng dẫn của CT, có tỉ lệ thành công là 90%.

Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT để tìm khu vực của khối u. Sau đó chèn một đầu dò tần số vô tuyến vào khối u. Cuối cùng sử dụng dòng điện cao đốt nóng khối u để phá hủy nó.

Thông thường chỉ cần một lần cắt bỏ tần số vô tuyến có thể loại bỏ hoàn toàn khối u. Mặc dù hiếm gặp nhưng kỹ thuật này cũng có thể gây ra một số biến chứng dưới đây:

    • Bỏng da
    • Viêm tắc tĩnh mạch bề mặt
    • Bệnh thần kinh
    • Hội chứng đau vùng phức hợp (CRPS)
    • Viêm mô tế bào.

Nếu loại bỏ khối u bằng phương pháp cắt bỏ tần số vô tuyến, người bệnh có thể được về nhà trong ngày hoặc sau 1 - 2 ngày nằm viện theo dõi. Hầu hết các trường hợp có triệu chứng biến mất trong vòng 24 giờ và có thể hoạt động bình thường sau thủ thuật vài ngày.

  • Nạo

Nạo là một phương pháp giúp cạo hoặc lấy toàn bộ khối u xương dạng xương, đặc biệt là nidus hoặc lõi trung tâm. Trong quá trình này, bác sĩ sẽ thực hiện một cách thận trọng để đảm bảo rằng toàn bộ khối u đều được loại bỏ. Nếu không loại bỏ hoàn toàn, chúng có thể quay trở lại.

Trong quy trình nạo, bác sĩ rạch một đường trên da và mô mềm ngay tại vị trí của khối u. Sau đó sử dụng những thiết bị chuyên dụng để tiếp cận xương, cạo hoặc lấy toàn bộ khối u.

Cạo hoặc lấy toàn bộ khối u xương dạng xương
Cạo hoặc lấy toàn bộ khối u xương dạng xương có tỉ lệ thành công cao

Hầu hết các trường hợp nạo bỏ khối u đều rất thành công. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể gây ra một số biến chứng dưới đây:

    • Tổn thương các mô xung quanh
    • Nhiễm trùng
    • Chảy máu
    • Rủi ro gây mê toàn thân
    • Xương yếu
    • Hạn chế tập thể dục

Những trường hợp được nạo bỏ khối u có thể cần phải ở lại bệnh viện theo dõi trong vài ngày. Sau đó người bệnh sẽ được hướng dẫn chăm sóc vết thương, tập vật lý trị liệu trong vài tuần để phục hồi chức năng.

Những phương pháp điều trị ít phổ biến hơn:

  • Cắt bỏ mũi khoan dưới sự hướng dẫn của CT

So với nạo và cắt bỏ tần số vô tuyến, phương pháp cắt bỏ bằng mũi khoan thường ít thực hiện hơn. Trong quy trình này, bác sĩ sẽ tiến hành chụp CT để tìm khu vực của khối u. Sau đó sử dụng mũi khoan để loại bỏ khối u.

  • Siêu âm tập trung cường độ cao (HIFU)

Siêu âm tập trung cường độ cao là một kỹ thuật điều trị không xâm lấn. Trong đó sóng siêu âm không ion hóa được sử dụng để làm nóng hoặc cắt bỏ mô. Khi thực hiện, HIFU nhanh chóng phá hủy mô (chẳng hạn như khối u), tăng lưu lượng máu hoặc bạch huyết.

Phòng ngừa

Không có cách ngăn ngừa sự hình thành hoặc giảm nguy cơ của u xương dạng xương. Tuy nhiên bạn có thể sớm nhận thấy những dấu hiệu bất thường, theo dõi và điều trị kịp thời. Hầu hết các phương pháp đều có tỉ lệ thành công cao.

Sớm phát hiện bất thường, theo dõi và điều trị
Sớm phát hiện bất thường, theo dõi và điều trị có thể giúp khắc phục nhanh u xương dạng xương

Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ

1. Khối u xương của tôi là lành tính hay ác tính?

2. Khối u có khả năng lây lan (di căn) hay không?

3. Phương pháp điều trị nào phù hợp và có tỉ lệ thành công cao?

4. Mất bao lâu để phục hồi chức năng sau điều trị?

5. Tôi có thể gặp những tác dụng phụ nào khi dùng thuốc kéo dài?

6. Những lợi ích và rủi ro nào có thể gặp khi phẫu thuật?

7. Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa u xương dạng xương tái phát hay không?

U xương dạng xương là một khối u lành tính và có tiên lượng rất tốt. Khối u có thể tự biến mất sau nhiều năm hoặc được loại bỏ bằng phẫu thuật với có tỉ lệ thành công cao. Tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp tốt và an toàn nhất.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *