Gãy Xương Đòn
Gãy xương đòn xảy ra khi xương đòn nối xương bả vai với xương ức bị gãy hoặc nứt. Tình trạng này thường liên quan đến té ngã và tai nạn. Một số trẻ bị gãy xương đòn khi mới sinh ra.
Tổng quan
Gãy xương đòn (gãy xương quai xanh) là tình trạng nứt hoặc gãy của xương đòn - một trong những xương chính của vai, nối xương bả vai với xương ức (giữa lồng ngực). Chấn thương này khá phổ biến, thường gặp ở người trưởng thành (chiếm 5% trường hợp gãy xương).
Hầu hết các trường hợp gãy xương đòn liên quan đến ngã vào vai hoặc ngã với một cánh tay dạng ra, tạo áp lực cho xương đòn và làm gãy. Xương có thể vỡ thành nhiều mảnh (gãy vụn) hoặc bị nứt nhẹ, những mảnh gãy có thể thẳng hàng hoặc lệch xa vị trí. Điều này khiến cánh tay khó cử động và người bệnh vô cùng đau đớn.
Xương đòn nằm trên một vài dây thân kinh và mạch máu quan trọng. Tuy nhiên chấn thương gãy xương đòn hiếm khi làm tổn thương những cấu trúc này. Tùy thuộc vào tình trạng, các phương pháp điều trị sẽ khác nhau.
Phân loại
Phân loại gãy xương đòn dựa trên vị trí vết gãy, cụ thể:
- Gãy xương đòn xa: Gãy 1/3 bên ngoài của xương đòn nằm ở gần đầu vai. Dạng này xảy ra khi vô tình bị ngã hoặc do một lực tác động trực tiếp (va chạm ô tô hoặc va chạm trong khi chơi thể thao). Chấn thương tạo một lực vừa đủ truyền sang đỉnh vai hoặc một bên vai và khiến xương đòn bị gãy. Gãy xương đòn xa chiếm khoảng 15% trường hợp.
- Gãy xương đòn giữa trục: Gãy giữa của xương đòn. Dạng này chiếm khoảng 80% trường hợp, xảy ra khi ngã với cánh tay dang rộng. Đôi khi gãy giữa xương đòn xảy ra khi có lực đủ lớn và tác động trực tiếp vào giữa xương đòn. Điều này thường gặp ở những người chơi các môn thể thao cần dùng gậy, chẳng hạn như khúc côn cầu.
- Gãy xương đòn trong: Gãy 1/3 bên trong của xương đòn nằm ở gần xương ức, thường có liên quan đến chấn thương khớp ức đòn. Dạng này rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 5% trường hợp. Gãy 1/3 bên trong của xương đòn xảy ra khi có một cú đánh trực tiếp vào trước ngực, thường liên quan đến tai nạn xe ô tô khiến lồng ngực va chạm với tay lái.
Phân loại dựa trên kiểu gãy:
- Nứt xương: Xương đòn bị nứt một chỗ.
- Gãy vụn: Xương đòn bị gãy thành nhiều mảnh.
Phân loại dựa trên mức độ di lệch:
- Gãy không di lệch: Những mảnh vỡ vẫn xếp thành hàng.
- Gãy di lệch: Mảnh vỡ của xương di lệch khỏi vị trí của nó.
Phân loại theo Craig (cải biên từ phân loại của Allman và Neer):
- Gãy giữa của xương đòn (chiếm 80% trường hợp)
- Gãy 1/3 bên ngoài của xương đòn (chiếm 80% trường hợp)
- Loại I: Gãy không di lệch hoặc tối thiểu, gãy giữa dây chằng quạ đòn và dây chằng cùng đòn
- Loại II: Gãy trong dây chằng quạ đòn dẫn đến di lệch thứ phát
- Loại IIA: Không có tổn thương dây chằng thang và dây chằng nón
- Loại IIB: Rách dây chằng nón và dây chằng thang.
- Loại III: Gãy diện khớp
- Loại IV: Gãy xương đòn ở trẻ em, di lệch đầu xa, dây chằng vẫn còn bám nguyên màng xương.
