Viêm Xương Sụn Bóc Tách
Viêm xương sụn bóc tách xảy ra khi thiếu lưu lượng máu khiến xương dưới sụn chết đi. Vùng ảnh hưởng có thể bị gãy, tách khỏi vùng xung quanh nó dẫn đến đau đớn, giảm chuyển động của khớp.
Tổng quan
Viêm xương sụn bóc tách (OCD) là một rối loạn khiến sụn khớp và xương dương sụn có những vết nứt. Do thiếu nguồn cung cấp máu, sụn và một đoạn xương nhỏ dưới sụn bị chết đi và bắt đầu tách khỏi khu vực xung quanh nó. Theo thời gian, đoạn xương nhỏ và sụn bao phủ nó nhanh chóng nứt và lỏng ra.
Trong giai đoạn sau của bệnh, khớp sưng tấy, đau đớn tăng dần và bị kẹt khi di chuyển. Viêm xương sụn bóc tách thường gặp ở trẻ em. Bệnh có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, thường bao gồm đầu gối, khuỷu tay và mắt cá chân.
Viêm xương sụn bóc tách ở trẻ (đặc biệt là trong giai đoạn phát triển) có thể tự lành lại. Ở trẻ em lớn và thanh niên, bệnh thường không thể tự khỏi, tổn thương OCD trôi nổi bên trong khớp và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
+ Sinh lý bệnh
Bệnh viêm xương sụn bóc tách xảy ra khi có sự gián đoạn cung cấp máu đến phần cuối của xương. Điều này khiến một mảnh xương hoặc/ và sụn bao bọc nó lỏng lẻo hoặc có vết nứt, tách một phần hoặc toàn bộ ra khỏi những phần khác của xương.
Mảnh rời có thể trượt xung quanh không gian khớp hoặc giữ nguyên vị trí. Điều này khiến khớp ảnh hưởng không ổn định hoặc bị cứng. Mặc dù có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào nhưng OCD thường xảy ra ở đầu gối, khuỷu tay và mắt cá chân.
Ở trẻ em có xương chưa trưởng thành, đầu xương được cung cấp đủ máu hỗ trợ cho quá trình tạo xương và tạo sụn. Khi có sự gián đoạn cung cấp máu, hoại tử xảy ra khiến tế bào xương và tế bào sụn ngừng phát triển. Sau cùng gây rối loạn cốt hóa sụn và hoại tử vô mạch dưới sụn.
+ Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Không rõ nguyên nhân gây ra sự gián đoạn cung cấp máu cho sụn và xương dưới sụn. Tuy nhiên một số bằng chứng cho thấy, OCD liên quan đến một số yếu tố dưới đây:
- Chấn thương thể chất
Chấn thương hoặc căng thẳng thể chất lặp đi lặp lại ở khớp theo thời gian làm tăng nguy cơ viêm xương sụn bóc tách. Điều này thường liên quan đến việc tăng cường tham gia thể thao, chơi những môn thể thao có tác động mạnh và gây chấn thương sau đó.
Những chấn thương vi mô lặp đi lặp lại có thể dẫn đến gãy xương vi mô, một số trường hợp bị gián đoạn nguồn cung cấp máu cho xương dưới sụn. Điều này làm mất nguồn cung cấp máu cục bộ hoặc làm thay đổi quá trình phát triển của xương.
OCD do chấn thương thường xảy ra ở trẻ vị thành niên và người lớn. Tuy nhiên trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải tình trạng này.
- Đột biến gen aggrecan
Các đột biến di truyền (thay đổi) đối với gen ACAN gây viêm xương sụn gia đình. Gen này được gọi là aggrecan, cung cấp protein tạo sụn.
Khi bị đột biến aggrecan, protein không được tạo ra đầy đủ và không thể hình thành sụn như bình thường. Điều này khiến sụn suy yếu và mất tổ chức. Một số người sở hữu đột biến gen ACAN có hiện tượng tách xương.
Những yếu tố nguy cơ khác:
- Thiếu máu cục bộ
- Yếu tố nội tiết
- Hoại tử vô mạch (hoại tử xương)
- Mất cân bằng tỷ lệ canxi và phốt pho hoặc bị thiếu hụt các khoáng chất này
- Tăng trưởng nhanh
- Những vấn đề về hình thành xương
- Trẻ em và thanh thiếu niên có độ tuổi từ 10 - 20 tuổi, đặc biệt là những người năng động trong thể thao.
