Viêm Khớp Phản ứng
Viêm khớp phản ứng xảy ra khi có nhiễm trùng ở một bộ phận khác gây sưng và đau khớp. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến đầu gối, bàn chân và mất cá chân. Bệnh cũng có thể gây ra các triệu chứng ngoài khớp như da và mắt.
Tổng quan
Viêm khớp phản ứng trước đây được gọi là hội chứng Reiter. Đây là một dạng viêm khớp phát triển do nhiễm trùng vi khuẩn hoặc virus ở một bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như đường tiết niệu, bộ phận sinh dục và ruột. Quá trình này được gọi là phản ứng chéo.
Những người bị viêm khớp phản ứng sẽ có các khớp sưng tấy và đau đớn. Một số trường hợp có da, mắt và niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi cơ thể) cũng bị ảnh hưởng.
Những triệu chứng thường xuất hiện sau khi tác nhân gây nhiễm trùng đã được chữa khỏi hoặc thuyên giảm trong bệnh viêm nhiễm mãn tính. Điều này khiến quá trình xác định nguyên nhân gây viêm khớp gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Viêm khớp phản ứng không phổ biến. Bệnh phát triển để phản ứng với một tình trạng nhiễm trùng trong cơ thể. Đôi khi phản ứng gây ra các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khiến người bệnh không thể nhận ra.
Theo các chuyên gia, viêm khớp phản ứng là một rối loạn tự miễn dịch. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể bắt đầu tấn công vi khuẩn hoặc virus xâm nhập và nhầm vào các mô khỏe mạnh. Từ đó gây ra những tổn thương cho khớp.
Bệnh thường xảy ra sau khi một bộ phận trong cơ thể bị nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như đường tiết niệu, bộ phận sinh dục và ruột. Một số loại vi khuẩn lây truyền qua thực phẩm, một số khác lây truyền qua đường tình dục. Những loại phổ biến nhất gồm:
- Chlamydia trachomatis
- Vi khuẩn Salmonella
- Campylobacter
- Shigella
- Yersinia
- Clostridioides difficile
- Escherichia coli
Một cơn đau dạ dày do nhiễm trùng đường ruột hoặc ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trước bệnh. Trong đó Shigella là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm khớp phản ứng sau tiêu chảy. Chlamydia trachomatis là nguyên nhân gây bệnh phổ biến nhất sau viêm niệu đạo. Ureaplasma và mycoplasma ít gặp nhất.
Về cơ bản, viêm khớp phản ứng không lây nhiễm. Tuy nhiên những loại vi khuẩn gây bệnh có thể lây truyền thông qua các loại thực phẩm bị ô nhiễm và đường tình dục. Mặc dù vậy chỉ một số trường hợp bị viêm khớp phản ứng khi tiếp xúc với những loại vi khuẩn này.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Tuổi tác: Bệnh phổ biến hơn ở những người có độ tuổi từ 20 - 40 tuổi.
- Giới tính: Khi phản ứng với vi khuẩn lây truyền qua đường tình dục, nam giới có nhiều khả năng hơn so với phụ nữ. Khi phản ứng với vi khuẩn bắt nguồn từ thực phẩm, tỉ lệ mắc bệnh như nhau ở nam giới và phụ nữ.
- Di truyền: Viêm khớp phản ứng được cho liên quan đến gen HLA-B27 trên nhiễm sắc thể 6 và có tính di truyền. Tuy nhiên bệnh ít khi phát triển ở những người thừa hưởng gen này.
Triệu chứng và chẩn đoán
Đối với viêm khớp phản ứng, những triệu chứng thường bắt đầu từ 1 - 4 tuần sau khi tiếp xúc với tác nhân nhiễm trùng. Hầu hết mọi người có triệu chứng và dấu hiệu đến rồi đi, sau cùng sẽ biến mất trong vòng 12 tháng.
Những triệu chứng và dấu hiệu thường gặp gồm:
+ Triệu chứng điển hình
- Viêm kết mạc
- Viêm niệu đạo không do lậu cầu
- Viêm thiểu khớp không đối xứng
+ Triệu chứng ở khớp
- Viêm đơn khớp hoặc nhiều khớp
- Viêm khớp không đối xứng, thường ảnh hưởng đến những khớp lớn như đầu gối, mắt cá chân và bàn chân. Ngoài ra cột sống cùng chậu, gót chân, các khớp liên đốt ngón tay cũng bị ảnh hưởng nhưng ít hơn.