- Gãy 1/3 bên trong của xương đòn
- Loại I: Di lệch tối thiểu
- Loại II: Gãy xương di lệch nhiều kèm theo rách dây chằng
- Loại III: Gãy nội khớp
- Loại IV: Có dấu hiệu bong rời đầu xương ở trẻ em
- Loại V: Gãy vụn.
Phân loại theo Robinson:
- Loại I: Gãy đầu trong xương đòn
- Loại IA: Gãy không di lệch, gãy ngoài khớp hoặc gãy phạm khớp
- Loại IB: Gãy di lệch, gãy ngoài khớp hoặc gãy phạm khớp
- Loại II: Gãy thân xương đòn
- Loại IIA: Gãy không di lệch, gãy không gập góc hoặc gãy gập góc
- Loại IIB: Gãy di lệch
- Gãy di lệch đơn giản hoặc mảnh gãy xương thứ 3 hình chêm
- Gãy nhiều tầng hoặc gãy nát
- Loại III: Gãy đầu ngoài xương đòn
- Loại IIIA: Gãy không di lệch, gãy ngoài khớp hoặc gãy phạm khớp
- Loại IIIB: Gãy di lệch, gãy ngoài khớp hoặc gãy phạm khớp.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gãy xương đòn xảy ra khi có một lực đủ lớn khiến xương đòn bị nứt hoặc gãy vụn. Điều này thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Ngã vào vai hoặc ngã vào cánh tay dang rộng
- Va chạm mạnh khi một cánh tay dang ra
- Có một cú đánh trực tiếp vào xương đòn khi chơi thể thao
- Va chạm xe
- Chấn thương khi sinh khiến trẻ sinh ra bị gãy xương đòn. Điều này thường do khó sinh qua đường âm đạo.
Thanh thiếu niên và trẻ em có nhiều nguy cơ gãy xương đòn hơn. Nguy cơ giảm dần sau tuổi 20 và tăng lên ở người lớn tuổi.
Triệu chứng và chẩn đoán
Khi bị gãy xương đòn, người bệnh sẽ có những triệu chứng và dấu hiệu dưới đây:
- Có tiếng nghiến răng hoặc kêu lạo xạo khi xương gãy
- Đau đớn dữ dội, tăng lên khi cử động vai
- Sưng và bầm tím quanh vai
- Khó cử động hoặc nâng cánh tay
- Cảm giác ken két khi cố gắng nâng cánh tay lên
- Có tiếng lạo xạo khi cử động vai
- Cứng khớp hoặc không thể cử động vai
- Biến dạng trên chỗ gãy hoặc của xương đòn
- Vai võng xuống và về phía trước do xương đòn bị gãy không còn nâng đỡ được nữa
- Vết sưng có thể nhìn xuyên qua da
- Xương chọc qua da và chảy máu (hiếm gặp)
- Có cảm giác tê hoặc kim châm (ít gặp)
Bác sĩ xem xét các triệu chứng có thể phát hiện nhanh gãy xương đòn. Trong quá trình thăm khám, người bệnh sẽ được yêu cầu mô tả chấn thương và triệu chứng, sau đó kiểm tra khu vực xung quanh vết thương, ấn nhẹ, cử động vai và cánh tay có thể cho biết xương nào đang bị thương.
Để xác nhận chẩn đoán, bệnh nhân được yêu cầu chụp X-quang vùng vị thương. Kỹ thuật này cho thấy xương đòn bị gãy, vị trí, kiểu gãy và mức độ phá vỡ những cấu trúc khác. Chụp X-quang cũng giúp kiểm tra liệu những mảnh xương có di lệch hoặc có xương nào khác bị gãy hay không.
Nếu có nghi ngờ tổn thương ở khớp hoặc động mạch, bác sĩ có thể chỉ định thêm một số xét nghiệm dưới đây:
- Chụp động mạch: Kỹ thuật này sử dụng thuốc nhuộm và tia X để kiểm tra bên trong động mạch.
- Chụp CT: Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân được chụp CT để cung cấp hình ảnh chi tiết hơn ở vùng bị thương.
