Gãy Xương Ức
Gãy xương ức thường gặp ở những người bị chấn thương ngực nặng. Vết gãy hình thành trong tai nạn xe cộ, khi phần ngực va đập mạnh vào bảng điều khiển hoặc vô lăng.
Tổng quan
Gãy xương ức là thuật ngữ chỉ tình trạng nứt hoặc gãy xương dài và phẳng ở giữa ngực, được gọi là xương ức. Hầu hết các trường hợp có thể tự lành mà không cần phải phẫu thuật.
Xương ức nối xương sườn thông qua sụn. Nó tạo thành mặt trước của lồng xương sườn, có chức năng bảo vệ các mạch máu lớn và những cơ quan quan trọng gồm tim và phổi.
Gãy xương ức thường xảy ra trong tai nạn xe cộ, khi ngực đập mạnh vào bảng điều khiển hoặc vô lăng. Đôi khi chấn thương xảy ra do thắt dây an toàn. Gãy xương ức chiếm từ 5 - 8% trường hợp bị chấn thương ngực nặng.
Phân loại
Gãy xương ức được phân loại dựa trên mức độ di lệch.
- Gãy xương không di lệch (ổn định): Xương ức bị gãy ở vị trí tốt, không bị di chuyển khỏi vị trí của nó.
- Gãy xương di lệch (gãy không ổn định): Xương ức bị gãy không thẳng hàng, những mảnh xương gãy đã bị lệch hoặc di chuyển khỏi vị trí của nó.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Gãy xương ức xảy ra khi có một vật gì đó đập mạnh vào ngực với lực rất lớn, thường do những nguyên nhân dưới đây:
- Tai nạn xe cộ (nguyên nhân phổ biến nhất). Khi không thắt dây an toàn, ngực của người lái xe có thể bị ném về phía trước và va đập vào vô lăng. Chấn thương cũng có thể xảy ra khi thắt dây an toàn mà không có dây đai ở đùi. Chấn thương do thắt dây an toàn trong tai nạn xe hơi được gọi là hội chứng thắt dây an toàn.
- Chấn thương thể thao, thường gặp ở những người chơi các môn thể thao có tác động mạnh, chẳng hạn như bóng đá
- Hồi sức tim phổi (CPR). Tình trạng này thường gây gãy xương sườn đồng thời
- Rơi từ một độ cao đáng kể
- Tấn công vật lý.
Nguyên nhân khác:
- Gãy xương do căng thẳng: Vết nứt xảy ra khi lặp đi lặp lại những hoạt động gây căng thẳng cho xương ức. Tình trạng này thường gặp ở những vận động viên cử tạ, chơi gôn hoặc chơi những môn thể thao cần luyện tập nhiều ở phần thân trên.
- Uốn cong đột ngột: Trong một số trường hợp, xương ức bị gãy khi phần ngực của bạn đột ngột bị uốn cong mà không có tác động.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ:
- Bệnh loãng xương khiến xương yếu và mỏng hơn bình thường
- Gù lưng
- Thiếu xương (tình trạng này gây mất xương ít nghiêm trọng hơn so với loãng xương)
- Người trên 50 tuổi
- Dùng steroid trong thời gian dài
- Phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh
Triệu chứng và chẩn đoán
Phần giữa (trung tâm) và phần trên của xương ức là những phần dễ gãy nhất. Tuy nhiên hầu hết trường hợp có vết gãy hình thành ngay dưới góc xương ức.
Khi bị gãy xương ức, người bệnh sẽ có những triệu chứng dưới đây:
- Đau ngực
- Đau khi xảy ra tai nạn
- Đau từ trung bình đến nặng
- Đau trở nên tồi tệ hơn khi hắt hơi, ho hoặc hít một hơi thật sâu
- Đau khi chạm vào vùng trên xương ức
- Nghe thấy tiếng lạo xạo khi xương gãy cọ xát vào nhau
- Hụt hơi (cảm thấy không có đủ không khí khi thở)
- Bầm tím và sưng tấy ở ngực
- Vết gãy di chuyển khi người bệnh thở
- Xương ức bị uốn cong hoặc biến dạng
Trong khi thăm khám, bệnh nhân được kiểm tra kỹ lưỡng vùng ngực. Nếu có dấu hiệu gãy xương ức hoặc chấn thương ngực, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh, thường bao gồm:
- Chụp X-quang ngực: Kỹ thuật này giúp bác sĩ nhìn thấy vết nứt của xương ức, xác định mức độ di lệch của xương. Chụp X-quang cũng giúp kiểm tra xem xương gãy có làm tổn thương đến những mô khác hay không.
- Chụp CT: Chụp cắt lớp vi tính (CT) thường được thực hiện để đánh giá thêm về chấn thương ngực, phát hiện bất kỳ tổn thương nào không được nhìn thấy sau chụp X-quang.