- Đau và cứng khớp
- Sưng đỏ và ấm ở vùng ảnh hưởng
- Sưng ngón tay hoặc ngón chân trông giống như xúc xích
- Viêm điểm bám gân ở gót chân, viêm cân gan chân hoặc viêm gân Achilles cùng với viêm quy đầu toàn hoàn (gồm những tổn thương ở dương vật)
- Đau lưng dưới, thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm/
+ Triệu chứng ở da
- Vết loét trên da hoặc trong miệng, thường không đau
- Phát ban ở lòng bàn tay và lòng bàn chân
- Da bị sừng hóa (keratoderma blennorrhagicum) ở lòng bàn chân, ít khi ảnh hưởng đến lòng bàn tay và những nơi khác
+ Triệu chứng ở mắt
- Viêm mắt (viêm kết mạc hai bên nhẹ)
- Viêm màng bồ đào
+ Triệu chứng tiết niệu
- Tăng tần suất đi tiểu
- Khó chịu khi đi tiểu
- Viêm tuyến tiền liệt ở nam giới
- Viêm âm hộ, viêm vòi trứng hoặc/ và cổ tử cung
+ Triệu chứng ở đường tiêu hóa
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Chướng bụng
- Rối loạn tiêu hóa kèm theo sụt cân và sốt
+ Triệu chứng về tim
Những dấu hiệu về tim xảy ra khoảng 10% trường hợp mắc bệnh kéo dài.
- Trào ngược động mạch chủ
- Viêm màng ngoài tim
Bác sĩ kiểm tra bệnh sử, xem xét kỹ lưỡng các biểu hiện lâm sàng tại khớp, mắt, da và nhiều bộ phận khác. Bác sĩ có thể sờ hoặc ấn nhẹ để xem khớp có bị đau và sưng hay không. Đồng thời kiểm tra phạm vi ở những khớp ảnh hưởng và cột sống.
Sau quá trình này, các xét nghiệm sẽ được thực hiện để xác nhận chẩn đoán. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Bệnh nhân được xét nghiệm máu để tìm những dấu hiệu nhiễm trùng, các kháng thể liên quan đến loại viêm khớp và dấu hiệu di truyền HLA-B27 liên quan đến viêm khớp phản ứng.
- Xét nghiệm dịch khớp: Bác sĩ dùng kim rút chất lỏng từ bên trong khớp bị ảnh hưởng. Mẫu bệnh phẩm được kiểm tra trong phòng thí nghiệm để tìm dấu hiệu nhiễm trùng, số lượng tế bào máu trắng và tinh thể (dấu hiệu của bệnh gút). Nếu bị viêm khớp hoặc nhiễm trùng, xét nghiệm có thể cho thấy số lượng tế bào máu trắng tăng lên và loại vi khuẩn liên quan.
- Xét nghiệm nước tiểu: Xét nghiệm nước tiểu có thể được thực hiện để xem liệu viêm khớp phản ứng có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc một loại khác hay không.
- Chụp X-quang: Bệnh nhân được chụp X-quang các khớp bị ảnh hưởng. Kỹ thuật cung cấp hình ảnh của xương trong khớp, giúp loại trừ một số loại viêm khớp khác, chẳng hạn như viêm xương khớp.
Các tiêu chuẩn chẩn đoán, độ nhạy và độ đặc hiệu (theo Đại học Thấp khớp Hoa Kỳ)
Phương pháp chẩn đoán | Độ nhạy | Tính đặc hiệu |
Đợt viêm khớp kéo dài hơn 1 tháng, có dấu hiệu viêm cổ tử cung hoặc/ và viêm niệu đạo | 84,3% | 98,2% |
Đợt viêm khớp kéo dài hơn 1 tháng, có thể có dấu hiệu của viêm kết mạc hai bên, viêm cổ tử cung hoặc viêm niệu đạo | 85,5% | 96,4% |
Giai đoạn viêm khớp, viêm niệu đạo, viêm kết mạc | 50,6% | 98,8% |
Đợt viêm khớp kéo dài hơn 1 tháng, viêm niệu đạo, viêm kết mạc | 48,2% | 98,8% |
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh viêm khớp phản ứng và những triệu chứng có thể tự giới hạn, tái phát thường xuyên, tiến triển hoặc mãn tính. Hầu hết mọi người đều có triệu chứng nghiêm trọng, kéo dài vài tuần đến 6 tháng.
Có khoảng 15 - 50% trường hợp có viêm khớp tái phát nhiều đợt. Khoảng 15 - 30% trường hợp có viêm khớp cùng chậu hoặc phát triển thành một bệnh viêm khớp mãn tính.
Nếu không điều trị và các cuộc tấn công lặp đi lặp lại, người bệnh có thể gặp những biến chứng sau:
- Viêm khớp mãn tính và tàn phế
- Viêm cột sống dính khớp
- Bệnh thận do globulin miễn dịch A
- Bệnh tim
- Lắng đọng amyloid
- Viêm động mạch chủ hoặc bất thường dẫn truyền tim
- Trào ngược động mạch chủ.