- Siêu âm: Đôi khi siêu âm được thực hiện để tạo ra hình ảnh chi tiết về những cấu trúc xung quanh mô bị thương.
Biến chứng và tiên lượng
Hầu hết trường hợp gãy xương đòn đều không quá nghiêm trọng, lành lại mà không gặp khó khăn. Tuy nhiên một số trường hợp có thể gặp vài biến chứng dưới đây:
- Tổn thương mạch máu
- Tổn thương thần kinh
- Dị tật nếu những mảnh gãy di lệch đáng kể và xương lành lại ở vị trí đó
- Xương đòn bị gãy nặng có thể chậm lành hoặc không liền xương. Điều này có thể làm xương ngắn lại và có biến dạng khác
- Có một khối u trong xương. Khối u dễ nhìn thấy vì nằm gần da và có thể tự biến mất theo thời gian
- Viêm xương khớp khi gãy xương ảnh hưởng đến những khớp nối xương đòn với xương ức hoặc xương bã vai.
Gãy xương đòn thường lành lại sau 6 - 8 tuần mà không cần phẫu thuật. Hầu hết mọi người có thể trở lại hoạt động bình thường sau 3 tháng. Tuy nhiên cần từ 6 - 12 tháng để hồi phục hoàn toàn.
Có thể sờ hoặc nhìn thấy một vết sưng sau khi vết gãy đã lành. Vết sưng tự nhỏ đi theo thời gian nhưng không biến mất hoàn toàn. Ngoài ra sức mạnh ở vai và cánh tay có thể giảm đáng kể.
Nếu phẫu thuật, cánh tay cần được hạn chế sử dụng trong 6 - 8 tuần. Sau đó những hoạt động bình thường như tắm, ăn uống và thay quần áo có thể được thực hiện. Cần 6 - 12 tháng để phục hồi hoàn toàn và trở lại các hoạt động thể thao. Chỉ thực hiện những hoạt động liên quan nâng, kéo và đẩy khi bác sĩ cho phép.
Những biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật:
- Đau và cứng khớp
- Vết thương khó lành
- Vết thương bị nhiễm trùng và chảy máu
- Cục máu đông
- Tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh
- Phản ứng với thuốc mê
Điều trị
Tiến hành sơ cứu nếu có nghi ngờ gãy xương đòn. Điều này giúp giảm nguy cơ di lệch và tổn thương thêm do xương đòn bị gãy. Sau khi sơ cứu, gọi nhân viên y tế hoặc di chuyển bệnh nhân đến bệnh viện để được điều trị y tế đúng cách.
+ Sơ cứu
Nếu có dấu hiệu gãy xương đòn, hãy thực hiện những bước dưới đây ngay lập tức:
- Dừng mọi hoạt động đang thực hiện
- Đặt cánh tay vào một chiếc dây đeo để giữ cố định, ngăn xương di chuyển. Có thể dùng một mảnh vải từ áo hoặc khăn tắm để tạo thành một chiếc địu, quấn quanh cánh tay và buộc vào sau gáy.
- Đặt một túi đá lên vùng bị thương để giảm sưng và đau.
- Dùng một loại thuốc không kê đơn như Acetaminophen, Naproxen hoặc Ibuprofen để giảm nhẹ cơn đau.
+ Điều trị y tế
Điều trị y tế dựa vào vị trí, kiểu gãy, mức độ di lệch của mảnh xương và những tổn thương liên quan. Bệnh nhân có thể được điều trị không phẫu thuật hoặc phẫu thuật.
1. Điều trị không phẫu thuật
Bệnh nhân được điều trị không phẫu thuật khi những đầu xương gãy không dịch chuyển đáng kể ra khỏi vị trí của nó. Các phương pháp được thực hiện có thể giúp xương đòn lành lại mà không cần phẫu thuật.
- Hỗ trợ cánh tay: Sau khi gãy tay, dùng một chiếc băng đeo đơn giản để nâng đỡ cánh tay, giữ cho vai và tay ở vị trí tốt trong khi xương đòn lành lại. Điều này giúp tạo sự thoải mái, xương đòn lành lại đúng cách.