- Điện tâm đồ: Chấn thương tim thường xuất hiện đồng thời với gãy xương ức. Chính vì vậy điện tâm đồ sẽ được thực hiện để theo dõi hoạt động và chức năng của tim.
Biến chứng và tiên lượng
Gãy xương ức gây đau đớn nhiều khi hít thở sâu, ho và cười. Điều này khiến người bệnh hít thở sâu ít hơn, di chuyển ít hơn bình thường, thường xuyên tránh cười và ho. Lâu ngày chất lỏng đọng lại trong phổi dẫn đến nhiễm trùng ngực.
Ngoài ra việc hạn chế vận động sau gãy xương ức có thể làm tăng nguy cơ phát triển những biến chứng dưới đây:
- Cứng khớp
- Viêm quanh khớp vai
- Hình thành cục máu đông
Hầu hết mọi người có thể phục hồi hoàn toàn mà không cần nẹp hoặc phương pháp điều trị khác. Khi sớm được kiểm soát triệu chứng, người bệnh có thể tránh khỏi những di chứng lâu dài khi gãy xương ức.
Xương ức thường lành lại và hết đau trong vòng 3 tháng, lâu hơn ở những người được điều trị bằng phẫu thuật. Tuy nhiên cần đến 1 năm để trở lại các hoạt động thể chất.
Điều trị
Điều trị gãy xương ức dựa vào những yếu tố sau:
- Mức độ di lệch của xương gãy
- Thương tích đi kèm
Phần lớn bệnh nhân được điều trị bảo tồn (không phẫu thuật). Nhưng nếu xương lệch nghiêm trọng, phẫu thuật sẽ được thực hiện.
1. Điều trị không phẫu thuật
Việc điều trị chủ yếu bao gồm sử dụng thuốc, hạn chế cử động.
- Thuốc: Bệnh nhân được sử dụng thuốc giảm đau như NSAID để giảm bớt cảm giác khó chịu. Những trường hợp đau nặng hơn có thể được cân nhắc sử dụng opioid vài ngày. Khi đau giảm, người bệnh có thể di chuyển và thực hiện hoạt động thường ngày
- Hạn chế cử động: Tránh những cử động hoặc hoạt động có thể ảnh hưởng nhiều đến xương ức. Điều này giúp xương gãy không bị lệch và lành lại đúng cách.
2. Điều trị phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp bị lệch ở vị trí nghiêm trọng (xương ức bị gãy không xếp thẳng hàng), xương bị lệch khỏi vị trí khi di chuyển bình thường và gãy xương rất đau. Trong thủ thuật, bác sĩ đưa xương lệch về đúng vị trí và cố định chúng đến khi lành lại.
Trong trường hợp gãy xương làm cản trở hô hấp, bệnh nhân có thể cần đặt nội khí quản và thở máy. Nếu gãy xương do căn bệnh tìm ẩn (như ung thư), người bệnh được thực hiện các phương pháp điều trị thích hợp để cải thiện cơn đau do gãy xương.
Phòng ngừa
Những biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ gãy xương ức:
- Luôn thắt dây an toàn.
- Thận trọng trong sinh hoạt.
- Tránh những hoạt động có thể gây té ngã hoặc va đập mạnh ở vùng ngực, chẳng hạn như đứng trên các đồ vật không chắc chắn.
- Thường xuyên thăm khám nếu trên 50 tuổi hoặc có nguy cơ loãng xương. Ngoài ra cần điều trị tốt những bệnh lý khiến xương yếu và gãy.
- Dùng gậy hoặc khung tập đi nếu chân yếu và khó đi lại. Điều này giúp giảm nguy cơ té ngã.
- Tập thể dục thường xuyên và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Điều này giúp duy trì sự dẻo dai và xương chắc khỏe.
- Đảm bảo bổ sung đủ hàm lượng canxi và vitamin D thiết yếu (dựa trên độ tuổi). Điều này giúp giữ cho xương chắc khỏe, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương. Canxi và vitamin D được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như sữa, sữa chua, trứng, phô mai, đậu phụ... Những người bị thiếu xương hoặc loãng xương nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng thuốc, chẳng hạn như các thuốc bổ sung canxi.
Những câu hỏi quan trọng khi gặp bác sĩ
1. Chấn thương của tôi có nguy hiểm không?
2. Tôi bị gãy xương ức hay có một tình trạng nghiêm trọng khác?
3. Phương pháp điều trị nào sẽ được chỉ định?
4. Tôi có cần phẫu thuật sửa chữa hay không?
5. Mất bao lâu để xương ức lành lại?
6. Khi nào tôi có thể trở lại hoạt động thể chất bình thường?
7. Lợi ích và rủi ro của các phương pháp điều trị là gì?
Hầu hết trường hợp gãy xương ức không cần phẫu thuật. Nhưng nếu không điều trị đúng cách, xương ức có thể tổn thương thêm và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Ngay khi bị thương, người bệnh cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách điều trị hiệu quả nhất.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!