Hầu hết bệnh nhân có thể phục hồi hoàn toàn khi được điều trị. Thông thường những triệu chứng của viêm khớp phản ứng sẽ biến mất và người bệnh tiếp tục những thói quen hàng ngày trong vòng 3 - 6 tháng sau khi bắt đầu điều trị.
Điều trị
Điều trị viêm khớp phản ứng thường gồm các thuốc và vật lý trị liệu. Ngoài ra những biện pháp chăm sóc tại nhà cũng được hướng dẫn để tăng hiệu quả.
1. Thuốc
Bệnh viêm khớp phản ứng được điều trị bằng những loại thuốc sau:
- Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh được dùng nếu có bằng chứng nhiễm trùng dai dẳng dẫn đến viêm khớp phản ứng. Thuốc này có tác dụng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn. Kháng sinh sẽ được chỉ định dựa trên loại vi khuẩn hiện diện.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID theo toa như Indomethacin (Indocin) được sử dụng để điều trị viêm và giảm đau. Phần lớn bệnh nhân có đáp ứng tốt với loại thuốc này.
- Thuốc trị viêm khớp dạng thấp: Methotrexate (Trexall), Sulfasalazine (Azulfidine) hoặc Etanercept (Enbrel) có khả năng giảm cứng khớp và đau khớp ở những bệnh nhân bị viêm khớp phản ứng.
- Steroid: Tiêm steroid (Corticosteroid) vào khớp bị ảnh hưởng nếu những loại thuốc khác không giúp ích. Thuốc này có tác dụng giảm viêm và đau, cho phép các khớp ảnh hưởng trở lại mức độ hoạt động bình thường. Ngoài ra kem steroid có thể được dùng để điều trị phát ban da và thuốc nhỏ mắt steroid được dùng để điều trị những triệu chứng của mắt. Để tránh gây ra những tác dụng phụ không mong muốn, nhóm thuốc này chỉ được sử dụng ngắn hạn với liều dùng thích hợp.
2. Vật lý trị liệu
Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn những bài tập thích hợp cho viêm khớp phản ứng. Những bài tập này giúp cải thiện chức năng và phạm vi chuyển động cho khớp, tăng sự linh hoạt, giảm đau và cứng khớp.
Trong giai đoạn sau, người bệnh được thực hiện các bài tập tăng cường cơ bắp xung quanh khớp ảnh hưởng. Việc luyện tập đều đặn sẽ giúp làm mạnh các cơ, hỗ trợ khớp và phục hồi sức mạnh.
3. Chăm sóc tại nhà
Trong quá trình hồi phục, các bước chăm sóc tại nhà có thể giúp đẩy nhanh tốc độ phục hồi, cụ thể:
- Nghỉ ngơi nhiều. Tránh những hoạt động hoặc môn thể thao có thể gây căng thẳng cho các khớp.
- Chườm ấm 20 phút để giảm đau và cứng khớp.
- Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, giàu vitamin C để tăng khả năng chống nhiễm trùng.
- Duy trì hoạt động. Thường xuyên tập thể dục để giữ cho các khớp linh hoạt, làm mạnh các cơ hỗ trợ khớp.
Phòng ngừa
Giảm tiếp xúc với vi khuẩn là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm khớp phản ứng, cụ thể:
- Lựa chọn những loại thực phẩm chất lượng và tươi sống để chế biến thức ăn
- Lưu trữ thực phẩm ở nhiệt độ thích hợp.
- Không ăn thực phẩm ôi thiu hoặc chưa được nấu chín.
- Vệ sinh thực phẩm sạch sẽ và nấu đúng cách.
- Ăn chín, uống sôi.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục.
- Nếu có nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, cần điều trị tích cực trước khi trở lại hoạt động tình dục để tránh lây nhiễm cho bạn tình.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Điều gì gây ra những triệu chứng của tôi?
2. Phương pháp điều trị nào được đề nghị?
3. Khi nào tôi sẽ cảm thấy tốt hơn?
4. Tôi có thể làm gì để phục hồi nhanh và ngăn tái phát?
5. Bệnh viêm khớp phản ứng của tôi có quay trở lại hay không?
6. Tôi có nguy cơ bị biến chứng lâu dài do tình trạng này không?
7. Những điều nên làm và cần tránh khi điều trị là gì?
Bệnh viêm khớp phản ứng có thể được kiểm soát tốt, giảm triệu chứng và biến chứng khi được điều trị sớm. Ngay sau khi có những biểu hiện bất thường, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để được khám và chữa bệnh bằng những phương pháp tốt nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!