Triệu chứng và chẩn đoán
Những dấu hiệu và triệu chứng thường gặp của viêm xương sụn bóc tách gồm:
- Đau đớn. Cơn đau thường được kích hoạt khi chơi thể thao, leo đồi hoặc đi lên cầu thang
- Sưng và mềm vùng xung quanh khớp
- Khớp dính hoặc bị khóa ở một vị trí
- Có tiếng click khi cử động khớp
- Cứng khớp vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi
- Cảm giác khớp yếu đi
- Giảm phạm vi chuyển động
- Không thể mở rộng hoàn toàn cánh tay hoặc chân. Triệu chứng này phổ biến hơn ở những người có xương và sụn bong ra trôi vào khoang khớp.
Bác sĩ đặt một số câu hỏi về chấn thương và triệu chứng. Sau đó kiểm tra kỹ lưỡng khớp ảnh hưởng. Quan sát và ấn nhẹ có thể thấy khớp sưng và mềm, di chuyển khớp ảnh hưởng phát hiện khớp cứng, dính hoặc khóa, giảm phạm vi chuyển động và đau đớn.
Sau kiểm tra thể chất, bác sĩ có thể yêu cầu một số xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán:
- Chụp X-quang: Kỹ thuật này có thể cho thấy mảnh xương tách khỏi xương chính trong khớp. Từ đó xác định kích thước và vị trí tổn thương.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI tạo ra hình ảnh rõ ràng về sụn bị ảnh hưởng. Điều này giúp phân biệt OCD với những tổn thương khác. Đồng thời cho biết liệu sụn và xương tách ra có di chuyển vào trong khớp hay không. Chụp cộng hưởng từ thường được thực hiện với siêu âm để tăng hiệu quả chẩn đoán.
- Siêu âm: Tương tự như MRI, siêu âm cung cấp hình ảnh của sụn và các mô mềm khác, giúp phát hiện phần sụn bong ra và di chuyển vào không gian khớp.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Hình ảnh CT cho phép bác sĩ nhìn thấy đoạn xương ảnh hưởng với độ chi tiết cao. Từ đó xác định vị trí, kích thước và các đặc điểm khác của mảnh xương lỏng lẻo. Ngoài ra CT cũng hiển thị chi tiết các mô trong khớp gồm mạch máu và mô mềm.
Biến chứng và tiên lượng
Bệnh nhân càng trẻ càng có cơ hội phục hồi và trở lại hoạt động trước chấn thương. Tuy nhiên cần tránh những chuyển động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như chạy đường dài và ném bóng.
Người lớn ít có khả năng phục hồi hoàn toàn và cần phải phẫu thuật. Khi không điều trị, bệnh viêm xương sụn bóc tách sẽ làm tăng nguy cơ viêm xương khớp ở khớp ảnh hưởng.
Điều trị
Tổn thương do viêm xương sụn bóc tách ở trẻ em và thanh thiếu niên thường tự lành mà không cần điều trị y tế. Đặc biệt là khi cơ thể vẫn đang phát triển. Những trường hợp này sẽ được hướng dẫn nghỉ ngơi, tránh thực hiện những hoạt động mạnh. Đối với người lớn, phẫu thuật hoặc phương pháp điều trị khác có thể cần thiết.
1. Điều trị không phẫu thuật
Trẻ thường bắt đầu cảm thấy tốt hơn sau 2 - 4 tháng nghỉ ngơi khớp và điều trị không phẫu thuật. Khi những triệu chứng được cải thiện, người bệnh có thể trở lại mọi hoạt động.
- Nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh
Khi bị viêm xương sụn bóc tách, cần nghỉ ngơi khớp, tránh những môn thể thao cường độ cao hoặc các hoạt động mạnh trong khoảng thời gian hợp lý. Điều này giúp giảm sưng và đau, cho phép tổn thương lành lại.
- Sử dụng nạng
Trong giai đoạn nghỉ ngơi khớp, người bệnh sẽ được hướng dẫn đi lại bằng nạng, đặc biệt là khi cơn đau khiến người bệnh đi khập khiễng. Điều này giúp chuyển bớt trọng lượng ra khỏi khớp ảnh hưởng. Đồng thời tạo sự độc lập cho người bệnh.