- Thuốc: Acetaminophen hoặc một loại thuốc giảm đau khác có thể được dùng để giảm triệu chứng.
- Vật lý trị liệu: Bệnh nhân được hướng dẫn duy trì chuyển động của cánh tay để giữ tính linh hoạt, ngăn ngừa tình trạng cứng vai và khuỷu tay. Ban đầu, các bài tập chuyển động khuỷu tay nhẹ nhàng sẽ được hướng dẫn. Khi xương bắt đầu lành lại và đau giảm, bệnh nhân được thực hiện các bài tập chuyển động vai nhẹ nhàng kết hợp các bài tập tăng cường, có độ khó tăng dần khi vết gãy đã lành hoàn toàn. Điều này giúp phục hồi sức mạnh, ngăn ngừa tình trạng yếu cơ và cứng khớp.
2. Điều trị phẫu thuật
Bác sĩ đề nghị phẫu thuật nếu gãy xương đòn có di lệch nhiều, gãy vụn. Phương pháp này gồm việc đặt lại vị trí của những mảnh gãy và cố định bên trong thông qua vết mổ.
Trong quá trình thực hiện, bác sĩ tạo một vết mổ ở xương ảnh hưởng. Sau đó đặt những mảnh xương gãy vào vị trí bình thường. Những mảnh xương này sẽ được giữ cố định bằng những thiết bị kim loại đặt biệt. Cụ thể:
- Tấm và ốc vít: Các tấm kim loại và ốc vít đặc biệt được gắn vào bề mặt bên ngoài của xương. Điều này giúp giữ những mảnh xương gãy ở vị trí đúng. Khi xương đã lành, tấm và ốc vít có thể được tháo ra nếu chúng gây khó chịu.
- Ghim hoặc ốc vít: Sau khi những đầu xương đã được đặt lại vào đúng vị trí, ghim hoặc ốc vít đặc biệt có thể được dùng để giữ chỗ gãy ở vị trí tốt. Chúng thường được tháo ra sau khi vết gãy đã lành.
Sau phẫu thuật, bệnh nhân được yêu cầu dùng thuốc giảm đau không kê đơn và chườm đá để giảm đau. Nếu không hiệu quả, một loại thuốc kê đơn và có hoạt chất mạnh hơn sẽ được sử dụng, chẳng hạn như thuốc giảm đau nhóm opioid.
Khi xương bắt đầu lành và đau giảm, bệnh nhân bắt đầu phục hồi chức năng với những bài tập nhẹ nhàng. Sau đó dần bổ sung những bài tập tăng cường sức mạnh để phục hồi hoàn toàn.
Phòng ngừa
Một số biện pháp dưới đây có thể hạn chế gãy xương đòn:
- Mặc đồ bảo hộ khi chơi thể thao.
- Đảm bảo đúng kỹ thuật khi chơi thể thao hoặc thực hiện những hoạt động khác.
- Luôn thắt dây an toàn và chú ý quan sát khi lái xe.
- Bổ sung đầy đủ canxi bằng chế độ ăn uống phù hợp và cân bằng. Điều này giúp giữ cho xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Tôi bị gãy xương gì? Có nghiêm trọng không?
2. Phương pháp điều trị thích hợp và phổ biến nhất là gì?
3. Mất bao lâu để xương lành lại hoàn toàn?
4. Khi nào có thể bắt đầu sử dụng cánh tay?
5. Khi nào có thể trở lại các hoạt động bình thường và chơi thể thao?
6. Tôi có cần thay đổi một chương trình tập luyện hoặc môn thể thao khác hay không?
7. Lợi ích và những rủi ro của các phương pháp điều trị là gì?
Gãy xương đòn là một loại gãy xương thường gặp. Hầu hết các trường hợp đều có xương lành lại mà không gặp khó khăn. Tuy nhiên gãy nặng có thể gây ra một số biến chứng. Tốt nhất nên sớm gặp bác sĩ để được chỉ định điều trị, đảm bảo xương lành lại đúng cách.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!