- Nẹp hoặc bó bột
Nếu các triệu chứng không giảm sau một thời gian nghỉ ngơi, chi ảnh hưởng có thể được nẹp hoặc bó bột trong thời gian ngắn (khoảng vài tuần). Điều này giúp khớp ổn định và ngăn tổn thương thêm.
- Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu cho viêm xương sụn bóc tách sẽ gồm những bài tập kéo giãn và tăng cương cơ bắp. Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ và cải thiện phạm vi. Vật lý trị liệu cũng được thực hiện sau khi phẫu thuật để lấy lại toàn bộ chức năng và sức bền cho khớp.
2. Phẫu thuật
Phẫu thuật được đề nghị cho những trường hợp sau:
- Đau và sưng kéo dài, điều trị phẫu thuật không giảm
- Tổn thương tách khỏi xương và sụn xung quanh, di chuyển trong không gian khớp
- Tổn thương rất lớn, có đường kính lớn hơn 1 cm.
Những thủ thuật thường được chỉ định trong điều trị viêm xương sụn bóc tách:
- Khoan vùng ảnh hưởng: Khoan một lỗ vào xương và sụn bị ảnh hưởng. Thủ thuật này tạo đường cho những mạch máu mới cung cấp oxy đến và nuôi dưỡng vùng bị ảnh hưởng. Từ đó giúp xương lành lại.
- Cố định: Đưa các xương và sụn tách ra trở lại vị trí đúng. Sau đó sử dụng ghim và ốc vít để cố định. Điều này giúp cho chúng lành lại với nhau.
- Ghép mô: Sử dụng mảnh ghép xương và sụn mới để thay thế xương và sụn bị bong ra. Điều này giúp tạo ra mô khỏe mạnh ở vùng bị tổn thương, xương và sụn phục hồi nhanh chóng. Mảnh ghép thường được lấy từ bộ phận khác của cơ thể nhưng cũng có thể lấy từ người hiến tặng. Trong một số trường hợp, bác sĩ lấy mẫu xương và sụn khỏe mạnh của người bệnh để phát triển xương và sụn mới trong phòng thí nghiệm. Sau đó sử dụng chúng để cấy ghép.
Sau phẫu thuật, người bệnh được hướng dẫn di chuyển bằng nạng trong 6 tuần. Sau đó bắt đầu vật lý trị liệu từ 2 - 4 tháng. Điều này giúp phục hồi phạm vi chuyển động, tăng cường sức mạnh của khớp và giúp người bệnh trở lại các hoạt động. Hầu hết mọi người có thể tiếp tục hoạt động thể chất và chơi thể thao từ 4 đến 5 tháng sau phẫu thuật.
Phòng ngừa
Một số biện pháp có thể giảm nguy cơ viêm xương sụn bóc tách gồm:
- Thực hiện kỹ thuật thích hợp khi hoạt động thể chất và chơi thể thao.
- Mang giày tập và sử dụng đồ bảo hộ thích hợp.
- Không sử dụng khớp quá mức, không lặp đi lặp lại chuyển động gây căng thẳng cho khớp.
- Giãn cơ và khởi động khoảng 10 - 15 phút trước khi hoạt động thể chất mạnh.
- Giãn cơ và hạ nhiệt sau khi tập thể dục xong.
- Thường xuyên tập thể dục, thực hiện những bài tập giúp tăng cường cơ bắp, tăng sự ổn định và rèn luyện sức mạnh. Điều này giúp giảm nguy cơ chấn thương.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Nguyên nhân nào gây ra những cơn đau củ tôi?
2. Tình trạng của tôi nghiêm trọng như thế nào?
3. Tôi được điều trị bằng phương pháp nào? Lợi ích và những rủi ro nào có thể xảy ra?
4. Tôi sẽ phải dùng thuốc trong bao lâu?
5. Tôi có cần phẫu thuật hay không?
6. Có những hạn chế nào cần phải tuân theo không?
7. Những biện pháp tự chăm sóc nào có thể giúp ích?
8. Tôi nên làm gì để ngăn các triệu chứng tái phát?
Viêm xương sụn bóc tách gây đau khớp và nhiều triệu chứng khó chịu khác. Khi không được điều trị, bệnh có thể tăng nguy cơ viêm xương khớp ở khớp ảnh hưởng. Tốt nhất nên thăm khám sớm để được chữa trị và ngăn biến chứng.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!